Chuyện “Hai Lúa” làm khoa học và đi trợ giảng
Ông chào khách bằng nụ cười đôn hậu và nét hóm hỉnh của con cháu Ba Phi. Được như hôm nay, nhà khoa học “Hai Lúa” đã trải qua vô vàn những vất vả của một người nông dân dám "dấn thân" vào con đường nghiên cứu lai tạo giống lúa mới...
Ông nông dân … “bất đắc dĩ”
Sinh ra và lớn lên, ông Năm Châu vốn không phải là nông dân. Trước giải phóng, ông từng là thợ sửa máy, đóng máy tuốt lúa, nạp bình ắc quy… Điện về làng, nghề nạp bình không còn đất kiếm sống. Sẵn tiện việc mẹ ông lấy 5 công đất cho mướn về, Năm Châu nhẹ nhàng chuyển sang làm nông dân.
Chưa bao giờ làm nông, lại không được những người xung quanh truyền kinh nghiệm, nên ông toàn thất bại. Lẽ ra, dùng loại giống này mới đúng thời vụ thì họ lại chỉ ông dùng loại giống khác, làm giống không phù hợp với điều kiện thời tiết, mất sạch. Rồi, vì chưa làm nông nên ông không biết lúa bị sâu bệnh, đến khi phát hiện ra phun thuốc thì quá muộn. Lúa nhiễm bệnh nặng, không cứu nổi. Ông Châu trăn trở với một câu hỏi thường trực: tại sao mọi người lại biết rõ còn mình lại mù tịt?
Và không ai khác, tự ông đi tìm câu trả lời đó.
Vốn là người không dễ khuất phục bởi hoàn cảnh, ông chạy lên công ty giống hỏi về các giống lúa và cách chăm bón. Được chỉ vẽ, ông mua giống rồi mua thêm 7 công đất và sạ 13 giạ thóc giống cho 13 công đất. Năm đó, quê ông có dịch rầy nâu dẫn đến thiệt hại khoảng 80% cho nông dân.
Không ngờ, chỉ riêng giống lúa của ông là kháng rầy, không bị ảnh hưởng. Ông thu được 5 tấn thóc. Vụ sau, bà con xung quanh phải đến mua giống của ông. Lúc này, "Hai Lúa" mới nhận ra tầm quan trọng của giống.
Ông bắt đầu đi vào nghiên cứu về các giống lúa mới, và dùng chính mảnh đất của mình để thử nghiệm…
“Hai Lúa” làm… khoa học
Cuối năm 2000, ông Năm Châu tham gia một khóa học dành cho nông dân ở Cần Thơ theo chương trình “ Tăng cường kỹ năng chọn tạo giống cho nông dân”. Tại đây, ông được tìm hiểu rất nhiều về cây lúa, được học những kỹ thuật như lai tạo, chọn dòng phân ly, cách phục tráng giống v.v…Kết thúc khóa học, ông Châu lao vào thực hành với mong ước lai tạo ra những giống lúa mới phù hợp với điều kiện của địa phương mình.
Khi bắt đầu công việc lai tạo, ông lấy giống của trường Đại học Cần Thơ và Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho lai nhau. Đó là một công việc vô cùng cực nhọc, nhất là với một nông dân.
Khi xưa, nhà bác học Darwin đã lê la suốt ngày ngoài vườn thế nào khi lai tạo chọn lọc thì giờ Năm Châu cũng y như vậy. Từng ngày, từng ngày một, ông ra thăm lúa, để ý lúa lớn lên, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Ông canh đến khi bông lúa vừa trổ, chưa ngậm sữa, từ chiều hôm trước ông tỉ mẩn cắt 1/3 vỏ trấu của từng hạt thóc, chờ đến đúng 9h sáng hôm sau, khi những vỏ trấu của cây lúa chưa mở ra, còn nguyên phấn, ông lấy tăm tự thụ phấn cho từng hạt. Làm đi làm lại và hồi hộp chờ đợi kết quả.…
Thụ phấn cho 30 hạt, nhưng chỉ 16 hạt thành công. Gieo 16 hạt thì chỉ có 5 cây nảy mầm, rồi ông đưa đi trồng, được 2 cây. Thành quả đầu tiên tuy khiêm tốn nhưng ông phấn chấn. Thế nhưng, người nông dân này vẫn băn khoăn tại sao tỉ lệ nảy mầm lại thấp hơn so với dự đoán. Lại tiếp tục mày mò, tiếp tục thử nghiệm. Ông rút ra được kinh nghiệm ngâm thóc giống vào nước ấm, tỉ lệ nảy mầm đạt hơn 90 % và cây lúa cũng ít bị nấm độc xâm hại.
Cứ thế, sau mỗi đợt F mới, "Hai Lúa" lại vẽ sơ đồ lai, thành thạo như một nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu. Ròng rã suốt 4 năm trời, sau rất nhiều những thất bại, có khi phải bỏ luôn cả một vạt lúa lớn vì giống chưa đạt tiêu chuẩn, lão nông Năm Châu mới lai tạo thành công giống lúa mới với cái tên TM3 (Thanh Mỹ 3). Giống này có ưu thế là thời gian sinh trưởng ngắn, thơm nhẹ, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Và cũng suốt thời gian dài, ông Châu đã có được một quyển sổ dày cộp ghi lại bản đồ lai và những đặc tính của lúa sau mỗi lần phân ly. Khi tiếp chúng tôi, ông Châu đã mang quyển sổ này ra, giảng giải cặn kẽ từng sơ đồ lai rõ ràng, không thua gì một giảng viên trường nông nghiệp.
Giống lúa mới có nhiều ưu thế, nhưng để được bà con nông dân chấp nhận không hề dễ dàng. Ông kể: “Tui đã phải thành lập hẳn một đội cấy, kéo xuống ruộng nhà một người bạn và cho không giống để trồng thử 5 công đất. Dân vùng tui vốn chỉ quen gieo lúa trực tiếp xuống ruộng chứ không cấy nên thấy tui làm vậy cười thấy bà! Họ còn bảo cấy thưa thế có nước ăn cháo. Tui cóc ngán, cứ tiếp tục làm vì đã trồng thử nhiều lần rồi. Ai ngờ, khi thu hoạch, bạn tui mang gạo đi chà thì được nhà máy hỏi mua luôn và còn dặn nếu bán giống đó cho nông dân nào thì chỉ, họ mua tuốt luốt, còn đắt hơn giống bình thường 300 đồng/kg. Tui mừng rơn, vậy là giống lúa của mình đã được mọi người chấp nhận”.
Sau khi lai tạo thành công giống TM3, ông tiếp tục nghiên cứu lai tạo các giống lúa mới. “Tại say mê nên lao vào nghiên cứu chứ cực muốn chết. Các nhà khoa học khi nghiên cứu có máy đo nên dễ dàng nhận ra các thuộc tính của giống mới, còn tui chủ yếu phải dùng trực giác để cảm nhận. Có khi sợ một mình chưa chính xác, phải nhờ đến 5,6 người cùng kiểm tra mới yên tâm” - Ông Châu tâm sự.
Nhưng không vì những khó khăn ấy mà "Hai Lúa" ngừng nghiên cứu. Ông muốn lai tạo thêm nhiều giống lúa mới phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Ông thấy Trà Vinh là một vùng đất phèn mặn nên cần phải có giống lúa chịu phèn tốt, nhưng chất lượng phải cao. Chính vì thế, ông mày mò lấy giống Cửu Long 8 lai với IRS9606 cho ra giống mới TM4. Giống này cơm vừa dẻo, thơm hơn hẳn chất lượng của Cửu Long 8, lại kháng bệnh rất tốt ở vùng phèn mặn. Ròng rã suốt 13 vụ lúa, ông Châu mới lai tạo thành công giống TM4 này.
Ông bày tỏ băn khoăn của mình: "Tui thấy Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng chất lượng gạo lại kém, thua xa với các nước cùng xuất khẩu gạo như Thái Lan. Tui rất mong tạo ra được những giống lúa vừa phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, vừa có chất lượng xuất khẩu tốt. Có như vậy, gạo của ĐBSCL mới được thế giới chú ý."
Cho đến nay, ông đã lai tạo thành công các giống TM3, TM4, TM5, TM6. Với những thành quả ấy, "Hai Lúa" hai lần được “xuất ngoại” đi Malaysia báo cáo thành tích và sang Thái Lan tham quan học tập kinh nghiệm. Hiện tại, ông Dương Văn Châu đang được Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL mời làm trợ giảng tham gia vào dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học giống cây trồng”.
Dự án “ Bảo tồn đa dạng sinh học giống cây trồng” được thực hiện thông qua các khóa học ở một số địa phương ĐBSCL. Ông Châu cùng đoàn đi qua nhiều tỉnh ĐBSCL, giúp các giảng viên truyền tải những kiến thức quan trọng về lai tạo và chọn giống cho bà con nông dân các địa phương. Bằng sự am hiểu về cây lúa của quê mình, ông giúp các giảng viên biến những ngôn ngữ khoa học khó hiểu thành ngôn ngữ bình dân dễ hiểu. Ông cũng hướng dẫn cho nhiều nông dân cách lai tạo giống mới từ các bước thế nào, kỹ thuật ra sao.
Bà con nông dân các nơi ông đến làm trợ giảng rất tin tưởng và quý mến. Có nhiều người ở tỉnh xa, sau khi được ông hướng dẫn kỹ thuật lai tạo giống, hay mỗi lần giống lúa của mình có vấn đề gì, lại “alô” cho “thầy Năm”.
Ông cười tươi như lúa trổ bông: "Khi được đứng ra giảng giải cho bà con nông dân những kiến thức mà mình biết, tui vui lắm. Ai ngờ một nông dân như tui cũng có ngày được gọi là “thầy ơi, thầy à!”.
Người nông dân có cái tâm “Bồ Tát”
Đến nhà ông Châu, chúng tôi rất ngạc nhiên vì cả gia đình đã ăn chay trường suốt mười mấy năm nay. Bắt đầu từ khi nhìn thấy mẹ ăn chay một mình, ông bàn với cả gia đình cùng ăn để bà thấy vui hơn, ăn được nhiều hơn. Với tấm lòng nhân hậu muốn chia sẻ với những người thân yêu ấy, ông đã mang ra chia sẻ với những người nông dân.
Niềm vui với việc lai tạo thành công giống lúa mới. Ảnh Hà Dịu |
Hiện tại, các giống lúa mới của ông được đông đảo bà con tin dùng vì vừa đạt chất lượng tốt, vừa có giá thành rẻ hơn. Có rất nhiều người ở những vùng xa xôi như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, thậm chí là các công ty giống cây trồng cũng tìm đến tận nơi để mua giống của Năm Châu. Khi chúng tôi đang trò chuyện cùng ông thì có rất nhiều người tới hỏi mua giống. Anh Lê Hữu Lâm, kỹ sư nông nghiệp của huyện Cầu Ngang nói mình tới mua giống của ông Năm để về bán lại cho nông dân trong huyện, vì giống tốt mà giá lại rẻ hơn các nơi khác.
Ông còn trồng thử nghiệm nhiều giống lúa mới để đáp ứng nhu cầu của bà con. "Hai lúa" đứng giữa cánh đồng lúa nếp đang vào độ chín của mình, rồi nói: "Từ 100 gam giống, sau 5-7 vụ trồng thử, chọn lọc, nhân giống giờ tui mới có được thành quả này. Cực lắm, vì thử nghiệm nên nhiều khi mất trắng, thua lỗ là chuyện bình thường."
Không chỉ thử nghiệm giống, ông Năm còn thử nghiệm cả thuốc bảo vệ thực vật để tìm ra những loại thuốc có tính năng ưu việt mà giá thành rẻ để chỉ cho bà con dùng thử. Ông đưa ra lý do giản đơn: chỉ đỡ được vài trăm đồng một chai thì mỗi vụ bà con nông dân cũng đã tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ rồi.
Không chỉ thế, ông Năm Châu còn rất tận tình hướng dẫn những ai muốn học hỏi kinh nghiệm. Ở xã Thanh Mỹ, thậm chí cả những xã xa hơn, mỗi lần cây lúa có bệnh gì là lại tìm đến “bác sĩ” Năm Châu. Có người mang cả bụi lúa đến nhờ ông “chẩn bệnh”. Có khi ông phải đến tận nơi xem xét, chỉ vẽ để người nông dân khắc phục.
Xong việc, ông lại lặng lẽ ra về. Nếu phải ở lại, bao giờ ông cũng mang đồ ăn từ nhà đi, nhất quyết không chịu làm phiền đến gia chủ.
Tính khí "Hai Lúa" Dương Văn Châu là vậy.
Bởi, khát khao lớn n hất của ông là giúp người trồng lúa vươn lên, bằng chính cây lúa.
Ông Trần Thanh Bé, GĐ Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL:
|