Chuyên gia đầu ngành về cơ học Nguyễn Lương Dũng
Khóa học “Phương pháp tính phần tử hữu hạn và mô phỏng trong cơ học” do PGS-TS Nguyễn Lương Dũng hướng dẫn lần đầu tiên tại trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh cách nay gần 20 năm nhưng vẫn để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí các học viên tham dự, trong đó có người học trò của ông là PGS-TS Trương Tích Thiện, hiện là Phó trưởng khoa Khoa học Ứng dụng của trường. Theo PGS-TS Trương Tích Thiện: vào thời đó, việc ứng dụng các phương pháp số và máy tính cá nhân (PC) vào việc giải và mô phỏng các bài toán cơ học là một vấn đề rất thời sự và cực kỳ hấp dẫn trên toàn thế giới nên khóa học thu hút hàng trăm cán bộ giảng dạy tại trường ở mọi trình độ. Sau khóa học, Tiến sĩ Nguyễn Lương Dũng trở lại Đức mang theo nhiều trăn trở để đến năm 1992, ông trở về cùng với dự án tài trợ kéo dài 5 năm tiếp tục giúp đỡ Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh một cách hữu hiệu. Dự án này do Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức tài trợ giúp trường thành lập phòng Tính toán Cơ học có chức năng đào tạo đại học và sau đại học bộ môn Cơ Kỹ thuật; hợp tác nghiên cứu, tổ chức các hội thảo giữa các trường, viện nghiên cứu; thực hiện các dự án trong và ngoài nước… Cơ Kỹ thuật là một ngành đào tạo mới của Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, ông giúp trường lập kế hoạch soạn chương trình giảng dạy và trực tiếp giảng dạy những khóa kỹ sư trẻ đầu tiên. Thông qua Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Thiết bị của trường, phòng Tính toán Cơ học đã thực hiện nhiều dự án ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất tại các xưởng, hãng, giải quyết những vấn đề cuộc sống yêu cầu. Trong đó, nổi bật là các dự án tại Công ty Liên doanh MERCEDES – BENZ Việt Nam và Công ty cổ phần Bao bì kim loại VINACAN Sài Gòn. Các phương án hỗ trợ kỹ thuật do ông và các cộng sự đưa ra để tính toán kiểm tra sức bền vật liệu, tư vấn kỹ thuật cho khung sàn xe đối với nhiều loại xe của Công ty LD MERCEDES-BENZ góp phần làm tăng độ bền, chất lượng xe và an toàn cho con người. Dự án tính toán gia cường khung sàn nhà xưởng và cải tiến biên dạng của đáy lon kim loại trong quá trình dập lon thực hiện tại Công ty cổ phần Bao bì kim loại VINACAN Sài Gòn đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và thu nhập của người lao động.
PSG-TS Nguyễn Lương Dũng hết lòng tận tụy truyền tải vốn kiến thức của mình vào việc đào tạo các thế hệ kỹ sư trẻ cho đất nước. Đến nay, ông đã hướng dẫn thành công 8 luận án thạc sĩ và 2 luận án tiến sĩ. Nhiều học trò của ông nay là những nhà khoa học uy tín ở các cương vị chủ chốt của trường. Hiện ông đang trực tiếp giảng dạy môn Cơ phá hủy trong chương trình Kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp do trường tiếp nhận, một môn học phức tạp về những phương pháp phát hiện vết nứt, trạng thái tải trọng gây ra vết nứt, phỏng đoán những trường hợp có thể xảy ra sự cố để tìm giải pháp khắc phục… Ông đã trực tiếp giảng dạy trong suốt 3 năm từ khóa học đầu tiên (năm 1994) môn Cơ Kỹ thuật cho ngành kỹ thuật hàng không của Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, một trong những nơi chủ lực cung cấp nhân lực kỹ thuật cao cho sự phát triển hàng không Việt Nam. Các khóa học đã đào tạo cho ngành hàng không vài trăm kỹ sư giỏi với vốn kiến thức quý giá về kết cấu, chế tạo, bảo trì máy bay…
Hơn 26 năm sống, học tập và làm việc tại nước Đức, môi trường làm việc rất tốt, nhưng PGS-TS Nguyễn Lương Dũng vẫn lựa chọn con đường trở về làm việc tại quê hương, nơi ông cảm thấy mọi người cần mình và ông tin rằng mình sẽ cống hiến được nhiều hơn. Ngày ngày, ngoài công việc, cuộc sống của ông thật bình dị. Những giây phút hạnh phúc nhất đối với ông là đưa đón con đi học và hòa mình vào cuộc sống gia đình. Ông rất yêu thiên nhiên, thích đi du lịch vùng biển, ăn món ăn đặc sản Việt Nam …