Cây Bồn bồn
Là một loại cỏ mọc hoang dại trong đầm lầy, trong ruộng nước, có hình dáng cây Cói (Lác). Có thể gọi là vấn nạn của người trồng cây lúa.
Từ bông (có dạng cây nến) rụng hạt, mọc rải rác trong ruộng lúa. Ruộng đã dọn sạch cỏ, cày bừa kỹ rồi sạ lúa. Cây lúa lên cao thì cây Cỏ nến cũng lên theo, tranh phần phân bón của lúa, người dân phải nhổ từng cây. Người dân có dùng phần non của cây này để làm rau ăn sống (gỏi Bồn bồn) hoặc xào, hoặc làm rau chua để ăn. Lưu ý vì cây sống dưới nước nên đọt non Bồn bồn có thể chứa một số ấu trùng sán lãi.
Dựa vào tính chất phát triển mãnh liệt của cây này, nhiều nơi đã trồng thành những mảnh ruộng Bồn bồn để lấy phần non đem bán ở chợ được những thu nhập không nhỏ.
Đặc điểm dễ nhận ra cây này là bông hình trụ, có dạng cây nến màu vàng.
Bông có 2 phần, phần hoa đực ở đoạn trên phần hoa cái ở đoạn dưới.
Lấy để làm thuốc thì hái nguyên bông, phơi khô, bóp nhẹ cũng rụng hết hoa, trong đó phấn hoa là thành phần có tác dụng điều trị một số bệnh có liên quan đến huyết. Vị thuốc này có tên là Bồ hoàng.
Nếu Bồ hoàng chỉ đem phơi khô để dùng thì có tên là Sinh bồ hoàng, có tác dụng hoạt huyết, khu ứ, co cơ tử cung.
Nếu Bồ hoàng phơi khô rồi sao vàng thì có tên là Sao bồ hoàng, có tác dụng cầm máu (chỉ huyết) mạch hơn Sinh bồ hoàng.
Sinh bồ hoàng cũng có tác dụng cầm máu. Với các tác dụng như vậy, trong trường hợp xuất huyết có cả ứ huyết thì dùng đồng thời Sinh bồ hoàng và Sao bồ hoàng.
Bồ hoàng được dùng từ lâu đời trong các chứng chảy máu cam, nôn ra máu, tiểu tiện ra máu, đại tiện ra máu, khạc ra máu, xuất huyết của sản phụ...
Có những điều giới thiệu để bạn đọc sử dụng hợp lý và an toàn.
Trong chứng xuất huyết
Nôn ra máu có thể có kèm tiêu ra máu nhiều, uống Bồ hoàng tất nhiên có tác dụng cầm máu, nhưng điều quan trọng là cần biết đây là bệnh gì. Nếu do vỡ một mạch máu nhỏ chỗ ổ loét dạ dày, máu ri rỉ chảy ra, chứa trong dạ dày. Khi có lượng nhiều thì mới nôn ra máu và đi tiêu ra máu tươi. Uống Bồ hoàng có thể hàn gắn mạch máu nhỏ bị vỡ rồi khỏi luôn. Nếu là trường hợp vỡ mạch máu lớn hơn, uống Bồ hoàng có thể cầm máu tạm thời nhưng sau đó 1 - 2 giờ lại nôn ra máu lượng nhiều như trước.
Sức người có hạn, chỉ vài lần nôn ra máu lượng nhiều có thể bị truỵ tim mạch.
Trường hợp đái ra máu có thể do sỏi thận, lao thận, ung thư thận. Uống Bồ hoàng có thể không thấy máu trong nước tiểu 1 - 2 ngày, nhưng nguyên nhân gây ra máu vẫn còn nguyên.
Chúng ta nên tận dụng tác dụng cầm máu của Bồ hoàng nhưng luôn luôn phải xem đây chỉ là điều trị triệu chứng, không nên xem là tác dụng trị bệnh.
Phải nhanh chóng tìm và điều trị nguyên nhân gây ra xuất huyết.
Tác dụng hoạt huyết của Sinh bồ hoàng
Nhiều nơi đã tận dụng tác dụng này và linh hoạt bổ sung Sinh bồ hoàng trong nhiều đơn thuốc, nâng cao tác dụng điều trị.
Dựa vào lý luận: Thống tắc bất thông, thông tắc bất thống, có nghĩa: đau là do không thông, thông thì không đau, nhiều cơ sở đã áp dụng”
- Viêm thận mãn tính: bổ sung Sinh bồ hoàng để tăng lượng máu lưu thông ở thận;
- Lưu thông máu không tốt, dùng Sinh và Sao bồ hoàng với tác dụng hoạt huyết.
- Trật đả tổn thương dùng cả Sinh và Sao bồ hoàng để giảm xuất huyết ra ngoài mạch máu và tăng lưu thông máu trong mạch máu để giảm sưng, giảm đau.
Liều dùng 4 – 20g mỗi ngày với dạng uống bột thô, hoặc nấu, hoặc nấu chung trong đơn thuốc khác, hoặc pha nước sôi gạn lấy nước uống như cổ phương: Thất tiếu tán: Sinh bồ hoàng 4g, Sao bồ hoàng 4g, Sao ngũ linh chi 8g.
Đang có thai không dùng Sinh bồ hoàng vì có tác dụng co cơ tử cung. Có thể dùng Sao bồ hoàng với tác dụng cầm máu.
Ở nước ta, nguồn dược liệu này, nếu không gọi là vô tận thì có thể gọi là quá nhiều, quá rẻ, rất dễ chế biến, bảo quản. Người trồng lúa thì tận diệt nhưng không sao diệt hết. Vậy khuyên người trồng Bồn bồn làm rau bán nên tận dụng Bồ hoàng để làm thuốc.
Nguồn: Thuốc & Sức khoẻ, số 330, 15 - 4 - 2008, tr 19