Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 17/09/2005 15:26 (GMT+7)

CNTT trước bài toán trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (KTTĐBB) bao gồm 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Tổng diện tích của vùng là 15.277 km 2, bằng 4,64% cả nước. Dân số 13,035 triệu người. Đây là vùng có đội ngũ lao động kỹ thuật cao, nơi tập trung các chuyên gia đầu ngành của hầu hết mọi lĩnh vực, số lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm tới 32% cả nước. Đây cũng là vùng tập trung đông nhất các cơ sở nghiên cứu, trường đại học và có trang thiết bị hiện đại nhất. Với lợi thế này, vùng KTTĐBB được xác định là một đầu tầu kinh tế của khu vực miền Bắc, cũng là nơi được giao nhiệm vụ đi đầu trong phát triển CNTT trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Ngày 13/8/2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 145/2004/QĐ-TTg về: “Phương hướng xây dựng và phát triển vùng KTTĐBB đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020”, trong đó nêu rõ mục tiêu phát triển chủ yếu, hướng đột phá và định hướng điều chỉnh quy hoạch. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2006-2010 bằng khoảng 1,3 lần; giai đoạn 2011-2020 khoảng 1,25 lần mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước, tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người/năm từ 447 USD năm 2005 lên 1200 USD năm 2010 và 9200 USD năm 2020. Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20-25%/năm, đi đầu trong tiến trình hiện đại hoá, có tỷ lệ công nghệ tiên tiến đạt khoảng 45%. Đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 55% vào năm 2010... Để thực hiện các mục tiêu trên, nhiệm vụ đặt ra đối với phát triển CNTT-TT của vùng là: Xây dựng thành công chính phủ điện tử tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng KTTĐBB để nâng cao năng lực quản lý Nhà nước tiến tới xã hội điện tử, phù hợp với yêu cầu quản lý trong xu thế hội nhập quốc tế. Phát triển thương mại điện tử tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường quốc tế và khu vực. Phát triển công nghiệp CNTT thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra được một số sản phẩm và dịch vụ có sức cạnh tranh trên thị trường.


Nhiệm vụ to lớn là vậy nhưng hiện tại về hạ tầng CNTT-TT vùng KTTĐBB mới được đầu tư trang bị bước đầu. Mạng nội bộ (LAN) mới đến đơn vị cấp tỉnh và thành phố. Chỉ có riêng Thủ đô Hà Nội, các sở ban ngành, quận, huyện là được đầu tư mạng nội bộ. Mới triển khai ứng dụng tin học cơ bản như quản lý công văn đi đến, báo cáo, số liệu tổng hợp tình hình kinh tế - xã hội, xây dựng các trang web phục vụ cho việc điều hành. Hiện nay có 6/8 tỉnh thành đã xây dựng website chính thức và bắt đầu cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, ứng dụng CNTT trong một số chương trình kinh tế - xã hội khác diễn ra còn chậm, phần lớn được tiến hành theo ngành dọc như ngân hàng, tài chính... Việc ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp còn mang tính tự phát, hầu hết các doanh nghiệp mới ứng dụng trong lĩnh vực quản lý hành chính. Việc ứng dụng CNTT vào sản xuất và quản lý sản xuất còn hạn chế; môi trường ứng dụng thương mại điện tử còn yếu. Việc ứng dụng các mô hình quản lý tiên tiến như quản lý nguồn lực (ERP), quản lý quan hệ khách hàng (CRM), quản lý tài nguyên (SRP) mới ở giai đoạn đầu.


Công nghiệp phần cứng của Hà Nội cũng như vùng KTTĐBB hầu như chưa có gì, chủ yếu là nhập khẩu linh kiện về lắp ráp hoặc nhập khẩu nguyên chiếc bán ra thị trường (trên 70% thị phần). Chưa hình thành được một ngành sản xuất quy mô lớn, chưa có nhiều cơ sở đủ trình độ, vốn, công nghệ thực hiện sản xuất linh kiện, bảng mạch... Ngành công nghiệp phần mềm của vùng KTTĐBB tuy có phát triển đa dạng nhưng lại không gắn kết với nhau và mang tính cát cứ. Các sản phẩm phần mềm chưa đạt trình độ chuyên nghiệp, chủ yếu mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu trong nước.


Về dịch vụ CNTT, các tỉnh, thành phố đã bước đầu đầu tư một số cơ sở hạ tầng để trợ giúp phát triển, ví dụ như Hà Nội đã xây dựng Trung tâm giao dịch điện tử và phần mềm Hà Nội; Trung tâm giao dịch CNTT; Trung tâm đào tạo CNTT giai đoạn I. Bắc Ninh đầu tư khu công nghiệp CNTT Bắc Ninh. Hải Phòng đầu tư Trung tâm công nghệ phần mềm... Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án này chậm, chưa có các cơ chế chính sách phù hợp để phát huy hiệu quả hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp CNTT.


Để phát triển CNTT thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Đáng buồn là nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNTT của chúng ta còn yếu về kỹ năng thực hành và tiếng Anh, chưa đáp ứng được yêu cầu của một ngành kinh tế mũi nhọn. Nguồn nhân lực ít ỏi này lại phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở Hà Nội.


Như vậy có thể thấy để phát triển CNTT-TT như kế hoạch đề ra là khá khó khăn. Ông Vũ Văn Ninh- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đã nhấn mạnh tại cuộc hội thảo: “Yếu tố quyết định cho sự thành công của việc ứng dụng và phát triển CNTT-TT như là một ngành kinh tế mũi nhọn và nhất là trong xây dựng Chính phủ điện tử, đó là nhận thức, quyết tâm và sự cam kết của lãnh đạo ở tất cả các cấp, đặc biệt là lãnh đạo cao nhất của các tỉnh, thành phố”.


Tại hội thảo, các đại biểu nêu kiến nghị: Để phát triển CNTT, thì Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT-TT sớm phê duyệt quy hoạch phát triển ứng dụng CNTT-TT cho giai đoạn 2006-2010 của cả nước làm cơ sở để các tỉnh, thành phố xây dựng quy hoạch và kế hoạch của mình; Quy hoạch việc xây dựng mạng diện rộng đảm bảo xa lộ thông tin thông suốt cho cổng thông tin liên kết; Thống nhất và ban hành các chuẩn như: chuẩn tiếng Việt, chuẩn cơ sở dữ liệu quốc gia, chuẩn trao đổi dữ liệu và thông tin...; Thống nhất quy trình ứng dụng CNTT-TT theo trục ngang và dọc (thống nhất theo Bộ, ngành và Địa phương); Xây dựng chính sách kêu gọi đầu tư đặc biệt cho công nghiệp CNTT-TT; Ban hành cơ chế, môi trường chính sách cho sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ; Xây dựng các chính sách đãi ngộ thoả đáng cho cán bộ trong lĩnh vực CNTT-TT để đảm bảo thu hút nguồn lực chất xám cho ứng dụng và phát triển CNTT-TT; Hỗ trợ phần chênh lệch giá thuê đường truyền và hạ tầng viễn thông (phần chênh so với giá khu vực) cho một số nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án ứng dụng và phát triển CNTT-TT; Hỗ trợ các địa phương trong vùng KTTĐBB xây dựng phòng hội nghị trực tuyến để tổ chức các hội nghị và Diễn đàn trực tuyến cho toàn vùng; Ban hành sớm các quy trình thiết kế, định mức đơn giá và tổ chức quản lý cho việc xây dựng các phần mềm làm cơ sở cho việc triển khai các dự án CNTT lớn của các tỉnh, thành phố.


Đối với các địa phương trong vùng KTTĐBB, lãnh đạo cần lập kế hoạch huy động nguồn lực để chủ động phát triển theo kế hoạch riêng của mình. Định kỳ 1 năm gặp gỡ luân phiên ở cấp lãnh đạo tỉnh, thành phố để kiểm điểm rút kinh nghiệm các nội dung hợp tác. Thành lập Ban chỉ đạo phát triển CNTT-TT của vùng và xây dựng quy chế chung để điều phối các hoạt động hợp tác liên kết vùng về CNTT có sự tham gia của Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT với vai trò điều phối chung. UBND các tỉnh, thành phố cần cử một đồng chí Phó Chủ tịch trực tiếp tham gia Ban chỉ đạo.

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.