Cây Sơn
Nhựa mủ cây Sơn làm rộp da, gây dị ứng với một số người. Những người dễ bị dị ứng với sơn thường chỉ cần chặt cây Sơn, thậm chí đi gần cây Sơn, hoặc làm việc ở nơi có sử dụng sơn cũng bị dị ứng.
Chỗ da bị dị ứng sẽ mẩn đỏ, sưng nề và ngứa; khi gãi dẫn đến lở loét, gọi là lở sơn. Chỗ bị gãi sẽ chảy nước vàng. Dị ứng có thể lan khắp người, kèm theo sốt. Nếu ăn phải sơn sẽ gây kích thích mạnh, nôn mửa, co đồng tử và co giật.
Cây Sơn (Toxicoden-dron succedanea (L.) Mold., thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae), là cây gỗ nhỏ, có thể cao đến 10m. Lá kép một lần hình lông chim lẻ, có 7-13 lá chét. Các lá thường xếp tập trung ở đầu cành. Lá chét mỏng, nhẵn, hình mác, hai đầu nhọn, dài 5-10cm, rộng 1,5-3,5cm. Gốc lá không đều nhau. Hoa nhỏ, tạp tính, mẫu 5, tụ họp thành cụm hoa hình chuỳ ở các nách lá đầu cành. Quả hạch, hình trứng, hơi dẹt và méo, dài 6-8mm. Vỏ quả mỏng, nhẵn. Hạt cứng. Tòan cây có nhựa mủ màu trắng ngà, để lâu sẽ đen dần. Cây ra hoa tháng 7, quả chín vào tháng 11.
Cây mọc hoang trong rừng thứ sinh ở Việt Nam (từ Hòa Bình, Quảng Ninh đến Lâm Đồng) và cũng được trồng (ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hòa Bình). Ngoài ra, cây này còn có ở Ấn Độ, Malaysia , Trung Quốc, Nhật Bản…
Toàn cây Sơn có nhựa mủ. Nhựa này chứa axit palmitic, acid oleic, glycerid, rhoifolin, firetin, fustin; trong nhựa của Sơn có chất laccol tương đồng với urushiol. Lá chứa khoảng 20% tanin và một glycosid apigenin. Quả chứa khoảng 17% chất sáp, trong đó có các axit béo như palmitic 77%, stearic và arachidic 5%, dibasic 6%, oleic 12% và vết axit linoleic. Dầu hạt chứa 25% glycerides của axit palmitic, 47% oleic và 28% linoleic.
Khi mới bị lở sơn thì dùng dung dịch xà phòng hoặc dung dịch natri bicarbonat (NaHCO 3) loãng để rửa. Đồng thời cho uống pethidin hydroclorid và các thuốc như analergin, dimedrol, calci clorua, vitamin C… theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc.
Theo kinh nghiệm dân gian, người ta lấy lá Khế tươi, hay quả Khế nhỏ giã nhỏ, bọc vải sạch, thấm nhẹ vào chỗ ngứa, hoặc hòa với nước vôi trong với dầu lạc (hai phần bằng nhau) để bôi. Nếu bị loét thì lấy là Bàng, la Chè tươi, lá Chuối non giã nhỏ, vắt lấy nước để bôi. Có nơi còn dùng vỏ cây Núc nác (tươi) giã nát, thêm rượu theo tỷ lệ 1:3, ngâm 2 - 3 giờ rồi lấy rượu này bôi vào chỗ lở sơn. Ngày bôi 3 - 4 lần, vài ngày là khỏi. Có thể kết hợp vỏ Núc nác với lá Khế. Kết hợp cho uống nước sắc Râu ngô và cao tiêu độc.
Nếu chỗ loét bị nhiễm khuẩn thì dùng thêm kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Cây Sơn còn được dùng làm thuốc. Theo Đông y, Sơn khô có vị cay, hơi mặn, tính ấm; vào 3 kinh tâm, can, đại tràng; có tác dụng làm tan máu ứ, tiêu tích báng, thông kinh nguyệt, trừ giun đũa. Ở Trung Quốc được dùng trị hen khan (háo suyễn), cảm, viêm gan mạn tính, đau dạ dày, chấn thương. Dùng ngòai trị gãy xương, các vết thương chảy máu. Ở Ấn Độ, người ta dùng quả trị lao phổi.
Ta thường lấy Sơn khô (Can tất) làm thuốc: chữa phụ nữ kinh bế, đau bụng, có báng máu đau nhức và trị đau bụng giun. Ít khi dùng Sơn tươi vì gây tổn thương tràng vị. Liều dùng 1-4g, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như trong các bài thuốc sau:
- Chữa phụ nữ kinh bế, đau bụng:Sơn khô đốt ra tro, tán nhot, uống mỗi lần 8g với rượu ( Nam duợc thần hiệu).
- Chữa kinh bế, có bàng máu đau nhức, đau cả tâm vị hoặc các loại tích tụ u hòn:Sơn khô, Nghệ vàng, Nghệ đen, Hương phụ (chế với giấm) liều lượng bằng nhau, tán nhỏ làm viên hòan bằng hạt đậu, uống mỗi lần 50 viên với rượu (Nam duợc thần hiệu).
- Chữa bụng đau nhói lên tim, do giun sán quấy, miệng chảy nước dãi trong:Sơn khô đốt cháy, tán nhỏ làm viên bằng hạt đậu xanh, uống mỗi lần 10 viên, ngày uống 3 lần ( Nam duợc thần hiệu).