Chữ nôm và chữ Iđu: Điểm gặp gỡ trên con đường sáng tạo chữ viết của hai dân tộc Việt - Hàn
Đặt vấn đề
Đối với sự phát triển của nhân loại nói chung và mỗi dân tộc nói riêng, sự xuất hiện của chữ viết bao giờ cũng là một sự kiện lịch sử - văn hoá rất đáng được ghi nhận, đặc biệt, nếu đó là một hệ thống chữ viết dùng để ghi lại tiếng nói dân tộc. Chữ viết, trong trường hợp này, không chỉ ghi nhận bước phát triển của dân tộc trên con đường tiến tới văn minh (1) mà còn là một bằng chứng ghi nhận sự trưởng thành của ý thức quốc gia, của tinh thần tự cường dân tộc. Nghiên cứu quá trình hình thành chữ viết của một dân tộc thời điểm xuất hiện cũng như những đặc điểm ngôn ngữ - văn hoá của nó giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn diễn biến của lịch sử dân tộc ấy.
Cùng là hai quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa và chữ Hán, Việt Nam và Korean được cho là có sự tương đồng đáng kể về nhiều mặt. Tìm hiểu những điểm tương đồng trong sáng tạo và sử dụng chữ viết của hai dân tộc, thiết nghĩ, là một việc rất đáng được thực hiện.
Trên bước đường sáng tạo chữ viết của hai dân tộc Việt và Hàn, chữ Nôm (Việt) và chữ Iđu (Hàn) được xem là hai hệ thống chữ viết có hoàn cảnh ra đời, có nguyên tắc sáng tạo và giá trị sử dụng tương đối gần gũi nhau. Những cứ liệu ngôn ngữ - lịch sử - văn hoá đã giúp đi đến khẳng định sự gần gũi đó.
Con đường sáng tạo chữ Nôm và chữ Iđu
Quá trình tìm kiếm phương tiện lưu trữ và vận chuyển lời nói của nhân loại kéo dài hàng chục vạn năm. Qua quá trình đó, hàng nghìn hệ thống chữ viết khác nhau đã ra đời, từ những hệ thống chữ viết cổ nhất như chữ viết Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại, được cho là ra đời vào khoảng 3200 – 3000 năm trước Công nguyên (theo Đặng Đức Siêu [11]) cho đến những hệ thống chữ viết ra đời gần đây nhất. Tuy nhiên, giới ngôn ngữ học thế giới thường cho rằng chỉ có 8 loại chữ viết cơ bản (theo Asher R. E [1]). Và sự sáng tạo chữ viết, nhìn chung thường đi theo hai con đường, chính sau đây:
a. Hoặc đó là con đường tự sáng chế riêng cho mình một lối viết độc lập, một lối viết hoàn toàn không có liên quan gì đến các truyền thống chữ viết khác.
b. Hoặc đó là con đường vay mượn, mô phỏng một nền văn tự nào đó rồi điều chỉnh lại ít nhiều, về mặt này hay mặt khác, để phù hợp với yêu cầu riêng(Theo Nguyễn Tài Cần [3]).
Trong hàng nghìn hệ thống chữ viết hiện có trên thế giới, chỉ có vài hệ thống được sáng tạo theo con đường thứ nhất (2), tuyệt đại bộ phận các hệ thống còn lại là đi theo con đường thứ hai (3). Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng hai hệ thống chữ viết đang xét trong bài viết này cũng được sáng tạo theo con đường thứ hai. Chúng đều là loại chữ viết khối vuông được xây dựng trên cơ sở vay mượn các yếu tố của chữ Hán, hoặc là mượn âm, hoặc là mượn nghĩa, hoặc là mượn cả âm và nghĩa, để ghi lại tiếng nói dân tộc.
Thời điểm ra đời của chữ Nôm và chữ Iđu
Chữ Nôm là một thành tựu văn hoá của người Việt, một hệ thống chữ viết khối vuông được xây dựng trên cơ sở sử dụng các kí hiệu chữ Hán, đọc theo cách đọc Hán Việt, để ghi lại tiếng nói của người Việt. Còn chữ Iđu là một thành tựu văn hoá của người Hàn, cũng là một hệ thống chữ viết khối vuông, được xây dựng trên cơ sở chữ Hán để ghi lại tiếng nói của người Hàn. Cùng với chữ Iđu, có một loại văn tự tiền Hangul khác mà một số nhà Hàn ngữ học cho là biến thể của Iđu nhưng có sự khác biệt đôi chút về phạm vi sử dụng là Hyangchal(đọc theo âm Hán Việt là Hương Chát). Sự phân biệt giữa Iđu và Hyangchanl là ở chỗ; Hyangchal chủ yếu để ghi lại thơ ca dân gian, còn Iđu thì vừa được dùng để ghi lại thơ ca dân gian, vừa được dùng để ghi chép hoặc chuyển dịch các văn bản nhà nước. Do phạm vi sử dụng đó, trong bài viết này, chúng tôi chỉ chủ trương đề cập đến chữ Iđu.
Về thời điểm ra đời của chữ Nôm, có nhiều luồng ý kiến rất khác nhau. Theo Phạm Huy Hồ, chữ Nôm có từ thời các vua Hùng dựng nước (4). Trương Vĩnh Kí, một tác giả cuối thế kỉ XIX, lại cho rằng chữ Nôm có từ trước thời Sĩ Nhiếp cai trị xứ Giao Chỉ (tức thế kỉ thứ III). Theo Đại Nam quốc ngữcủa Văn Đa cư sĩ (một tác giả sống ở thời Tự Đức (giữa thế kỉ XIX) thì chính Sĩ Nhiếp là người làm ra chữ Nôm để dịch sách kinh điển của người Hán nhằm truyền bá văn hoá Trung Hoa vào xứ Giao Chỉ. Nguyễn Văn Tố thì dựa vào hai chữ Nôm là bố (cha)và cái (mẹ)trong danh hiệu Bố cái Đại vươngcủa Phùng Hưng mà cho rằng chữ Nôm ra đời ở vào khoảng thế kỉ thứ VIII (Theo Nguyễn Văn Huyên [5]). Còn nhà sử học Trần Văn Giáp thì lại dựa vào tên nôm là Cồtrong Đại Cồ Việtmà Đinh Tiên Hoàng đặt cho đất nước mới giành độc lập để cho rằng chữ nôm xuất hiện vào thế kỉ X (Theo Nguyễn Tài Cẩn [3]). Một bằng chứng khác được Nguyễn Văn Huyên cho là “ xác đáng nhất” được lấy từ cuốn sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Cuốn sách kể lại rằng vào năm 1282, một con cá sấu lớn xuất hiện ở sông Hồng, người ta xua đuổi nó bằng việc ném xuống sông một lá bùa do Nguyễn Thuyên (tự là Hàn Thuyên) viết. Theo các Nho sĩ đương thời, lá bùa đó là một bài tế, gọi là Văn tế cá sấu, viết bằng chữ Nôm và được coi là tác phẩm văn học đầu tiên bằng tiếng Việt.
Nói chung, ý kiến về thời điểm ra đời của chữ Nôm rất phân tán, một ý kiến thì dựa vào sự xuất hiện lẻ tẻ của một vài chữ, còn lại đại bộ phận dựa vào nguồn sử liệu ít ỏi còn giữ lại được. Tuy nhiên, có một ý kiến đang chú ý là của Nguyễn Tài Cẩn. Ý kiến này vừa dựa vào những cứ liệu ngôn ngữ học, vừa dựa vào những cứ liệu lịch sử để khẳng định chữ Nôm là một thành tựu văn hoá của giai đoạn Lý - Trần (từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XV). Tác giả lập luận rằng:
- Trên đại thể, lối chữ Nôm hiện có là một lối chữ xây dựng trên cơ sở chữ Hán, đọc theo cách đọc Hán Việt.
- Cách đọc Hán Việt là cách đọc tiếng Hán bắt nguồn từ giai đoạn tiếng Hán cuối đời Đường.
- Vậy chữ Nôm không thể vươn lên trên cái thời điểm mốc ấy được, như một số người trước nay vẫn từng nghĩ [3].
Làm vững chắc thêm cho những lập luận trên là những cứ liệu lịch sử. Từ năm 939 trở về sau, nước Việt bước vào một kỉ nguyên độc lập. Trải qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê… nước Việt vẫn phải đối mặt với quân xâm lược Tống, Nguyên, Minh, Thanh… nhưng những đợt xâm lược này thường rất ngắn, không có khả năng lưu lại một dấu vết nào trong cách đọc chữ Hán ở Việt Nam. Vậy thì, cách đọc Hán Việt tồn tại khi đó và đến tận ngày nay chắc chắn phải là cách đọc chữ Hán đã được dạy một cách quy mô và có hệ thống từ cuối thời Bắc thuộc, vào khoảng cuối đời Đường. Ngoài những cứ liệu lịch sử nói trên, tác giả còn đưa ra hàng loạt những cứ liệu có giá trị về ngữ âm lịch sử để khẳng định thêm những lập luận của mình (5). Với những cơ sở ấy, chúng tôi muốn khẳng định quan điểm cho rằng chữ Nôm bắt đầu hình thành vào khoảng thế kỉ X là hoàn toàn có căn cứ.
So với chữ Nôm, ý kiến về thời điểm ra đời của chữ Iđu thống nhất hơn nhiều. Một số tác giả khẳng định việc truyền bá chữ Hán vào Korean diễn ra từ rất sớm (cùng thời với văn hoá đồ sắt ở đại lục) nhưng phải đến thời Tam Quốc (Silla, Paekche và Kokuryo) - tức là khoảng đầu Công nguyên đến thế kỉ thứ VII - mới được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, việc sử dụng chữ Hán gây nhiều khó khăn cho người học nên một số học giả người Hàn đã nghĩ ra một số cách cải biến chữ Hán cho phù hợp với yêu cầu sử dụng của người Hàn và chữ Iđu đã ra đời. Các tác giả cuốn A History of Korean literaturelà Peter H. Lee và Ho - Min Sohn thì cho rằng tầng lớp quý tộc thời Tam Quốc hầu như đã phải dành trọn đời mình để học chữ Hán và các tác phẩm kinh điển Trung Quốc bởi đó là mục tiêu quan trọng để tiến lên trên những nấc thang giáo dục. Tuy vậy, tầng lớp thường dân (chiếm tới 90% xã hội) thì không thể làm thế. Trong sự cố gắng tìm ra một cách giải thoát khỏi tình thế khó khăn đó (sử dụng tiếng Hán), các học giả thời bấy giờ đã phát minh ra một hệ thống chữ viết sử dụng các mẫu tự chữ Hán để ghi âm hoặc phiên chuyển các phụ tố, các từ và các câu tiếng Hàn. Hệ thống này được sử dụng rộng rãi trong suốt thời Tam Quốc [9]. Trong khi hai tài liệu nói trên chỉ đề cập một cách chung chung đến thời diểm ra đời của chữ Iđu thì Andrew C. Nahm, tác giả cuốn Lịch sử và văn hoá bán đảo Triều Tiên(6), Keith Pratt và Richard Rutt, tác giả cuốn Korea - A History and Culture dictionary[7] thì nêu rõ cả nơi ra đời của nó là Silla - một trong ba vương quốc thời Tam Quốc. Đặc biệt, tác giả cuốn The Korean Language Reform of 1446khẳng định văn bản chữ Iđu đầu tiên được tìm thấy viết năm 591, nghĩa là cuối thế kỉ thứ VI. Qua nghiên cứu các hệ thống chữ viết tiền Hangul một cách chi tiết, cũng như qua tìm hiểu quan điểm của giới Hàn ngữ học, ông khẳng định thời điểm ra đời của chữ Iđu là thời Tam Quốc (cụ thể là vào khoảng cuối thế kỉ thứ VI đầu thế kỉ thứ VII) và nơi xuất thân của nó là vương quốc Silla [4]. Hơn cả, sự khẳng định trên đây được chứng minh qua các nguồn sử liệu đáng tin cậy, đó là hai bộ cổ sử Samguk Sagi(Tam Quốc sử kí) - một cuốn sử Korea cổ nhất còn tồn tại (7) của Kim Pu - shik và Samguk Yasa (Tam Quốc di sử)(8) - của nhà sư Iryon. Hai bộ sách sử này đều ghi lại rằng sự ra đời của chữ Iđu là vào thời Tam Quốc, tại vương quốc Silla.
Một điểm nữa, vì đều được sáng tạo trên cơ sở chữ Hán, chữ Nôm và chữ Iđu đều là loại chữ khối vuông. Loại chữ khối vuông này có một điểm khác hẳn vưói loại chữ ghi âm tố. Nếu ở chữ ghi âm tố, chỉ cần tạo ra bộ chữ cái là tạo ra được toàn bộ hệ thống chữ viết. Và để xác định thời điểm ra đời của hệ thống chữ viết, người ta chỉ cần căn cứ vào thời điểm hoàn tất hệ thống chữ cái là đủ. Chẳng hạn, chữ Hangul (chữ viết Hàn hiện nay) được tạo ra vào năm 1443 và được công bố chính thức vào năm 1446, chữ Quốc ngữ ra đời vào khoảng thế kỉ XVI. Chữ khối vuông thì không thế, không thể khẳng định tuyệt đối về một thời điểm ra đời mà là một quá trình, dần dần từ đời này sang đời khác mà tạo thành. Chính vì vậy, cả các nhà Việt ngữ học và các nhà Hàn ngữ học đều không ai đưa ra một thời điểm cụ thể nào mà đều chỉ khẳng định về khoảng thời gian ra đời của cả hai loại chữ viết là trong vòng vài thế kỉ. Thực tế này hoàn toàn phù hợp với đặc trưng ngôn ngữ học của cả hai loại chữ viết.
Nhìn chung, xét về thời điểm ra đời, chữ Nôm ra đời sau chữ Iđu khoảng gần 3 thế kỉ. Tuy nhiên, con số đó không nói lên điều gì đáng kể. Điều đáng nói đến ở đâylà bối cảnh lịch sử cũng như bối cảnh ngôn ngữ của hai quốc gia lúc bấy giờ. Hai quốc gia cùng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của văn hoá Hán, vào thời điểm hai hệ thống chữ viết đang xét ra đời, chữ Hán đều là quốc gia văn tự của cả hai thì việc cả hai nước đều dựa vào hệ thống chữ viết Hán để tạo ra một hệ thống chữ viết của dân tộc mình, ghi lại tiếng nói của nhân dân mình là một sự kiện phù hợp với hoàn cảnh. Hơn nữa, Việt Nam cũng như Korea thời bấy giờ đều đang ở trong giai đoạn tự chủ, không chịu sức ép đồng hoá của người Hán nhưng sự vay mượn chữ Hán theo nhiều cách khác nhau cả ở tiếng Việt và tiếng Hàn đều được khẳng định là diễn ra mạnh mẽ nhất. Sự vay mượn này, một phần thể hiện qua sự sáng tạo chữ Nôm và chữ Iđu, là một sự vay mượn có hệ thống, có ý thức và do tầng lớp nhân sĩ trí thức gây dựng. Sự vay mượn này là nhu cầu nội tại của chính ngôn ngữ đi vay chứ hoàn toàn không phải là kết quả của một sự cưỡng ép hay đồng hoá.
Như vậy, xét về hoàn cảnh và thời điểm ra đời của hai hệ thống chữ viết dân tộc, Việt Namvà Korea có sự tương đồng đáng kể.
Những tiền đề đưa đến sự ra đời của chữ Nôm và chữ Iđu
Sự ra đời của chữ Nôm hay chữ Iđu không phải là sự kiện cá biệt, chỉ xảy ra riêng ở Việt Namhay riêng ở Korea . Nếu xem xét trong bối cảnh chung của toàn khu vực các quốc gia chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa và chữ Hán, đối chiếu với sự xuất hiện của chữ Katakana ở Nhật Bản thì thấy dường như đo là một tất yếu lịch sử. Để đi đến lẽ tất yếu này, cần có những tiền đề nhất định. Theo Andre Fabre, những tiền đề đó có thể là:
- Phải ó bước tiếp thu chữ Hán, sử dụng chữ Hán y như trong các văn bản cổ điển Hán.
- Rồi bước sử dụng chữ Hán để ghi tên đất, tên người, tên chức tước mà người Hán không có.
- Sử dụng chữ Hán để ghi chép, viết lách nhưng viết có chịu ảnh hưởng của tiếng dân tộc.
- Sử dụng chữ Hán để ghi chép và hình vị trong tiếng dân tộc.
- Trong bước chuẩn bị này, phải có cả bước hình thành một cách đọc chữ Hán riêng cho từng khu vực (cách đọc Hán Việt, Hán Triều, Hán Nhật…)(Theo Nguyễn Tài Cẩn [3]).
Qua khảo sát một số tài liệu nghiên cứu lịch sử tiếng Hàn và tiếng Việt, qua những tri thức mà chúng tôi được tiếp cận trong quá trình học tập và nghiên cứu, có thể nói rằng những tiền đề mà Andre Fabre đã nêu hoàn toàn có cơ sở và là hiện thực đối với sự xuất hiện chữ nôm và chữ Iđu tại Việt Nam và Korea. Trên thực tế, ở Việt Nam và Korea lúc bấy giờ, chữ Hán không chỉ là chữ viết chính thức của bộ máy cai trị mà còn có xu thế được nhiều người chấp nhận như một công cụ văn hoá cần thiết cho xã hội. Thậm chí, một số lượng rất đáng kể những từ vựng Hán đã đi vào đời sống ngôn ngữ của nhân dân và tồn tại trong lối diễn đạt có văn hoá của họ. Và, do việc cùng sử dụng chữ Hán làm xuất phát điểm, những tiền đề nói trên dường như là tất yếu. cứ liệu ngôn ngữ học để chứng minh cho nó, có lẽ, cần phải được nói đến trong một công trình nghiên cứu công phu và dày dặn. còn trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến như một bằng cớ khẳng định rằng có một sự gặp gỡ trên con đường sáng tạo chữ viết của hai dân tộc Việt - Hàn đã tồn tại từ trong quá khứ.
Vị trí và chức năng của chữ Nôm và chữ Iđu
Tại Việt Nam và Korea, hệ thống chữ viết đầu tiên được sử dụng đều là chữ Hán, và tiếp sau chữ Hán, trước khi có chữ Quốc ngữ (Việt Nam) và chữ Hangul (Korea) thì chữ Nôm và chữ Iđu là hai hệ thống chữ viết quá độ, đứng ở vị trí trung gian. Vị trí này có sự tương đồng giữa hai quốc gia không những ở hoàn cảnh ra đời, mà còn ở cả chức năng của chúng.
Người ta vẫn thường nói rằng chữ Nôm và chữ Iđu dùng để ghi lại tiếng nói dân tộc. Điều này không sai nhưng quá chung chung bởi đã không phản ánh được chức năng rất đặc thù của hai hệ thống chữ viết đang xét. Và, điểm nhấn chính là ở chỗ cho dù chức năng đó là chuyên biệt, là đặc thù nhưng lại trở thành điểm gặp gỡ đáng ngạc nhiên của hai hệ thống này. Chức năng đó là gì?
Mặc dù là quốc gia văn tự nhưng ở Việt Nam và Korea thời bấy giờ, nhiều khi chữ Hán đã không thể làm tròn nhiệm vụ của chữ viết. Rất nhiều tên người, tên đất, tên núi, tên sông, tên cỏ cây, hoa lá… trên đất Việt và đất Korea mà chữ Hán không thể ghi lại được. Chữ Hán, dù được đọc theo âm Hán Việt và âm Hán Hàn thì cũng không thể ghi hết tiếng Việt và tiếng Hàn. Chữ Nôm và chữ Iđu ra đời để bù đắp sự thiếu hụt về chức năng đó. Hơn nữa, cả hai hệ thống này đều được cho là loại văn tự dần dần tiếp cận với nguyên tắc ghi âm (có thể gọi là tiền ghi âm) bằng cách sử dụng những chữ Hán hoàn chỉnh hoặc các bộ phận của chữ Hán để ghi lại tiếng Việt hoặc tiếng Hàn theo nguyên tắc ghi âm tiết, trên cơ sở âm Hán Việt và âm Hán Hàn. Tất nhiên, có một bộ phận lớn vẫn được tạo bởi nguyên tắc ghi ý. Lợi thế của chữ Nôm và chữ Iđu, so với chữ Hán lúc bấy giờ là ở chỗ nó đã cố gắng phản ánh chân thực hình ảnh âm thanh của từ trong khả năng cho phép của những chữ khối vuông ghi âm tiết. Vì điều này mà một số nhà ngôn ngữ học cho rằng người Nhật đã học cách sáng tạo chữ Iđu của người Hàn để tạo ra chữ Katakana của người Nhật (theo Nguyễn Tài Cẩn [3]). Cũng chính đặc trưng này đã giúp chữ Nôm và chữ Iđu hoàn thành thêm một chức năng nữa là ghi chép lại nền văn học dân tộc, đặc biệt là thơ ca dân gian. Thật vậy, theo Peter H. Lee trong A History of Korean Literature,chữ Iđu được dùng để ghi lại những địa danh, nhân danh, những bài thơ ca bản địa truyền miệng từ đời này sang đời khác đã được chép lại. Một danh mục các bài ca của ba thế hệ gọi là Samdaemok,biên soạn năm 888, gồm khoảng gần 1500 bài ca cũng đã được ghi chép lại. Một số bài dân ca cũng được ghi lại bằng chữ Iđu trontg tác phẩm Samguk Yusacủa nhà sư Ilyon… (Theo Andrew C. Nam [2]). Ở Việt Nam , chữ Nôm, ngoài việc ghi chép lại vố số nuhững địa danh, nhân danh… cũng đã làm tròn chức năng lưu giữ nền văn học dân tộc lúc bấy giờ. Tuy chỉ phát triển một cách tự phát và không được giai cấp thống trị phong kiến coi trọng nhưng chữ nôm đã giúp ghi lại được những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, những ước mơ, hoài bão…. của người Viểt bằng ngôn ngữ của người Việt. Hàng loạt các tác phẩm văn học, đặc biệt là thơ ca viết bằng chữ Nôm đã ra đời. Nhờ nó, các tác phẩm nổi tiếng như Quốc âm thi tậpcủa Nguyễn Trãi, Thơ Nômcủa Hồ Xuân Hương, các truyện Nôm khuyết danh Phạm Tải Ngọc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa,rồi Truyện Kiềucủa Nguyễn Du, Cung oán ngâm khúccủa Đoàn Thị Điểm… được truyền lại cho tới ngày nay.
Ngoài chức năng nói trên, cả hai hệ thống chữ viết này cũng đều được dùng để chuyển dịch những văn bản hay những cuốn sách viết bằng chữ Hán làm cho dễ hiểu đối với người Việt và người Hàn, đặc biệt là những văn bản của nhà nước. Gari K. Ledyard trong The Korean Language Reform of 1446đã khẳng định rằng người ta tìm thấy chữ Iđu trong tất cả các loại tài liệu của nhà nước, trong các hồi kí cá nhân, các trao đổi thư từ cá nhân, các tác phẩm thơ ca và tiểu thuyết bản địa. Đặc biệt, chữ Iđu còn có một chức năng hữu hiệu trong giáo dục ở chỗ nó chính là phương tiện để người Hàn chuyển dịch nuhững tác phẩm kinh điển của Nho giáo, Phật giáo, của văn hoá Trung Hoa, làm cho nó trở nên dễ hiểu hơn đối với đông đảo người Hàn. Còn ở Việt Nam , chữ Nôm cũng được đặt vào một vị trí xứng đáng dưới hai triều đại nhà Hồ và Quang Trung, tuy rất ngắn ngủi. Dưới thời nhà Hồ, Hồ Quý Ly đã đề cao chữ Nôm và đưa vào sử dụng, tuy mới ở trong phạm vi hẹp. Còn ở thời Quang Trung, chữ Nôm đã có được một địa vị xứng đáng hơn, ít nhất là trong quan niệm và chủ trương của Nguyễn Huệ. Ông đã cho lập Sùng chính viện để dịch các sách kinh điển bằng chữ Hán ra chữ Nôm, đưa chữ Nôm vào trường thi, bản thân Quang Trung đã dùng chữ Nôm để soạn thảo toàn bộ các loại chiếu, thư phê chuẩn các loại tấu, sớ và các giấy tờ khác của triều đinh.
Điểm khác biệt giữa chữ Nôm và chữ Iđu
Điểm khác biệt căn bản giữa chữ Nôm và chữ Iđu là xu hướng phát triển của hai hệ thống văn tự này.
Như đã đề cập ở trên, hai hệ thống chữ viết này được coi là đã tiếp cận gần tới nguyên tắc ghi âm và chúng đều tiềm tàng một khả năng có thể đi xa hơn nữa trên bước đường sáng tạo chữ viết. Tuy vậy, mặc dù cùng chung một xuất phát điểm nhưng xu hướng phát triển của hai hệ thống chữ viết sau này đã rất khác nhau. Chữ Nôm ở Việt Nam đã mãi mãi giữ nguyên hiện trạng ban đầu như chữ Hán. Tất nhiên, một trong những nguyên nhân đưa đến tình trạng trên đây là do sự thiếu coi trọng của nhà nước phong kiến Việt Nam . Chữ Nôm chưa bao giờ được xem như một công cụ văn hoá của nhà nước, và vì vậy, nó cũng chưa bao giờ được hưởng một cố gắng điển chế hoá nào. Bên cạnh nguyên nhân lịch sử, có một nguyên nhân khác xét từ góc độ ngôn ngữ. Để lí giải nguyên nhân này, cần có một cái nhìn so sánh. Những sự kiện tiếp xúc ngôn ngữ trong khu vực đã ghi nhận rằng chữ Hán đã ảnh hưởng đến chữ viết Nhật Bản, Korea, đã làm xuất hiện chữ Nôm Choang, chữ Nôm Tày và ở Việt Nam là chữ Nôm Việt. Chữ Nôm Việt, cũng như chữ Nôm Tày, Nôm Choang đều tiếp thu chữ Hán để rồi sinh ra và phục vụ việc ghi lại những ngôn ngữ cùng một loại hình như tiếng Hán với đặc điểm đơn lập, âm tiết tính cao độ. Nó không thể thoát khỏi ảnh hưởng của tiếng Hán, lại càng không thể bứt phá, vượt qua tiếng Hán để phát triển theo một con đường riêng. Và kết quả là từ khi ra đời đến khi bị thay thế nó vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu với loại hình chữ khối vuông được cấu tạo theo kiểu chữ Hán, vừa ghi âm, vừa ghi ý và khá bất tiện cho người sử dụng.
Ngược lại, chữ Iđu ra đời để phục vụ việc ghi lại một ngôn ngữ có cấu trúc và đặc điểm loại hình khác rất xa tiếng Hán - một ngôn ngữ chắp dính, từ có biến đổi hình thái và cơ cấu ngữ pháp khác hẳn tiếng Hán. Vì thế, kế thừa chữ Hán, sử dụng chữ Hán để tạo ra chữ cho người Hàn chỉ là giải pháp ban đầu, nhưng khó khăn về sau là rất lớn. Đơn cử, việc chuyển dịch một văn bản chữ Hán bất kì ra chữ Iđu đã cho thấy khó khăn này. Người làm công việc chuyển dịch sẽ phải tổ chức lại, sắp xếp lại một cách không mấy dễ dàng văn bản bằng tiếng Hán sau đó sao cho phù hợp với ngữ pháp tiếng Hàn và thậm chí, khi cần thiết, phải chua thêm vào văn bản đó những yếu tố ngữ pháp tiếng Hàn thì mới có thể làm cho văn bản trở nên dễ hiểu, cho dù chất liệu từ vựng chủ yếu vẫn là từ tiếng Hán. Theo Nguyễn Tài Cẩn thì đây chính là một động lực khách quan khiến người Hàn phải cố gắng tạo ra một lối ghi chuẩn và thống nhất theo hướng ngữ âm học cho các yếu tố làm công cụ ngữ pháp trong câu. Họ đã tiến tới thoát hẳn khỏi mô hình chữ Hán để sáng tạo chữ Hangul (một loại chữ ghi âm tố) mà vẫn giữ nguyên loại chữ khối vuông để có sự tương hợp đáng kể với một số lượng lớn từ vựng gốc Hán đã mượn vào.
Như vậy, có thể nói, đặc điểm loại hình ngôn ngữ cũng có một ảnh hưởng nhất định đến quá trình sáng tạo chữ viết. Thực tế này hoàn toàn không cá biệt, chỉ có ở khu vực chịu ảnh hưởng của chữ Hán. Vượt qua gần nửa vòng trái đất sang bờ Địa Trung Hải, ta cũng có thể thấy hiện tượng cùng là những hậu duệ của chữ cổ Ai Cập nhưng chữ Hi Lạp và chữ Xemit có hai con đường phát triển rất khác nhau do chúng ra đời để phục vụ cho hai ngôn ngữ có đặc điểm loại hình rất khác nhau. Và những điều chúng tôi vừa phân tích về điểm kác biệt trong xu hướng phát triển của chữ Nôm và chữ Iđu chủ yếu là vì cơ sở ngôn ngữ học của chúng.
Kết luận
Nhìn lại sự gặp gỡ trong quá trình sáng tạo chữ viết của hai dân tộc Việt - Hàn với chữ Nôm và chữ Iđu, có thể thấy điểm khác biệt thì ít, điểm tương đồng là cơ bản. Cho dù cả hai hệ thống văn tự đều đứng ở vị trí trung gian giữa chữ Hán và chữ viết ngày nay nhưng trong hoàn cảnh lúc đó, khi chữ Hán đang là quốc gia văn tự thì việc sáng tạo hai hệ thống chữ viết này là một thành tựu văn hoá rất đáng trân trọng. Điểm tương đồng lớn hơn cả giữa chữ Nôm và chữ Iđu chính là ở những giá trị của chúng – đó là ghi lại được tiếng nói dân tộc, cũng là linh hồn dân tộc. Và lớn hơn nữa, đó là những bằng chứng ghi nhận sự trưởng thành của ý thức quốc gia, của tinh thần tự cường dân tộc mà không phải dân tộc nào cũng có.
Tài liệu tham khảo
1. Asher R. E. The Encyclopedia of Language and Linguistics, Pergamon Press, 1994.
2. Andrew C. Nam - Lịch sử và văn hoá bán đảo Triều Tiên, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2005.
3. Nguyễn Tài Cẩn - Một số vấn đề chữ Nôm, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2005.
4. Gari K. Ledyard - The Korean Language Reform of 1446, Universityof Canifornia BerkeleyPress 1996.
5. Nguyễn Văn Huyên - Văn minh Việt Nam, NXB Hội nhà văn, Hà Nội 2005.
6. Hwang Gwi Yeon & Trịnh Cẩm Lan - Tra cứu văn hoá Hàn quốc, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2003.
7. Keith Pratt & Richard Rutt, Korea - A Historical and Cultural Dictionary, curzon Press, 1999.
8. Trịnh Cẩm Lan - Chữ viết Hangul trong bức tranh chữ viết khu vực, tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, số 10/2006.
9. Peter H. Lee - A History of Koream Literture, Cambridge University Press, 2003.
10. Sampson Geoffrey - The Korean Language, Cambridge University Press, 1999.
11. Đặng Đức Siêu - Chữ viết trong các nền văn hoá, Nhà xuất bản Văn hoá, Hà Nội 1982.
12. Lê Quang Thiêm - Khái niệm văn hoá văn minh và văn hoá truyền thống Hàn, NXB Đại học quốc gia, Hà Nội, 2006.
Chú thích
(1) Ph. Ăngghen coi sự xuất hiện chữ viết là một trong 9 tiêu chí để xác định một xã hội chuyển từ nguyên thuỷ sang văn minh, cùng với:Sự phân công lao động xã hội, Sự phân biệt thành thị - nông thôn, Sự phân hoá lao động chân tay – lao động trí óc, Sự phát sinh hàng hoá và tiền tệ, Sự phân hoá người bóc lột - người bị bóc lột, Sự xuất hiện nhà nước, Sự biến đổi trong hình thái gia đình (dẫn theo Lê Quang Thiêm [12]).
(2) Chữ viết cổ Ai Cập ở lưu vực sông Nin, chữ viết Mai – a ở vùng Trung Mĩ và chữ Hán ở lưu vực sông Hoàng Hà.
(3) Chữ viết Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nhan, Anbani, Ba Lan, Tiệp Khắc … đều xuất thân từ chữ La Tinh; Chữ Nga, Bungari… xuất thân từ chữ Bidanti, mà chữ Bidanti cũng như chữ La tinh lại đều cùng xuất thân từ chữ Hi Lạp cổ, một hậu duệ của chữ cổ Ai Cập; Chữ Lào, Thái, Khme… đều xuất thân từ chữ Pali Sanskrit, mà chữ Pali Sanskrit, cũng như gần hai trăm loại chữ cổ kim thuộc nguồn gốc Ấn Độ thì lại đều là hậu duệ của chữ Brakhmi, một loại chữ du nhập từ bên ngoài vào Ấn Độ.
(4) Phạm Huy Hổ,Việt Nam ta biết chữ Hán từ khi nào? Nam phong tạp chí, T.5, tr 416 (dẫn theo Nguyễn Tài Cẩn [3]).
(5) Về điểm này, xin tham khảo thêm chi tiết quaCứ liệu ngữ âm lịch sử với sự hình thành của chữ Nôm của Nguyễn Tài Cẩn trong sáchMột số vấn đề về chữ Nôm [3] .
(6) Cuốn sách này được viết bằng tiếng Anh, do NXB Hollym xuất bản lần đầu tại Seoul năm 1997, được dịch ra tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam năm 2005.
(7)Samgụ Sagi là một cuốn sử kí ghi lại các sự kiện lịch sử thời Tam Quốc nhưng đuợc viết vào thế kỉ XI theo ý chỉ của Hoàng Đế Taejong (Vương triều Koryo). Cuốn sách được viết dựa trên những nguồn tư liệu gốc của Korea, có tham khảo cả những sử liệu Trung quốc cùng thời. Cuốn sách được viết dưới hình thức biên niên sử. (dẫn theo Hwang Gwi Yeon và Trịnh Cẩm Lan)[8].
(8) Samguk Yasa thực ra là một bộ sưu tập kho tàng tri thức Phật giáo, đặc biệt dưới thời Silla, nhưng nó thường được coi là một tài liệu lịch sử vì tầm quan trọng của nó đối với nguồn sử liệu Korea. Cuốn sách đề cập đến rất nhiều tài liệu gốc trong đó có Samguk Sagi.
Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, số 1 + 2 - 2008, tr 16