Đặc điểm gia tăng dân số, lao động Việt Nam giai đoạn 1989 - 2009
- Dân số lao động tạo ra thị trường tiêu thụ lớn tại chỗ, nhu cầu này tăng nhanh khi đời sống người dân được cải thiện và nâng cao. Điều này vừa tạo ra động lực, vừa tạo ra điều kiện thúc đẩy sản xuất phát triển. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, thị trường tiêu thụ trong nước đánh giá là thị trường dễ tính rất tương thích với giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa.
- Dân số đông đã tạo ra lực lượng lao động dồi dào, đến 1 - 4 - 2009, cả nước có 43,9 triệu người trong độ tuổi lao động đang làm việc, chiếm 51,2% dân số cả nước. Lao động nước ta, một mặt kế thừa được truyền thống cần cù, chịu khó của cha ông; mặt khác với lực lượng lao động trẻ có trình độ văn hóa, có khả năng tiếp thu nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại, tiếp cận được các thiết bị, công nghệ tiên tiến. Người lao động đồng thời vừa là người sản xuất, vừa là người tiêu thụ; đặc biệt với lao động trẻ có sức mua sắm rất cao và nhu cầu của nhóm này ngày càng đa dạng.
- Chính vì thị trường tiêu thụ, lao động dồi dào, giá tiền công lao động tương đối rẻ (ở cùng trình độ chuyên môn, kỹ thuật) so với một số nước trong khu vực (Singapore, Thái Lan); lực lượng lao động có kỹ thuật khá đông đảo (năm 2009 có 8,6 triệu người, chiếm 13,3% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên; trong đó 2,6% đã tốt nghiệp sơ cấp, 4,7% trung cấp, 1,6% cao đẳng, 4,2% đại học và 0,2% trên đại học) nên Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm và nguồn vốn đầu tư của các quốc gia (Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Hoa Kỳ, Hàn Quốc), của nhiều công ty đa quốc gia (Siemens, Sony, Samsung, Toshiba…)
Để có thể phát huy hết được các thế mạnh của nguồn lực này trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, điều khiển được dân số, nhằm tạo ra số dân phù hợp với các nguồn lực tự nhiên và các nguồn lực khác của đất nước, chúng ta cần nắm được các đặc điểm gia tăng dân số Việt Nam trong những năm gần đây.
Để đảm bảo tính khách quan và trung thực, các số liệu trong bài viết này được lấy từ kết quả của các cuộc Tổng điều tra dân số (ngày 1 tháng 4 các năm 1989, 1999 và 2009) và các Niên giám thống kê do Nhà xuất bản Thống kê phát hành.
Đặc điểm gai tăng dân số, lao động Việt Nam trong giai đoạn 1989 -2009
Dân số nước ta vẫn còn tăng nhanh nhưng có xu thế chậm dần trước khi đạt tới sự ổn định
Trong thời kỳ 1989 - 1999 dân số nước ta tăng khá nhanh. Theo số liệu Tổng điều tra dân số năm 1989, nước ta có 64.375,762 người. Đến 1 tháng 4 năm 1999 số dân tăng lên 76.323.173 người. Như vậy, trong 10 năm dân số đã tăng thêm 11.947.411 người, trung bình mỗi năm tăng 1.194.741 người. Số dân tăng thêm hàng năm trong giai đoạn này tương đương với số dân của một tỉnh vào loại trung bình ở nước ta lúc bấy giờ (Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Phú Thọ, Hà Tĩnh) và cao hơn nhiều tỉnh khác (Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Vĩnh Long).
Trong giai đoạn 1999 đến 2009 dân số nước ta tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn. Cụ thể đến ngày 1 tháng 4 năm 2009 dân số của nước ta 85.789.573 người. Nếu do với năm 1999, dân số nước ta tăng thêm 9.466.400 người, trung bình mỗi năm tăng 946.640 người. Như vậy số dân tăng thêm trung bình hàng năm gần bằng dân số của tỉnh Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu; nhưng còn lớn hơn dân số của nhiều tỉnh, thành phố khác: Hà Giang, Hà Nam, Quảng Bình, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Phước, Hậu Giang, Bạc Liêu vào 1 - 4 - 1999 (chưa tính tới các tỉnh có số dân nhỏ khác).
Rõ ràng, trong 20 năm gần đây, về số lượng dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm dần. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, dân số nước ta vẫn còn tiếp tục tăng lên theo thời gian và tăng chậm dần cho đến khi ổn định. Dự báo, khoảng 30 - 40 năm nữa dân số nước ta sẽ ổn định ở mức khoảng 100 - 110 triệu người.
Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên ở nước ta giảm khá nhanh trong 20 năm qua, nhưng không đều giữa các dân tộc
Về mặt lý thuyết, dân số tăng lên do 2 nguyên nhân: gia tăng cơ giới và gia tăng tự nhiên. Trên thực tế, ở nước ta trong những năm 1989 đến 2009 gia tăng cơ giới không đáng kể, chỉ có một số người nước ngoài định cư và nhập quốc tịch Việt Nam hoặc một số Việt kiều trở về quê hương làm ăn, sinh sống. Vì vậy, có thể khẳng định nguyên nhân chính làm cho dân số nước ta vẫn còn tăng nhanh chủ yếu là gia tăng dân số tự nhiên. Cụ thể, tỷ lệ gia tăng dân số trung bình năm trong thập niên 1989 - 1999 là 1,7% (vẫn còn cao hơn so với mức trung bình của thế giới); và trung bình năm trong thập niên 1999 - 2009 là 1,2% (vẫn còn cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore). Nếu so với tỷ lệ tăng dân số trung bình năm trong thập niên 1979 - 1989 ở mức 2,13%; thì trong 20 năm tỷ lệ gia tăng dân số đã giảm 0,93%. Đây là một thành tựu đáng kể của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình được thực hiện kiên trì, liên tục trong 50 năm qua. Cũng theo số liệu thống kê, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế vào năm 2005 và tiếp tục duy trì mức sinh thay thế cho đến nay.
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng tỷ lệ gia tăng tự nhiên cũng có sự khác biệt và chênh lệch khá lớn giữa các dân tộc. Cụ thể, dân tộc Kinh là dân tộc có số dân đông nhất trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng lại có tỷ lệ gia tăng tự nhiên thấp nhất với 1,1%; các dân tộc ít người còn lại có mức gia tăng tự nhiên trung bình là 1,6%. Điều này có thể lý giải như sau:
- Dân tộc Kinh có trình độ dân trí, có sự thông hiểu khá tốt nên đã tự giác thực hiện chính sách dân số - kế hoạch giá gia đình.
- Nhiều dân tộc ít người, do trình độ dân trí còn thấp, vẫn duy trì nhiều hủ tục hoặc tập quán lạc hậu: tảo hôn… (ví dụ như ở dân tộc Mông) nên việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình còn có nhiều hạn chế, tỷ lệ gia tăng dân số còn cao, có nhiều gia đình đông con…
Tỷ lệ gia tăng dân số, lao động trung bình năm không đồng đều giữa các vùng
Như trên đã nói, trên phạm vi cả nước, trong thời gian từ 1989 đến 2009 sự gia tăng cơ giới về dân số là không đáng kể so với tổng dân số của cả nước. Song trên phạm vi vùng, miền sự gia tăng cơ giới, lại đóng vai trò và ý nghĩa rất đáng kể. Để đơn giản và làm rõ vấn đề này, chúng tôi không đưa ra bảng thống kê số lượng tuyệt đối mà đưa ra bảng thống kê tương đối thể hiện ở bảng 1.
Giai đoạn | Cả nước | Trung du và miền núi phía Bắc | Đồng bằng sông Hồng | Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung | Tây Nguyên | Đông Nam bộ | Đồng bằng sông Cửu Long |
1989-1999 | 1,7 | 1,51 và 2,09* | 1,36 | 1,38 và 1,57* | 4,87 | 2,64 | 1,13 |
1999-2009 | 1,2 | 1,0 | 0,9 | 0,4 | 2,3 | 3,2 | 0,6 |
Ghi chú: * Giai đoạn 1989 - 1999 Trung du và miền núi phía Bắc được chia thành hai tiểu vùng Đông Bắc và Tây Bắc; Duyên hải miền Trung được chia thành Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ.
- Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Trung du và miền núi phía Bắc luôn có tỷ lệ gia tăng dân số, lao động trung bình năm thấp hơn tỷ lệ gia tăng dân số, lao động trung bình của cả nước. Đây cũng chính là các địa bàn xuất cư, chủ yếu là dân cư trong độ tuổi lao động. Đây là lý do làm cho một số tỉnh ở các khu vực này tăng chậm hoặc hầu như không tăng: Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…
- Trong cả 2 thời kỳ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên luôn có tỷ lệ gia tăng dân số, lao động trùng bình năm cao hơn so với cả nước. Đặc biệt, trong thời kỳ 1989 - 1999 tỷ lệ gia tăng dân số, lao động trung bình ở Tây Nguyên lên tới 4,8%7. Nguyên nhân chính: Sự nhập cư rất lớn từ phía bắc để khai thác các tiềm năng về nông - lâm nghiệp ở đây (hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, các nông trường, lâm trường quốc doanh). Trong thời kỳ 1999 - 2009 Đông Nam bộ lại nổi lên là nơi có tỷ lệ gia tăng dân số, lao động trung bình năm cao nhất với 3,2%. Nguyên nhân chính: Đây là nơi có sự phát triển kinh tế năng động. Sự phát triển kinh tế năng động ở Đông Nam bộ đã thu hút rất nhiều lao động và gia đình của họ từ các vùng khác tới làm công nhân trong các khu công nghiệp và làm các dịch vụ khác; đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong thời kỳ 1999 - 2009 sự thay đổi số dân, lao động có sự biến đổi lớn về tỷ lệ gia tăng dân số, lao động trung bình năm ở cấp tỉnh, thành phố. Nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ gia tăng dân số trung bình năm cao gấp 2 lần mức trung bình của cả nước: Bình Dương 7,3%; thành phố Hồ Chí Minh 3,5%; Kon Tum 3,1%; Bình Phước 2,9%; Gia Lai 2,7%; Đà Nẵng 2,6%...
Sự gia tăng dân số, lao động không đều giữa các vùng
Qua bảng 2 có thể thấy: về số lượng dân cư ở các vùng đều tăng theo thời gian; tuy nhiên có sự phân bố và gia tăng dân số không đều và có sự chênh lệch lớn giữa các vùng. Trong 20 năm, tăng mạnh nhất là Đông Nam bộ với mức tăng 7.865,9 ngàn người (tăng gấp 2,27 lần năm 1989), sau đó là Đồng bằng sông Hồng 7.757,4 ngàn người, tiếp theo là Đồng bằng sông Cửu Long với 5.248,8 ngàn người; thứ tư là Tây Nguyên tăng 3.642,6 ngàn người (tăng gấp 3,44 lần so với 1989, tăng mạnh nhất so với tất cả các vùng).
Vùng | Số dân (ngàn người) | ||
1989 | 1999 | 2009 | |
Đồng bằng sông Hồng | 11.820,5 | 16.833,8 | 19.577,9 |
Trung du và miền núi phía Bắc | 8.051,2 | 11.053,0 | 11.064,5 |
Bắc Trung bộ | 7.546,0 | 10.007,7 | 10.073,3 |
Duyên hải Nam trung bộ | 5.751,8 | 6.528,1 | 8.726,1 |
Tây Nguyên | 1.482,8 | 4.060,0 | 5.107,4 |
Đông Nam bộ | 6.159,5 | 11.710,0 | 14.025,4 |
Đồng bằng sông Cửu Long | 11.930,1 | 16.130,7 | 17.178,9 |
Điều này có thể được lý giải như sau:
- Do lịch sử định cư, lịch sử khai thác lãnh thổ cùng những tác động của các điều kiện tự nhiên mà số dân phân bố không đều giữa các vùng. Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long là các dẫn chứng tiêu biểu cho các luận điểm này. Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long luôn là hai vùng có số dân cư tập trung đông nhất, trong các năm 1999 và 2009 đều chiếm hơn 43% dân số của cả nước; do ở đây có các điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất thâm canh lúa nước, nuôi trồng chế biến thủy sản…. Đồng bằng sông Hồng là nơi có lịch sử định cư, khai thác lãnh thổ từ rất sớm nên ở đây dân cư không chỉ đông mà còn có mật độ dân số rất cao, luôn đứng đầu cả nước.
- Do trình độ phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương và các vùng rất khác nhau nên sự gia tăng dân số cũng rất khác nhau. Tiêu biểu là sự phát triển kinh tế ở Đông Nam bộ đã mở rộng thị trường lao động dẫn tới di cư dân cư và lao động từ các vùng khác tới đây như đã phân tích và dẫn chứng ở trên.
- Do chính sách và chủ trương phân bố lại dân cư trên phạm vi cả nước từ các thập niên 60,70 cho đến nay. Chủ trương phân bố lại dân cư trên phạm vi cả nước có ngay từ khi đất nước thống nhất. Để thực hiện chủ trương này nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình di cư tới xây dựng các vùng kinh tế mới, các vùng chuyên canh cây công nghiệp ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ. Mặc dù trong các năm sau này sự di cư không còn diễn ra ồ ạt như các năm 70, 80 của thế kỷ trước nhưng vẫn còn có các dư âm về sau. Trong thời gian sau này vẫn có các cuộc di dân đi Tây Nguyên để lấy đất cho các dự án xây dựng. Ví dụ, di cư số dân trong khu vực lòng hồ công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đặt (Thanh Hóa) và Tây nguyên.
Nếu xem xét chi tiết về quy mô dân số tới cấp tỉnh thành phố có thể thấy có những biến động lớn. Quy mô dân số có mức tăng khá nhanh, đặc biệt trong thời kỳ 1999 cho đến 2009 ở một số tỉnh, thành phố. Chẳng hạn, Bình Dương có quy mô dân số tăng gấp 2 lần trong khoảng thời gian trên. Ngoài ra, còn một số tỉnh, thành phố phía Nam cũng có mức tăng nhanh: Thành phố Hồ Chí Minh, Kon Tum, Đà Nẵng…. Ngược lại, một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng và Bắc trung bộ có số dân không tăng, thậm chí giảm sút sau 10 năm do số dân tăng tự nhiên không thể bù đắp được số người chuyển cư làm ăn ở các địa phương khác: Hà Nam, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tĩnh….
4. Sự gia tăng dân số lao động không đều giữa các dân tộc
Theo số liệu thống kê qua các cuộc tổng điều tra dân số từ năm 1989 đến 2009, về quy mô dân số, nhìn chung các dân tộc đều có số dân tăng lên (trừ dân tộc Hoa giảm từ 900.185 người năm 1989 xuống 862.371 người -năm 1999, 2009 còn 823.071 người). Nếu như năm 1989 mới chỉ có 8 dân tộc có số dân từ 0,5 triệu người trở lên: Kinh, Tày, Thái, Hoa, Khơ me, Mường, Nùng, Mông thì đến năm 1999 đã có thêm dân tộc Dao với số dân 620.538 người. Nhưng nếu tính theo giá trị tương đối thì ngoài dân tộc Hoa, dân tộc Kinh cũng có số dân giảm dần tỷ trọng trong cơ cấu dân số. Để thuận lợi cho việc so sánh chúng tôi lập ra bảng 3.
Bảng 3: Tỷ lệ của một số dân tộc chủ yếu (đơn vị tính: %)
Dân tộc | Năm | ||
1989 | 1999 | 2009 | |
Kinh | 86,83 | 86,21 | 85,70 |
Tày | 1,85 | 1,94 | 1,90 |
Thái | 1,62 | 1,74 | 1,90 |
Hoa | 1,40 | 1,13 | 0,96 |
Khơ me | 1,39 | 1,38 | 1,50 |
Mường | 1,42 | 1,49 | 1,50 |
Nùng | 1,10 | 1,12 | 1,13 |
Mông | 0,87 | 1,03 | 1,20 |
Dao | 0,74 | 0,81 | 0,87 |
Qua phần trình bày trên, có thể thấy trong thời gian từ 1989 đến 2009:
- Dân số nước ta gia tăng khá nhanh về số lượng và đang có xu hướng giảm dần về tốc độ.
- Động lực của sự gia tăng dân số nước ta là tỷ lệ gia tăng tự nhiên; tỷ lệ này không đều nhau giữa các vùng và giữa các dân tộc.
-Một tỉnh thành phố và vùng có tỷ lệ gia tăng dân số trung bình năm khá cao. Động lực chính của hiện tượng này là gia tăng cơ giới.
- Tương quan dân số giữa các dân tộc dang có sự biến đổi tuy rất chậm chạp.