Chạy thận nhân tạo và ghép thận
Trong một số trường hợp bệnh lý như nhiễm độc cấp tính, bị ong đốt, thể tích máu giảm, tiêu chảy mất nước nặng,… lượng máu đến thận sẽ giảm, suy thận cấp sẽ xảy ra. Lúc này cần phải chạy thận nhân tạo thay thế trong vài tuần cho đến khi chức năng thận được phục hồi. Còn đối với những bệnh nhân suy thận mãn tính hoặc đã bị cắt mất cả hai thận thì việc chạy thận nhân tạo phải thực hiện thường xuyên và định kỳ để kéo dài cuộc sống.
Nguyên tắc của việc chạy thận nhân tạo dựa trên cơ chế trao đổi chất do nồng độ chênh lệch của các chất trong máu và trong dung dịch thẩm tích. Dòng máu từ động mạch người bệnh chảy vào hệ thống ống dẫn (hệ thống này ngâm trong dung dịch thẩm tích) khi chảy ra thì máu đã được lọc xong, trở vào tĩnh mạch người bệnh. Hệ thống ống lọc được làm bằng cellophan, thành ống có nhiều lỗ cực nhỏ để cho các chất trong huyết tương và trong dịch thẩm tích qua lại dễ dàng trừ protein.
Nồng độ các chất trong dịch thẩm tích tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh: chất nào mà nồng độ cao trong máu cần giảm bớt thì sẽ có nồng độ thấp (kể cả không có) trong dịch thẩm tích, thí dụ các chất urée, creatinin, phosphat… là những chất độc, bình thường nồng độ trong máu không được vượt quá ngưỡng hằng định, nhưng do suy chức năng nên thận không lọc được; sau khi thẩm tích xong, nồng độ các chất này trong máu sẽ giảm xuống để trở lại bình thường. Ngược lại, chất nào cần bổ sung cho máu thì có nồng độ cao trong dung dịch thẩm tích. Chạy thận nhân tạo có thể rút các chất độc ra khỏi cơ thể và bổ sung các chất cần thiết với hiệu suất cao gấp 2-3 lần so với hoạt động của thận bình thường. Để ngừa sự đông máu trong hệ thống thận nhân tạo, người ta cho vào máu một lượng nhỏ Heparin. Mỗi đợt chạy thận nhân tạo mất khoảng 4-6 giờ và phải chạy 3 lần một tuần, vì thế ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân.