Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 21/07/2005 15:03 (GMT+7)

Cơ hội của Thánh Gióng

TS Vũ Minh Khương nói tiếp:

- Cánh cửa lịch sử này sẽ đưa chúng ta sang một thế giới mới và chúng ta buộc phải lựa chọn hoặc là tham gia vào cuộc đua trở thành cường quốc, thay đổi toàn diện về chất lượng sống, vị thế, tiềm lực quốc gia; hoặc là sẽ tụt hậu và sa vào vòng xoáy trôn ốc có chiều hướng đi xuống...

* Căn cứ vào đâu để TS có cảm nhận này?

- Tôi nghĩ rằng đây không phải là cảm nhận của riêng tôi. Các anh sinh viên trong lớp quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội mà tôi đang dạy cũng cho rằng vài năm tới đất nước ta sẽ thay đổi. Hôm trước, qua câu chuyện xã giao, một anh lái taxi cũng khẳng định với tôi rằng hai ba năm nữa xã hội ta sẽ khác rất nhiều. Nói như vậy để thấy rằng không chỉ các nhà lãnh đạo, giới nghiên cứu, kinh doanh... nắm bắt bằng phân tích, đánh giá mà hình như sự linh cảm dân tộc trước bước ngoặt trọng đại đã có ở mọi tầng lớp nhân dân.

Nếu xét về lý thuyết thì xu thế toàn cầu hóa không dung nạp sự trì trệ, tách rời. Chúng ta không bắt kịp vận tốc của thế giới thì chúng ta bị tụt hậu và phải chứa đựng những “phế liệu” của phát triển... Nay chúng ta đã hết thiếu ăn, đã cơ bản yên tâm với những nhu cầu thiết yếu, chúng ta đã nhìn rõ con đường mình cần phải đi và hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện tham gia vào cuộc đua trở thành cường quốc...

Từng là học sinh chuyên toán Hải Phòng, xung phong đi bộ đội, tự “ứng cử” làm giám đốc một doanh nghiệp nhà nước sắp bị giải thể và đã vực dậy thành công; làm cán bộ văn phòng UBND thành phố Hải Phòng rồi trở thành sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ  và giáo sư của Đại học Harvard; tiến sĩ quản trị kinh doanh Vũ Minh Khương nay là cố vấn cao cấp của dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp VN”. 

Các bước tiến ngày một gần tới những tổ chức kinh tế khu vực và thế giới, những kết quả mới của chính sách đối ngoại cũng như những dấu ấn (dù chỉ là ở vài lĩnh vực và mới ban đầu) trên trường quốc tế cũng cho chúng ta cảm nhận ấy. Đổi mới của 20 năm trước là chúng ta “cởi trói” cho một cơ thể khỏe mạnh bị trói buộc. Còn hôm nay chúng ta phải đổi mới để bật lên như Phù Đổng. Bởi nếu không là Phù Đổng thì sẽ là nô lệ.

* Chúng ta đang ở một tình thế như thế nào trước bước ngoặt này?

- Thật đáng sợ là hiện xã hội ta đang bị đảo lộn thang giá trị. Những người, những tổ chức sống để phấn đấu cho giá trị tinh thần ngày một ít. Thay vào đó, vật chất trở thành thước đo của mọi sự phấn đấu, nỗ lực.  Xã hội không chỉ đang thừa nhận mà trong nhiều trường hợp còn có chiều hướng hứng khởi với những hành vi hủy hoại danh dự, nhân phẩm như chuyện phong bì chẳng hạn... Điều nữa là một số người là cán bộ có địa vị xã hội đang bằng lòng với những thứ mình đang có.

Các bản báo cáo thành tích luôn đem các chỉ số hôm nay so với hôm qua (thời chúng ta bị trói buộc) để ru ngủ mình và cộng đồng. Có người muốn cố gắng làm nên một công trình nào đó mà hôm trước chưa có để nhìn vào đó mà lấy làm yên lòng về thành quả đóng góp, công tích. Cũng không ít người tỏ ra nhu nhược, tránh so sánh mình với thế giới, luôn cho rằng không thể theo được người ta... Những điều này đem đến nhiều hệ quả tiêu cực khác.

Mặt khác, tôi cảm nhận thấy một điều lớn hơn đó là ngọn lửa sôi sục vươn lên trong nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Đây là nguồn năng lượng cực lớn của đất nước. Tuy nhiên họ đang tản mạn, lúng túng và bị kìm nén. Tôi cho rằng đó là những đứa trẻ còi cọc chưa biết nói, biết cười, ẩn mình sau lũy tre làng. Nhưng nếu vua gọi đến thì đó là những Thánh Gióng.

* TS nghĩ gì về tình trạng này?

- Những góc tối và nguy cơ vừa nói ở trên tuy đáng sợ nhưng cũng chỉ là rác rưởi nếu chúng ta khơi dậy sự thể hiện hoài bão, khát vọng của dân tộc. Khi đó những làn sóng dữ dội được bùng phát. Và vì nó được sự ủng hộ của toàn xã hội, nó thành cuộc đua lớn và sẽ cuốn trôi, nghiền nát những rác rưởi kia.

Tuy nhiên nếu không khơi dậy được khát vọng đổi mới, vươn lên thì những tiêu cực, hạn chế đó sẽ theo phản ứng dây chuyền tạo kéo toàn xã hội vào vòng xoáy đi xuống. Đặc biệt là những căn bệnh này nảy nở rất nhanh, biến chứng rất lớn khi quanh chúng ta là những quốc gia không ngừng phồn vinh, thịnh vượng. Lúc này cơ hội của Thánh Gióng tiêu tan...

* TS vừa nói về trạng thái bên trong. Vậy nếu nhìn ra bên ngoài, chúng ta đang ở đâu?

- Tôi cho rằng rất thuận lợi. Trung Quốc, láng giềng của ta, đang trở thành một cường quốc có thể lớn mạnh hơn bất cứ ai. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Singaporecũng đang hừng hực đi lên. Chúng ta đừng nghĩ rằng sự lớn mạnh của một đối thủ cạnh tranh nào đó thì sẽ bất lợi với mình, mà sự lớn mạnh này sẽ là động lực thôi thúc chúng ta phải lớn mạnh theo. Dân gian VN gọi đó là “sốt ruột” hay “con gà tức nhau tiếng gáy”. Lý thuyết phát triển cho rằng đây là động lực lớn nhất để phát triển. Tuy nhiên nếu ta không tận hưởng nguồn năng lượng này thì chính nó sẽ gây hại cho ta.

Dân tộc ta khi bị xâm lăng hay khi bị khủng hoảng đến chân tường như cách đây 20 năm thì chúng ta đã biết biến những sức ép đó thành động lực và đã chiến thắng. VN được xem là dân tộc quật cường là vì vậy. Nhưng nay sức ép của dân tộc ở một trạng thái gián tiếp, vô hình và âm thầm. Nếu ta nhận ra và sử dụng nó thành năng lượng phát triển thì VN là một dân tộc có tầm vóc văn minh cao.

* Theo TS, Thánh Gióng thời nay là ai?

- Thánh Gióng thời nay là hoài bão và khát vọng lớn của toàn dân tộc. Điều này cần khơi dậy, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng đưa đất nước vươn lên hùng cường, giàu mạnh ở mỗi công dân. Hiện thực lịch sử và lý thuyết đều chứng minh chỉ có sức mạnh tinh thần mới làm nên kỳ tích. Tạo nên sức mạnh này thì ít tốn kém, ít mất thời gian nhất nhưng hiệu quả cao nhất. Cách đây chưa xa, chúng ta từng làm nên những cuộc kháng chiến thần thánh trong bom đạn và thiếu thốn.

Về phát triển kinh tế thì người Nhật đã từng bị nhấn chìm trong nỗi đau chiến tranh. Người Hàn Quốc từng lạc hậu và nghèo đói. Ngay cả người Trung Quốc mới đây cũng thiếu thốn, trì trệ. Nhưng khi toàn dân tộc họ ý thức được việc phải vươn lên bằng mọi giá, phải biết từ bỏ mọi lợi ích riêng để vì dân tộc, vì quốc gia thì nay họ đều là những quốc gia thịnh vượng, lẫm liệt trước toàn nhân loại.

* Làm cách nào để có tinh thần Thánh Gióng như vậy?

- Theo tôi, trước hết chúng ta phải nhìn thẳng vào mình và phải biết xấu hổ, nếu cần. Ta hãy tự hỏi: tại sao một dân tộc giàu nhân văn, yêu cái đẹp như vậy mà tỉ lệ người bị HIV, nghiện ma túy lại cao hơn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...? Tại sao người Việt vốn trọng tín nghĩa, khẳng khái, chân chính, thậm chí sẵn sàng chết vì lòng trung nghĩa mà nay lại bị xếp hạng nạn tham nhũng cao nhất nhì Đông Á? Giới trẻ ngày nay sao không có Trần Quốc Toản, Lê Hồng Phong, Kim Đồng...? Tại sao trong các cán bộ nhà nước không còn ai nói: bệ hạ muốn hàng xin chém đầu thần trước?

Chúng ta từng làm nên Điện Biên Phủ, mùa xuân đại thắng 1975, vậy 30 năm qua hòa bình độc lập ta làm được gì để không hổ thẹn với cha ông? Chúng ta hoan hỉ về xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là đúng. Nhưng hãy nhớ rằng cha ông ta đã từng đạt được danh hiệu này từ hàng thế kỷ trước. Trong tình huống nào đó ta phải chấp nhận tạm thời nhưng đừng quá vui về các chỉ số xuất khẩu lao động. Hãy luôn canh cánh về thể diện quốc gia, tự hào dân tộc.

* Theo TS, tự tôn dân tộc sẽ làm nên khát vọng?

- Đó là lôgic đơn giản. Khi toàn dân tộc chung nghĩ đến điều đó thì chúng ta sẽ trăn trở, sẽ lo lắng như khi vó ngựa giặc Ân tới quá gần. Giặc Ân tới thì phải đi tìm Thánh Gióng, tức là khơi dậy khát vọng và trí tuệ toàn dân. Nhà lãnh đạo phải tạo môi trường, phải khuyến khích họ lên tiếng và bộc lộ. Nhà lãnh đạo phải có cơ chế “nuôi dưỡng” hoài bão và khát vọng đó. Đồng thời chính họ phải có hoài bão và khát vọng lớn hơn nữa để tạo thành khát vọng toàn dân. Hoài bão, khát vọng sẽ sinh ra ý chí và phẩm chất để chinh phục mục đích.

Những yếu tố này sẽ nối tiếp qua nhiều thế hệ. Xin kể câu chuyện ở Hãng Samsung (Hàn Quốc). Khi vị chủ tịch tập đoàn sắp qua đời, ông ta vẫn đau đáu mong muốn sản xuất được con chíp điện tử. Ông gọi các nhân viên lại nói: “Nếu tôi chết mà chưa làm ra con chíp thì sau này các anh cố gắng làm. Sau đó đặt nó lên mộ của tôi...”.

Trước một nguồn năng lượng và hoài bão khủng khiếp như thế, hàng trăm, hàng ngàn kỹ sư, quản lý của Samsung không ngừng làm việc, hi sinh và bằng mọi giá họ đã làm ra con chíp. Đó là một trong những yếu tố để thế giới biết đến Samsung. Dân tộc đang cần ở mỗi chúng ta đem đến những hoài bão và khát vọng.

* Xin cảm ơn TS.

Nguồn: tuoitre.com.vn 19/7/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.
Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam
Ca khúc: “Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam”. Nhạc: Doãn Nguyên. Lời thơ Lê Cảnh Nhạc. Tập thể cán bộ, phóng viên Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển cùng Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển biểu diễn tại Hội thảo khoa học: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn”, ngày 26/12/2024, tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Phó Chủ tịch VUSTA được trao tặng danh hiệu Huân chương Lao động hạng 3
Chiều ngày 22/12/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của cơ quan, Đảng bộ và các đoàn thể cơ quan. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
An Giang: Tổng kết nhiệm vụ năm 2024
Chiều ngày 30/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6, khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027. Hội nghị tập trung đánh giá hoạt động năm 2024, thống nhất bổ sung hội viên mới và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.