Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 09/09/2008 16:27 (GMT+7)

Cặp sách cứu sinh, sản phẩm độc đáo của cậu học sinh lớp 9

Năm học mới bắt đầu, chiếc cặp sách cứu sinh của Lê Trọng Hiếu cũng bắt đầu được đưa vào sử dụng. Đề tài dự thi bắt đúng nhu cầu sử dụng, nên chiếc cặp nhanh chóng được hoàn thiện để sản xuất hàng loạt.

Ý tưởng từ một thảm họa...

Quê của Hiếu ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam , hàng chục năm nay chưa hề có lũ. Chưa một lần tận mắt chứng kiến sức tàn phá của nước lũ, chưa một lần trải nghiệm những tang thương mất mát mà hàng ngàn trẻ em vùng lũ phải chịu đựng, nhưng hình ảnh những người bạn cùng trang lứa bị nước lũ cuốn trôi trên đường đi học trong trận lũ lịch sử năm 2006 làm cậu bé 13 tuổi day dứt.

Hiếu cứ tự hỏi: “Nhà mình làm được áo phao, tại sao lại không thể sản xuất loại cặp phao để giúp đỡ các bạn khi gặp những tình huống nguy hiểm?”. Nghĩ là làm. Hiếu lao vào tìm tòi. Nhưng từ ý tưởng đến hiện thực hóa nó là một chặng đường khá dài, và cũng không ít lần Hiếu nếm mùi thất bại.

Lần đầu tiên thử nghiệm cặp sách cứu sinh, Hiếu cùng mấy anh lớn mang cặp nhảy ùm xuống nước. Cả “nhà khoa học” lẫn bạn bè đều chìm nghỉm vì chưa tính toán được lượng xốp cần thiết. Phải mất gần hai năm và vài ba lần thử nghiệm, cải tiến, chiếc cặp sách cứu sinh mới được hoàn thiện.

Với những chỉ dẫn từ bố mẹ, Hiếu biết phân phối lượng xốp hợp lý cho cả phần quai và phần thân cặp. Chỉ với 100-200g xốp polyuretan có thể nâng được một người cân nặng đến 50kg nổi trên mặt nước mà không cần tác động của cơ thể. Vỏ cặp cũng được may bằng một loại vải chống thấm. Với công trình này, Hiếu hi vọng có thể hạn chế phần nào những rủi ro cho các bạn học sinh vùng lũ và vùng sông nước thường xuyên phải đến trường trên những chuyến đò quá tải.

Và những ước mơ...

Lê Trọng Hiếu và bằng khen cho sản phẩm “Cặp sách cứu sinh”.
Lê Trọng Hiếu và bằng khen cho sản phẩm “Cặp sách cứu sinh”.

Mới 15 tuổi, Lê Trọng Hiếu vẫn còn là một cậu bé ham chơi, ngại tiếp xúc với người ngoài. Nhưng ít ai biết đằng sau đôi mắt trong veo và gương mặt bầu bĩnh ấy ẩn chứa những suy nghĩ rất người lớn. Mẹ Hiếu kể ngay từ nhỏ cậu bé đã tỏ ra hiểu chuyện nhưng kín đáo và ít khi thổ lộ hết những suy nghĩ của mình.

Nhạy cảm và sống nội tâm, Hiếu thông cảm và chia sẻ với mẹ những trắc trở trong cuộc đời, gọi người chồng thứ hai của mẹ bằng tiếng bố thân thương khi cảm nhận được tình yêu mà ông dành cho ba mẹ con. Bố Huy cũng là người giúp đỡ Hiếu rất nhiều trong việc hoàn thiện chiếc cặp sách cứu sinh.

Hiếu đang chuẩn bị đưa công trình của mình đi tham gia triển lãm ở Đài Loan. Ngay khi chiếc cặp sách cứu sinh hoàn thiện, Hiếu đã nung nấu ý định làm một chiếc hố xí bằng vật liệu composite, dễ sử dụng và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, hố xí làm bằng vật liệu composite sẽ có được các tính năng như nhẹ, kín, dễ vận chuyển và giá thành tương đối rẻ.

Chỉ mới 15 tuổi, Lê Trọng Hiếu đầy ắp trong đầu những dự định tốt đẹp.

Hiện nay trên một số báo mạng đang có thông tin tranh cãi về vấn đề ai là người chủ thật sự của chiếc cặp sách cứu sinh. PV Tuổi Trẻ đã gặp ông Phạm Quang Huy - Giám đốc Công ty Nadicom, trụ sở tại Nam Định, và ông khẳng định ý tưởng cặp sách cứu sinh là của Lê Trọng Hiếu - con trai ông. Nhưng khi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, do Hiếu còn nhỏ tuổi nên ông Huy đã thay mặt đứng tên. Còn ông Trần Khắc Hán - người được nêu trong một số bài báo là phó giám đốc của công ty ông Huy - cũng là người đã đóng góp công sức để hoàn thiện chiếc cặp sách cứu sinh.

Sáng kiến của Hiếu đã được gia đình hỗ trợ đưa vào sản xuất đại trà với tên gọi “cặp sách cứu sinh”. Đánh giá về công trình cặp sách cứu sinh, ông Lê Đăng Thọ - Phó giám đốc Quỹ hỗ trợ sáng tạo Việt Nam , Trưởng ban tổ chức - cho biết: “Đây là một sáng tạo độc đáo, có tính ứng dụng cao. Nó đặc biệt hữu ích đối với các em học sinh vùng lũ và vùng sông nước như ĐBSCL”. Ông Thọ cũng cho biết ban tổ chức đã xác minh và khẳng định ý tưởng làm chiếc cặp phao cứu sinh là của em Hiếu.

Với quy mô sản xuất như hiện nay, giá thành mỗi chiếc cặp là 120.000-140.000 đồng, có thể chiếc cặp cứu sinh còn khó đến được với những học sinh vùng lũ nếu như thiếu sự hỗ trợ, tài trợ từ các nhà hảo tâm, từ cộng đồng. Mới đây, Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel biết đến sản phẩm này và đặt hàng 4.000 chiếc để tặng học sinh vùng lũ dịp đầu năm học mới.


Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.