Cú hattrick của nhà sáng tạo trẻ
Với người thân và bạn bè của Hoàng thì việc em tiếp tục đoạt giải cao nhất trong cuộc thi lần này không có gì bất ngờ. Bởi vì ai cũng biết cậu bé này mê chế tạo các thứ máy móc từ hồi còn nhỏ, nhưng vì nhà nghèo không có tiền mua vật liệu nên Hoàng thu nhặt từ tivi, máy quạt, máy cát-sét đã hư hỏng, thậm chí Hoàng còn tận dụng đến từng bút bi, hay đèn bàn đã dùng rồi... Trong cái góc nhỏ bé là chỗ vừa học vừa “chế tạo máy” của Hoàng lúc nào cũng như một kho đồ phế liệu, linh tinh đủ thứ mà với một bạn trẻ khác, nó có thể chỉ đáng vứt đi. Thế nhưng với Hoàng, các thứ phế liệu đó cũng có thể trở thành một chi tiết máy quan trọng của một chú rô-bốt, một thứ máy móc và quan trọng hơn nó là thứ nguyên liệu rất quan trọng để nuôi dưỡng niềm đam mê chế tạo máy móc của cậu học trò nghèo này rất nhiều năm qua.
Nói về mô hình giá phơi đồ tự động, Hoàng tâm sự: “Nước Việt Nam của chúng ta đã và đang trở thành nước công nghiệp, ai cũng phải đi làm, nếu không có người ở nhà để lấy đồ khi trời mưa, áo quần của chúng ta sẽ bị ướt hết, trong một ngày chúng ta không có đồ phơi khô trong ngày hôm đó, và nếu như đồ còn phơi trong nhiều ngày thì nó sẽ có những tác hại khác nên em suy nghĩ cần có giải pháp nào đó để bảo vệ quần áo khỏi ướt một cách tự động”
Giá phơi quần áo tự động của Vũ Huy Hoàng dựa trên nguyên lý cảm ứng theo thời tiết và nhiệt độ thông qua các bộ cảm biến điện vật liệu để sử dụng trong mô hình thật đơn giản, chỉ với 2 khung sắt - một bộ cảm biến, một mô tơ với hệ thống dây xích giúp cho khung sắt có bạt che quần áo hoạt động khi có hiệu lệnh. Ngay khi trời mưa, phát hiện những giọt mưa đầu tiên rơi vào miếng miếng cảm biến, IC 1 sẽ tự động được kích hoạt, rơle đóng lại và mô tơ được lệnh phải kéo khung sắt có gắn tấm bạt che về phía đối diện với nó để phủ kín toàn bộ giá phơi đồ được đặt thấp hơn vài cm, quần áo sẽ được che kín hoàn toàn. Chỉ 12 giây sau khi mưa tạnh, IC 2 sẽ hoạt động, mô tơ sẽ kéo ngược khung sắt có gắn tấm bạt che về vị trí ban đầu, lúc này công tắc thứ hai sẽ được đóng lại, IC 2 và hệ thống nguồn cũng tạm thời bị ngắt điện đảm bảo an toàn cho quá trình sử dụng sản phẩm, lúc đó, nguồn điện ở IC 1 lại được mở ra sẵn sàng ra lệnh cho hệ thống trong trường hợp có mưa trở lại.
Ưu điểm lớn nhất của mô hình là hệ thống hoàn toàn tự động, bộ cảm biến sẽ tiếp nhận và xử lý những tín hiệu đã được lập trình sẵn, sử dụng động cơ điện một chiều. Hơn nữa, mô hình xuất phát từ một thực tế trong đời sống, nó gần gũi và cần thiết với hầu hết mọi gia đình, và quan trọng hơn cả là giá thành của nó chỉ khoảng từ 400.000 - 500.000 đồng. Vũ Huy Hoàng bộc bạch: “Em rất mong muốn phát triển ý tưởng của em thành một sản phẩm có thương hiệu, sử dụng đại trà cho mọi người,giúp các mẹ, các chị không phải lo về chuyện nắng mưa nữa và có thể yên tâm trong công việc của mình”.