Đánh cuộc với rủi ro
Mục đích của việc nghiên cứu lai tạo giống là cho ra những giống mới, có được những ưu điểm của cả dòng bố và dòng mẹ. Nhưng để lai tạo cho cây lúa là rất khó, vì bộ phận sinh sản đực và cái của cây lúa được sắp xếp trong một cấu trúc hạn chế tối đa sự tạp giao. Bao phấn (bào tử đực) và noãn (bào tử cái) của lúa nằm rất gần nhau cùng trong một hoa lúa. Trong quá trình sinh sản, phấn được tung ra từ bao phấn và phủ khắp noãn, vỏ trấu của hoa sẽ cản trở sự xâm nhập của các hạt phấn từ bên ngoài. Vì vậy, muốn tạo ra một giống lúa mới theo phương pháp lai tạo, nhà khoa học phải tìm được một dòng mẹ bất dục đực, tức là hoa lúa có bao phấn nhưng không có khả năng thụ cho noãn. Đó cũng chính là khó khăn đầu tiên mà TS Nguyễn Thị Trâm phải giải quyết trong quá trình nghiên cứu của mình.
Trong thiên nhiên có nhiều giống lúa bất dục theo những kiểu khác nhau: có loại bất dục theo tế bào chất, có loại bất dục theo nhân tế bào. Trong loại bất dục theo nhân tế bào lại có loại bất dục do gene trội nhưng cũng có loại bất dục do gene lặn quy định và kiểm soát. Thật là một ma trận với vô vàn các khả năng, nhưng không phải khả năng nào cũng cho ra loại giống đảm bảo các yêu cầu phục vụ tốt cho sản xuất như tính bất dục ổn định, khả năng nhận phấn tốt, thuận lợi cho việc sản xuất hạt lai .v.v.
Suốt một thời gian dài kể từ năm 1994, dựa vào những kiến thức đã tích lũy qua hàng chục năm nghiên cứu cây lúa, cùng sự tiếp thu những tiến bộ khoa học của những nước đi trước, TS Trâm đã tiến hành nhiều hướng nghiên cứu khác nhau để thử nghiệm và tìm kiếm trong hàng trăm giống bản địa và ngoại nhập. Cuối cùng bà cũng đã thành công khi tìm ra loại giống thích hợp có loại gene lặn, bất dục đực, di truyền nhân mẫn cảm với nhiệt độ - TGMS (thermosensitive genetnic male sterility). Đây là loại giống bất dục theo nhiệt độ, cụ thể nhiệt độ dưới 24 oC thì cây lúa hữu dục, nhiệt độ trên 24 oC thì cây lúa bất dục, một đặc điểm rất phù hợp với các thời vụ sản xuất của nông dân ĐBSH.
Để có được kết quả như vậy, thật đúng như lời TS Trâm tâm sự, “Từ khi ra trường tôi chỉ nghiên cứu tạo giống lúa để có được sự tích lũy cần thiết. Với tôi, đó là điều quan trọng nhất để dẫn tới thành công. Đời người tuy dài, nhưng so với tiến hóa của một loại cây lại vô cùng ngắn, nếu nay làm cây này, mai làm cây khác thì khó có thể cho ra một cái gì cụ thể.”
Cho ra đời một giống lúa mới đã rất khó khăn đòi hỏi nhiều công sức lao động nhưng để giống lúa được những người nông dân đón nhận đưa vào sản xuất trên đồng ruộng, người làm khoa học không thể chỉ đem sự miệt mài nghiên cứu của mình ra để thuyết phục.
Sau khi tạo giống, TS Trâm đã gửi giống mới tới Trung tâm Khảo nghiệm Quốc gia. Từ đó giống lúa mới được đưa đến các miền sinh thái khác nhau và được trồng trên các mảnh ruộng thử nghiệm. Kết quả cho thấy là giống lúa thích ứng được với sinh thái của nhiều vùng sản xuất từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Tuy vậy, TS Trâm cho biết, “nghiên cứu giống, chọn giống là khoa học thực nghiệm, nên không thể đem kết quả của một hai vụ sản xuất trên những mảnh ruộng chỉ có vài sào để thuyết phục nông dân”.Vì vậy, bà và các cộng sự đã quyết định phải đi “trình diễn giống”ở nhiều địa phương. Nhờ sự cam kết chắc chắn với người nông dân năng suất đạt được phải hơn hoặc bằng với loại giống vẫn đang sử dụng, nếu kém sẽ bù vào phần thiếu hụt đã giúp bà có được “đất diễn” rộng tới hàng chục hecta.
Vào năm 2005, giống lai của Trung Quốc đắt vọt lên, đây cũng là một cơ hội tốt để giống lúa của bà đến với người nông dân nhiều hơn. Giống TH3-3 tuy về năng suất và chất lượng chưa hẳn là vượt trội so với các giống của Trung Quốc, nhưng giá cả thì hợp với túi tiền người sản xuất. Các công ty giống nắm bắt được điều này liền nhanh chóng chào hàng giống TH3-3 tới nông dân. Kết quả là bên cạnh số lượng 6 tấn giống do TS Trâm trực tiếp cung cấp, đã có thêm 21 tấn giống TH3-3 nữa được gieo trồng vào vụ mùa năm đó. Tưởng chừng đó là một thuận lợi to lớn, nhưng không, vào lúc đó giống TH3-3 về mặt vẫn chưa được công nhận là giống quốc gia. Vì vậy, Sở Nông nghiệp địa phương đã đánh công văn yêu cầu bà phải bảo lãnh kết quả sản xuất cho cả các công ty giống ngang bằng với giống Bắc Ưu 64. Tuy rất tin tưởng vào “đứa con để đời” của mình, nhưng bà không khỏi lo lắng vì thấy lúa lai Trung Quốc vẫn được bà con nông dân sử dụng có năng suất cao, sinh trưởng phát triển tốt, và nhất là những diễn biến của thời tiết có thể mang lại sự rủi ro. “Thật đúng là như đánh bạc”,TS Trâm nhớ lại cảm xúc lúc đó.
Sự lo lắng của TS Trâm không phải là thừa. Năm đó có hai cơn bão liên tiếp đổ vào Nam Định, nơi giống lúa mới được gieo trồng trên diện tích hơn 1000 hécta. Cơn bão thứ nhất đổ bộ vào ngày 17-18/9, trước đó mấy ngày bà đã gửi giấy mời Cục Nông nghiệp, Trung tâm khảo nghiệm định ngày 22/9 tham dự Hội nghị đầu bờ để công nhận giống quốc gia. Cả một cánh đồng rộng hơn 140 hécta ở xã Nghĩa Hưng, nơi sẽ diễn ra hội nghị, lúa đã uốn câu phải vờn vũ với gió bão trong hai ngày. Thật may, do lúa còn xanh, lại là giống thân lùn nên thiệt hại không đáng kể, những mảng ruộng xanh rì vẫn đủ sức nô đùa trình diễn trước mắt người khảo nghiệm và tham quan. Nhưng những ngày sau đó (27-28/9), cơn bão thứ hai tràn về đúng vào lúc lúa đã chín. Sau cơn bão này, lúa rụng gần hết, thiệt hại là đáng kể, nhưng may mắn là kết quả sản xuất đạt 4,2 tấn, hơn gấp đôi sản lượng của giống Bắc Ưu 64 trên cùng diện tích gieo trồng.
Qua câu chuyện trên ta phần nào hiểu được câu nói đùa mà cũng là thật của bà “chuyển nhượng bản quyền giống lúa được 10 tỷ là ăn may”. Quả thực gắn với sản xuất nông nghiệp, không chỉ người nông dân mà ngay cả người làm khoa học cũng chịu sự may rủi của thiên nhiên, thời tiết.
Trong quá trình tạo giống, các nhà chọn giống dùng một giống lúa đang được sử dụng rộng rãi trong sản xuất làm chuẩn và đặt mục tiêu tạo ra giống mới ra đời hơn giống trước 10%, hoặc về năng suất, hoặc về chất lượng, chống sâu bệnh. Ngày nay, các khoa học có nhiều phương pháp tiến bộ như dùng CNSH, lấy vật liệu gene tạo ra các giống năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng lấn át rất nhanh so với các giống cũ. Thế nhưng, một giống lúa tồn tại trong sản xuất dài hay ngắn cũng có giai đoạn của nó, thông thường là 10 - 12 năm. Điều đó phụ thuộc vào giá trị của giống đó bền vững đến đâu.
Đã có nhiều giống lúa có thời gian tồn tại lâu dài trên đồng ruộng Việt Nam. Đó là các giống NN8, CR203, VN10 .v.v. Ra đời năm 1964, và bắt đầu phổ biến rộng rãi vào khoảng những năm 1966-1968, NN8 tồn tại mãi đến thập kỷ 80 như là một thành tựu nổi bật rất khó vượt qua. Nhưng sau một thời gian, NN8 xuất hiện một số yếu tố hạn chế, kháng rầy kém, chịu rét kém. Thế rồi CR203 xuất hiện với khả năng chống rầy rất tốt, được sử dụng rộng rãi trên miền Bắc trong một thời gian dài. Tuy nhiên, các giống trên đều là giống cải tiến và đều là ngoại nhập. Việt Nam cũng đã có một giống nổi tiếng là giống VN10 chịu lạnh tốt, có tỷ lệ gạo cao, được đưa vào sản xuất từ năm 1974, cho đến giờ vẫn được nông dân Thái Bình sử dụng. Sở dĩ, mọi giống lúa đều có giai đoạn lịch sử của nó vì tính bền vững phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thích ứng với nhiều vùng đất đai khác nhau, thích ứng với điều kiện, phương pháp canh tác, gần đây lại thêm các yếu tố mới xuất phát từ sự tác động của chính con người như sức ép thâm canh, sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật .v.v.
Ngần ấy những thách thức trên cho ta thấy tạo giống là một lĩnh vực nghiên cứu không kém phần “rủi ro” và “mạo hiểm”. Các nhà khoa học cứ mải miết nghiên cứu, tìm tòi mãi mới tạo ra một giống, phải vật lộn với thực nghiệm để hoàn thiện, để được công nhận và rồi tự thân bươn chải trên thị trường để có sự chấp nhận từ người sản xuất, sau đó lại đối mặt với những thách thức của môi trường, sản xuất để tìm ra một giống mới với những yêu cầu cao hơn về năng suất, chất lượng. Nhà khoa học như TS Nguyễn Thị Trâm đã dành cả đời để nghiên cứu cây lúa, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn không ngừng nghỉ để “hoàn thành một ý tưởng đã nung nấu”.
Nguồn: Tia sáng, 7-2008, tr 26