Chưa thể dự báo động đất ở Việt Nam
- Từ đầu năm 2005 tới nay đã xảy ra một số trận động đất ở Nghệ An, động đất ở Điện Biên Phủ và động đất ở Ninh Bình. Xin GS cho biết liệu những trận động đất này có liên quan tới nhau hay không?
- Những trận động đất như vậy không mạnh, có thể xảy ra ở mọi nơi và không có gì bất thường, cũng không liên quan tới nhau. Tuy nhiên, có thể là do động đất Sumatra ở Indonesia đã làm dịch chuyển các mảng lục địa nên làm cho ứng suất trong khu vực(sức căng của đất đá trong vỏ trái đất) không còn giữ được trạng thái ban đầu và có những thay đổi nhất định. Đây có thể là một yếu tố ảnh hưởng tới động đất ở các vùng lân cận..
Ở Việt Nam, động đất ở miền bắc nhiều hơn, mạnh hơn so với miền nam. Động đất mạnh nhất và thường xuyên nhất xảy ra ở Tây Bắc, tiếp đến là Đông Bắc và Bắc Trung Bộ. Trong năm 2002 đã xảy ra một trận động đất mạnh 3,9 độ Richter ở Vũng Tàu và gần đây có thông báo về một số hoạt động của núi lửa ở gần đảo Phú Quý, Hòn Tre. Còn các vùng khác ở miền Nam chưa ghi nhận được trận động đất nào từ năm 2002 tới nay.
- Như vậy có cách gì để dự báo trước nguy cơ động đất xảy ra ở Việt Nam hay không?
-Hiện nay vẫn chưa dự báo được động đất ở Việt Nam, ngay cả thế giới cũng đang nghiên cứu song chưa thành công. Thiết bị quan sát dự báo động đất ở nước ta chưa có gì ngoài hệ thống 24 trạm quan trắc động đất (đo địa chấn). Viện Vật lý địa cầu là đơn vị duy nhất ở Việt Nam nghiên cứu động đất. Tuy nhiên, với 30 nhân viên nghiên cứu địa chấn thì không thể giải quyết được những vấn đề nghiên cứu lớn về địa chấn. Ngoài việc đánh giá nguy hiểm động đất, Viện cũng không có phương tiện và nguồn lực để nghiên cứu các vấn đề liên quan chẳng hạn như nghiên cứu cấu trúc thạch quyển ở Việt Nam.
Viện Vật lý Địa cầu cũng đã đề nghị thành lập hệ thống quan sát, dự báo động đất cho khu vực Hà Nội và các công trình thủy điện lớn cách đây vài năm song chưa được phê duyệt. Kinh phí ước tính để xây dựng một hệ thống như vậy cho khu vực Hà Nội ở vào khoảng 5 tỷ đồng, chưa kể vài trăm triệu đồng mỗi năm để duy trì hoạt động của hệ thống. Nếu được xây dựng, hệ thống đó sẽ đo 11 tham số chẳng hạn như động đất, địa từ, biến dạng vỏ trái đất, trường điện từ, nước ngầm.... để đưa ra dự báo dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.
- Hệ thống quan sát dự báo động đất chỉ có khả năng giúp người dân sơ tán kịp thời. Ngoài việc trông chờ vào hệ thống này, nên làm gì để chống động đất?
- Chúng ta cần đánh giá mức độ nguy hiểm động đất của từng địa điểm xây dựng rồi áp dụng giải pháp xây dựng kháng chấn. Hiện Viện Khoa học công nghệ xây dựng đang phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thành tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng kháng chấn và sẽ công bố trong năm 2006. Quy chuẩn, tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên bản đồ phân vùng độ nguy hiểm động đất với tần xuất lặp lại 500 năm của Viện Vật lý Địa cầu. Hiện chúng tôi đang điều chỉnh lại bản đồ này cho phù hợp với yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng kháng chấn.
- Xin cảm ơn GS!Nguồn: nhandan.com.vn 4/8/2005