Coi chừng Benzen phát sinh trong nước ngọt
Vậy benzen trong nước ngọt từ đâu mà ra?
Trong hơn 15 năm qua, các nhà khoa học của FDA lẫn của cả Hiệp hội thức uống Mỹ (ABA)(2)biết rõ rằng sodium benzoat và axit ascorbic (VitaminC) có trong nước ngọt có khả năng phản ứng với nhau để hình thành benzen trong thức uống.
Hơn nữa, Công ty Cadbury (của Anh) cùng với nhóm Công ty nước ngọt Úc Koala Springs, là những công ty tư nhân đầu tiên, đã sớm báo cho ngành Công nghiệp Mỹ và FDA về tương tác phụ gia sodium benzoat và axit ascorbic ngày từ năm 1990. Đây cũng là lý do ngành công nghiệp này kiểm tra nồng độ benzen, trước khi các công ty trên cùng một số công ty khác thay đổi công thức trong sản phẩm nước ngọt của họ.
Nguy hiểm hơn nữa là khi nhiệt độ gia tăng thì lượng benzen sản sinh ra do phản ứng nêu trên cũng tăng theo. Trong khi đó hiện nay việc tồn trữ, chuyển vận nước ngọt đóng chai hoặc vô lon vẫn không đảm bảo được điều kiện nhiệt độ (phải ở nhiệt độ thấp) cho nên nguy cơ bị nhiễm độc benzen lại càng trầm trọng và khó tránh hơn nữa!
Cho đến nay, các nhà sản xuất nước ngọt trấn an người tiêu dùng với ý kiến: với nồng độ vài ppb benzen có trong nước ngọt còn thấp hơn lượng benzen có trong không khí bị ô nhiễm vì khói xe chạy bằng xăng! Tuy nhiên, lý luận như vậy rất khập khiễng: sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm, chúng ta buộc phải hít thở thứ không khí đáng nguyền rủa đó; nếu không, chúng ta sẽ chết ngạt trước khi nhận biết tình trạng sức khoẻ của mình bị xâm hại. Trái lại, đứng trước một chai hay một lon nước ngọt, người tiêu dùng phải được thông tin về tính an toàn của sản phẩm; thức uống đó sẽ không tác hại đến sức khoẻ. Nếu không, chúng ta sẽ chọn thứ khác an toàn và bảo đảm hơn.
Và kết thúc bài này, sau đây là quan điểm của Glen lawrence (của FDA, người nghiên cứu tương tác giữa axit ascorbic và sodium benzoat từ năm 1990): “Không có lý do xác đáng nào để bỏ thêm acid ascorbic vào nước ngọt cả, còn những loại nước nào sẵn có axit ascorbic thiên nhiên (như nước ép trái cây) thì không nên dùng sodium benzoat làm chất phụ gia bảo quản”.
Trong khi chờ đợi các nhà sản xuất thay đổi công thức để cho nước ngọt vô chai/đóng lon được an toàn hơn, nên dùng nước trái cây tươi vắt hoặc ép…theo lối truyền thống để tránh việc đưa vào cơ thể lượng benzen vô cùng độc hại đáng né tránh này.
_________
(1) ppb: part per billion: phần tỷ.
(2) ABA : the American Beverage Association.
Nguồn: Thuốc & sức khoẻ, số 306 (15.4.2006).