Diệt mối tận gốc
Thế giới người ta đã thống kê được khoảng 2700 loài mối khác nhau, ở nước ta đến nay cũng giám định được trên 120 loài. Hơn 40 năm về trước, tại Viện KHLN đã thực thi đề tài phòng chống mối cho nhà cửa, kho tàng. Nếu làm như “truyền thống” là đào bới khu vực có tổ mới, rồi đổ hoá chất thì sẽ chẳng có bước tiến nào bởi cách làm ấy đã bộc lộ nhiều nhược điểm, như hiệu quả thấp do rất khó tìm chính xác vị trí tổ mối, vả lại nhiều khi diệt được tổ này còn tổ khác trong khu vực… Lúc đó KS Nguyễn Chí Thanh còn khá trẻ và ông nung nấu ý tưởng tìm đến cách diệt mối mới là dựa vào chính đặc tính sinh học của loài côn trùng xã hội này. Thời đó những thông tin khoa học kỹ thuật, trong nước, quốc tế có rất ít. Năm 1961, Nhà xuất bản Khoa học đã ấn hành cuốn sách mỏng vỏn vẹn có 32 trang “Phương pháp trị mối” của Lý Thuỷ Mỹ. Tác giả từng được tôn vinh là “Vua mối” và trong phong trào trăm hoa đua nở của bạn, ông đã cống hiến những kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn phòng trừ mối cho 5000 gian nhà, diệt trên 3000 tổ mối. Về sau, vào những năm 1966 – 1970 khi đề tài nghiên cứu của Nguyễn Chí Thanh thành công, áp dụng rất tốt trên nhiều công trình nhà cửa, kho tàng lớn ở miền Bắc, có người cho rằng ông đã “cóp” nguyên xi phương pháp của Lý Thuỷ Mỹ chứ không có bài bản gì mới. Song thực tiễn đã bác bỏ nhận định có phần võ đoán này và khẳng định tính sáng tạo của “Vua mối Việt Nam ”. Cách làm của Lý Thuỷ Mỹ dựa trên nguyên tắc là tìm tổ mối trước nên ông đã đúc kết ra 13 kinh nghiệm cụ thể, sau đó dùng thuốc bột phun thẳng vào nóc tổ gây sự lây nhiễm độc cho cả tổ. Còn Nguyễn Chí Thanh lại đặt vấn đề khác hẳn, không cần biết tổ mối ở vị trí cụ thể nào, chỉ cần đặt những mồi nhử ở khu vực xuất hiện để tập trung một lượng mối nhất định, rồi phun thuốc bột, thuốc không làm mối chết ngay mà mang về sẽ xoá sổ toàn tổ. Đấy chính là phương pháp diệt mối tận gốc đơn giản, hiệu quả đã được phổ biến rộng rãi đến ngày hôm nay. Sau này khi làm luận án TS về đề tài này, Nguyễn Chí Thanh còn làm sáng tỏ trên phương diện lý thuyết, chính tập tính xã hội, có phần công chức năng riêng ở mối, đã làm số ít những con mối bị phun thuốc gây nhiễm độc, phá vỡ hệ cân bằng sinh thái của cả tổ. Nếu như bí quyết dẫn tới thành công trong nghiên cứu khoa học là cần tìm được con đường ngắn nhất để đạt được mục đích, thì với sáng tạo này, mặc dù đi sau, nhưng “Vua mối” của Việt Nam đã vượt xa đề xuất ban đầu của “Vua mối” Trung Quốc (ông Lý về thực chất chỉ là một nông dân ở tỉnh Quảng Đông, có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống mối). Theo thời gian, Nguyễn Chí Thanbh còn bổ sung thêm nhiều cải tiến khác, có các quy trình phòng diệt mối riêng cho từng loài, như với mối nhà (Coptermes formasanus shis), mối gỗ thô (Cryptotermes domesticus), mối hại đê điều (Odontotermes hainanensis)… Và để giảm thiểu tác hại có thể có cho môi trường ông đã chủ động thay bột bằng một loại hoá chất khác ít độc hại hơn mà vẫn có tác dụng gây nhiễm độc tổ mối.
Ngay sau khi thành công trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu của Nguyễn Chí Thanh đã được các cơ quan Nhà nước tới tấp đặt hàng. Từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, hàng loạt những công trình quan trọng ở thủ đô Hà Nội như: Hội trường Ba Đình, Phủ Chủ tịch, nhà sàn Bác Hồ, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Kho sách thư viện Quốc gia… đã được phòng chống mối theo phương pháp mới, đạt hiệu quả rất cao. Chính nhờ những thành công nổi bật trong nghiên cứu ứng dụng, TS Thanh đã được nhận Huân chương lao động hạng ba, cùng nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều năm ông là chiến sĩ thi đua của ngành lâm nghiệp và phòng bảo quản lâm sản do ông đứng đầu cũng hàng chục năm liên tục là Tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Đến thời mở cửa, kinh tế thị trường, phương pháp diệt mối lây truyền của ông càng có điều kiện “bung ra”, được phổ biết sâu rộng trong phạm vi cả nước.
Ngày nay dù đã ở tuổi ngoài bẩy mươi, TS Nguyễn Chí Thanh vẫn tham gia tích cực vào những hoạt động xã hội, nghề nghiệp. Hiện ông là giám đốc Trung tâm phát triển công nghệ lâm sản có trụ sở tại 111 Láng Hạ, Hà Nội và Trung tâm này là một trong những cơ sở hoạt động có hiệu quả nhất của Hội KHKT lâm nghiệp Việt Nam.