Di sản văn hoá chữ viết Việt Nam
Chữ viết, một phương tiện giao tiếp quan trọng của con người, có lịch sử trên dưới 6000 năm. Nhờ có chữ viết mà loài người đã tiến vào giai đoạn phát triển nhảy vọt với những bước tiến khổng lồ. Có thể khẳng định không có chữ viết thì không có nền văn minh hiện đại. “Con người từ xa xưa đã có nhu cầu lưu giữ, truyền đạt ý nghĩ, tình cảm, tâm tư, kinh nghiệm sản xuất và đấu tranh v.v.. từ nơi này qua nơi khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chữ viết được sáng tạo ra nhằm thoả mãn nhu cầu đó”(1). Có thể coi chữ viết là bạn đồng hành, là một biểu hiện của ngôn ngữ; là biểu tượng hoạt động tinh thần trí tuệ của con người; là linh hồn của một nền văn hóa; là phương tiện giao tiếp, trao đổi sâu sắc, tế nhị nhất trong xã hội; là phương tiện cố kết xã hội, phương tiện lưu giữ, truyền đạt thông tin, ngôn ngữ và các kinh nghiệm của con người trong thời gian và không gian. Quá trình hình thành chữ viết là quá trình phát triển văn minh nhân loại. Ý nghĩa văn hóa của chữ viết không chỉ biểu hiện ở chỗ nó là biểu tượng trí tuệ của con người mà còn thể hiện ở ngay phương thức thể hiện chữ viết đó. Nếu như các hình vẽ sơ khai ban đầu là đơn lẻ và phức tạp thì chữ viết ngày càng được cải tiến cách thể hiện, dần hình thành công nghệ viết chữ, từ chữ giản thể đến con chữ rời (hoạt tự), dẫn đến sự xuất hiện của nghề in (in ván khắc và in chữ rời khoảng thế kỷ thứ III) và từ thế kỷ thứ XV, công nghệ in hiện đại, với máy in chữ rời của Johannes Gutenberg (người Đức), ra đời. Việt Nam là nước từ xa xưa đã có sách vở và hiền tài (có văn hiến), có văn hóa, và đã tự khẳng định bằng chính nền văn hóa của mình. Chữ Hán theo con đường giao lưu văn hóa đã có mặt ở nước ta rất sớm, nhưng phải từ sau Công nguyên mới trở thành phương tiện ghi chép và truyền thông của người Việt. Hầu như trong thiên niên kỷ I chữ Hán được coi là phương tiện duy nhất để ghi chép và truyền bá thông tin. Nhưng trong khoảng 1000 năm Bắc thuộc ấy, hiện chưa tìm được cuốn sách nào cả. Những điều khẳng định về chữ Hán ở Việt Nam chủ yếu dựa vào kết quả khai quật các di chỉ, nhất là trong các mộ cổ của người Việt hoặc theo ghi chép trong các thư tịch cổ của Trung Hoa. Từ thế kỷ XI trở đi, cùng với chữ Hán, chữ Nôm xuất hiện. Sự ra đời của chữ Nôm cho thấy dù có sức sống đến đâu, chữ Hán vẫn là chữ ngoại lai, lúng túng trước nguyện vọng ghi chép trực tiếp, diễn đạt lời ăn tiếng nói, tâm tư tình cảm của bản thân người Việt. Quá trình xuất hiện của chữ Nôm chính là quá trình dân tộc hóa cái ngoại sinh trong văn hóa (2), có thể chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn 1, tạm gọi là giai đoạn “đồng hóa chữ Hán”, tức là dùng ngay chữ Hán để phiên âm các từ Việt. Các từ đó thường là tên người, tên đất, tên cây cỏ, đồ vật và các từ đó xuất hiện lẻ tẻ lẫn trong các văn bản Hán. Giai đoạn 2, tạm gọi là giai đoạn “ chế tác chữ Nôm” trên cơ sở đã tích luỹ kinh nghiệm trong giai đoạn đồng hóa chữ Hán. Giai đoạn này từ sau khi nước Đại Việt bước vào xây dựng nền độc lập tự chủ, tức là khoảng từ thế kỷ thứ XI trở đi, đặc biệt là vào các thời Lý - Trần - Hồ. Chế tác chữ Nôm là dùng các yếu tố của chữ Hán để ghi âm Việt ngày càng sát đúng với tiếng Việt và càng hoàn thiện hệ thống mẫu tự. Các tác phẩm Nôm Thiền tông bản hạnh, Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Vịnh Hoa Yên tự phú là chứng tích về sự phát triển của một hệ thống chữ mới khác chữ Hán - chữ Nôm của người Việt. Giai đoạn 3 là giai đoạn “hoàn chỉnh chữ Nôm”. Chữ Nôm dần chiếm được ưu thế cả về số lượng tác phẩm và vị trí. Có những thời kỳ chữ Nôm được dùng làm văn tự hành chính thay cho chữ Hán như cuối thế kỷ XVIII và người dùng văn bản Nôm làm văn bản hành chính chính thức là Bảng nhãn Phó sứ Lê Quý Đôn để báo cáo về chuyến đi sứ Trung Quốc vào năm 1762. Thời kỳ Quang Trung cũng là thời kỳ chữ Nôm chiếm vị trí số một trong quốc tự. Mảng văn học Nôm gồm tiểu thuyết và thơ Nôm là mảng văn học không thể thiếu mỗi khi nói đến văn học Việt Nam . Chữ Nôm có vị trí quan trọng bên cạnh chữ Hán và thuật ngữ Hán Nôm là chính thống để chỉ di sản văn hóa chữ viết Việt Nam trong cả giai đoạn lịch sử hàng ngàn năm. Sự phát triển của thư tịch Hán Nôm còn kéo dài suốt mấy thế kỷ sau cho đến khi người phương Tây vào Việt Nam mang theo ảnh hưởng của ngữ hệ La tinh và văn hóa Tây phương. Chữ viết Việt Nam có những sự biến đổi. Từ cuối thế kỷ XVI, để thực hiện công cuộc truyền đạo của mình, các thày tu Gia tô giáo là Adverte, Buyzom Bory, Amazan, Barboza đã chọn một giải pháp thông minh và đầy hiệu quả là học ngôn ngữ của người Việt bản xứ và trên cơ sở đã hiểu tiếng nói người Việt và dùng hệ chữ cái La tinh để ghi lại. Từ đó chữ Việt - La tinh dần dần hình thành với các tác phẩm công cụ đầu tiên là Từ vựng An nam - Bồ đào và Từ vựng Bồ đào - An nam nhưng chưa được in. Giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes tục gọi là Cố Tràng đã làm việc san định Từ điển An nam - Bồ đào và Latinh, xuất bản đầu tiên vào năm 1561. Ngoài ra cũng trong năm 1561, De Rhodes còn xuất bản cuốn sách Phép giảng tám ngày. Đây là cuốn sách viết và in bằng chữ Việt Nam hiện đại (còn gọi là chữ quốc ngữ) đầu tiên ở nước ta. Tất nhiên sau này chữ quốc ngữ còn được bổ sung, cải tiến nhiều lần, đặc biệt là chữ do Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) tiếp thu và tổng kết rất nhiều kinh nghiệm của các giáo sĩ đi trước mà san định lại. Tuy được hình thành sớm, từ giữa thế kỷ XVII, nhưng chữ quốc ngữ chưa được sử dụng rộng rãi. Khi phong trào Duy Tân, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đầu thế kỷ XX đã cổ xúy mạnh mẽ cho việc dùng chữ quốc ngữ, cùng với việc nhà nước bảo hộ Pháp bãi bỏ khoa thi chữ Hán vào năm 1919, thì chữ quốc ngữ mới chiếm vị trí độc tôn và phát triển. Song song với chữ Hán Nôm và chữ quốc ngữ, một số dân tộc anh em ở Việt Nam còn có chữ viết riêng của mình. - Khoảng thế kỷ II, người Chăm pa đã có chữ viết riêng: Chữ Sancrit thuộc hệ ngôn ngữ Nam Ấn. Tuy đến nay sách vở bằng chữ này chưa tìm lại được nhưng theo các bia ký tại Bảo tàng Chăm (Đà Nẵng), Khu di tích Mỹ Sơn và một số tháp Chàm tại miền Trung Việt Nam thì trình độ phát triển của chữ Sancrit đã khá cao. Hiện nay Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ trên 200 thác bản bia chữ Sancrit. - Chữ Pali của người Khơme Nam Bộ cũng thuộc ngữ hệ này nhưng vào Việt Nam muộn hơn. Theo tài liệu của Thư viện tỉnh Sóc Trăng thì vốn tài liệu “Sách lá”(3) viết bằng chữ Pali còn khá nhiều tại các chùa Khơme, ví dụ chùa Salôn còn giữ trên 6000 trang sách lá. Hầu hết các chùa Kơme hiện nay đều còn các “cuốn sách” bằng chữ Pali. Chữ Thái có lịch sử từ lâu đời, khoảng thế kỷ thứ XIII. Đây là chữ viết của cộng đồng người tương đối đông so với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam . Điều đáng lưu ý là hiện nay còn giữ được khá nhiều sách Thái cổ. Trong kho địa chí tỉnh Sơn La, sách chép tay bằng chữ Thái là 2.127 cuốn. Sách được chế tác bìa bằng da thú, vải hoặc giấy bồi, ruột sách bằng giấy dó, giấy bổi, đóng bằng dây rừng hoặc ruột mèo, viết chữ Thái cổ, với nội dung rất phong phú từ lịch pháp thiên văn, bói toán, cúng tế, phong tục, dân ca... Bên cạnh vốn sách Thái còn có một ít sách chữ Dao, đó là “dùng chữ Hán theo lối chữ Nôm của người Kinh” (4). Tóm lại, hai hệ thống chữ chính của lịch sử chữ viết Việt Nam là chữ biểu ý: chữ Hán, chữ Nôm và chữ biểu âm: chữ La tinh, chữ Việt hiện đại (chữ quốc ngữ). Về hình thức biểu hiện của chữ viết, cho đến nay, có thể quy lại 4 loại như sau: - Thư tịch (sách vở) là nguồn di sản văn hóa chữ viết đồ sộ, cơ bản nhất. với các sách bằng chữ Hán Nôm, chữ quốc ngữ, chữ dân tộc... - Văn khắc, bao gồm các loại bia minh câu đối, hoành phi, đại tự… có hàng chục ngàn thác bản. Đây cũng là một tài nguyên vô cùng quý giá của văn hóa dân tộc. - Hồ sơ lưu trữ. Hiện chúng ta chỉ còn giữ được từ các châu bản triều Nguyễn cho tới nay. Với tất cả hệ thống lưu trữ trong cả nước, bao gồm lưu trữ nhà nước, lưu trữ Đảng và các đoàn thể chính trị, lưu trữ ngành và địa phương, chúng ta có hàng triệu triệu trang hồ sơ cả in và viết tay. Đây thực là nguồn di sản văn hóa chữ viết cần được tổ chức, bảo quản và khai thác tốt nhất. - Báo chí và các ấn phẩm định kỳ khác. Theo công trình Thư tịch báo chí Việt Nam thì có khoảng trên 3000 tên báo và tạp chí từ khi nước ta có tờ báo đầu tiên đến nay với hàng nhiều triệu trang in. Tất cả di sản văn hóa chữ viết đó hiện đang được lưu trữ trong các cơ quan thư viện, lưu trữ trên toàn cõi Việt Nam bao gồm: - Hệ thống Thư viện công cộng, bao gồm Thư viện Quốc gia Việt Nam, 64 thư viện tỉnh, thành phố, trên 600 thư viện huyện thị và các tủ sách cơ sở; Hệ thống thư viện đa ngành, chuyên ngành với tổng số khoảng 26.000 thư viện, lưu trữ trên 100.000.000 bản sách. - Hệ thống tài liệu thuộc diện lưu trữ của cơ quan Đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương. Điều đáng quan tâm là chúng ta đã hình thành bộ sưu tập chữ viết Việt Nam ước tính gồm: Sách Hán Nôm: 20.000 đơn vị; Văn bia Hán Nôm: 23.000 đơn vị; Hương ước, thần tích: 5170 đơn vị; Sách Thái cổ: 2835 đơn vị; Sách lá buông chữ Pali: trên 6000 trang; Sách Đông Dương (xuất bản) trước 1954: 17.000 đơn vị; Sách Quốc ngữ: trên 220.000 đơn vị; Luận án tiến sĩ: trên 21.000 đơn vị; Báo cáo kết quả nghiên cứu: 5.000 đơn vị; Tài liệu lưu trữ nhiều triệu trang; Báo, tạp chí: trên 3000 ngàn tên với hàng triệu ngàn đơn vị bảo quản và hàng nhiều triệu trang in... Có thể còn rất nhiều nữa mà chúng tôi chưa có điều kiện thống kê. Nhưng chỉ với số nói trên cũng đủ thấy chúng ta đang đứng trước kho báu vô cùng quý giá của dân tộc mà kho báu đó đang trong tình trạng hư hỏng từng ngày. Chữ viết là di sản văn hóa, là sự sáng tạo kỳ diệu của con người. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam , chữ viết đã trở thành vũ khí sắc bén, là công cụ không thể thiếu trong đời sống xã hội. Với ý nghĩa văn hóa và lịch sử của nó, chữ viết là một sản phẩm văn hóa độc đáo mà toàn thể loài người phải quan tâm giữ gìn, bảo vệ và phát triển. Năm1993, Hội đồng tư vấn quốc tế thuộc UNESCO đã thông qua chương trình Ký ức thế giới mà nội dung chính là khuyến nghị các quốc gia trong đó có các cơ quan thư viện, thông tin, lưu trữ bảo quản các di sản chữ viết của loài người gồm vốn tài liệu có trong thư viện và các kho lưu trữ, đảm bảo sự tiếp cận và phổ biến chúng rộng rãi hơn. Hiện nay các cơ quan thư viện và lưu trữ nước ta đã chọn lọc được những bộ tài liệu cần thiết để đưa vào bảo quản, góp phần bảo tồn các di sản văn hóa chữ viết dân tộc. Tuy nhiên cần có cách nhìn xa hơn là phải xây dựng thành chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa chữ viết dân tộc như một số nước tiêu biểu (Trung Quốc) đã làm. _______________ 1. Đăng Đức Siêu, Amanac những nền văn minh thế giới, Nxb Văn hóa thông tin, 1997, tr.798. 2. Theo Trần Nghĩa, Di sản Hán Nôm Việt Nam, Thư mục đề yếu, Nxb KHXH, Hà Nội, 1993, tr.17. 3. Sách làm bằng lá buông ( lá thốt nốt), viết bằng chữ Pali. 4. Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam ..., Nxb KHXH, Hà Nội, 1984, tr.27. |
Nguồn: hoidantochoc.org.vn (15/09/06)