Cách phát hiện, xử lý bệnh lở mồm long móng ở gia súc
Lở mồm long móng (LMLM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của động vật móng guốc chẵn như trâu, bò, lợn, dê, hươu, nai... Bệnh rất nguy hiểm do khả năng lây lan rất nhanh, rất mạnh, không chỉ lây lan do tiếp xúc giữa động vật khỏe với động vật mắc bệnh mà còn qua nhiều đường, kể cả qua không khí.
Có bảy type virus gây bệnh LMLM, trong đó có type chủ yếu gây bệnh trên trâu bò, nhưng lại có type gây bệnh chủ yếu ở lợn. Virút này có sức đề kháng yếu với môi trường bên ngoài, với các thuốc sát trùng thông thường, nhưng lại có thể tồn tại hơn một năm ở chuồng nuôi, 10-12 tuần ở quần áo và thức ăn gia súc, hơn một tháng ở lông.Ngay cả gia súc khỏi bệnh vẫn mang trùng tới bốn tháng đối với dê, 9 tháng đối với cừu, bốn tuần đối với lợn, còn trâu bò là 3-5 năm.
Triệu chứng gia súc bị bệnh là sốt cao (40 0C), ủ rũ, kém ăn, tiết nước bọt nhiều, nước bọt thành sợi dài, mụn nước phát triển ở niêm mạc miệng, lợi và lưỡi, chân, vú, đặc biệt ở các kẽ móng và bờ móng.Mụn nước chứa dịch màu vàng nhạt và tự vỡ trong vòng 24 giờ. Mụn nước vỡ làm bờ móng con vật sưng đau khiến đi lại khó khăn, phải nằm một chỗ. Thời gian ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày và nếu là bệnh ác tính, đến ngày thứ 5-6 con vật sẽ yếu, khó thở và chết.
Dịch đang có chiều hướng lây lan nhanh, cần phát hiện nhanh, tiêu hủy gọn, khoanh vùng, xử lý ngay.Trong đó, tiêu hủy toàn bộ gia súc bệnh là một trong ba cách khống chế bệnh hiệu quả nhất, cùng với biện pháp tiêm phòng vắcxin, giết hủy kết hợp tiêm phòng.
Bệnh LMLM chưa có thuốc chữa đặc hiệu, chỉ có vắcxin phòng bệnh.Văcxin có nhiều loại và phải tiêm 2-3 liều /năm.
Người chăn nuôi cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho đàn gia súc của mình như tạm thời nuôi nhốt gia súc trong thời gian có dịch, tránh tiếp xúc với gia súc khác; định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại. Trong trường hợp phát hiện gia súc mắc bệnh thì nhanh chóng báo cho cán bộ thú y, trưởng thôn, bản hoặc chính quyền cơ sở nơi gần nhất; không được tự ý giết mổ, bán chạy gia súc mắc bệnh. Người chăn nuôi ở chung quanh vùng có dịch cần tiêm phòng cho đàn gia súc của mình để chủ động phòng bệnh; tạm thời không đưa gia súc mới vào nhập đàn trong thời gian có dịch.
Nguồn: Kinh tế nông thôn, số 20,15/05/2006