Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 27/10/2008 15:00 (GMT+7)

Chuyện của ông Đức “K”

Bệnh viện K ra đời năm 1969, kế thừa cơ sở nghiên cứu phóng xạ của Pháp do chính nhà khoa học nổi tiếng Marie Curie ra quyết định thành lập.

"Đó là thời kỳ rất khó khăn" GS. Đức kể. Khó đến nỗi, khi xem tiêu bản trên kính hiển vi, ông và các đồng nghiệp phải dùng đá cuội để "đếm tế bào ung thư". Máy xạ trị có một cái duy nhất của Liên Xô sản xuất, mà không phải lúc nào cũng chạy được. Cái thời "gạo châu, củi quế" ấy thì thuốc chữa ung thư, hóa chất có tiền cũng khó mua được.

40 năm đã trôi qua. 40 năm lăn lộn với nghề, từ cậu sinh viên chân ướt chân ráo vào ngành đúng lúc bom rơi đạn vãi, bây giờ là giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành về ung thư, thế giới cũng biết tiếng. GS. Nguyễn Bá Đức không nhớ hết được những bệnh nhân đã được ông cứu thoát khỏi cái án "ung thư".

Bệnh nhân ung thư có nỗi niềm riêng, và bác sĩ ngành ung thư cũng vậy. Thầy thuốc và bệnh nhân có những mối giao cảm mà phải là những người gắn bó với nghề lâu năm như ông mới ngộ được.

Ung thư giống như cái họa. Mà họa thì vô đơn chí. Cái họa ung thư ập đến, nghĩa là đau đớn về thể xác, khủng hoảng về tinh thần. Rồi kéo theo cái họa kiệt quệ tài sản... mà vẫn không qua khỏi. Có khi, người bệnh chết rồi mà cái họa vẫn không tha cho những người còn sống.

Đa phần bệnh nhân ung thư lại là những người nghèo. Có thể cũng vì phận nghèo mà họ không có điều kiện để hiểu ngọn nguồn căn bệnh quái ác này. Khi đau ốm qua loa, cắn răng không dám nghỉ việc đi khám. Khi bệnh nặng rồi thì bán nhà, bán cửa đi "vái tứ phương". Vái mãi chẳng được, họ mới đến Bệnh viện K khi đã muộn, điều đó đồng nghĩa với sự tuyệt vọng của cả bệnh nhân và thầy thuốc. Bởi lẽ, ở giai đoạn ung thư đã di căn, dù thầy có giỏi, thuốc có hay, thiết bị có hiện đại đến mấy, thì cũng chỉ là vớt vát mà thôi.

Hình như nhiều người bệnh tin vào số phận hơn là tin vào bàn tay và khối óc của những người thầy thuốc tài năng và tâm huyết. Điều đó làm những người thầy thuốc K như ông đau đáu nuối tiếc. Giá như mọi người đều hiểu, ung thư không còn là án tử hình. Rằng ung thư có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Rằng cuộc sống của bệnh nhân ung thư có thể kéo dài và nâng cao chất lượng nếu được điều trị sớm và đúng phương pháp. Rằng nếu hệ thống y tế cơ sở trên cả nước có đủ năng lực khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư thì những thầy thuốc như ông đâu phải chịu bó tay.

Trong điều kiện eo hẹp của bệnh viện, ông đã làm tất cả những gì có thể. Ông là người sáng lập ra cơ sở II Bệnh viện K tại Tam Hiệp nơi đặt Khoa ung thư trẻ em. Nằm điều trị tại đây có những em bé chỉ một vài tháng tuổi. Đa phần các em mắc bệnh ung thư máu. Để điều trị khỏi căn bệnh quái ác này phải mất hàng năm trời và tốn kém tiền của lên tới hàng trăm triệu đồng. Chỉ có ở đây, các em mới được điều trị miễn phí. Khi được GS. Đức vào tận nơi hỏi thăm, những bậc cha mẹ đang có con điều trị tại đây nghẹn ngào không nói nên lời.

Ông dành hết tâm huyết của mình cho cuộc chiến chống ung thư. Các chuyên gia hàng đầu thế giới đến thăm và làm việc tại Bệnh viện K đều có chung nhận xét: công nghệ và năng lực cán bộ ở đây không hề kém những bệnh viện hàng đầu thế giới.

Khi thế giới có công nghệ mới trong điều trị ung thư, như kỹ thuật xạ trị điều biến liều lượng, Bệnh viện K đã trở thành đơn vị đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á đưa ứng dụng vào phục vụ người bệnh.

Kỹ thuật mổ nội soi tiên tiến, đòi hỏi trang thiết bị đắt tiền và đội ngũ bác sĩ điêu luyện, Bệnh viện K là đơn vị đầu tiên đáp ứng.

Đội ngũ thầy thuốc K được cập nhật những kiến thức mới nhất trong điều trị ung thư. Các chuyên gia nước ngoài khi đến dự giao ban tại bệnh viện đã rất ngạc nhiên và thích thú khi biết các thầy thuốc thảo luận bằng tiếng Anh. Thế hệ thầy thuốc trẻ được GS. Nguyễn Bá Đức dìu dắt giờ đã đủ tài sức làm chủ kiến thức, công nghệ để tiếp bước bậc đàn anh.

GS. Đức nhận xét, bệnh viện nước ngoài, như ở Singapore chẳng hạn, nếu hơn Việt Nam mình, có chăng là hơn điều kiện chăm sóc bệnh nhân. Bệnh nhân có buồng riêng, ngoài chăm sóc y tế, họ được nghe nhạc, đọc sách. Trong khi đó, ở ta bệnh nhân 4 - 5 người chung một giường bệnh, vì cơ sở vật chất chỉ có thế. Ở nước ngoài, bệnh nhân nặng được chăm sóc giảm đau đầy đủ, trong khi bác sĩ của ta kê đơn thuốc giảm đau phải đọc đi, đọc lại các quy định của pháp luật mới dám đặt bút phê bởi không khéo là vướng vòng lao lý. Cuối cùng thì bệnh nhân thiệt thòi, mà thầy thuốc thì đau xót.

Cái khó, bó cái khôn. Dù có nỗ lực cải tạo, xây dựng nhưng Bệnh viện K luôn rơi vào tình trạng quá tải. Bởi tình trạng ung thư tại Việt Nam đang gia tăng. Cả nước chỉ có 2 đơn vị là Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện U bướu TP.HCM có khả năng điều trị ung thư toàn diện. Một số cơ sở địa phương chỉ đáp ứng được một phần nào đó nhưng thiếu cả về trang thiết bị.

Tầm nhìn

GS. Đức là người có tầm nhìn xa. Ông cùng các đồng nghiệp đã đóng góp ý kiến để Bộ Y tế xây dựng Chiến lược phòng chống ung thư bền vững.

Trước mắt, một cơ sở mới của Bệnh viện K đã được khởi công xây dựng tại Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Bệnh viện K mới sẽ được xây dựng trên diện tích gấp hơn 10 lần cơ sở hiện tại và quy mô 1.000 giường bệnh, gấp đôi hiện nay. Khi đó Bệnh viện K mang tầm vóc quốc tế với một hệ thống gồm bệnh viện hiện đại kết hợp Viện nghiên cứu và Trung tâm chống đau, hiện nay chúng ta chưa có. Một kế hoạch thu hút và đào tạo đội ngũ y, bác sĩ chuyên ngành ung thư đã được xây dựng từ lâu và đã bắt đầu mang lại hiệu quả. Nằm trong Chương trình phòng chống ung thư quốc gia, mạng lưới phòng chống ung thư quốc gia sẽ được xây dựng trên toàn quốc trong đó trụ cột sẽ là Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện U bướu TP.HCM. Một chương trình tổng quan và bền vững nhằm giảm tỷ lệ mắc ung thư, giảm tỷ lệ chết do ung thư, và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư đã bắt đầu được vận hành. Người ta sẽ còn phải nhắc nhiều đến vị "Tổng công trình sư" tài năng và tâm huyết Nguyễn Bá Đức.

Một chút riêng tư

Những người gần gũi GS. Đức đều có chung nhận xét, ông là người sắc bén và quyết đoán trong công việc nhưng rất giản dị, đôn hậu trong đời thường. Ông kể, làm thầy thuốc chữa bệnh ung thư, có ngày phải khám chữa cho cả trăm bệnh nhân, sức ép rất lớn. Có lần ông bị stress, gắt lời với một bệnh nhân. Câu nói buông ra... không thu lại được..., nằm hối tiếc cả đêm không ngủ. Mỗi lần nhớ lại vẫn thấy ân hận.

Thăm khám, điều trị bệnh nhân, quản lý, chỉ đạo, giảng dạy đào tạo, tham dự hội nghị, hội thảo trong nước, quốc tế... ông là tác giả của hơn chục đầu sách về chuyên ngành ung thư, cùng hàng trăm bài báo khoa học. Công việc bề bộn của một GS.TS. đầu ngành, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu ung thư, Chủ nhiệm Bộ môn Ung thư Đại học Y Hà Nội ngốn hết sạch thời gian của ông.

Những khoảng lặng riêng tư ít ỏi ông dành cho gia đình, bạn bè và thơ. Ông gọi những bài thơ ấy là "nhật ký thơ". Cuốn nhật ký này chưa bao giờ được viết ra, bởi nó được ông sáng tác bằng điện thoại di động, như thế chỉ cần ấn nút một cái là bạn bè nhận được ngay. Nó cũng tiện cho sáng tác: tranh thủ trước giờ hội thảo, nhân lúc giải lao giữa giảng đường, hay một chuyến công tác nước ngoài dài ngày ông lại làm thơ. Những bài thơ giản dị, nhiều khi hài hước đến mức tếu táo, nhưng chứa đựng cái tâm rất sáng của người thầy thuốc. Với ông, làm thơ để giải tỏa stress, làm thơ để khuyên bạn bè những điều tốt đẹp, làm thơ để hoàn thành công việc tốt hơn.

Phải nói rằng, vợ GS. Đức là một người phụ nữ tuyệt vời. Hiếm người phụ nữ nào chiều chồng tới mức học đàn "vì biết anh ấy thích nghe piano", học tiếng Anh "để chia sẻ khó khăn trong công việc của anh ấy", và "nấu thật nhiều món ăn ngon như một món quà tặng anh và bạn bè". Có lẽ vì thế mà ngôi nhà nhỏ bé của GS. Đức luôn ấm cúng và đầy ắp tiếng cười.

Đến thăm phòng làm việc của ông, nếu ai chú ý sẽ thấy trên bàn có một lọ hoa nhỏ ghi dòng chữ "Kính tặng GS.TS. Nguyễn Bá Đức" và chữ ký "Bệnh nhân ung thư 40 năm". 40 năm gắn bó với ngành ung thư, 40 năm lăn lộn cùng Bệnh viện K và những bông hoa của một bệnh nhân ung thư được ông khám và điều trị từ 40 năm trước gửi tặng ông vào dịp ông được phong hàm giáo sư. Một hình ảnh đẹp và cảm động dành cho người thầy thuốc đã dành hết tâm huyết trí tuệ để góp phần xây dựng ngành ung thư Việt Nam .

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.