Cồn Mô với cao trào cách mạng 1930-1931 ở Vinh
Ở một thành phố có phong trào công nhân sớm, thực dân Pháp rất hoảng. Chỉ riêng vùng đất Yên Dũng Hạ-Đệ Thập lúc bấy giờ, trên diện tích chưa đầy 5 km 2, chúng đã đặt hai đồn lính ở hai đầu xã. Không ngày nào không diễn ra lùng sục, bắt bớ, phá phách. Sau cuộc biểu tình 1-5-1930, các chủ nhà máy theo lệnh chính quyền thực dân, đã sa thải hàng loạt thợ thuyền quê ở Yên Dũng Hạ-Đệ Thập và một số địa bàn khác. Vùng đất Yên Dũng Hạ-Đệ Thập là nơi tập trung nhiều cơ sở công nghiệp của tư bản Pháp, trong đó có bến cảng, có công ty SIFA. Trong số 20 nhà máy ở Vinh-Bến Thủy hồi đó, thì tại Bến Thủy (Đệ Thập) có 7 cái. Vì vậy, cũng dễ hiểu là ở đây mật độ đảng viên tập trung khá cao. Thời kỳ cao trào 1930-1931, chỉ tính riêng đảng viên quê ở Yên Dũng Hạ-Đệ Thập có đến 25 người, trong số đó có các đồng chí Lê Mao, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên thường trực Xứ uỷ Trung Kỳ, Bí thư tỉnh bộ Vinh-Bến Thủy; Lê Viết Thuận, Xứ uỷ viên Trung Kỳ, Nguyễn Phúc, Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ (1931-1932); Đinh Văn Đức, Nguyễn Lợi (Xứ uỷ viên Trung Kỳ).
Địch càng truy bức, bắt bớ, sa thải, đời sống công nhân và lao động càng gặp nhiều khó khăn túng thiếu. Nhiều gia đình chỉ có chỉ bữa rau, bữa cháo. Các đồng chí Lê Mao, Lê Viết Thuận, Lê Doãn Sửu, Nguyễn Phúc… phân công nhau, vừa đi vận động bà con lao động trong xóm làng kẻ ít, người nhiều, người đồng tiền, kẻ nắm gạo, góp lại giúp gia đình mất việc, vừa động viên mọi người giữ vững ý chí chiến đấu, không vì gian khổ, ác liệt mà mềm gan, nảm lòng. Nhiều công nhân thà chịu đói cơm, mất việc, chứ dứt khoát không trở lại nhà máy, khi thực dân, chủ máy chưa chịu giải quyết các yêu sách. Nhiều cuộc đấu tranh tiếp tục diễn ra trong sự phối hợp chặt chẽ giữa công nhân và dân cày đòi giảm thuế khóa, trả lại ruộng đất cho dân cày; chống “khủng bố trắng”, đòi tăng lương, bớt giờ làm cho thợ thuyền, chống bóc lột thậm tệ…
Cồn Mô với địa thế thuận lợi, nối giữa nông thôn với thành thị-nhà máy, lại tiện tập trung- phân tán nên tỉnh uỷ Vinh, Xứ uỷ Trung Kỳ từng chọn làm nơi hội họp. Ngày 1-5-1930, nhân dân Yên Dũng Hạ-Đệ Thập tập trung tại đây cùng nhau tham gia cuộc biểu tình rộng lớn.
Trước tình hình địch thực hiện chính sách “khủng bố trắng”, hàng trăm cán bộ, đảng viên bị bắt, bị bắn giết, hàng nghìn công nhân bị sa thải, nông dân đã bị sưu cao, thuế nặng gây cảnh khốn cùng, lại thêm mùa màng thất bát, Xứ uỷ Trung Kỳ chủ trương tổ chức cuộc biểu tình nhân dịp ngày Quốc tế Lao động 1-5-1931. Cuộc biểu tình này nhằm cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng, đấu tranh đòi các quyền dân sinh, giải quyết việc làm cho thợ thất nghiệp, cứu đói cho dân, bỏ sưu, giảm thuế. Cán bộ, đảng viên và hội viên các tổ chức quần chúng háo hức hưởng ứng. Tối 30-4, các làng xã xung quanh thành phố nổi trống mõ suốt đêm. Các chi bộ Đảng bí mật rải truyền đơn về ngày Quốc tế lao động. Cồn Mô cũng như một số địa điểm tập trung lực lượng biểu tình, do kế hoạch bại lộ, nên bị đàn áp dữ dội. Khoảng 21 giờ tối 30-4-1931, khi lực lượng ta đến Cồn Mô, thì từ các ổ phục kích, quân Pháp và tay sai xả đạn tới tấp vào các lùm cây, bụi rậm. Các đồng chí Lê Viết Cường (đảng viên ở nhà máy Diêm), Nguyễn Khắc Huy, Cao Trọng Điu, Lê Khắc Khẩn hy sinh ngay tại chỗ. Một số người khác bị thương nặng. Nghe tin con mình là Cao Trọng Điu trúng đạn địch, đồng chí Cao Trọng Phúc (Công hội Đỏ) ra tìm đưa con về, nhưng lại bị chúng bắn trọng thương.
Sáng 1-5-1931, lính Pháp lùng sục vào làng, tiếp tục bắn giết, đốt phá dã man. Tên quan một Pháp ở đồn làng Tịnh khét tiếng khát máu. Chính y sai lính đốt một lúc 5 ngôi nhà của các gia đình ông Học Thanh, ông Cường Kỳ, ông Long, bà Thiệu Hòa, bắn chết anh Phổ, con bà Thiềng, rồi quẳng anh vào lửa. Nhân dân gọi hắn là “Một Điên”. Lần này chính tay y lại bắn chết đồng chí Cao Trọng Phúc bị thương nặng đang nằm trong nhà. Xong, y đốt nhà đồng chí Phúc cùng lúc với nhà đồng chí Cao Vĩnh Tuy.
Qua cao trào cách mạng 1930-1931, số đảng viên và cốt cán cách mạng ở Yên Dũng Hạ-Đệ Thập bị địch giết 8 người. 81 người bị bắt, bị tra tấn, tù đày, trong đó có 53 án từ 2 năm đến chung thân; 3 người bị giết trong ngục, 34 hộ bị phá phách, cướp bóc, 12 gia đình bị địch tịch thu tài sản. Dẫu bị địch tra tấn, khủng bố dã man, 40 gia đình là cơ sở nuôi dấu cán bộ, cơ sở làm việc của Tỉnh uỷ, Xứ uỷ, nơi in ấn, cất dấu tài liệu, nơi hội họp của cán bộ vẫn một lòng, một dạ trung kiên, thà chịu đựng mất mát, hy sinh, không để lộ bí mật của Đảng. Một số gia đình theo yêu cầu công tác cách mạng, còn sẵn sàng chuyển chỗ ở cơ bản của gia đình mình từ nơi trung tâm làng xã vào chân núi Quyết vắng vẻ hơn, để có cơ sở đi về an toàn hoạt động, như ông Tuyền, ông Châu Ty. Ngược lại, các gia đình khác đã chuyển nhà ra mặt đường, mặt phố làm nơi hoạt động gây dựng tài chính và móc nối liên lạc cho Đảng. Cách nhà bang tá Cao Kiên chỉ một doi vườn, vậy mà cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ vẫn an toàn suốt hơn nửa năm sống và làm việc trong nhà bà Trương Thị Phụng (thường gọi là Phụng Hồ)…
Ngày nay, trên vùng đất Cồn Mô, nhân dân địa phương được cấp trên đầu tư một phần, đã xây dựng tượng đài Cồn Mô, với hình búa liềm trên đỉnh tháp. Dưới chân tượng là trống Xô viết. Những ngày lễ, tết và 1 tháng 5, 2 tháng 9, nhân dân, học sinh, cán bộ, đảng viên lại tụ họp về đây dâng hương hoa, mít tinh ôn truyền thống và nguyện sống xứng đáng với ông cha. Sát với tượng đài, nhân dân đã góp công của xây dựng nhà tưởng niệm liệt sĩ bật nổi dòng chữ vàng lấp lánh “Uống nước nhớ nguồn”. Đối diện với tượng đài và nhà tưởng niệm là khu vực nhà máy dệt kim mang tên thân mẫu Bác Hồ-bà Hoàng Thị Loan. Phía sau lưng tượng đài và nhà tưởng niệm là Nhà máy Cọc sợi Vinh. Ngày nay, từng đoàn xe nối nhau đi qua con đường trước đài tưởng niệm ra bến cảng Bến Thủy cách hơn 1 km về phía đông. Cách tượng đài về phía tây trên dưới 1 km là trường Đại học Sư phạm Vinh và Bảo tàng Quân khu IV. Xa xa hơn chút nữa là khu di tích Phượng Hoàng Trung Đô, tượng đài Công Nông Binh Bến Thủy… Quá khứ vẻ vang, oanh liệt, hiện tại và tương lai đang và sẽ tô thắm vùng đất lịch sử Cồn Mô-Bến Thủy.
Nguồn: Xưa và Nay, số 95, tháng 7-2001