Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 02/04/2008 18:44 (GMT+7)

Còn đó một bóng rợp từ điển…

"Cuộc đời thầy là một tấm gương đáng kính phục, không bao giờ màng đến tiền tài và danh vọng", lời nói tâm huyết của người học trò Nguyễn Quốc Hùng nay đã trở thành một giảng viên tiếng Anh nổi tiếng, là món quà giá trị nhất khiến ông hạnh phúc đến rơi lệ trong Ngày Nhà giáo Việt Nam. Tên ông là Phạm Duy Trọng.

"Luôn tự học, tự học hằng ngày"

Hè cũng như đông, thu cũng như xuân, cứ đúng 8h sáng là ông lại ngồi vào chiếc bàn gỗ nhỏ chất đầy những cuốn từ điển được bọc cẩn thận bằng giấy dầu.

Kể từ ngày rời công việc phiên dịch cho tổng cộng 4 nhiệm kỳ liên tiếp của Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, ngồi hiệu đính, cập nhật những từ mới cho các cuốn từ điển mình góp phần chấp bút là công việc bất di bất dịch trong mỗi ngày của ông Trọng.

Ở độ tuổi 75, ông vẫn rất bận rộn với đủ thứ lịch làm việc kín mít suốt cả tuần: hiệu đính từ điển, dịch tài liệu và các tác phẩm văn học, dạy dịch thuật cho các cán bộ và học sinh nhờ ông giúp nâng cao vốn Anh ngữ...

"Vẫn thấy các bạn đến yêu cầu giúp có nghĩa là vẫn thấy mình có ích, tôi vui lắm anh à". Ông cười hồn hậu, nụ cười vẫn gìn giữ được cái phong thái tao nhã và lịch lãm của một thầy giáo người Hà Nội gốc xưa cũ hiếm hoi.

Gấp cuốn Từ điển Anh - Việt mới nhất do Viện Ngôn ngữ học mới xuất bản giữa năm 2007 mà nay đã được đính chi chít những tờ giấy nhỏ trên đó ghi những từ vựng cần bổ sung, ông Phạm Duy Trọng tạm gác công việc quay ra tiếp chuyện khách.

Chẳng máy tính, chẳng thiết bị hiện đại, căn phòng chừng chục mét vuông đơn sơ chỉ một chiếc bàn gỗ và chiếc giường đôi, đồ đạc đáng giá nhất chắc chỉ là những chồng từ điển đủ loại của đủ mọi thời kỳ.

Lần giở trên tay cuốn Từ điển Everyman"s English Dictionary in năm 1944 của Nhà xuất bản J.M.Dent&Sons Ltd., giọng ông nghẹn lại, bồi hồi: "Đây là giấy thông hành đưa tôi đến với tiếng Anh để rồi gắn bó với nó đến tận ngày hôm nay".

Dường như cái lời tựa được viết bằng thứ tiếng Anh cổ có nội dung "Tôi sẽ luôn là người đồng hành với bạn trong suốt cuộc đời" được in trang trọng ngay trang đầu nó vận vào số phận của ông Trọng, kể từ cái năm 1945 ông bắt đầu biết đến tiếng Anh.

...Bất kể lúc nào, từ những buổi tự học ngồi lỳ tại khuôn viên Viện Viễn Đông Bác Cổ cho đến năm 1955 trở thành lứa sinh viên đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm, học tại Khoa Địa lý theo sự phân công của tổ chức, cuốn từ điển tiếng Anh khổ 14x23cm ấy không lúc nào rời khỏi người ông Trọng.

Trong những tháng ngày sinh viên, bất kể cuốn tạp chí của Liên Xô hay Trung Quốc nào được xuất bản bằng tiếng Anh ông may mắn có được đều trở thành "giáo trình" của ông, được ông gìn giữ hết sức cẩn thận, nhất là những ấn bản của Tạp chí Peking Review.

Tốt nghiệp năm 1957, cơ hội lần đầu tiên cho ông được kiểm chứng khả năng Anh ngữ vốn xưa nay chỉ tự mình biết với mình là thử việc ở Bản tin tiếng Anh, Đài Tiếng nói Việt Nam .

Chuyên gia người Australia Len Fox sau khi kiểm tra trình độ, thử tiếng cẩn thận đã kết luận chỉ đúng một câu: "You need no training" (Anh không cần phải đào tạo nữa). Ông Trọng hạnh phúc và xúc động, bởi những nỗ lực thầm lặng của mình lần đầu tiên đã được công nhận.

Chỉ được vài buổi, Bộ Giáo dục lại điều ông về Trường Đại học Sư phạm với nhiệm vụ giúp việc ông Đặng Chấn Liêu và các thầy giáo khác xây dựng Khoa Anh.

Công việc của những người khởi đầu trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ thứ vô cùng vất vả. Ông Liêu viết bài làm giáo trình, đến lượt ông Trọng đem đánh máy, in roneo cho anh em làm tài liệu giảng dạy. Bài nghe thì dùng chiếc máy ghi âm Reveredo Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng để thu tiếng của ông bà Malcolm và bà Freda Cook, chuyên gia người Australiavà New Zealand sang giúp ta.

Sau khi tài liệu đã được ông Đặng Chấn Liêu thông qua, ông Trọng lại làm nhiệm vụ được anh em giáo viên vẫn gọi đùa là "thợ luyện", tức là lại giúp anh em sinh viên luyện theo những tài liệu ấy cho chuẩn. Được vài năm, khi đã bắt đầu có lứa sinh viên năm thứ 5, nhiệm vụ chính của ông Trọng là chuyên phụ trách giảng dạy sinh viên năm cuối.

Một sự kiện quan trọng đã diễn ra khiến cuộc đời ông Trọng rẽ sang một hướng khác, nơi ông được gặp gỡ với những người nổi tiếng và có nhân cách lớn, nơi ông được làm một công việc có ý nghĩa lớn lao: Nhà nước quyết định cho ra đời cuốn Từ điển Anh - Việt đầu tiên, giao cho Ủy ban Khoa học Nhà nước thực hiện.

Năm 1965, một tập thể hơn 20 người được thành lập, nhưng thực chất chỉ hơn 10 người trực tiếp làm, ba người nắm vai trò hiệu đính là ông Đặng Chấn Liêu, ông Lê Khả Kế và ông Bùi Ý.

Suốt 10 năm ròng rã làm ngày làm đêm, tài liệu chính là một cuốn từ điển Oxford được xẻ ra, mỗi người mỗi mảnh tương ứng với phần mình đảm nhận, cỗ máy thầm lặng ấy miệt mài vận hành, bất kể những tháng ngày khó khăn, mưa bom bão đạn và phải đi sơ tán.

Phụ trách mục S, mục từ nhiều chữ dài nhất, sau đó lại nhận thêm phần F và chữa phần D, không bao giờ ông Trọng thất hẹn với tập thể, bất kể tuần nào cũng phải đạp xe hơn trăm cây số từ nơi sơ tán về cơ quan giao phiếu để mọi người kịp chữa lại.

Ngày 30/6/1975, cuốn Từ điển Anh - Việt đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất được in xong tại Trung Quốc, nộp lưu chiểu vào tháng 8/1975, dày 1.959 trang với khoảng 65.000 mục từ, trong đó phần đóng góp của ông Trọng là 18%.

Lần đầu tiên được cầm một cuốn từ điển bản đặc biệt đóng bìa da nâu được trang trọng dành tặng cho những tác giả, ông Trọng lặng đi vì hạnh phúc. Nhưng điều hạnh phúc nhất là ông được các thầy, những vị đồng nghiệp mà ông kính trọng và ngưỡng mộ đến độ luôn gọi bằng tiếng "thầy" cho đến tận ngày hôm nay, công nhận và quý mến.

"Trong anh em làm, tôi thấy anh là người ngoài chuyện vững vàng về chuyên môn ra còn là người đều đặn, đúng kế hoạch", một lời nhận xét còn giá trị hơn vạn lời khen ấy của ông Lê Khả Kế khiến cho ông Trọng thấy mãn nguyện về những nỗ lực không mệt mỏi của mình.

Cũng từ thời gian đó, nhóm các ông Lê Khả Kế, Đặng Chấn Liêu và sau đó thêm ông Phạm Duy Trọng được hình thành, một bộ ba có ảnh hưởng lớn trong quá trình hình thành và phát triển những bản từ điển Anh - Việt, Việt - Anh có chất lượng cao cho đến tận ngày hôm nay, mà sự thành công của họ được lý giải bằng một câu nói vô cùng giản dị và khiêm tốn của ông Lê Khả Kế "Mình có thể không có tài năng, nhưng mình có tính kiên trì".

Câu chuyện nghề của người thầy không có bằng tiếng Anh

Năm 1981, nhận được quyết định bất ngờ điều chuyển công tác từ Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ sang Viện Khoa học giáo dục, ông Trọng gần như ngã quỵ.

Đối với ông, niềm hạnh phúc đứng trên bục giảng là lớn lao nhất, và là ước mơ trọn đời của ông. Ông hoang mang, sốc đến độ luôn ngơ ngác tự cật vấn là mình có lỗi gì, đã sai lầm như thế nào để tổ chức phải điều chuyển như vậy mà bất lực không tìm nổi lời giải.

Chẳng bao giờ biết đấu tranh, cũng chẳng bao giờ biết so đo tính toán, ông chấp nhận quyết định của tổ chức. May sao, trời cũng thương người hiền lành, sang Viện, năm 1985, ông được cử đi Angola làm công việc yêu thích của mình: Đào tạo tiếng Anh cho sinh viên bạn.

Trước khi ông lên đường, lãnh đạo Viện đã động viên ông: "Thường thì người ta đi để học, riêng anh sang thì đi dạy, anh cố gắng phát huy để chúng tôi tự hào vì anh".

Câu nói ấy đã xoá bỏ hoàn toàn những nghi ngại trong ông, xoá bỏ luôn cảm giác không biết mình có lỗi gì vốn tồn tại suốt gần 35 năm qua. Vợ ông nhận được tin ấy lẳng lặng vào góc buồng lau nước mắt, bà biết chồng mình đã hoàn toàn lấy lại niềm tin.

Trong 2 năm dạy học với vị trí Trưởng khoa Ngoại ngữ tại Trường Sư phạm Angola, ông Trọng luôn nhận được sự kính mến và thán phục của các sinh viên và giáo viên trong trường, họ luôn trân trọng gọi ông là giáo sư.

Những sinh viên Angola sau khi tốt nghiệp được sang Anh học ngay, liên tục viết thư về cám ơn giáo sư Trọng bởi họ đã được chính những giáo viên người Anh khen ngợi về khả năng ngôn ngữ của mình.

Mãn hạn nhiệm vụ, đại diện của trường chính thức mời ông đảm nhiệm thêm 2 năm nữa, nhưng ông từ chối, vì đã đủ thời gian tìm được câu trả lời dằn vặt suốt bao năm qua. Năm 1992, ông nghỉ hưu, chú tâm vào việc chỉnh sửa và cho ra ấn bản mới của cuốn Từ điển Việt - Anh do Viện Ngôn ngữ xuất bản.

11.305 mục từ mới đã được bổ sung cho ấn bản cũ xuất bản năm 1989 chủ biên bởi các thầy Lê Khả Kế và Đặng Chấn Liêu. Năm 1993, một vị phụ huynh học sinh trong lớp học dịch của ông vì mến tài đã động viên ông Trọng đến gặp ông Stephen Woodhouse, Trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam lúc đó.

Sau một tiếng rưỡi thử việc bằng một buổi dịch vo giữa ông Trưởng đại diện và Thủ tướng Võ Văn Kiệt, bước xuống bậc thềm, ông Stephen Woodhouse cười rạng rỡ bắt tay ông thật chặt rồi thốt lên: "Ông Trọng, ông làm tốt lắm". Câu nói ấy đã khiến ông gắn bó với UNICEF Việt Nam thêm 12 năm. 

...Chầm chậm rót nước cho khách, ông Trọng hóm hỉnh kể lại lời cảm thán của vị Trưởng đại diện mà ông còn nhớ đến tận bây giờ: "Tôi cũng lạ là ông chẳng có bằng cấp gì mà ông nói chúng tôi nghe rất tốt, ông nói rất lịch sự. Ông không chỉ nói tiếng Anh mà ông nói cả văn hoá của chúng tôi ở trong đó".

Ông tâm sự 12 năm ấy cũng là 12 năm ông tích luỹ được rất nhiều vốn từ mới, chỉnh sửa được vô vàn cách phát âm. Có bất kỳ điều gì thắc mắc, ông đều nhận được sự giải đáp tận tình và chân thành của họ, và họ cũng ngạc nhiên trước sự cầu thị của ông.

"Chỉ tiếc chưa được một lần có cơ hội được đặt chân đến quê hương xứ sở của thứ ngôn ngữ tôi yêu này", ông thở dài giọng tiếc nuối, cảm giác tiếc nuối lần đầu tiên tôi thấy trong cả câu chuyện đời dài đằng đẵng mà ông đã trải lòng.

Nguồn: antgct.cand.com.vn (08/01/08)

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.