Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hải Phòng ngày 20-10-1946
Đoàn đại biểu Chính phủ và các đoàn thể xuống Hải Phòng đón Bác từ chiều ngày 19. Cùng đi với chúng tôi có viên đại diện của tướng Moóc-li-e, uỷ viên cộng hoà Pháp tại Bắc Đông Dương. Dọc đường 5, các thành phố thị trấn, làng mạc đâu đâu cũng đỏ rực màu cờ.
Các đồng chí ở Hải Phòng đã chuẩn bị đón Bác khá chu đáo. Trong chương trình nghi lễ có phần của bộ đội. Một đơn vị quân đội Pháp tham gia lễ đón tiếp dưới quyền chỉ huy của ta. Toàn bộ lực lượng vũ trang tại Hải Phòng được huy động để làm nhiệm vụ giữ trật tự và đề phòng mọi chuyện bất trắc.
Chiều 20 tháng 10 khi chúng tôi ra Bến, đồng bào Hải Phòng, Kiến An và các vùng quê chung quanh đã đứng kín hai bên dọc các phố Phạm Hồng Thái, Hồ Chí Minh, Trần Phú. Tự vệ và công an sắp thành hàng rào suốt dọc đường.
4 giờ chiều, tàu chạy vào Bến Ngự. Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới bên lá cờ ba sắc trên cột tàu cao chót vót. Con tàu rúc một hồi còi dài. Chưa bao giờ ở bến Cảng này lại có một hồi còi tàu làm rung động trái tim của hàng chục vạn con người như chiều hôm ấy.
Đống chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Chủ tịch thành phố, viên đại tá Đép-bờ chỉ huy quân đội Pháp ở Hải Phòng xuống tàu chào Bác và báo cáo về lễ đón tiếp. Hình dáng quen thuộc của Bác với bộ quần áo kaki bạc trắng hiện ra trên cầu tàu. Bác kia rồi! Tiếng hò reo, tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm!” lập tức rền vang.
Hồi còi Nhà hát lớn Hải Phòng dõng dạc cất lên, báo tin vui đi khắp thành phố giờ phút Bác rời cầu tàu, đặt chân lên đất Cảng. Sau những ngày dài trên biển, nước da Bác đỏ thắm. Bác có vẻ khoẻ. Bác tươi cười gật đầu chào đoàn đại biểu Chính phủ và các tỉnh đứng chờ Người.
Quốc thiều Việt Nam và quốc thiều Pháp nổi lên. Bác dự lễ chào cờ rồi duyệt đội danh dự. Các chiến sĩ của ta giản dị trong bộ quân phục xanh, đầu đội ca-lô, súng cắm lưỡi lê, cùng những sĩ quan mũ gắn sao vành vàng, tay cầm gươm tuốt trần đã có vinh dự được chuyển tới Bác lời chào mừng của đất nước hôm nay được gặp lại Người. Sau đó, Bác tới chỗ quân đội Pháp. Theo tiếng hô của một sĩ quan Việt Nam , đội danh dự Pháp mặc lễ phục trắng hạ ngang lá cờ ba sắc để chào Người.
Phần nghi lễ đã xong, Bác quay lại Bến Ngự để cảm ơn các đoàn đại biểu, nhận bó hoa của nhân dân Hải Phòng và ôm hôn hai em thiếu nhi chạy tới đón Bác.
Tiếng reo hò nổi lên như sấm rền trên suốt các đường phố xe Bác đi qua. Nhiều người trào nước mắt khi nhìn thấy Bác.
Bác về Uỷ ban hành chính thành phố. Sau bữa cơm chiều, Bác kể lại vắn tắt cho anh em chúng tôi nghe về cuộc hành trình. Thái độ của Bác bình dị, thanh thản như thường khi Bác ở nhà ngồi nói chuyện với chúng tôi sau mỗi bữa cơm. Bác hỏi thăm sức khoẻ của các anh và tình hình ở nhà. Vì Bác mới đi về nên chương trình tối đó là để Bác nghỉ ngơi, không có tiếp khách. Bác đang ngồi với chúng tôi trên gác thì một đồng chí cán bộ trong Uỷ ban lên báo cáo, có một cụ già hỏng mắt, nhất định xin được gặp Bác. Bác nói với đồng chí cán bộ mời ông cụ lên. Trời hôm đó không lạnh, nhưng ông cụ mặc một bộ quần áo dạ lạ mắt, giống như một bộ lễ phục nhà binh. Vừa nhìn thấy ông cụ. Bác vội đứng lên ra đón, dắt ông cụ lại ngồi xuống ghế. Cụ già ba mươi lăm năm trước đã có thời gian cùng làm việc với Bác dưới tàu biển. Hôm được tin Bác trở về, qua Hải Phòng, cụ mặc bộ quần áo hồi còn làm việc dưới tàu và bắt đứa cháu dẫn tới để gặp Người. Ông cụ vừa nói: “Thưa Hồ Chủ tịch...” thì Bác ngắt lời: “Cứ gọi tôi là Ba như trước”. Bác ngồi với ông cụ hồi lâu. Ông cụ cảm động quá hầu như không nói được gì.
5 giờ sáng hôm sau, Bác đi dạo một vòng quanh thành phố. Trở về, Bác tiếp khách. Khách tới rất đông. Đại biểu các đoàn thẻ, đảng phái từ Hà Nội xuống. Đại biểu các cơ quan, đoàn thể ở Hải Phòng, đại biểu của các tỉnh Kiến An, Hòn Gai, Quảng Yên, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh... Một cụ phụ lão tặng Bác một bức thêu trên có bốn chữ “Nhất ngôn hưng bang”. Một cụ khác tặng Bác cây gậy làm bằng trăm đốt xương của một con trăn.
10 giờ sáng, chuyến tàu đặc biệt đưa Bác về Hà Nội bắt đầu chuyển bánh...
Cứ gọi tôi là Ba như trước
Từ bến Ngự, đoàn xe hơi đưa Bác về nghỉ tạm và làm việc tại trụ sở Uỷ ban hành chính thành phố. (Trường Nữ học sinh, phố Ngõ Nghé, nay là trường PTCS Minh Khai).
Ngay tối hôm đó mặc dù trời không lạnh, có một ông già mặc bộ quần áo dạ lạ mắt, giống như bộ lễ phục nhà binh, đôi mắt loà, do một cháu nhỏ dắt, lập cập bước vào trường Nữ học sinh. Anh cảnh vệ vội vàng chạy lại đỡ cụ và hỏi:
- Cụ đến gặp ai ạ?
- Tôi là bạn của Bác Hồ năm xưa, nay tin Bác về, tôi muốn xin được gặp Bác. Chú giúp tôi chứ?
Anh cảnh vệ nghi ngại và thoái thác:
- Thưa cụ, Bác Hồ đi đường xa, thấm mệt vừa mới được nghỉ ít phút thôi.
- Các anh cứ vào nói với Bác Hồ rằng người bạn tàu ngày xưa xin gặp Bác, thế nào Bác cũng cho tôi gặp mà.
Ông cụ không chịu về, anh cảnh vệ đành mời ông vào phòng chờ và báo cáo với đồng chí trong Uỷ ban hành chính thành phố. Đồng chí này vào báo cáo với Bác Hồ. Nghe vậy, Bác dừng công việc, nói với đồng chí mời cụ lên. Vừa nhìn thấy ông cụ, Bác vội đứng lên ra đón, dắt cụ lại ngồi xuống ghế. Dường như ông già đã linh cảm được người dắt mình là ai. Ông nói, giọng run run:
- Thưa Hồ Chủ tịch...
Bác ngắt lời:
- Cứ gọi tôi là Ba như trước.
Bác giới thiệu với mọi người đây là cụ Thuyết, có thời gian cùng làm trên tàu từ ba mươi lăm năm trước khi Bác mới rời bến Cảng Nhà Rồng. Bác ngồi với ông cụ hồi lâu. Ông cụ cảm động quá hầu như không nói được gì. Thực ra ông cũng đang hồi tưởng lại thuở đầu gặp nhau. Anh Ba gầy gò, nước da trắng xanh, thư sinh, khó có thể làm được việc gì trên chiếc tàu vượt Đại Dương đầy bão tố. Nhưng khi nhìn vào đôi măt anh mới thấy được nghị lực của anh.
Ông được anh Ba dạy chữ, giảng giải nỗi khổ của người dân mất nước... Ngoài công việc phụ bếp nặng nhọc, anh Ba luôn giúp đỡ mọi người. Chiếc áo ông đang mặc chính là áo anh Ba cho khi còn ở Mác-xây. Sau này, biết anh Ba trở thành Nguyễn Ái Quốc, ông tin nước Việt Nam sẽ có cơ hội giành được độc lập. Ông giữ mãi vật kỷ niệm và hôm nay đã toại nguyện.
Khi về Thủ đô, Bác cho người đón cụ già Thuyết lên Hà Nội chữa mắt.
Nguồn: T/c Khoa học và Kinh tế Hải Phòng, số 63, 9/2006