Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 15/07/2008 23:39 (GMT+7)

Đam mê sáng tạo- tài sản vô giá của "Vua cần cẩu"

Taytrắng rồi lại…trắng tay

Thời đó, gia đình tôi nghèo lắm đến bữa ăn chỉ có cơm và…muối. Bố mẹ đều là công nhân cơ khí, khi về hưu, ngôi nhà là tài sản lớn nhất cũng không có, chẳng biết bấu víu vào đâu”, anh Cường thổ lộ. Có lẽ với anh, tài sản vô giá mà người cha để lại, không gì khác, chính là niềm đam mê cơ khí.

Xuất ngũ, tay trắng, anh mở quán sửa chữa xe máy, xe đạp. “Mác” là sửa xe máy nhưng anh chưa hề “sờ” đến cái máy đó bao giờ. “ Cứ làm rồi sẽ biết. Có lẽ đây là động lực giúp tôi đặt bước chân đầu tiên vào “nghiệp” cơ khí sau này”, anh cho biết. Mong ước lúc đó của Nguyễn Tăng Cường là có riêng cho mình một chiếc xe máy, như anh nói, “ chỉ để tìm hiểu cho bằng hết các nguyên lý hoạt động”. Với bản tính tò mò, không chỉ sửa chữa mà anh còn cải tiến. “ Tôi lặn lội lên vùng rừng núi, mua xe khung mọt về mông má rồi bán. Các xilanh thì phải đem đến nơi khác roa lại” - anh Cường cho biết - “ Ý tưởng đúc xilanh nảy ra trong đầu, ngay tắp lự, tôi liền bắt tay vào việc”. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, những sản phẩm đầu tay của anh đều…“sôi hỏng bỏng không”. Không chán nản, tích lũy thêm kiến thức, “ hoài bão đúc xilanh cuối cùng cũng thành công”-anh tiếp lời. Thành công này đã khiến anh trở thành một trong những người đầu tiên đúc xilanh ở Việt Nam thời bấy giờ.

Nhưng dường như Nguyễn Tăng Cường thuộc nhóm người “năm chìm bẩy nổi” nên khi thị trường xilanh không còn thịnh anh…chuyển hướng. Ngày đó, ở Ninh Bình có phong trào thanh niên thu gom sắt vụn từ những mảnh bom đạn và những công trình xây dựng bị tàn phá do chiến tranh và thế là anh bắt tay vào thu gom sắt vụn. “ Để lấy được những trục sắt của cầu Ninh Bình bị bom đạn đánh sập chìm dưới lòng sông, tôi đã vào Đà Nẵng thuê 12 chiếc xe REO chở gỗ có cáp tời để trục vớt. Nhưng rồi cũng đành mất trắng tiền thuê xe, nhân công khi toàn bộ hệ thống cáp tời không chịu đủ lực đứt rời”, anh kể. Không chịu ngồi than thở, bao nhiêu vốn liếng còn lại cộng với vay mượn anh mua xà lan trục vớt. Dường như số phận không chiều lòng chàng trai có máu liều này khi toàn bộ xà lan mới tậu…chìm mất hút. Không bỏ cuộc, anh tiếp tục mua máy sục bùn của Mỹ. May mắn rồi cũng đến, bộ khung còn sót lại của chiếc cầu dần nổi lên mặt nước. Mang toàn bộ sắt phế phẩm đổi lấy sắt chính phẩm, anh đã có trong tay nguồn nguyên liệu. Nhưng rồi Nguyễn Tăng Cường lại trắng tay khi bao công lao của mình không cánh mà bay-phế liệu bị mất cắp. “ Bao nhiêu tiền bạc tích góp, bỏ vốn làm sắt vụn biến thành con số không tròn chĩnh. Tài sản duy nhất của tôi lúc đó chỉ còn chiếc tivi vỏ đỏ”, anh Cường cho biết. Taytrắng lại trở về…trắng tay.

Câu chuyện làm “vua thép”

Những chiếc cẩu siêu trường, siêu trọng của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung đã trở thành niềm tự hào của ngành cơ khí Việt Nam.
Những chiếc cẩu siêu trường, siêu trọng của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung đã trở thành niềm tự hào của ngành cơ khí Việt Nam.
Với những kiến thức tích lũy được từ việc đúc chiếc xilanh đầu tay cộng với niếm đam mê cơ khí cháy bỏng đã thôi thúc Nguyễn Tăng Cường chuyển sang đúc công nghiệp, để rồi doanh nghiệp cơ khíQuang Trung chào đời và trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh Ninh Bình. “ Chỉ có như thế mới làm được “chuyện lớn” ”, anh Cường thổ lộ. Một thân một mình, Nguyễn Tăng Cường liềulĩnh dấn thân vào lĩnh vực, mà đối với ngành cơ khí trong nước thời đó, còn “lạ nước lạ cái”.

Ban đầu doanh nghiệp cơ khí Quang Trung chỉ “lác đác” hơn chục người, máy móc chủ yếu là hàng thanh lý nên việc cho ra lò những sản phẩm thép đặc chủng chịu mòn, chịu nhiệt, theo hầu hết các chuyên gia máu mặt thời đó, là điều hoang đường. Bất chấp tiếng thị phi, anh cất công đi nhiều nơi học hỏi và liều thử nghiệm, thất bại rồi lại làm không chịu chùn bước. Sau bao phen vất vả xuôi ngược, cuối cùng anh cũng “trình làng” sản phẩm thanh ghi cho Nhà máy ximăng Bỉm Sơn. Nhưng rồi không ai dám xài hàng “made in Việt Nam” này vì nghi ngờ chất lượng. Sau khi giải trình sản phẩm thanh ghi của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung không chỉ đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật mà còn giúp Nhà máy ximăng Bỉm Sơn có thể tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng sau mỗi lần thay, những người có thẩm quyền mới đồng ý cho thử nghiệm, và theo đó, một Hội đồng đánh giá được thành lập. “ Thành công ngoài mong đợi: ở nhiệt độ 1300 oC, sau khi thử nghiệm: 6 thanh ghi nhập ngoại cháy chỉ còn 1; 4 thanh ghi của chúng tôi chỉ cháy có 1 cái”, anh Cường cho biết. Từ đây, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung dần khẳng định thương hiệu và tiếp tục cung cấp cho ngành ximăng nhiều sản phẩm thép như tấm nghiền, tấm lót, xích chịu nhiệt…

Không chỉ dừng lại những sản phẩm sản xuất từ thép cho ngành ximăng, trước bối cảnh Nhà máy hóa chất Lâm Thao rơi vào khủng hoảng khi các ống dẫn axit nhập ngoại bị hư hỏng. “ Tiếp tục nhập các ống dẫn axit này từ các nước SNG là không thể, do đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật cao nên trong nước chưa có nơi nào sản xuất thành công”, anh Cường cho biết. Không chịu đầu hàng, anh mày mò nghiên cứu tìm công nghệ. Cuối cùng, anh cũng đã sản xuất thành công ống dẫn axit. Như tìm được liều thuốc cải tử hoàn sinh, Ban lãnh đạo Công ty hóa chất Lâm Thao thưởng cho anh 50 triệu đồng. Anh từ chối không nhận và chỉ có một đề nghị: công ty ký hợp đồng 5 năm. Khi hợp đồng kết thúc cũng là lúc công ty từ chối không ký tiếp do sản phẩm của anh không…chịu hỏng.
Với óc sáng tạo của ông giám đốc trẻ đam mê khoa học, đến nay, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung đã trở thành doanh nghiệp cơ khí tư nhân đi đầu cả nước áp dụng KH&CN, sản xuất thép cao cấp phục vụ cho những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Và không ai trong ngành cơ khí lại không biết đến cái tên Nguyễn Tăng Cường để rồi họ phong anh là “vua thép”.

“Muốn thành công phải đam mê khoa học…”

Câu chuyện về người anh hùng lao động Nguyễn Tăng Cường là một câu chuyện dài. Đối với anh, bí quyết để thành công không gì khác chính là niềm đam mê công nghệ mới và dám…liều. Những kiến thức mà anh thu nhận được từ kinh nghiệm thực tế đã khiến nhiều nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực cơ khí phải nể phục. Vốn là một người ưa mạo hiểm, cộng với vốn có được khi làm “vua thép”, anh hăm hở lao vào một lĩnh vực hoàn toàn mới-sản xuất cẩu trục. Ban đầu nhiều người cho anh là khùng nên…gàn.
Tôi thu mua những bộ phận cẩu trục cũ của Nga như các hộp giảm tốc, mang về tìm hiểu, nghiên cứu sau đó cải tiến và lắp ráp. Mất vài năm, chúng tôi đã hoàn thành chiếc cẩu trục đầu tiên. Mừng khôn kể siết”, anh Cường cho biết. Bôn ba nhiều nước học hỏi cùng với những bí quyết tích lũy được, và cũng là lúc, các thiết bị cũ trôi nổi của Nga cạn kiệt, anh đặt ra bài toán: phải làm ra những chiếc cần cẩu, cẩu trục “made in Việt Nam ”. “ Có kiến thức, có nền móng, không có lý do gì mà không làm được”, anh Cường tuyên bố. Các hộp số của Nga trước kia khá nặng nề, từ đó anh đã tự thiết kế những bộ phận tương tự nhỏ gọn giảm từ 10 tấn xuống còn 1 tấn. Rồi từ nghiên cứu sách vở, kiến thức tích lũy được sau mỗi lần “xuất ngoại”, anh đã tìm ra một kết cấu riêng vừa giúp giảm vật liệu lại tăng mômen xoắn lên ít nhất 3 lần, và đến nay, tỷ lệ nội địa hóa các các sản phẩm thiết bị nâng hạ của chúng tôi đã lên đến 90%.

Nhưng điều thật sự gây “sốc” cho giới khoa học cơ khí Việt Nam là khi anh tuyên bố: sản xuất mâm xoay cần cẩu. Không ai tin vì để làm được những bộ phận như thế phải có trình độ công nghệ cao, thiết bị tối tân và…tiền-đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Lại càng sốc hơn khi anh khẳng định, “ không chỉ làm được mâm xoay 6 mét như của Nga mà có thể làm được mâm xoay 36 mét với vốn đầu tư chỉ hơn 1 tỷ đồng”. Những vị giáo sư đầu ngành cho rằng anh ngông cuồng quá. Nhưng không, với bí quyết riêng của mình, sản phẩm mâm xoay với đường kính lớn hơn 6 mét đã được…ra lò với nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật vượt trội khiến nhiều nhà khoa học không khỏi ngạc nhiên. Đối với Nguyễn Tăng Cường, phương châm sống là, “ không có gì được tất cả và cũng không có gì mất tất cả. Muốn thành công phải đam mê khoa học, lấy khoa học và công nghệ để để vươn lên”.

Từ những chiếc cần cẩu, cẩu trục tự lắp ráp, đến nay, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung đã thống lĩnh thị trường, độc tôn trong công nghệ sản xuất những chiếc cần cẩu siêu trường, siêu trọng hoàn toàn “made in Việt Nam”, cung cấp cho các ngành đóng tàu, thủy điện, dầu khí...Các sản phẩm cơ khí này chất lượng có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng giá thành chỉ bằng 70% so với nhập ngoại. Nhưng điều quan trọng hơn cả, trong bối cảnh những sản phẩm kỹ thuật cao sản xuất trong nước đều bị mọi người nghi ngờ chất lượng, thì những sản phẩm cơ khí được “rũa gọt” từ óc sáng tạo của Nguyễn Tăng Cường đã làm thay đổi nhận thức cúa người dân về hàng Việt Nam. Để rồi đâu đó người ta thì thầm và ngưỡng mộ anh - ông “vua cần cẩu”. “ Đối với tôi, chiếc cẩu trục 450 tấn như một huyền thoại mà chưa một nơi nào trong nước có thể làm được”, anh tâm sự.

Từ một doanh nghiệp cơ khí với vài chục lao động, thiết bị chắp vá, giờ đây, với sự dẫn dắt, chèo lái của người giám đốc trẻ tài năng Nguyễn Tăng Cường, Xí nghiệp cơ khí Quang trung đã vượt lên bao khó khăn bộn bề để trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước với 18 nhà máy, trung tâm công nghệ, trường dạy nghề trực thuộc tại nhiều tỉnh thành và hơn 1300 cán bộ. Hằng năm cung cấp hàng nghìn tấn thiết bị và hàng trăm chiếc cẩu các loại cho các ngành công nghiệp trong cả nước như Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty ximăng, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công ty hóa chất,…Hàng trăm đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được “sinh sôi nảy nở” mang lại cho xí nghiệp nhiều giải thưởng cao quý về khoa học và công nghệ trong và ngoài nước. Kết thúc cuộc trò chuyện với tôi, anh Nguyễn Tăng Cường khẳng định, “ Trong thời gian tới, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung sẽ vươn lên trở thành một tập đoàn hùng mạnh”.

Nguồn: T/c tia sáng, 7/2008

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.