Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 04/04/2008 01:25 (GMT+7)

Cấy mầm sinh trong đỉnh lũ

7 năm chuẩn bị

Ca TTTON được thực hiện lần đầu tiên ở nước ta vào năm 1997. Kể từ khi đó, các chuyên gia thực hiện TTTON đã chuyển giao kỹ thuật cho 9 trung tâm của cả nước. Đến Huế, là trung tâm thứ 10.

Đầu năm 2007, đơn vị thụ tinh trong ống nghiệm thuộc Khoa sản của Bệnh viện Tw Huế chính thức được thành lập. PGS. TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc bệnh viện đã "ưu ái" dành cho đơn vị cả dãy nhà tầng 6 của Trung tâm tim mạch hiện đại nhất của bệnh viện làm nơi "trú quân".

Để chuẩn bị cho thực hiện ca TTTON vào tháng 11/2007, từ năm 2000, Bệnh viện TW Huế đã cử bác sĩ đến TP. Hồ Chí Minh để học về TTTON. Trước đó, ngoài việc vào TP. Hồ Chí Minh "tầm sư học đạo", Bệnh viện TW Huế còn cử bác sĩ, cử nhân kỹ thuật y học, nữ hộ sinh đi học ở nước ngoài để chủ động nắm bắt các kỹ thuật mới nhất. Nhưng mãi đến năm 2007 mới đủ cả cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai TTTON. Đơn vị thụ tinh trong ống nghiệm - nằm ở tầng 6 Trung tâm tim mạch, có sự tài trợ của tổ chức Đông Tây hội ngộ, về nhân lực và công nghệ được sự hỗ trợ của Hội nội tiết và vô sinh TP. HCM (HOSREM). Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký HOSREM cho biết: "Ngay từ đầu năm 2007, hội đã tạo điều kiện để đơn vị ra đời; tuy nhiên cũng phải mất 5 tháng để chỉnh sửa cho phù hợp quy trình TTTON và mua một số trang thiết bị, tuy nhỏ nhưng nếu thiếu thì không thể thực hiện được như kính hiển quay cần...".

Ước mơ thực hiện được kỹ thuật cao nhất trong chuyên ngành sản phụ khoa điều trị hiếm muộn không chỉ có ở lãnh đạo Bệnh viện TW Huế mà còn ở cả những người dân không may hiếm muộn. Điều này đã thôi thúc các bác sĩ Bệnh viện TW Huế phải làm bằng được kỹ thuật cao này. Dù đã chuẩn bị hết các phương án, kể cả những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, nhưng các bác sĩ từ TP. Hồ Chí Minh vẫn không thể lường hết được thời tiết.

Người tính không bằng… trời tính!

Giữa tháng 11/2007, khi nhóm chuyển giao công nghệ của HOSREM chuẩn bị "bay" ra Huế, thì nhận được điện thoại từ Bệnh viện TW Huế báo: "Ngoài ni lũ lớn lắm, không thể mua được lương thực thực phẩm, vì vậy, các bạn hãy mang theo... một thùng áo mưa, bánh mì, đồ ăn liền các loại". Ngay từ phút đầu xuống sân bay, nhóm chuyển giao công nghệ đã phải đương đầu hàng loạt khó khăn do lũ gây ra: nước ngập khắp nơi, có nơi đến cổ. Các bác sĩ phải chuyển chỗ ở đến gần bệnh viện để dễ đi lại khi nước dâng. BS. Đặng Quang Vinh phải đề nghị những người sức khỏe yếu dễ bị lũ cuốn cần đi kèm với người khỏe và bơi giỏi để có gì còn "trụ" được. Theo những người dân địa phương thì đây là trận lũ lớn nhất trong những năm qua. Vượt cả đỉnh lũ lịch sử năm 1999.

Đến ngày chọc hút trứng, có bệnh nhân "báo cáo" với bác sĩ: "Em đi từ sáng, vừa lội nước vừa chèo ghe, chiều mới đến được bệnh viện". Tuy nhiên, các ca chọc hút trứng thực hiện đạt kết quả tốt. Tinh trùng được các bác sĩ "đưa" vào trứng, sau đó đặt vào tủ cấy. Ngay đêm đó, nhóm chuyển giao công nghệ nhận được điện thoại của bác sĩ trực: "Các thông số trên màn hình tủ cấy tắt ngúm". Thông thường tủ cấy phải xuất hiện 6 độ CO2, 37 độ C. Các bác sĩ lại chèo thuyền vào bệnh viện kiểm tra. Hú hồn, do màn hình bị hư, còn tủ cấy hoạt động bình thường. Ngày 14/11, đang chọc hút ca thứ hai thì bị gãy con ốc cố định cần mang kim - đây là cần gắn vào đầu dò giúp vào được nang buồng trứng, hệ thống máy siêu âm nào đi với cần đó. Gãy cần đồng nghĩa dừng mọi công việc, hoặc phải làm lại từ đầu, người chịu thiệt là bệnh nhân, mất hàng chục triệu đồng tiền thuốc. "Cái khó ló cái khôn", ngay lúc ấy, BS. Ngọc Lan phát hiện có một sợi dây vô trùng có thể buộc được. Nhờ vậy, quy trình chuyển phôi đã diễn ra êm ả.

Thành công bước đầu

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhóm chuyên gia chuyển giao kỹ thuật đơn vị thụ tinh trong ống nghiệm - Khoa Sản - Bệnh viện TW Huế cũng đã áp dụng thành công phương pháp trữ lạnh phôi thủy tinh hóa. 50% bệnh nhân sau khi chuyển phôi tươi có số phôi dư được trữ lạnh để sử dụng cho các lần điều trị sau. Việc áp dụng thành công kỹ thuật trữ lạnh phôi giúp làm tăng tỷ lệ có thai và giảm chi phí điều trị. Hơn nữa, đơn vị cũng được BS. Nguyễn Thành Như, Trưởng khoa Nam khoa, Bệnh viện Bình Dân hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật mổ sinh thiết tinh hoàn tiêm tinh trùng để làm TTTON. Đây là kỹ thuật rất khó và mới cũng được các bác sĩ Bệnh viện TW Huế làm chủ.

Đến nay, đơn vị thụ tinh trong ống nghiệm đã thực hiện tổng cộng 34 ca, 5 trường hợp đã được trữ phôi toàn bộ do nội mạc tử cung chưa thuận lợi. Đầu tháng 12/2007, các bác sĩ đã thử thai 29 ca, có 14 ca có thai, tỷ lệ "đậu" đạt 48,3%; 8 trường hợp có thai lâm sàng đã đến tháng siêu âm: 3 trường hợp song thai, 5 trường hợp một thai. Niềm hạnh phúc hiện lên trên từng khuôn mặt những người hiếm muộn. Nhiều bệnh nhân đã tâm sự, nếu như không có trung tâm ngay tại Huế thì khó mà tìm vào TP. Hồ Chí Minh hoặc ra Hà Nội để điều trị, vì chi phí đi lại, ăn ở vượt quá khả năng cho phép. Một bệnh nhân sau khi mang thai đã nói với BS. Ngọc Lan: "Nếu không có sự hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và Huế thì cả đời tôi không hy vọng có con". Một bệnh nhân khác có hoàn cảnh nghiệt ngã: cả gia đình chị để dành được 30 triệu để chị đi làm TTTON với một điều kiện: "nếu không có con sẽ li dị". Về phía bệnh viện, các bác sĩ tại Trung tâm TTTON Huế lo lắng mất ăn mất ngủ thời gian đầu, vì nếu nhỡ không có ca nào thụ thai thì trung tâm sẽ ra sao, tinh thần của y bác sĩ sẽ xuống dốc... Nắm chặt tay tôi, BS. Lê Việt Hùng, Bệnh viện TW Huế đã có thể hoan hỉ: "Trung tâm TTTON tại Huế là một trong những đơn vị có tỷ lệ thành công cao".

Thành công nào cũng phải trải qua vất vả và nhọc nhằn. 10 năm Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật TTTON là 10 năm có nhiều kỷ niệm và dấu ấn. Nhưng có nhiều kỷ niệm và dấu ấn nhất, có lẽ là tại Huế. Các bác sĩ đã phải trải qua những đêm chèo thuyền giữa phố khi không một bóng đèn, hay những ngày ăn mì tôm "không người lái" với vô vàn những chuyện cười giữa các ca xét nghiệm để đợi kết quả. Và hơn hết là nụ cười của những người được làm cha, làm mẹ giữa những ngày nước ngập tràn thành phố. 

Nguồn: suckhoedoisong.vn (16/01/08)

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.