Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 23/09/2010 19:02 (GMT+7)

Đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam: Thực trạng và những thách thức

1. Chính sách thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam

Khác với đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp nước ngoài là khoản đầu tư được thực hiện thông qua một định chế tài chính trung gian như quỹ đầu tư hoặc đầu tư trực tiếp vào cổ phần của công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, còn gọi là đầu tư portfolio. Hình thức đầu tư này không kèm theo việc tham gia vào các hoạt động quản lý điều hành và nghiệp vụ của doanh nghiệp giống như hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với bản chất như trên, đầu tư gián tiếp nước ngoài có những ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế trong nước. Khi dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào ồ ạt với quy mô lớn, nó có thể gây mất cân bằng về mặt vĩ mô. Còn khi nhà đầu tư gián tiếp rút vốn với quy mô lớn và đột ngột, nó có thể gây ra sự sụp đổ của thị trường tài chính trong nước và gây ra khủng hoảng tài chính nếu gặp những cú sốc bên trong hoặc bên ngoài của nền kinh tế.

Đối với Việt Nam , chính sách thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài tỏ ra rất thận trọng. Đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam bắt đầu manh nha từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 và từ sau Quyết định 202-CT năm 1992 của chính phủ về việc thực hiện chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Theo chương trình này, các doanh nghiệp nhà nước sẽ được cổ phần hóa theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước quy mô nhỏ và giai đoạn hai cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn. Các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ được hưởng lợi ích từ việc bán cổ phần các doanh nghiệp nhà nước ra thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sau một thời gian dài chờ đợi hành lang pháp lý chuẩn, các nhà đầu tư nước ngoài chính thức được hưởng những quy định mới theo Quyết định 145/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ký ngày 28 tháng 6 năm 1999 và Thông tư 132/TT-BTC ký ngày 15/11/1999. Quyết định trên ghi rõ:

+ Các nhà đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép mua cổ phần của một công ty sau khi công ty đó được cổ phần hóa. Những lĩnh vực mà công ty được phép cổ phần hóa gồm dệt may, giày da, vận tải, cơ khí và máy móc, dịch vụ thương mại…

+ Tổng số giá trị cổ phần bán cho các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của công ty. Trong trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua cổ phần vượt quá 30% số vốn điều lệ của công ty thì tổ chức đấu giá.

+ Bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện bằng tiền Đồng của Việt Nam . Nếu mua bằng ngoại tệ chuyển đổi thì được quy đổi theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm bán cổ phần. Giá trị danh nghĩa của một cổ phần trên tờ cổ phiếu là 100.000 đồng Việt Nam .

Sau 4 năm thực hiện Quyết định 145/1999/QĐ-TTg, Việt Nam đã ban hành Quyết định số 36/2003/QĐ-TTg về quy chế góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài theo hướng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn trong các ngành tập trung nhiều công nghệ, khuyến khích phương pháp quản lý doanh nghiệp của nước ngoài, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. Quyết định 36/2003/QĐ-TTg đã tạo ra làn gió mới cho các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài muốn tham gia đầu tư ở Việt Nam .

Vào năm 2005, với việc ra đời của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (chung), đầu tư gián tiếp nước ngoài tương đối được đối xử bình đẳng như đầu tư trong nước cả về quyền đầu tư, góp vốn, mua cổ phần (mặc dù vẫn còn một số phân biệt nhất định). Luật Đầu tư năm 2005 quy định những vấn đề nguyên tắc về hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, cụ thể như sau: a) Mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác; b) Thông qua quỹ đầu tư chứng khoán, c) Thông qua các định chế tài chính trung gian khác.

Kể từ khi chính phủ ban hành Nghị định 139/2007/NĐ-CP vào ngày 5/9/2007, những ưu đãi đối với các nhà đầu tư gián tiếp được ghi nhận một cách rõ ràng, cụ thể. Theo nghị định này, tất cả các tổ chức là pháp nhân, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đều có quyền góp vốn, mua cổ phần với mức không hạn chế tại doanh nghiệp, trừ một số trường hợp nhất định. Lần đầu tiên, các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài được phép mua cổ phần trong các ngân hàng thương mại cổ phần các ngành kinh doanh khác theo đúng như Biểu cam kết dịch vụ vớiWTO.Theo Nghị định này, nguyên tắc sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài là như sau: +) Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả cổ đông nước ngoài hiện hữu) và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài đó không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam; +) Mức sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài không phải là tổ chức tín dụng nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không vượt quá 5% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam; +) Mức sở hữu cổ phần của một tổ chức tín dụng nước ngoài và người có liên quan của tổ chức tín dụng nước ngoài đó không vượt quá 10% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam; +) Mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đó không vượt quá 15% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam. Trong trường hợp đặc biệt sẽ được sở hữu vượt quá 15% nhưng không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam.

2. Thực trạng thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam

Theo thời gian, chính sách thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài ở Việt Nam đã qua nhiều lần chỉnh sửa. Điều này có quan hệ rất lớn đến làn sóng đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam . Động thái của nguồn vốn gián tiếp nước ngoài có thể được chia thành 3 giai đoạn: +) Trước năm 1999: vốn gián tiếp vào Việt Nam nhỏ và manh mún; +) Sau khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á năm 1997-1998, đặc biệt là sau Quyết định 36/2003/QĐ-TTG, vốn gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ, có nhiều đóng góp đối với nền kinh tế; +) Giai đoạn sau năm 2005 (sau khi Luật Đầu tư mới được ban hành) được các nhà đầu tư và giới phân tích nghiên cứu đánh giá là năm khởi điểm của làn sóng thứ ba của vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.

Đầu tư gián tiếp bắt đầu vào Việt Nam kể từ năm 1991 với sự xuất hiện của Quỹ Vietnam Fund (thành lập năm 1991) với số vốn 54,3 triệu USD. Vietnam Investment Fund (thành lập năm 1992) với số vốn 90 triệu USD, Beta Vietnam Fund (thành lập năm 1993) với số vốn 71 triệu USD, Vietnam Frontier Fund (thành lập năm 1994) với số vốn 67 triệu USD, Templeton Vietnam Opportunities Fund (thành lập năm 1994) với số vốn 117 triệu USD, Vietnam Lazad Fund (thành lập năm 1994) với số vốn 58,8 triệu USD, Vietnam Enterprise Investment Fund (thành lập năm 1995) với số vốn 35 triệu USD. Tính đến trước khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997-1998, ở Việt Nam có tổng cộng 7 quỹ quản lý đầu tư với tổng số vốnước khoảng 400 triệu USD. Trong năm 1996 và 1997, có 3 trong số 7 quỹ trên thông báo đóng cửa, giá tài sản của 4 quỹ còn lại giảm tới 44-48% so với giá trị tài sản thực tế ban đầu. Lý do khiến các quỹ đầu tư vào Việt Namcòn ít, manh mún là trong giai đoạn này Việt Nam còn thiếu những cơsở cần thiết nhất cho thị trường đầu tư. Từ năm 1992 đến năm 1998, chỉ có 38 doanh nghiệp tưnhân được thành lập và 128 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa. Sau khi bị tác động nặng nề từ khủng hoảng tài chính châu Á, tổng số vốn đầu tư gián tiếp rút khỏi Việt Nam lên tới 250 triệu USD. Trong thời điểm này, Việt Nam không thu hút được thêm một quỹ đầu tư nào mới. Đầu tư gián tiếp vào Việt Namđược coi nhưlà tắc nghẽn, không đem lại đóng góp quan trọng trong chiến lược huy động vốn cho phát triển kinh tế ở Việt Nam .

Kể từ cuối năm 2001 - thời điểm Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ có hiệu lực và sau Quyết định 36/2003/Q Đ-TTg, nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài bắt đầu đổ vào Việt Nam với khối lượng lớn. Tính từ cuối năm 2001 đến cuối năm 2005, đã có thêm 13 quỹ đầu tư nước ngoài được thành lập ở Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 1 tỷ USD. Trong đó có các quỹ tên tuổi nhưDragon Capital, Vina Capital, Mekong Capital, Indochina Capital, Prudential, Vietnam Enterprise Investment Fund, Vietnam Growth Fund, Vietnam Emeging Equity Fund, Mekong Enterprise Fund, IDG Ventures Vietnam (xem bảng 1).

Trong số các công ty quản lý quỹ, Dragon Capital là công ty quản lý của Anh, vào Việt Nam năm 1995 với tên gọi Vietnam Enterprise Investment Fund. Năm 2003, Dragon Capital liên doanh với Sacombank để thành lập Vietfund Management (VFM) - công ty quản lý quỹ đầu tiên của Việt Nam . Cuối năm 2004, Dragon Capital thành lập quỹ thứ hai của mình tại Việt Nam với tên gọi Vietnam Dragon Fund Limited (VDF).Ước tính tài sản của Dragon Capital tại Việt Nam hiện nay là khoảng 1 tỷ USD. Dragon Capital trở thành công ty quản lý quỹ lớn nhất ở Việt Nam .

Trong số các quỹ đầu tư chủ yếu tại Việt Nam , Prudential được đánh giá là quỹ đầu tư lớn nhất với số vốn 500 triệu USD. Tuy nhiên, 65% vốn của Prudential được đầu tư vào trái phiếu chính phủ, chỉ có 35% còn lại tương đương với khoảng 175 USD là dành để đầu tư vào tài sản vốn và thị trường chứng khoán. Bên cạnh Prudential, quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả nhất ở Việt Nam hiện nay là Vietnam Enterprise Investment Fund (VEIL). VEIL có mặt tại Việt Nam từ năm 1995 với số vốn ban đầu là 35 triệu USD. Tính đến năm 2005, tài sản dòng của VEIL là trên 109 triệu USD. Nguồn vốn của VEIL chủ yếu được huy động từ các nhà đầu tư có tổ chức ở nước ngoài ở Anh, Mỹ và Canada . Lĩnh vựcưu tiên đầu tư của VEIL ở Việt Nam là tài chính ngân hàng, cơ sở hạ tầng, bưu chính viễn thông, du lịch, khai thác khoáng sản, hàng tiêu dùng.

Bảng 1: Các quỹ đầu tư nước ngoài chủ yếu ở Việt Nam

Tên quỹ/công ty quản lý quỹ

Năm thành lập

Tổng số vốn (triệu USD)

Lĩnh vực hoạt động

Giai đoạn đầu: Trước năm 1999

VietnamFund

1991

54,3

Đóng cửa năm 2001

VietnamInvestment Fund

1992

90,0

Giảm vốn

Bata Vietnam Fund

1993

71,0

Giảm vốn

VietnamFrontier Fund

1994

67,0

Đóng cửa năm 2004

Templetion Vietnam Opportunities Fund

1994

117,0

Đóng cửa năm 1997

VietnamLazard Fund

1994

58,8

Đóng cửa năm 1997

VietnamEnterprise Investment Fund (VEIL)

1995

35,0

Đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cơ sở hạ tầng, bưu chính viễn thông, du lịch, khai thác khoáng sản, tiêu dùng

Giai đoạn 2: Sau năm 2001 và sau Quyết định 36/2003/Q Đ-TTg

Dragon Capital

2003

1.000,0

Đầu tư chứng khoán, kinh doanh tài nguyên thiên nhiên

Vina Capital

2003

1.800,0

Bất động sản, cơ sở hạ tầng (năng lượng, vận tải, nước, viễn thông), đầu tư công nghệ

MekongCapital

2002

18,5

Đầu tư cho các công ty tưnhân trong lĩnh vực sản xuất, phân phối, quảng gá thương hiệu

IndochinaCapital

2001

1.000,0

Địa ốc, chứng khoán

VietnamOpportunityFund (VOF)

2003

171,0

Dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng, bất động sản, du lịch, cơ sở hạ tầng, công nghệ.

Mekong Enterprise Fund (MEF)

2002

18,5

Chứng khoán, doanh nghiệp.

IDG Ventures Vietnam

2004

100,0

Công nghệ cao và media (thông tin, viễn thông, Internet, truyền thông, công nghệ sinh học).

Giai đoạn 3: Sau khi ban hành Luật đầu tư mới (từ 2005-nay)

PXP Vietnam Fund

2005

25,8

Chứng khoán

VietnamỂmging Equity Fund (VEEF)

2005

15,9

Chứng khoán, doanh nghiệp

Prudential

2006

500,0

Trái phiếu chính phủ, chứng khoán, tài sản vốn.

VietnamDragon Fund (VDF)

2006

35,0

Tài chính ngân hàng, cơ sở hạ tầng, bưu chính viễn thông, du lịch, khai thác khoáng sản, hàng tiêu dùng.

Nguồn: Theo thống kê của tác giả từ tin tức của Bộ Ngoại giao.

Điều đáng nói ở đây là kể từ năm 2001 đến năm 2005, các quỹ đầu tư chủ yếu ở Việt Nam có số vốn nhỏ hơn rất nhiều so với giai đoạn 1991-1995 (chỉ bằng 1/4). Các nhà đầu tư này thường tập trung đầu tư vào thị trường chứng khoán và bất động sản. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài rất ít đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam . Lý do chủ yếu là một số ngành nghề đòi hỏi công nghệ cao của Việt Nam chưa được phép gọi vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như ngành quản lý tài sản, dịch vụ định giá doanh nghiệp, định mức tín nhiệm, dịch vụ mua bán nợ, tư vấn kiến trúc đô thị, phát triển nguồn nhân lực, tư vấn phát triển cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường… Nhiều ngành nghề đòi hỏi vốn lớn như điện, nước, sản xuất thép, phát triển cơ sở hạ tầng… cũng chưa nằm trong danh mục ngành nghề được bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Làn sóng đầu tư gián tiếp lần thứ 3 vào Việt Nam chính thức bắt đầu từ cuối năm 2005 khi Luật Đầu tư mới của Việt Nam được ban hành. Đến tận cuối năm 2005, tổng số vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam mới là 865 triệu USD, chỉ chiếm khoảng 1% so với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thì vào năm 2006 các quỹ đầu tư và nguồn vốn đầu tư gián tiếp đã trở thành nguồn vốn được quan tâm đặc biệt với sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán. Trong những năm 2006 và 2007, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chảy vào Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư mạnh mẽ chưa từng có. Nếu như năm 2006, đầu tư gián tiếp nước ngoài đạt 1,313 tỷ USD, năm 2007 đạt 7,414 tỷ USD - tăng gấp 5 lần so với năm 2006. Tỷ trọng vốn đầu tư gián tiếp trong GDP cũng tăng từ 1,63% năm 2005 lên 2,15% năm 2006 và 10,44% năm 2007. Vào năm 2005, có tới 436 nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài, trong đó có 38 nhà đầu tư nước ngoài có tổ chức và 389 nhà đầu tư nước ngoài cá nhân. Trong tổng số vốn đầu tư gián tiếp đạt 7,414 tỷ USD năm 2007, có 70% đầu tư vào lĩnh vực trái phiếu, cổ phần, bất động sản và 30% nằm trong tài khoản tiền gửi của các ngân hàng. Tính đến cuối năm 2007, Công ty quản lý quỹ Indochina Capital đã giải ngân được 400 triệu USD (trong tổng số vốn huy động của Indochina Capital chuyên về chứng khoán là 600 triệu USD). Năm 2008, Indochina đang tìm cách tiếp tục giải ngân 200 triệu USD còn lại, trong đó một phần lớn được bỏ vào các doanh nghiệp tư nhân đầy tiềm năng như tiêu dùng, dịch vụ, xuất khẩu. Indochinavà nhiều quỹ đầu tư nước ngoài khác đã mua cổ phần của hàng loạt doanh nghiệp trong nước. Cụ thể là công ty này đã đầu tư chiến lược vào Công ty cổ phần đầu tư và sản xuất Việt-Hàn (Hội An) bằng việc mua 15% cổ phần, đầu tư 100 triệu USD để mua 20% cổ phần của Công ty cổ phần địa ốc Hoàng Quân, đầu tư 60 triệu USD để mua cổ phần của Hoàng Quân - Mê Kông. Mức bình quân mà Indochina Capital mua là 15 triệu USD cho 1 khoản đầu tư, tối thiểu là 5 triệu USD, tối đa là 65 triệu USD/khoản. Tỷ lệ sở hữu cổ phần khi chọn khoản đầu tư bình quân là 5-20%. Sản phẩm chủ yếu là các loại chứng khoán thông thường, chứng khoán chuyển đổi và nợ tư nhân. Dự kiến trong năm 2008 Indochina Capital sẽ đầu tư thêm 1 tỷ USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam và tiếp tục huy động thêm vốn khi giải ngân hết số tiền đó.

Vina Capital là một quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động rất thành công trên thị trường Việt Nam trong những năm gần đây. Cho đến nay, Vina Capital quản lý 4 quỹ đầu tư, bao gồm Vietnam Opportunity Fund (VOF), Vina Land, Vietnam Infrastructure Limited và DFJ Capital L.P; trong đó VOF đặt trọng tâm đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm như dịch vụ tài chính, bán lẻ, hàng tiêu dùng, du lịch, bất động sản, hạ tầng, công nghệ thông tin. VOI đã giải ngân được 900 triệu USD, trong đó 50% vốn được giải ngân vào thị trường chứng khoán.

Bên cạnh chứng khoán, dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng đổ ồ ạt vào bất động sản và cơ sở hạ tầng. Indochina Capital là một trong những quỹ đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Năm 2008, Indochina Capital đã thành lập hai quỹ mới, với tổng số vốn lên đến 1 tỷ USD, trong đó Quỹ hạ tầng của Indochina Capital có tổng số vốn là 500 triệu USD, đầu tư vào các công trình và công ty hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công trình nghiên cứu sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, các dự án phát triển khác. Quỹ Indochina Land Holding Funds cũng có tổng số vốn huy động 500 triệu USD, đầu tư vào các dự án tài chính và phát triển bất động sản dân dụng, thương mại, bán lẻ, khách sạn và khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp tại Việt Nam. Vina Capital cũng có quỹ đầu tư chuyên về bất động sản và hạ tầng, đó là Vina Land với tổng số vốn 680 triệu USD, đã giải ngân được 500 triệu USD; Vietnam Infrastructure Limited với số vốn 402 triệu USD.

Trong những tháng gần đây, dòng vốn đầu tư gián tiếp tiếp tục đổ vào Việt Nam thông qua các quỹ mới như Quỹ đầu tư Blackhorse Enhanced Vietnam Inc (BEVI), chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2007 với vốn huy động ban đầu là 110 triệu USD, lĩnh vực đầu tư chính là xây dựng và ngành hàng gia dụng. Ngoài ra, các nhà đầu tư lớn trên thế giới như Merrill Lynch, Morgan Stanles, Goldman Sachs, JP Morgan Chase… cũng đang quan tâm đến việc đầu tư lâu dài ở Việt Nam .

Trong số những nhà đầu tư gián tiếp, Mỹ là đối tác tiềm năng nhất, chiếm tới 50% tổng số vốn đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Mỹ gia tăng nguồn vốn đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư nước ngoài. Kể từ khi ký kết Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ cho đến giữa năm 2006, đầu tư gián tiếp của Mỹ vào Việt Nam ước khoảng 1 tỷ USD. Có tới 1/3 đến 1/2 các khoản tiền luân chuyển qua các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là của người Mỹ. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nguồn vốn gián tiếp của Mỹ thường thông qua các quỹ đầu tư lớn như Indochina Capital, Vietnam Partners, Dragon Capital, IDG… Bên cạnh Mỹ, có các nhà đầu tư quan trọng khác tại Việt Nam là Pháp (Quỹ Finansa với số vốn 18 triệu USD), Đức (Quỹ DIG 100 triệu USD), Hàn Quốc (Korean Investment Trust Management với số vốn 50 triệu USD)…

3. Những thách thức đặt ra

Lợi ích dễ nhận thấy của dòng vốn đầu tư gián tiếp là nó giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận với các nguồn vốn tiết kiệm nước ngoài, tận dụng các nguồn vốn này để đầu tư, giảm bớt áp lực vốn trong quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh. Đầu tư gián tiếp nước ngoài còn giảm chi phí vay vốn và khiến đầu tư sẽ tiếp tục tăng lên, doanh nghiệp ngày càng phát triển. Đầu tư trong nước không cần phải dựa hoàn toàn vào nguồn tiết kiệm trong nước, trong khi đó sự hỗ trợ, tư vấn của các công ty quản lý quỹ trong việc điều hành kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp củng cố khả năng quản lý công ty. Tuy nhiên, điểm nổi bật của dòng vốn này là thường chảy vào rất nhanh và cũng tháo chạy rất nhanh, nên nó có thể gây tổn thất nặng nề đối với kinh tế nước sở tại. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á đã khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp tháo chạy nhanh chóng, khiến nhiều nền kinh tế phải lao đao vì những bất ổn định về tài chính trong hệ thống tài chính ngân hàng. Vì vậy, nhiều quốc gia đã rất cảnh giác khi mở cửa và thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp này.

Tại Việt Nam hiện nay, vốn đầu tư gián tiếp còn chiếm một phần rất nhỏ trong tổng vốn huy động cho phát triển kinh tế. Theo thống kê của Bộ Tài chính, việc thu hút nguồn vốn này của Việt Nam còn quá khiêm tốn so với các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vốn cho sự phát triển. Năm 2004, vốn đầu tư gián tiếp chỉ chiếm 3,7% trong tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, sau tăng lên chiếm 17,5% vào năm 2005, 55% vào năm 2006 và ngang bằng với vốn FDI vào năm 2007. Một trong những kênh thu hút vốn đầu tư gián tiếp mạnh nhất là thị trường chứng khoán của Việt Nam cũng chỉ mới thu hút được khoảng 5 tỷ USD vào năm 2007, một con số quá nhỏ so với Trung Quốc (480 tỷ USD), Philippin (80 tỷ USD), Thái Lan (110 tỷ USD), Malaixia (50 tỷ USD). So với tiềm năng và nhu cầu thực tế thì con số trên còn khá khiêm tốn. Số vốn đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 0,05% trong tổng nguồn vốn của các quỹ hiện có. Sự tăng trưởng dưới mức tiềm năng của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam hiện nay là do những nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam còn thiếu những cơ sở pháp lý cần thiết. Mặc dù đã nhiều lần sửa đổi và đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam được cởi trói thông qua Luật Đầu tư (2005), Luật Doanh nghiệp (2005), Luật Chứng khoán (2007), nhưng những quy định pháp lý dành cho các nhà đầu tư gián tiếp vẫn rất phiền hà, thiếu minh bạch, không đồng bộ. Chẳng hạn Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã xóa bỏ tỷ lệ hạn chế cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam , trừ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải giới hạn tỷ lệ sở hữu. Tuy nhiên, danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện này chưa được công bố. Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2007 nhưng chính phủ vẫn chưa có những văn bản cụ thể hướng dẫn thi hành để tạo môi trường thông thoáng và một khuôn khổ pháp lý ổn định cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, những hạn chế mang tính pháp lý của Luật Ngân hàng, Quy chế quản lý ngoại hối cũng khiến các luồng vốn đầu tư gián tiếp đổ vào thị trường Việt Nam một cách khiêm tốn.

Thứ hai, những quy định về tỷ lệ sở hữu 30% vốn điều lệ của công ty đối với người nước ngoài đã và đang cản trở luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Quy định trên khiến các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể là cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần vì bị khống chế tỷ lệ. Trong khi đó, đại bộ phận các doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ so với thế giới, vì vậy số vốn đầu tư giành cho nhà đầu tư nước ngoài thực tế là rất thấp, không đạt yêu cầu về quản lý danh mục đầu tư. Tỷ lệ cổ phần nhà nước còn quá cao trong các công ty cổ phần, trung bình từ 40-51%, do vậy các nhà đầu tư nước ngoài khó có khả năng tác động cơ bản tới phương thức quản trị doanh nghiệp, nhất là khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh hoặc kinh doanh kém hiệu quả. Đây chính là rủi ro về đầu tư, làm cho cổ phiếu kém tính thanh khoản, khiến nhà đầu tư nước ngoài luôn bị động. Hơn nữa, quy định sở hữu nước ngoài không quá 30% còn khiến Việt Nam khó có thể thu hút các nhà đầu tư chiến lược (là các nhà đầu tư có vốn, công nghệ, trình độ quản lý, thị trường tiêu thụ…) tham gia đầu tư vào doanh nghiệp cổ phần vì tỷ lệ sở hữu ít, quy mô nhỏ. Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp với tốc độ chậm chạp như hiện nay đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài nản chí khi tham gia vào tiến trình cổ phần hóa cũng như tham gia vào thị trường chứng khoán. Những quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần trong hệ thống ngân hàng cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài không hồ hởi tham gia vào lĩnh vực này. Với quy định là nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 30% vốn điều lệ của ngân hàng trong khi 1 nhà đầu tư chiến lược chỉ được nắm giữ tối đa 10% vốn điều lệ ngân hàng, thì trong số 50 ngân hàng cổ phần, mới chỉ có 3 ngân hàng thu hút được vốn đầu tư nước ngoài từ các nhà đầu tư tài chính là Ngân hàng ACB, VPbank, Sacombank.

Thứ ba, đầu tư gián tiếp vào Việt Nam đang có nguy cơ giảm sút bởi vì trong điều kiện lạm phát vẫn cao trong nước và khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến các nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà lắm với thị trường chứng khoán và liên tục bán ra trái phiếu chính phủ. Khả năng rút vốn ra của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài là hoàn toàn hiện thực. Thị trường chứng khoán Việt Namliên tục mất điểm trong những tháng gần đây cho thấy Việt Nam đang bị đánh giá là địa điểm đầu tư có độ rủi ro cao đối với đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới vào ngày 3/10/2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2008 là 6,3% và năm 2009 là 4,1%. Với tốc độ tăng trưởng như trên, Việt Nam là một nước tăng trưởng kinh tế nhanh và nhu cầu về vốn cho phát triển kinh tế vẫn thực sự lớn. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ nay đến năm 2010 Việt Nam cần tới 150 tỷ USD để đầu tư phát triển, trong đó cần khoảng 30% vốn từ bên ngoài. Để dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam nhiều hơn và bền vững hơn, chúng ta cần phải nghiên cứu các giải pháp sau đây:

- Nới lỏng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lên mức trên 30% đến mức 49% như nhiều nước trong khu vực đã làm, đặc biệt là trong ngành ngân hàng.

- Cần ban hành các danh mục ngành nghề không cho phép các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài tham gia; ngành nghề nhạy cảm; hạn chế đầu tư nước ngoài; mở rộng ngành nghề được phép thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài.

- Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

- Tăng cường tính minh bạch của thị trường chứng khoán.

- Ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, thực thi chính sách mở cửa thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài bằng cách ban hành các chính sách khuyến khích hoạt động lâu dài của các quỹ đầu tư nước ngoài.

Tài liệu tham khảo

1. Indirect Investment: Sign oF the Times, Vietnam Investment Review, 6/12/2005.

2. Bộ Ngoại giao, Tình hình đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam , tin ngày 21/10/2008.

3. Nghị định 69/2007/NĐ-CP của thủ tướng chính phủ.

4. Quyết định 36/2003/QĐ-TTg, Quyết định 146/2003/QĐ-TTg, Quyết định 145/1999/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ.

5. Một số bài báo trên trang web www.vneconomy.vn, www.vietnamnew.vn, www.vietbao.com, Báo Thanh niên 07/6/2007, Báo Sài Gòn giải phóng 6/7/2007.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.

Tin mới

Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV
Tuần làm việc thứ hai, Quốc hội tập trung cho công tác lập hiến, lập pháp, thảo luận về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao.
Công đoàn VUSTA tổ chức hội nghị triển khai công tác, phổ biến những điểm mới Luật Công đoàn (sửa đổi)
Ngày 9/5, Công đoàn Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (Công đoàn VUSTA) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động nửa đầu nhiệm kỳ (2023 -2028), triển khai công tác công đoàn đồng thời phổ biến những điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) tới công đoàn viên.
Quảng Ngãi: Sắp phát hành sách về sự phát triển của ngành Thủy sản
Sáng ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và Hội Nghề cá tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Bản thảo cuốn sách “Thủy sản Quảng Ngãi hình thành và phát triển”.
Đắk Lắk: Góp ý dự thảo Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai
Ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội nghị hội đồng Tư vấn phản biện và góp ý dự thảo Nghị định phân định quyền tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai.
Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.