Chén, đĩa bằng lá cây ở Ấn Độ
Ngay cả trên sách báo, bản đồ... người ta thường gọi Ấn Độ là “tiểu lục địa” bởi độ lớn cả về diện tích và dân số. Trên đất nước mênh mông có diện tích tới 3.287.263 km2 (xấp xỉ gấp 10 lần nước ta), dân số đã vượt qua mức 1 tỉ người, chỉ chịu đứng sau Trung Quốc mà thôi.
Nêu những con số khổng lồ như vậy để thấy rằng vấn đề bảo vệ môi trường ở đất nước này không hề đơn giản chút nào. Vậy mà Ấn Độ lại là một quốc gia đã từng được UNESCO tặng huy chương Vàng về thành tích bảo vệ môi trường sinh thái, được nhiều quốc gia cử đoàn đến nghiên cứu, học tập về vấn đề này.
Tại các cửa hàng lớn, siêu thị... ở Ấn Độ, người ta dùng rất nhiều túi giấy (túi làm bằng giấy). Một sản phẩm mà chúng tôi rất chú ý - và cũng rất phổ biến ở Ấn Độ - là những chiếc đĩa, chén (miền Bắc mình gọi là bát) làm bằng lá cây. Những quán ăn dọc đường, những xe đẩy bán thức ăn sẵn... đều sử dụng loại sản phẩm này.
Tất nhiên trong các nhà hàng khách sạn lớn người ta vẫn dùng đĩa, chén bằng sứ. Nhưng thử làm một con tính đơn giản: với 1 tỉ dân, nếu hoàn toàn dùng túi nhựa - ta thường gọi là “túi nilông” - thì lượng thải ra sẽ là bao nhiêu?
Chính phủ Ấn Độ và cả chính quyền các bang rất chú trọng vấn đề môi trường nên khuyến khích người dân dùng những đĩa, chén bằng lá cây. Chúng tôi đã đi ngang dọc khá nhiều bang của Ấn Độ, từ Jammu-Kashmir ở cực Bắc tới Tamil Nadu ở cực Nam, đều thấy người ta sử dụng loại sản phẩm này.
Đó là những chiếc lá cây không lớn lắm, tựa như lá cây bàng, cây đa ở ta, xếp độ hai lớp và được đưa vào khuôn ép giống như khuôn ép nhựa thủ công bên ta. Khi ra khỏi khuôn ép, lá đã khô cứng và được coi như vô trùng. Người ta xếp bát thành từng tá hoặc từng trăm, bỏ vào một túi lớn hoặc buộc bằng sợi dây nhỏ, cung cấp cho các hàng ăn.
Ai cũng biết người dân Ấn Độ thường ăn món càri, và khi trộn vào cơm nó hơi khô. Thêm vào đó, hầu như người Ấn Độ nào cũng ăn bốc, chụm năm đầu ngón tay lại - của bàn tay phải và chỉ có tay phải mà thôi - để bốc. Đương nhiên trong các khách sạn hoặc chiêu đãi ngoại giao, người ta vẫn để đĩa, thìa, thậm chí cả đũa cho thực khách.
Tại sao chỉ dùng tay phải để ăn lại là một chuyện dài và xin khất vào dịp khác để kể, kẻo... lạc đề! Ăn xong, người ta quẳng cái đĩa hoặc chén đó vào một cái túi và cuối buổi người bán hàng ném vô thùng rác. Loại chén đĩa này có giá thành cực rẻ, vì nguyên liệu dồi dào, lá xanh lá vàng đều được cả. Công sản xuất cũng đơn giản bởi có thể dùng điện, dùng lò hơi hoặc thậm chí dùng than - như những bàn ủi thời xưa dùng than - để sản xuất. Khuôn cũng chẳng có gì là phức tạp vì có thể làm bằng gang, sắt.
Tuy nhiên lợi ích thì tới dăm bảy đường: tận dụng các loại lá cây, hợp vệ sinh và đặc biệt là không làm ô nhiễm môi trường như các loại túi nhựa. Chỉ cần chôn xuống đất khoảng một hai tuần lễ, tât cả mục nát hết và trở thành một loại mùn có ích cho đất canh tác.
Cũng xin đừng nghĩ rằng loại chén đĩa đó không chắc chắn. Với tính tò mò cố hữu, chúng tôi đã đổ đầy nước vào chén và để thử một ngày... nhưng không hề hấn gì vì nước không làm hư bát, không chảy hoặc ngấm ra ngoài.
Cứ tạm coi một nửa dân Ấn Độ có mức sống trung bình và nghèo, sử dụng chén đĩa làm bằng lá cây, thì cũng là... 500 triệu người. Khối lượng đó sẽ đem lại bao nhiêu lợi ích cho môi trường sinh thái, cho cuộc sống hằng ngày của người dân?
Tôi không có ý định nêu một “ý tưởng kinh doanh” hoặc một sự “khởi nghiệp” về công nghệ làm chén đĩa bằng lá cây, mà chỉ xin kể một dẫn chứng, một việc làm bảo vệ môi trường sinh thái của các bạn Ấn Độ. Nhưng biết đâu đấy, từ chuyện lai rai này có thể gợi một ý gì đó với bạn đọc hoặc với các nhà môi trường học của ta thì sẽ tốt biết bao!
Nguồn: tuoitre.com.vn 1/10/2005