Định hướng phát triển ngành khai thác và chế biến quặng Apatit Giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo
Ngoài việc sử dụng để sản xuất phân bón thông thường như supe lân, lân nung chảy, hiện nay apatit đang được nghiên cứu đưa vào sử dụng để sản xuất phốt pho vàng, axit phốtphoríc, phân bón chất lượng cao DAP, muối canxi phốt phat để sản xuất thức ăn gia xúc…
Hiện nay Công ty Apatit Việt Nam đang sản suất và cung cấp đầy đủ các loại quặng apatit với sản lượng >1 triệu tấn/ năm cho các đơn vị bạn như Công ty Supe Phốt Phát và hóa chất Lâm Thao, Công ty Phân lân Văn Điển, Công ty Phân lân Ninh Bình, Công ty Phân Bón Miền Nam để sản xuất phân bón. Ngoài ra còn cung cấp quặng cho Công ty Cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang, Công ty hóa chất cơ bản miền nam để sản xuất phốt pho vàng. Đến năm 2007, sẽ có thêm một hộ sản xuất phốt pho nữa ra đời.
Năm 2005 và đầu năm 2006 do cước phí vận chuyển tăng, do giá nhiên liệu cao và việc hạn chế xuất khẩu quặng apatit của Trung Quốc thị trường cugn cấp quặng apatit cho khu vực Châu Á bị ảnh hưởng. Nhiều đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo… đã đến Công ty đặt quan hệ để mua quặng hoặc tham gia liên doanh, liên kết với Công ty, góp vốn để xây dựng nhà máy tuyển quặng apatit, nhằm tạo nguồn nguyên liêu để đối tác có thể xây dựng nhà máy DAP, muối can xi phốt phát tại Lào Cai. Điều đó đã và đang mở ra triển vọng mới cho công ty trong việc tận dụng các nguồn quặng nghèo, tạo ra sự tăng trưởng kinh tế trong các năm tới.
Bộ Công nghiệp đã có quyết định đồng ý cho Công ty được phép xuất khẩu quặng tuyển apatit ra nước ngoài từ nay đến hết năm 2010.
Đối tượng quan trọng nhất mà Công ty đang tập trung giải quyết là Nhà máy DAP Đình Vũ - Hải Phòng do Tổng Công ty hóa chất Việt Nam đầu tư. Theo lộ trình phát triển thì cuối năm 2007, đầu năm 2008 nhà máy sẽ đi vào hoạt động với công suất thiết kế là 330.000 tấn DAP/năm. Với sản lượng như trên thì Công ty Apatit Việt Nam sẽ cung cấp cho nhà máy mỗi năm gần 600.000 tấn quặng tuyển hàm lượng 33% P 2O 5và độ ẩm 15%.
Nhu cầu của thị trường được nêu ở trên đặt ra cho Công ty Apatit Việt Nam những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, đó là:
1. Đảm bảo cung cấp đầy đủ các loại quặng cho sản xuất phân bón và hóa chất trong nước. Cân đối sản lượng, tận dụng năng lực sản xuất hiện có để có thể xuất khẩu môt khối lượng hợp lý từ nay đến 2010, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng và hiệu quả của công ty.
2. Tập trung cho công tác đầu tư phát triển để đáp ứng nhu cầu quặng apatit cho giai đoạn sau 2010, trước mắt là biện pháp để cung cấp đủ cho nhà máy DAP vào đầu năm 2008.
Từ nhiệm vụ kế hoạch hàng năm đã hoạch định, để đáp ứng nhu cầu thị trường. Công ty Apatit Việt Nam sẽ phải triển khai các giải pháp cụ thể như sau:
1. Công tác chuẩn bị khai trường
Theo tiến độ khai thác, các khai trường Công ty đang triển khai đến sau năm 2010 thì lượng quặng 1 sẽ được khai thác hết, chỉ còn loại quặng 3 nghèo đưa vào các nhà máy tuyển
Để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh trên cơ sở cân đối điều hòa giá thành các loại quặng 1,2, quặng tuyển thì trong giai đoạn này phải tiến hành các công tác chuẩn bị khai trường, bao gồm:
* Thăm dò nâng cấp trữ lượng các khai trường còn lại khu Bắc Nhạn Sơn, khai trường Làng Phúng, Phú Nhuận…
* Triển khai thiết kế khai thác quặng 2 khu vực Mỏ Cóc, thiết kế đưa vào hoạt động lần lượt các khai trường Bắc Nhạn Sơn như khai trường 12,20,22,23,25.
Công tác thănm dò tỉ mỉ, lập thiết kế khai thác cần nhiều chi phí và nhất là thời gian. Vì vậy cần phải tiến hành kéo dài trong giai đoạn 2006-2010.
2. Để đáp ứng đủ quặng tuyển, nhất là đến thời điểm 2008 sản lượng tăng đột biến (cho DAP), thì Công ty sẽ phải tiếp tục có chương trình đầu tư mở rộng công suất như nhà máy tuyển.
Hiện nay Nhà máy Tuyển Tằng Loỏng mới hoạt động 1 dây chuyền công suất 400.000 tấn/năm. Như vậy nhiệm vụ đặt ra là năm 2006-2007 phải tập trung dự án nâng công suất tuyển Tằng Loỏng chạy 2 dây chuyền. Sản lượng sẽ tăng lên khoảng 700.000 tấn/năm.
Cùng với một số biện pháp phối hợp khác như kế hoạch sản suất dự trữ quặng tuyển hoặc tăng cường thêm sản lượng khai thác quặng 1 để cung cấp cho các hộ tiêu thụ khác, ưu tiên dành quặng tuyển cho nhà máy DAP thì đến năm 2008 có đủ quặng cung cấp cho nhà máy.
Khi triển khai mở các khai trường Bắc Nhạn Sơn sẽ đáp ứng được nhu cầu sản xuất quặng 1 sau 2010. Tuy nhiên, lượng quặng 3 nghèo ở đây rất lớn, trong khi cự ly vận chuyển về nhà máy tuyển Tằng Loỏng quá xa. Vì vậy bên cạnh các giải pháp trên thì vẫn phải đầu tư thêm Nhà máy tuyển Bắc Nhạn Sơn có công suất 300-400 nghìn tấn/ năm.
Phần kết luận:
Mỏ apatit có rất nhiều đặc thù, các khai trường có trữ lượng nhỏ, lại phân bố kéo dài. Việc tổ chức khai thác phải tiến hành đồng bộ với việc bố trí địa điểm nhà máy tuyển và lựa chọn công suất hợp lý.
Do những điều kiện lịch sử trước đây để lại đã tạo ra sự mất cân đối giữa khu vực cung cấp quặng đầu vào với vị trí và công suất các nhà máy tuyển.
Giải được bài toán cho chiến lược tổng thể phát triển lâu dài của Công ty Apatit Lào Cai để đạt được hiệu quả tối ưu đều là nhiệm vụ của tập thể CBCN Công ty, các cơ quan tư vấn và cơ quan quản lý cấp trên.
Nhưng dù sao, mục tiêu cung cấp đầy đủ các loại quặng cho các nhà máy, phục vụ phát triển nền kinh tế nông nghiệp cho đất nước là nhiệm vụ chính trị mà tập thể CBCN Công ty quyết tâm thực hiện bằng được.