Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 29/01/2008 23:41 (GMT+7)

Con đỉa - Nguồn dược liệu tương lai

Đặc điểm cấu tạo cơ thể đỉa

Đỉa (Hirudinea) thuộc lớp ngành giun đốt, có nhiều loài khác nhau, có loài sống ở cạn, có loài sống ở nước ngọt. Đỉa ưa sống tự do hoặc sống ký sinh tạm thời ở các động vật khác, nhờ vào máu của các vật chủ. Cơ thể đỉa dẹt theo chiều lưng bụng và có tới 33 đốt, mỗi đốt lại được chia thành nhiều ngấn đốt phía bên ngoài gọi là vành. Đặc biệt nó có 2 giác dùng để bám chặt vào cơ thể vật chủ: giác trước (ở giữa có miệng) và giác sau (ngay trên giác sau có hậu môn).

Đỉa không có xoang cơ thể, giữa ruột và thành cơ thể chứa đầy nhu mô, chỉ để lại những xoang nhỏ làm nhiệm vụ tuần hoàn, gọi là xoang huyết. Ống tiêu hóa bắt đầu bằng miệng, tiếp sau là hầu. Ở hầu có tuyến đơn bào tiết ra chất kháng đông máu, nên máu được đỉa hút vào không đông, máu ở vết cắn của đỉa cũng rất lâu đông. Ruột đỉa có các manh tràng bên làm tăng diện tiêu hóa của ruột. Máu ở trong ruột đỉa được tiêu rất chậm.

Đỉa là động vật lưỡng tính, trứng phát triển trong kén do đai sinh dục tiết ra. Cấu tạo của cơ quan sinh dục ở đỉa tương tự như ở lớp giun ít-tơ, nhưng phát triển rất chậm, phải tới vài năm mới đạt tới giai đoạn trưởng thành. Nó có thể sống lâu tới 20 năm.

Đỉa bơi rất khỏe, khi bám vào da của người, hay của động vật, gờ cơ ở khoang miệng sẽ hoạt động như lưỡi cưa và gây nên một vết thương hình hoa thị. Hầu có thành cơ khỏe nên hút rất mạnh tạo ra một khoảng chân không, nhờ đó mà đỉa bám rất chắc vào vết thương, kéo ra rất khó. Lớp tế bào biểu bì của đỉa luôn luôn tiết ra một chất dịch nhờn làm cho mặt da đỉa luôn luôn trơn bóng. Nhờ đặc tính này, mà các động vật sống trong nước rất khó bắt được đỉa.

Con đỉa trong lịch sử y học

Lịch sử chữa bệnh bằng đỉa bắt nguồn từ thời cổ đại. Các hình vẽ trên Kim tự tháp Ai Cập cho thấy phương thuốc tự nhiên này đã được biết đến từ thế kỷ 15 trước Công nguyên. Một bức họa cổ để lại cũng cho hay Hoàng đế La Mã, Galerius đã được chữa bệnh bằng đỉa... Nhưng phải đến đầu thế kỷ 19 (sau Công nguyên) “đỉa liệu pháp” mới là thời thịnh vượng. Vào thời đó nước Pháp sử dụng 20-30 triệu con đỉa trong một năm, nước Anh dùng 7-9 triệu con, nước Nga cũng dùng nhiều. Lúc bấy giờ các bệnh viện, các nhà thuốc đều đặt một lọ sứ bày đỉa trên quầy. Một phần lớn đỉa được xuất khẩu đem lại nguồn lợi không nhỏ. Các thầy thuốc thời đó tin rằng đỉa hút hết máu xấu trong cơ thể, để lại máu tốt, nên nhiều khi người bệnh được cho dùng nhiều đỉa hút một lượng máu khá lớn để trị bệnh nhức đầu, béo phì, tăng huyết áp... Thậm chí, những cô gái Nga chuộng mốt, khi chuẩn bị đi khiêu vũ cũng đặt vào tai mình 2 con đỉa, khi đỉa vừa cắn vào làn da mềm mại tươi trẻ, mắt cô gái ánh lên niềm vui, đôi má ửng hồng, các nếp nhăn biến mất và nỗi u sầu cũng tan biến.

Trào lưu dùng đỉa vào trị liệu mạnh đến nỗi cạn kiệt nguồn nguyên liệu này. Do vậy ở Nga đã xuất hiện những cơ sở nhân giống và nuôi đỉa. Nhưng vào nửa sau của thế kỷ 19, người ta dần dần không còn quan tâm đến đỉa nữa. Khi đó đã xuất hiện những phương tiện đơn giản trong sử dụng hơn như các lọ thủy tinh hút máu, sau đó là aspirin, nitroglycerin và các dược chất khác.

Tại nước Anh, cho đến năm 1910, “đỉa liệu pháp” thực sự đi vào quên lãng, thỉnh thoảng mới bắt gặp ở một số vùng hẻo lánh xa xôi như một giải pháp y học dân gian.

Và khả năng phục hồi

Ngày nay, phương pháp y học cổ xưa dùng đỉa chữa bệnh đang được nghiên cứu phục hồi và nâng cao. Ngày càng nhiều các nhà y học quan tâm tới phương thuốc cổ đã được kiểm chứng nhiều thế kỷ trong thực tiễn chữa bệnh.

Vào những năm cuối thế kỷ 20, tại nước Anh, bác sĩ Roy Sawyer đã thành lập một nông trang nuôi đỉa ở Hendy, gần Swansea, với lượng cung cấp 80.000 con đỉa/năm cho toàn nước Anh; đặc biệt có tới 30.000 con được dùng vào phẫu thuật - thẩm mỹ. Các hóa chất trong cơ thể đỉa cho nó khả năng khôi phục dòng tuần hoàn máu ở các mô ghép, và giúp các ngón tay (hay ngón chân) người bị đứt được lành lại sau khi nối. Việc khâu động mạch cho các ngón tay bị đứt dưới kính hiển vi không mấy khó khăn. Nhưng khâu các tĩnh mạch thành mỏng với đường kính dưới 1mm thì quả là thách thức. Nếu công việc thất bại, máu không trở về tuần hoàn cũ dẫn đến tắc nghẽn, ngón tay dần dần hoại tử do thiếu ôxy và chất dinh dưỡng nuôi mô. Khi đưa đỉa vào ngón tay được ghép, nó sẽ hút máu đến no. Nhờ chất chống đông máu trong nước bọt đỉa, vết thương tiếp tục chảy máu, đưa máu vào nuôi ngón tay từ các động mạch được nối lại trước đó. Dòng chảy của máu tạo một đường tuần hoàn mới nuôi dưỡng mô cho đến khi cơ thể tự tái lập đường tuần hoàn cũ sau 3-5 ngày.

Cùng thời gian này, ở Nga cũng có nhiều nghiên cứu khôi phục “liệu pháp đỉa”. Theo ý kiến của tiến sĩ sinh học Genadi Nhikonov, Giám đốc Viện Sinh học Matxcơva, thì con đỉa có nhiều ưu điểm trong y học. Thứ nhất, nó luôn cắn vào vùng nhạy cảm và như vậy kích thích các vùng này hoạt động khi bị chảy máu. Thứ hai, điều chỉnh dòng máu chảy. Thứ ba, nước bọt của đỉa khi đi vào cơ thể người sẽ mang theo nhiều chất có hoạt tính sinh học cao mà nhờ đó làm tan biến các chất nghẽn mạch, huyết áp, mạch trở nên bình thường, các ổ viêm nhiễm bị loại trừ. Thêm vào đó, con đỉa không gây một phản ứng phụ nào như các thuốc thời hiện đại thường gây ra. Nhikonov đã khởi xướng thành lập một trung tâm áp dụng “liệu pháp đỉa”, ở đó người ta chữa trị các căn bệnh thế kỷ như nghẽn mạch, giãn tĩnh mạch, tăng huyết áp..., các bệnh về da và mắt. Người ta nhận thấy rằng người bệnh mất dần sự bất ổn, hồi phục được giấc ngủ và nâng cao hoạt động sáng tạo. Viện Sinh học Matxcơva tiến hành nhân giống đỉa đã nhiều thập niên qua. Hằng năm, viện này cung cấp cho các bệnh viện của Nga và ở nước ngoài hơn 1,5 triệu con đỉa.

Để tránh việc truyền bệnh qua đường máu, đỉa được nuôi bằng máu của gia súc có sừng và sống trong các bồn đặc biệt, bảo đảm an toàn cho người bệnh. Đỉa tăng trọng dần trong một năm, sau đó người ta có thể bắt đầu sử dụng chúng. Trước khi đưa đỉa đến các cơ sở điều trị, người ta bỏ đói nó 2-3 tháng để khi “xung trận”, nó hút máu mạnh mẽ. Và đỉa được tiêu hủy ngay sau khi dùng và điều trị xong.

Nguồn dược liệu tương lai

Từ năm 1884, người ta đã tìm ra trong nước bọt đỉa có chất hirudin chống đông máu. Hirudin có trong tuyến đơn bào của thực quản đỉa, đó là đa peptid phân tử lượng 9.000. Hirudin tạo phức vững bền với thrombin, vì vậy thrombin mất khả năng chuyển fibrinogen thành fibrin làm cho máu không đông. Bác sĩ R.Sawyer còn cho rằng nước bọt của đỉa tiết ra hỗn hợp hóa chất như thuốc gây tê (ngăn chặn cảm giác đau ở người bị nó hút máu, để đỉa không bị gỡ ra), và chất giãn mạch mở rộng mạch máu nơi vết cắn để đỉa hút được nhiều máu; chất chống đông và chất kháng sinh (giữ cho máu khỏi hỏng trong ruột đỉa suốt thời kỳ tiêu hóa có thể lên đến 6 tháng).

Ngoài hirudin đã biết, các nhà khoa học còn tách được 10 chất khác có tiềm lực như dược phẩm. Thí dụ hemetin có khả năng ngăn nhồi máu cơ tim bằng cách làm tan các cục máu đông trong động mạch vành. Hoặc enzym hyaluronidase tiêu hóa lớp kết dính giữa các tế bào, được dùng để tăng tốc độ lan rộng của thuốc tiêm và thuốc gây tê...

Hiện nay, nhiều người đang hy vọng ứng dụng công nghệ gen để khai thác nguồn dược liệu từ con đỉa, mà nó được ví như “tủ thuốc sống” vào các cơ sở điều trị.

Nguồn: Sức khoẻ & Đời sống, số 15, 26 - 1 - 2008, tr 10

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.
Huế: Hội nghị về Nội tiết và Đái tháo đường năm 2025
Ngày 29/3, Hội Nội tiết và Đái tháo đường thành phố Huế phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học Cố đô mở rộng lần thứ 8 về bệnh nội tiết, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa năm 2025.

Tin mới

Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Khai mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III
Ngày 26/4, tại Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc và vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025.
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.