Đại danh y Lãn Ông còn là một nhà thơ lỗi lạc
Vừa nghiên cứu lý luận, vừa ứng dụng và rút kinh nghiệm, chẳng bao lâu ông đã có tiếng là thày thuốc giỏi trong vùng Hương Sơn và các huyện khác ở Hà Tĩnh.
Khi nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu tiến vào Nghệ An, chúa Trịnh cho người đến vời ông ra cầm quân cứu giúp. Ông không nhận lời, lấy cớ phải phụng dưỡng mẹ già, nhưng thực ra là muốn gắn bó với nghề thuốc, cứu người. Từ đó ông lấy hiệu là Lãn Ông (ông Lười) để tỏ chí mình, và làm câu đối treo trước nhà:
Thiện việc lãn vi, hà luống ác,
Quý do bất nguyện khởi ưu bần
Nghĩa là:
Thiện chửa làm tròn, nữa là ác!
Sang còn chẳng thiết há lo nghèo
Sau khi mẹ mất (1754) ông ra Thăng Long mong tìm thày kết bạn để học hỏi thêm. Không gặp được ai có tài, có tâm, ông tìm mua một số sách thuốc kinh điển, Trung y; đọc sách của danh y Trung Quốc Trọng Cảnh, những bài thuốc của Lào, của giáo sĩ Hà Lan.
Nhờ hiểu thấu y lý, rút ra được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn và với đầu óc suy xét, nên ông đã có những kiến giải đặc sắc, đúng đắn về y học, về sinh lý, dược học. Ông rất coi trọng y đức, bởi “trong con người thày thuốc có cả 2 mặt đối lập thống nhất là tính khách quan của khoa học và tính chủ quan, rất đặc trưng của nghệ thuật. Khoa học và nghệ thuật sáng tạo ra hành động, nhưng chính đạo đức mới chỉ đạo hành động”.
Ông thường nêu lên 8 cái tôi mà thày thuốc phải tránh: dốt, lười (ngại khoa), bất nhân, hẹp hòi, thất đức (không chữa có con nhà nghèo, mồ côi, góa bụa…)…
Trong Y huấn cách ngôn , ông viết: “Tôi từng thề với lòng mình phải dốc hết sức làm những việc đáng làm, phải đi sâu hơn nữa vào cái sự nghiệp giúp người hoạn nạn, ngõ hầu khi ngẩng đầu lên trông trời, cúi xuống ngó đất, không đến nỗi phải hổ thẹn”.
Là một nhà nho, nên Lê Hữu Trác không quan niệm làm quan, phò vua là giúp nước, mà hễ làm gì yêu dân, giúp nước đều là đạo.
Ngoài việc chữa bệnh ông còn mở trường dạy thuốc cho một số môn sinh, gặp gỡ trao đổi nghề nghiệp với nhiều bạn đồng nghiệp. Ông viết nhiều sách về y học và coi đó là trách nhiệm của thày thuốc. Ông viết: “chữa bệnh thì chỉ cứu được một người, còn làm sách thì giúp đời vô tận”.
Ông làm việc suốt 26 năm để biên soạn bộ sách đồ sộ Hải thượng y tông tâm lĩnhgồm 28 tập, 66 quyển.
Năm Nhân Dần (1781) ở tuổi 61 ông được chúa Trịnh vời ra Thăng Long chữa bệnh. Ông hy vọng vào dịp này bộ sách của ông sẽ được in. Nhưng ước vọng đó không thành.
Tại lễ kỷ niệm lần thứ 250 ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Đức Thắng đã đánh giá: “Lần đầu tiên trong y học nước nhà nhờ có sự cố gắng phi thường của Hải Thượng Lãn Ông mà chúng ta đã có một công trình nghiêm túc y học lớn, có hệ thống, phong phú, bao gồm hai vấn đề cơ bản về tư tưởng, đạo đức, lý luận y học, dược học, bệnh học, kinh nghiệm lâm sàng, phòng bệnh, tổng kết bệnh án về nội khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, thương khoa, cấp cứu, các bệnh ngũ quan và hàng ngàn phương thuốc, dược liệu sưu tầm, chọn lọc hoặc sáng chế”.
Hải thượng y tông tâm lĩnhlà bộ sách toàn thư về y học Lãn Ông lấy y đạo đối lập với lý tưởng tu tề trị bệnh theo quan điểm chính thống của nho giáo đương thời. Ông xây dựng quan điểm y học khá hoàn chỉnh, đề ra hai phẩm chất cơ bản của người thày thuốc là hạnh và trí. Những tư tưởng đạo đức ấy biểu hiện một tinh thần nhân đạo cao cả, một sự quan tâm sâu sắc tới đời sống con người, trước hết là những người nghèo khổ.
Sự nghiệp văn chương của ông cũng không phải nhỏ. Cái khổng lồ về tài năng y học đã che lấp cái giỏi giang về văn thơ của ông. Y dương ánvà Y âm ánlà hai tập ghi chép về một số bệnh nguy nan đã chữa khỏi và một số bệnh khó, không chữa được, có khi dẫn tới tử vong. Với lời kể chân thực, sâu sắc, hai tập sách đã làm nổi lên tình cảnh bi đát của người bệnh nghèo khó và hình ảnh người thày thuốc trung thực, tận tụy, vật lộn với các căn bệnh hiểm nghèo!
Thượng kinh ký sựghi lại cuộc hành trình ra Thăng Long chữa bệnh cho Trịnh Cán (1782) là một tác phẩm có giá trị về văn học và sử học. Lãn Ông còn là một nhà thơ xuất sắc. Với 40 bài trong bộ Tâm lĩnh và 29 bài trong Y lý thâu nhân lý ngôn phụ chí , tuy chưa phải là nhiều nhưng cũng đủ chứng minh Lãn Ông là một nhà thơ lớn. Cụ phó bảng Phan Võ cũng như nhiều thi nhân khác đã nhận xét “Lời thơ mới mẻ, từ thơ man mác, ngó thì đạm, nhưng ý vị vô cùng. Có cái vẻ đẹp như bóng trăng trên núi, cái khí thanh của gió trên sông…”. Ngoài ra Lãn Ông còn có 2 quyển diễn ca văn nôm Vệ sinh yếu quyết và Lĩnh nam bản thảo .
Sự nghiệp văn chương của Lê Hữu Trác không phải nhỏ. Nhưng ngọn núi y học khổng lồ lại che mất nghiệp văn thơ của ông. Chính vì vậy mà Trương Quốc Dũng đã viết: “Đời chỉ biết ông là đại danh y, mà không biết ông là cao sĩ!”.
Từ năm 1834 giới y học nước ta đã ghi công Hải Thượng Lãn Ông vào y miếu Thăng Long. Giáo sư Hồ Đắc Di lại viết “Tôi thực sự tự hào là trên 200 năm trước, non sông gấm vóc nước ta đã sản sinh ra một bậc danh y có tài đức và tầm tư tưởng lớn hơn cả Hyppocrate”.
Trương Tú Dân đã viết: “Có thể coi Lãn Ông là y thánh của Việt Nam . Giả sử coi Nguyễn Du là Goethe của Việt Namthì cũng không ngần ngại gì gọi Lê Hữu Trác là Lý Thời Tân của Việt Nam ”.
Nguyễn Đổng Chi lại viết: “Nếu so sánh Lãn Ông với Lý Thời Tân (Trung Quốc) hay Gianutx Coocrariut chỉ là đánh giá về mặt y học, nhưng chưa nhìn ông một cách toàn diện”.