Đại danh y với “dương án” và “âm án”
Trước hết, để có được một tầm nhìn khái quát toàn bộ kiến thức y học cũng như để phục vụ cho công việc chữa bệnh hằng ngày và ghi chép tư liệu cho đời sau, ông đã tham khảo và chọn lọc rất nhiều tài liệu, sách vở trong và ngoài nước. Ông tuyên bố "lấy Nội kinh làm gốc, lấy Phùng Thị và Cảnh Nhạc làm đề cương", nhưng ngoài ra còn đọc rất rộng các trước tác của nhiều nhà y danh tiếng như Chu Đan Khê, Lý Đông Viên, Vương Thái Bộc, Tiết Lập Trai... Đồng thời, ông còn chịu khó sưu tầm, ghi chép các kinh nghiệm y học dân gian, kinh nghiệm của các nhà truyền giáo phương Tây và các danh sư đồng nghiệp trong nước. Nhưng điều đáng nói ở đây là, trong các sách mà ông biên soạn, ông ghi rất rõ đâu là lý thuyết của các nhà kinh điển, các bậc tiên y, đâu là ý kiến của riêng ông, thậm chí những bài thuốc sưu tầm chọn lọc trong cuốn Bách gia trân tàng, ông đều ghi rõ sưu tầm được ở đâu, do ai truyền cho một cách rất rõ ràng và khoa học. Thái độ đó không chỉ chứng tỏ đức tính khiêm tốn của ông mà còn thể hiện một tinh thần rất mực trung thực trong công việc, không "lập lờ đánh lận con đen", không "đạo văn" một cách thô thiển những kiến thức của người khác để tạo nên danh tiếng cho riêng mình.
Thứ nữa, trong công việc khám và chữa bệnh hằng ngày, ông rất trung thực với người bệnh. Khi gặp những ca bệnh hiểm nghèo ít có khả năng cứu chữa, ông thường tìm cách nói thật tình hình cho gia đình người bệnh biết, tuyệt nhiên không lập lờ, hứa hão để trục lợi. Ông thường không bao giờ giấu giếm những điểm yếu trong kiến thức và tay nghề của mình đối với người bệnh. Ông sẵn sàng thuyết phục người nhà bệnh nhân tìm đến những thầy thuốc giỏi hơn mình để chữa chạy căn bệnh mà ông cảm thấy bản thân không đủ sức giải quyết. Ông tâm sự: "Thường người ta hay giấu các điều xấu của mình mà không đem sự thực nói với người khác, riêng tôi dám nói là thoát khỏi cái thói đó chăng! Là vì tôi theo con đường khoa cử nối dõi nghiệp nhà, chuyển hướng ra làm thuốc nên chỉ muốn hết sức làm những việc đáng làm, may ra mới khỏi hổ thẹn với trời đất, đâu dám e ngại sự chê khen, để phải hối hận với nhiệm vụ. Gặp những ca bệnh hiểm nghèo, tiên lượng rất xấu, nếu chữa cũng khó thành công hoặc khi đã chữa tích cực mà bệnh nhân vẫn tử vong, ông không bao giờ tìm cách chạy trốn, lấy lý lẽ "một miếng cơm, một bát nước đều do số định trước, chỉ chữa được bệnh chứ không chữa được mệnh" để bao biện. Ông suy nghĩ rất đúng đắn: "Phúc họa là sự báo ứng còn mơ màng, chết chóc là nỗi đau thường ngày trước mắt" (hưu cứu nãi hư ứng chi vi giám, vẫn diệt vi mục tiền chi trắc đát). Bởi thế, một mặt ông "lấy tình thực mà nói với nhà bệnh", mặt khác "bóp bụng lo nghĩ, hết sức chế biến thuốc thang để chữa chạy, cố tìm hết cách cứu vãn cho kỳ được, chỉ có đến khi nào âm dương ly thoát mới đành phải chịu".
Khu tưởng niệm đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Trung Mỹ, xã Hương Trung, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ảnh: Hà Tĩnh |
Kỷ niệm 288 năm ngày sinh của ông, nhìn lại một trong những phẩm chất quý báu của người thầy thuốc trứ danh của dân tộc, thiết nghĩ cũng là dịp để tất cả chúng ta nói chung và cán bộ nhân viên ngành y tế nói riêng cùng suy ngẫm, tiếp tục nêu cao và học tập tấm gương sáng chói của người, thực sự đóng góp sức mình vào công cuộc chấn hưng nền y học cổ truyền nước nhà.