Chuyện ông bác sĩ "lách luật" đi trước cơ chế
Hà Nội năm 1989, bác sĩ Bệnh viện 354 Nguyễn Minh Hồng may mắn gặp được một người mà sau này ông coi là bạn tri âm. Cuộc gặp ấy giúp ông Hồng thực hiện nung nấu đã hàng chục năm: mở một phòng khám chữa bệnh do chính mình điều hành - một bệnh viện thu nhỏ giữa trung tâm Thủ đô.
Cơ chế chưa cho thì phải "lách"
"Hồi đi học, có lần bị sốt, tôi lên quân y gõ cửa. Bà bác sĩ ra mở cửa, quát: "Chưa đến giờ" và đóng sập cửa luôn. Bạn tôi có bố ở Bắc Ninh gặp tai nạn gãy tay, đi hết bệnh viện xã, huyện rồi lên bệnh viện tỉnh, họ bảo phải cưa tay vì ung thư xương. Nhờ quen biết, tôi dẫn bạn đến một giáo sư ở Bệnh viện Việt Đức. Ông bảo đây là lao xương, chứ không phải ung thư và cho thuốc điều trị. Sau đó, bố của bạn sống được 20 năm nữa với cánh tay lành lặn".
Từ rất sớm, ông Nguyễn Minh Hồng đã nhận ra những bất cập trong y tế của thời bao cấp: Người bệnh nhiều khi không được chăm sóc vì bệnh quan liêu của thầy thuốc, không được lựa chọn bác sĩ chữa cho mình, điều trị phải đúng tuyến, từ xã, huyện, tỉnh rồi lên trung ương.
Ông nuôi một quyết tâm mà khi đó bạn bè, gia đình cho là quá xa vời: Làm thế nào để phá bung được những điều bất hợp lý đó.
Nhưng phải 20 năm sau, nung nấu ấy mới được thực hiện.
Để có vốn, cách duy nhất mà một bác sĩ quân y như ông Hồng có thể làm hồi đó là đi vay. Vay bạn bè, vay đồng nghiệp, vay họ hàng. "Thời đó, ai cũng khó khăn, mà ý tưởng nói ra thì nhiều người phản đối. Nhưng góp gió thành bão, tôi vay mỗi người một ít, ít thì trăm ngàn, nhiều nhất là ba trăm", ông Hồng nhớ lại.
"Cái khó ló cái khôn". Cùng lúc ông Hồng đang xoay từng đồng vốn để thực hiện mơ ước có phòng khám, Tổng cục Hậu cần có lệnh bán hàng chậm luân chuyển "chẳng ai thèm mua, kể cả bà đồng nát" nhưng thực chất vô cùng quý giá. Đó là số lượng lớn giấy điện tim của nước ngoài cấp cho quân đội, có kích cỡ lớn hơn máy móc mà các bệnh viện quân y đang sở hữu.
"Tại sao mình không mua giấy đó, cắt ra cho vừa với kích cỡ của máy điện tim? Nghĩ là làm, tôi mua hết giấy, thuê xe chở vào TP. Hồ Chí Minh, đầu tiên cắt bằng tay, sau mới có máy, bán cho các bệnh viện Chợ Rẫy, Bình Dân và thu được một khoản tiền rất lớn. Đúng là nhờ sự quan liêu của các bệnh viện quân y mà tôi "thắng" vụ đó, chứ nếu họ năng động tìm cách cắt giấy thì cơ hội cũng không thuộc về mình".
Nhưng may mắn lớn nhất là cuộc gặp gỡ "định mệnh" của bác sĩ Nguyễn Minh Hồng và Trung tướng - Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Thu, khi đó mới nhậm chức Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và kinh tế.
"Nhiều bạn bè phản đối "dự án" của tôi. Họ cho rằng tôi, một bác sĩ - đảng viên mà đi mở phòng khám tư nhân là đi ngược lại cơ chế. Chỉ có ông Thu tin rằng tôi đúng và sẽ làm được", ông Hồng kể.
Nhận thấy ở bác sĩ Hồng tư tưởng làm ăn mới và chắc chắn có hiệu quả, Chủ nhiệm Tổng cục Phan Thu quyết định cho ông Hồng "mượn" khoảng đất ở cổng phụ bên rìa cơ quan nhìn ra đường Điện Biên Phủ, ngay gần Cột Cờ Hà Nội.
"Tôi chỉ cho anh Hồng "mượn cổng" để làm nơi khám bệnh", ông Phan Thu, sau này thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cười.
"Chúng tôi bàn nhau, nếu xin Bộ Y tế thì chắc Bộ chưa cho phép, còn nếu quân đội đứng ra làm với danh nghĩa kinh tế thì càng không ổn. Do đó phải có "mẹo" để "lách". Phòng khám của anh ấy sẽ mang danh nghĩa một trạm quân y giúp dân chữa bệnh".
Kẻ "phá rào" được khen thưởng
Thời gian đầu, Trung tâm khám chữa bệnh theo yêu cầu của bác sĩ Nguyễn Minh Hồng nhận được không ít lời đả kích. Có đồng nghiệp nói hẳn trên truyền hình, rằng đang có cá nhân "lôi kéo" giáo sư, bác sĩ Nhà nước ra ngoài làm.
Thế nhưng, tiếng lành đồn xa, phòng khám thu hút không chỉ bệnh nhân sống ở Hà Nội mà cả ở các tỉnh, nhiều người là giám đốc ngân hàng, các vị lãnh đạo cao cấp cùng phu nhân và cả người nước ngoài. Họ đến vì được chính những vị bác sĩ đầu ngành khám chữa.
"Phương tiện hồi ấy sơ sài lắm chứ không hiện đại như bây giờ, phòng khám chỉ là hai gian nhà cấp 4, mưa còn bị dột. Nhưng chúng tôi thường xuyên phải khám bệnh cả buổi tối, thậm chí ban đêm", bác sĩ Hồng tự hào.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hồng đã mời được những thầy thuốc tên tuổi như Viện trưởng Viện 108, Trung tướng, GS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Khánh - Tổ trưởng tổ bảo vệ sức khỏe trung ương.
"Khẩu hiệu của chúng tôi là: Trả kết quả nhanh, chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả. Muốn thế, cần ba yếu tố: thầy thuốc giỏi, máy móc hiện đại, đội ngũ nhân viên tốt. Chung quy lại phải có 3 chữ. Trước hết là Tâm, Tài, cuối cùng mới đến Tiền".
"Tôi không thuyết phục các vị giáo sư bằng tiền, bởi làm sao "mua" được họ, mà bằng ý chí, quan điểm đúng đắn của mình, rằng đã đến lúc, bệnh nhân phải được chăm sóc đúng mức, không phải chờ đợi hay bị quát mắng".
Trung tâm khám chữa bệnh theo yêu cầu của ông Hồng không chỉ phục vụ người giàu có. Những bác sĩ làm việc ở đây lâu năm vẫn nhớ nhiều trường hợp, bác sĩ Hồng trả cả tiền tàu xe và miễn, giảm tiền cho bà con nghèo ở tỉnh xa.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Thu cho rằng, mô hình phòng khám tư nhân của anh Hồng đã tiếp thu Nghị quyết của Đảng, tinh thần đổi mới từ sớm. "Đảng có tư duy đổi mới rồi nhưng phải từ hoạt động thực tiễn của nhân dân, mới chứng minh và khẳng định sự đúng đắn của nó. Nhờ thành công của những trung tâm như vậy mà sau này mới có Pháp lệnh Hành nghề y tế tư nhân".
"Tôi nghĩ, Trung tâm khám chữa bệnh của anh Hồng chính là một thành công của công tác xã hội hóa. Vào đây, người bệnh cảm thấy được tôn trọng. Nói thẳng là bệnh viện công đều quá tải, một số thầy thuốc bị xuống cấp về y đức".
Từ 10 năm nay, phòng khám năm nào mà ông Hồng gây dựng là thành viên chính thức của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật VN và đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ y học VN. Năm 2006, đơn vị và giám đốc của nó, ông Nguyễn Minh Hồng được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba thời kỳ đổi mới.
Làm từ thiện
Bao nhiêu lợi nhuận của Trung tâm, ông Hồng đều đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị. Từ gian nhà cấp 4, nay một toà nhà 6 tầng đã mọc lên ngay bên cạnh Trung tâm, với những máy móc tân tiến nhất, như ba chiếc máy siêu âm màu 4 chiều, "niềm mơ ước" của nhiều bệnh viện công.
Một "đối tượng" nữa mà ông Hồng không tiếc tiền "đầu tư" chính là các công trình từ thiện, đặc biệt để trả ơn quê hương vẫn còn nghèo khó - tỉnh Nghệ An. Chính ông cũng không còn nhớ công trình đầu tiên mình ông bỏ tiền ra xây, một trạm bưu điện xã, là vào năm nào.
"Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ (bố ông hoạt động cách mạng cùng thời với cố TBT Nguyễn Văn Linh từ thời Xô Viết Nghệ Tĩnh - NV). Không có quê hương cưu mang, nuôi ăn học thì tôi không thể có ngày hôm nay".
Một cây cầu, một ngôi trường, một con đập ngăn nước, trụ sở một câu lạc bộ khoa học kỹ thuật dành cho thanh niên, những căn nhà tình nghĩa cho đồng bào dân tộc hay những tấm áo lụa tặng các vị bô lão... Ông Hồng không mong gì hơn là được tri ân quê hương và không khỏi xúc động khi tình cờ trên đường về quê, nghe được câu nói của một chú bé: "Khi nào ông Hồng chết, chắc nhiều người đưa ma bay hè".
Trung tướng Phan Thu, người từng tham gia đổ những xô bê-tông đầu tiên làm móng ngôi trường THCS xã Thanh Lâm mà bác sĩ Hồng trao tặng nhớ lại: "Người dân cứ muốn lấy tên anh Hồng đặt cho trường, nhưng anh ấy không muốn".
"Không phải ai có tiền cũng làm từ thiện đâu. Có người giàu rồi thì muốn giàu hơn, chứ không chia cho ai cả. Anh Hồng thì khác. Mạnh mẽ, thẳng thắn, không chịu cảnh bất công và "đam mê" làm từ thiện, làm không vì danh tiếng hay bất kỳ động cơ nào khác mà hoàn toàn từ cái tâm", GĐ Đài PTTH Nghệ An Trần Duy Ngoạn, người chứng kiến lễ khởi công của trên 30 công trình lớn nhỏ, nói.
Một trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao đang được ông xây dựng ở ngay thành phố Vinh với cơ ngơi khang trang hơn cả ở Hà Nội.
"Tôi đã tuyển xong bác sĩ và nhân viên. Họ đang được đào tạo lại từ 6 tháng đến 1 năm ở Trung tâm ở Hà Nội về cách làm việc, cư xử, nói năng. Với tôi, người thầy thuốc không chỉ cần chẩnđoán đúng và chữa khỏi bệnh, mà còn phải có giọng nói nhẹ nhàng, lễ phép với bệnh nhân"