Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 06/10/2005 14:29 (GMT+7)

Công trình xác định tài nguyên dưới lòng đất

Thành công từ ngày gian khó

Đây là cụm công trình đặc biệt xuất sắc với quy mô lớn, có cơ sở khoa học cao để hoạch định chiến lược xây dựng và phát triển công nghiệp khai khoáng của đất nước. Có được kết quả ngày hôm nay, các cán bộ tham gia công trình đã phải lặn lội vượt qua biết bao ghềnh thác, lấy núi rừng hoang dại giữa đại ngàn làm điểm trú chân với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Suy nghĩ quốc gia nào cũng phải có bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản, phải điều tra dưới đất có kết cấu thế nào và biết những loại khoáng sản gì …, các tác giả đã vào cuộc với mong muốn xây dựng một công trình hoàn chỉnh về địa chất, về khoáng sản của đất nước ở tất cả các vùng trong thời gian nhanh nhất.

Khó khăn chồng chất vì đối tượng nghiên cứu là rừng núi, đây cũng là thời kỳ đất nước mới đi vào giai đoạn thống nhất nên những tàn tích chiến tranh vẫn chưa kịp thu dọn, nguy cơ và nhiều hiểm họa luôn rình rập trong quá trình làm việc của cả nhóm. Nhưng bằng tài năng và tâm huyết với nghề, các nhà địa chất học đã lập nên một mạng lưới lộ trình khảo sát dày, phủ khắp các ngóc ngách của lãnh thổ nước ta, thu thập hàng triệu mẫu vật về thạch học, cổ sinh vật và khoáng sản nhằm phân tích, tổng hợp để vẽ nên bản đồ. Căn cứ gần 3.000 điểm hóa thạch thu thập được, bản đồ địa chất đã xác định hàng trăm giống loài mới của cổ sinh vật học chưa từng được định tên trong các văn liệu cổ sinh vật học thế giới, đồng  thời cung cấp những thông tin về vị trí địa lý, quy mô, chất lượng nguyên liệu của khoảng 1.800 điểm mỏ và điểm khoáng, trong đó nhiều phát hiện ngày nay đã trở thành những vùng mỏ có giá trị. 

Từ những kết quả bước đầu, bản đồ địa chất Việt Namvà bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 dần được định hình và hoàn thành vào năm 1981. Đây là cụm công trình khoa học mang tính tổng hợp rất cao về những thông tin, số liệu đo vẽ địa chất, khoáng sản trên toàn lãnh thổ nước ta, đồng thời cũng là lần đầu tiên ở nước ta có bản đồ địa chất và bản đồ khoáng sản do các nhà địa chất Việt Nam thành lập trên cơ sở kết quả khảo sát của chính mình. Nhìn vào bản đồ, chúng ta có thể biết được vùng nào là vùng võng có các trầm tích trẻ có khả năng chứa dầu khí, vùng nào là vùng đá vôi có khả năng phát triển công nghiệp xi măng…

Giá trị từ cụm công trình        

Với cụm công trình này, lần đầu tiên trên bản đồ địa chất phần lãnh thổ Việt Nam đã xây dựng được nhiều phân vị địa tầng mới trên cơ sở nghiên cứu thanh lọc, quan hệ, cổ sinh và cấu trúc chung. Bên cạnh đó, bản đồ khoáng sản cũng là công trình đầu tiên phản ánh đầy đủ tình hình khoáng sản trên toàn lãnh thổ nước ta, thể hiện những thông tin chính yếu về các loại hình khoáng sản, không gian phân bố, quy mô trữ lượng của các mỏ… để cung cấp tài liệu cơ bản cho các ngành, địa phương lập quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và những điều tra tiếp theo.

Cụm công trình đã chỉ ra các vùng, các diện tích có tập trung cao hoặc thiếu hụt các yếu tố cho vật nuôi, cây trồng, làm cơ sở cho việc lập bản đồ thổ nhưỡng, chỉ ra cường độ phóng xạ giúp những người làm địa chất môi trường quy hoạch dân cư  phù hợp để giảm thiểu ảnh hưởng. Và một cách gián tiếp, nó cũng chỉ ra các đới xung yếu, các đứt gãy lớn hoạt động có liên quan đến động đất, tai biến trượt lở… ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Có thể nói đây là cụm công trình có nội dung và hình thức đạt trình độ cao, tương đương với các bản đồ cùng loại trên thế giới và khu vực tại thời điểm thành lập nên có đóng góp rất lớn về mặt khoa học, làm cơ sở dữ liệu tin cậy cho công tác nghiên cứu khoa học và phục vụ các yêu cầu thực tiễn, cung cấp cho giới khoa học về trái đất một cái nhìn mới tương đối đúng đắn về cấu trúc và tiến hóa địa chất cũng như tài nguyên khoáng sản Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là tài liệu tham khảo cơ bản cho các sinh viên và nghiên cứu sinh viết các luận án về địa chất và khoáng sản các vùng khác nhau của lãnh thổ cũng như các chuyên ngành liên quan và làm cơ sở để soạn các giáo trình về địa chất và khoáng sản Việt Nam .

Thông qua cụm công trình, người đọc có thể tìm hiểu được nhiều thông tin quan trọng về các loại khoáng sản của đất nước và tiềm năng của mỗi loại; các vùng tập trung khoáng sản cũng như tiềm năng của từng vùng, từng địa phương… từ đó các nhà hoạch định chính sách, các địa phương có thể xây dựng chiến lược kinh tế, chiến lược điều tra, nghiên cứu, sử dụng nguyên liệu khoáng vào việc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Cụm công trình đã phản ánh những nét đặc trưng chung nhất về cấu trúc địa chất, lịch sử phát triển vỏ trái đất của lãnh thổ nước ta, khẳng định những tiền đề về địa chất cũng như thông tin về vị trí, loại hình khoáng sản, chất lượng nguyên liệu, quy mô và nguồn gốc giúp đánh giá tổng quan về tiềm năng khoáng sản của đất nước.

Nguồn: nhandan.com.vn   30/9/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.