Cúc hôi - cây hoa tuy không thơm nhưng rất hữu dụng
Cúc hôi ( Ageratum conyzoides), gốc ở Mexico (châu Mỹ) và nay phát tán hầu như khắp các nước nhiệt đới và á nhiệt đới.
Là cỏ hoang dại, nhất niên, cao trên dưới 1mét, phân nhánh nhiều, có nhiều lông mềm. Lá mọc đối, phiến lá mềm, nhăn nheo, bìa có răng cưa. Hoa hình đầu, tim tím hay trắng, ở ngọn cành. Bế quả không long, mang ở đầu 5 vảy thon nhọn.
Thành phần hoá học
Toàn cây (thu hái lúc đang trổ hoa) chứa nhiều tinh dầu, nhất là ở hoa, và nhiều chất có dược tính tốt:
- Tinh dầu, với khoảng 50 thành phần, thuộc các nhóm monoterpen, sesquiterpen, phenopropanoid, benzoid, chromen, chroman,…
- Flavonoid
- Alcaloid (conyzorigin, angeloylretronecin, lycopsamin…)
Các nghiên cứu dược học ở Brazil cho thấy dịch chiết bằng nước từ lá Cúc hôi có tác dụng làm thư giãn cơ trơn tử cung trên chuột thử nghiệm. Dịch này cũng làm thay đổi điện tâm đồ nơi chuột lang thử nghiệm. Từ hai nghiên cứu trên, cho thấy dân gian dùng 20g cành lá Cứt lợn (tươi thì 50g) sắc uống trị đau bụng kinh, động kinh, đau do co thắt cơ trơn, rối loạn đường ruột, huyết áp cao là có cơ sở.
Nghiên cứu còn cho thấy: nước chiết từ lá Cúc hôi, cô thành bột sau đó hoà tan trong dung dịch NaCl 0,9%, với các liều 50 và 100mg/kg có tác dụng làm giảm đau rõ rệt. Ngoài ra, dịch chiết từ lá bằng nước/cồn cho thấy có hoạt tính kháng viêm nơi chuột bị gây viêm mà không gây những độc hại về gan dù sử dụng lâu dài. Cho nên có thể dùng 50g cành lá mang hoa Cứt lợn tươi (hoặc 20g khô) sắc uống trị đau nhức khớp xương, thấp khớp, cảm cúm hoặc dùng nước ép cỏ Cứt lợn tươi nhỏ mũi trị viêm mũi dị ứng, viêm xoang.
Dịch lá Cúc hôi chiết bằng cồn mêtylic với mật ong cũng có tác dụng làm lành vết thương. Dân gian có kinh nghiệm đã đắp trị vết thương, vết loét.
Dịch chiết từ cây Cứt lợn bằng cồn êtylic cũng có hoạt tính bảo vệ màng nhày bào tử. Dân gian dùng 100g cành lá mang hoa tươi giã nát lấy nước cốt uống hoặc 40g khô, tán bột hãm với nước sôi uống mỗi ngày, trong 7-10 ngày trị viêm loét dạ dày – tá tràng.
Theo nghiên cứu ỏ Ấn Độ, cây Cứt lợn còn có hoạt tính bảo vệ cơ thể chống tác hại của tia phóng xạ gamma.
Vài phương thuốc dân gian ở một số nước:
- Tại Brazil, cây được dùng trị kinh phong; cành lá nghiền nát lấy nước cốt đắp trị mụn nhọt, vết thương… Lá sắc uống làm thuốc bổ đắng, ăn khó tiêu, trừ nóng sốt, đau bụng… do nhiễm trùng 100g tươi (hoặc 30-40g khô).
- Tại Phi châu, toàn cây nghiền nát thành bột, dùng thoa ngựa, bò để tránh bị côn trùng chích đốt. Lá nghiền nát để đắp vết bỏng…
- Tại Ấn Độ, dùng làm thuốc đắp trị vết thương, nước ép từ lá làm thuốc thoa, uống chống co giật, sạn thận.
- Tại nước ta, cây Cứt lợn được xem là có vị cay hơi đắng, tính mát, làm thông huyết, hành huyết, thanh nhiệt, tiêu viêm, giải độc, trị viêm mũi dị ứng… Dùng nước cốt (40-50g lá), uống để trị rong kinh sau khi sanh nở. Cành lá Cứt lợn tươi rửa sạch, giã vắt lấy nước cốt, nhỏ vào mũi qua một cục bông gòn để thuốc thấm từ từ trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng.
Nguồn: Thuốc & Sức khoẻ, số 291, 1/9/2005