Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 23/09/2010 18:57 (GMT+7)

Cách mạng Xanh châu Phi và những vấn đề đặt ra trong phát triển nông nghiệp ở châu Phi

1. Những sáng kiến hình thành cách mạng Xanh lần thứ nhất ở châu Phi

Cách mạng Xanh lần đầu tiên được thực hiện tại Mêhicô, sau đó được áp dụng ở Ấn Độ và Đông Nam Á trong thập kỷ 1960, đem lại một mô hình nông nghiệp mới áp dụng những phương pháp kỹ thuật trọn gói liên quan đến sử dụng các yếu tố đầu vào cho nông nghiệp như phần bón, hạt giống, máy móc, hệ thống tưới tiêu... khiến sản lượng lương thực tăng lên liên tục. Thành công của cuộc cách mạng Xanh ở châu Á sau đó được nhân rộng ra châu Mỹ La tinh và cả Châu Phi. Trong giai đoạn 1960-1990, đã có 3 loại sáng kiến khác nhau được áp dụng tại châu Phi khiến người ta liên tưởng Cách mạng Xanh đã từng xảy tại châu Phi. Sáng kiến thứ nhất, cải tiến công nghệ thông qua các chương trình nghiên cứu thử nghiệm công nghệ đối với một số loại lúa gạo, ngô, bông, lúa miến, các loại ngũ cốc khác ở Tây Phi trong giai đoạn 1969-1991. Nhờ áp dụng công nghệ thông qua các chương trình nghiên cứu thử nghiệm trên đồng ruộng, sản lượng nông nghiệp ở 11 nước châu Phi nói tiếng Pháp (Francophone) ở Tây Phi đã tăng rất nhanh. Trong giai đoạn 1969-1971, sản lượng bông trung bình của 11 nước này là 634kg/ha, đến năm 1991 nhờ áp dụng công nghệ sản lượng bông trung bình đã đạt 984 kg/ha, tăng 55% so với trước đó, điển hình là ở Camơrun tăng từ 552 kg/ha lên 1249 kg/ha, Ghana tăng từ 540 kg/ha lên 1103 kg/ha, Mali tăng từ 753 kg/ha lên 1279 kg/ha; Sản lượng lúa gạo nhờ áp dụng công nghệ cũng tăng trung bình từ 1215 kg/ha lên 2449 kg/ha, điển hình là ở Camơrun đã tăng từ 886 kg/ha lên 3699 kg/ha. Vào năm 1988, nhờ áp dụng hiệu quả công nghệ trên đồng ruộng, sản lượng lúa miến ở miền bắc Camơrun đã tăng lên 100%, sản lượng ngô tăng 130% và sản lượng các cây có củ quả khác tăng 54%.

Sáng kiến thứ hai,thực hiện các dự án cải tiến tưới tiêu trên đồng ruộng một số nước châu Phi. Sáng kiến này đã thu được một số thành công trong việc hình thành hệ thống tưới tiêu diện rộng. Đập Aswan trên sông Nileđã cung cấp nước tưới tiêu cho hàng triệu nông dân ở Ai Cập; hệ thống tưới tiêu Gezira xung quanh lưu vực sông Nile Xanh dã cung cấp nước tưới tiêu cho 750.000 nông dân ở miền nam Xu Đăng; hệ thống tưới tiêu xung quanh lưu vực sông Tang ở Kê nia, hệ thống tưới tiêu Mwea Tebere tại vùng Kirinyaga của Kênia, hệ thống tưới tiêu lưu vực Kilombero ở Tandania, hai đập cung cấp nước tưới tiêu Sokoto - Rima dọc theo sông Nigiê (Nigiêna). Những dự án cải tiến tưới tiêu này đã tạo thuận lợi cho người dân trồng cấy hai vụ trong mùa mưa và mùa khô, mỗi năm năng suất sản lượng cây trồng tăng cao gấp 3-4 lần so với trước đây.

Sáng kiến thứ ba,chương trình nghiên cứu các công nghệ tiên tiến trong phát triển cây ngũ cốc của các trung tâm nghiên cữu nông nghiệp quốc tế và một số chương trình nghiên cứu nông nghiệp quốc gia. Tại Nigiêna, đã có những dự án nghiên cứu công nghệ cho cây ngô, đậu đũa, sắn, sau đó áp dụng trồng thử nghiệm trên đồng ruộng một số nước châu Phi; tại Côt Đivoa đã có những dự án nghiên cứu công nghệ áp dụng cho cây lúa miến, lúa gạo và các cây có củ khác cho năng suất rất cao, có thể thử nghiệm trồng và nhân giống trong điều kiện ruộng đất và khí hậu châu Phi. Các dự án nghiên cứu tại Uganđa cũng đem lại nhiều hứa hẹn cho việc áp dụng công nghệ tăng sản lượng cho cây sắn và chuối. Tại Kênia và Dimbabuê có các dự án nghiên cứu công nghệ cho cây ngô lai...

Tuy nhiên, các sáng kiến trên dường như không đem lại hiệu quả lâu dài cho phát triển nông nghiệp ở châu Phi. Tại châu Á và Mỹ Latinh, cuộc cách mạng Xanh đem lại thành công ở 2phương diện chính: Thứ nhất,do áp dụng thành công công nghệ hiện đại trên đồng ruộng, sản lượng lương thực đã tăng từ 80-100%. Người nông dân được hưởng những vụ mùa cho năng suất cao kết hợp với việc cải tiến kỹ năng quản lý trên đồng ruộng của mình. Hầu hết nông dân các nước châu Á và Mỹ Latinh học được kỹ năng gieo hạt, cấy trồng đến kỹ năng quản lý tưới tiêu .Họ cũng học được cách tự cải tiến hạt

giống sao cho hiệu quả hơn trên đồng ruộng của mình. Vì vậy năng suất lao động và sản lượng cây trồng tăng rất cao. Thứ hai,cách mạng xanh đã đem đến một xã hội khác cho hầu hết các làng mạc vùng nông thôn. Người dân đã chuyển từ phương pháp canh tác truyền thống sang phương pháp sản xuất hiện đại. Cuộc Cách mạng Xanh là nguyên nhân thúc đẩy cải cách ruộng đất, đem lại quyền sở hữu đất đai cho mọi người dân, nâng cao thu nhập và giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Trong thi đó, châu Phi ngày càng đắm chìm trong lạc hậu, nghèo nàn và khủng hoảng lương thực. Trong giai đoạn 1980-1995, sản xuất lương thực bình quân đầu người ở châu Á tăng 27%/năm, châu Mỹ La tinh tăng 12%/năm, thì ở châu Phi sản xuất lương thực bình quân đầu người giảm 8%/năm. Châu Phi là châu lục duy nhất trên thế giới có sản xuất lương thực bình quân đầu người liên tục giảm trong hơn 40 năm qua. Với tốc độ tăng trưởng dân số như hiện nay, đến năm 2015 châu Phi chỉ có khả năng cung cấp lương thực cho dưới 50% dân số của mình. Trong vài năm gần đây, 25% lương thực của châu Phi phải nhập khẩu. Nói cách khác, Cách mạng Xanh đã không đem lại thành công lâu bền cho sản xuất nông nghiệp ở châu Phi.

Cuộc Cách mạng Xanh thất bại ở châu Phi trong quá khứ là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hầu hết các nước châu Phi đã sai lầm trong việc quy hoạch lại hệ thống đất đai nông nghiệp truyền thống của mình. Cuộc Cách mạng Xanh đòi hỏi phải được áp dụng theo quy mô đất đai rộng lớn, trong khi người dân châu Phi có thói quen canh tác tiểu nông. Họ sở hữu những mảnh đất rất nhỏ thông qua việc tự khai thác đất hoang, đất rừng làm ruộng trong vòng 2-4 năm. Sau khi đất đai bạc màu, họ lại bỏ đi tìm mảnh đât khác. Phương pháp canh tác kiểu này thường thấy ở những vùng có mật độ dân cư thưa thớt, vì vậy các công nghệ mang tới từ cách mạng Xanh tỏ ra không phù hợp. Trong khi ở châu Á, cuộc Cách mạng Xanh được tận dụng nhiều lợi thế do chỉ cần áp dụng công nghệ, phân bón giống cho một hệ thống đất đai sản xuất lúa gạo bởi đất đai khu vực này phì nhiêu và thống nhất, dân số nông thôn tập trung ở mật độ cao, thế ở châu Phi đất đai nông nghiệp mang tính đa dạng hơn, phức tạp hơn, cần áp dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại hơn.

Một nguyên nhân khác khiến Cách mạng Xanh ở châu Phi thực hiện không thành công, đó là trong mấy thập kỷ qua châu Phi chịu tác động nặng nề từ sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Lượng mưa châu Phi ngày càng giảm khiến đất dai khô cằn, nhiều vùng không thể canh tác, trồng trọt. Với đặc thù là một khu vực địa lý có khí hậu khắc nghiệt, cơ cấu đất đai đa dạng, chỉ có 7% đất đai được tưới tiêu so với 39,3% của Nam Á, Cuộc cách mạng Xanh ở châu Phi đã không giải quyết được vấn đề an ninh lương thực và dần bị rơi vào quên lãng

II. Khủng hoảng sản xuất nông nghiệp và đói nghèo

Nông nghiệp đóng mọt vai trò rất quan trọng đối với việc xoá bỏ đói nghèo ớ châu Phi. Có tới 80% dân số châu Phi cận Xahara sống ở các vùng nông thôn và khoảng 70% dân số nông thôn sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp được coi là xương sống của nền kinh tế, chiếm là GDP và 11% kim ngạch xuất khẩu của châu Phi. Tuy nhiên, năng suất lao động nông nghiệp giảm liên tục châu Phi và nền nông nghiệp được đặc trưng bởi các yếu tố thiếu vốn, không có tính cạnh tranh, hoạt động không hiệu quả. Theo đánh giá của FAO năm 2005, tại châu Phi, tỷ lệ đất nông nghiệp có thể tưới tiêu được là 7% (trong khi mức bình quân của thế giới là 20%), sản lượng ngũ cốc sản xuất trên đầu người là 147 kg/năm (thế giới đạt 349 kg/năm), sản lượng ngũ cốc đạt 1225 kg/ha (thế giới đạt 2067 kg/ha), sản lượng gia súc là 164 kg/ha (thế giới đạt 193 kg/ha), mức độ sử dụng phân bón là 22 kg/ha (thế giới đạt 100 kg/ha). Tại vùng châu Phi cận Xahara, những con số này còn mang tính chất khắc nghiệt hơn: tỷ lệ tưới tiêu 3,8%, sản lượng ngũ cốc sản xuất trên đầu người là 128 kg/năm, sản lượng ngũ cốc đạt 986 kg/ha, sản lượng gia súc là 128 kg'ha, mức độ sử dụng phân bón là 9 kg/ha (bảng l). Châu Phi chỉ chiếm có 9% nguồn nước sạch trên thế giới trong khi tỷ lệ dân số chiếm 12% và có tới 2/3 các quốc gia châu Phi phát triển dưới tiềm năng của mình ở mức 20% do thiếu nước. Đất đai châu Phi bị đánh giá là khô cằn nhất thế giới. Theo ước tính, mỗi năm châu Phi mất khoảng 4,5 tỷ USD do xói mòn đất đai và hiện tượng này diễn ra triền miên trong vòng hơn 30 năm qua. Vì vậy, mặc dù là châu lục có đất đai rộng lớn, nguồn lợi từ rừng và chim muông hoang dã giàu có, nhưng châu Phi vẫn tiếp tục là châu lục phát triển lạc hậu, nghèo nàn, không đủ khả năng để cung cấp lương thực cho người dân của họ.

Bảng 1: Các chỉ số nông nghiệp ở Châu Phi và các khu vực khác

Khu vực

Tỷ lệ đất đai được tưới tiêu

Sản lượng ngũ cốc tính theo đầu người 1997/1999 (kg/năm)

Sản lượng ngũ cốc 1997/1999 (kg/ha)

Sản lượng gia súc 1997/1999 (kg/ha)

Sử dụng phân bón 1997/199 9 (kg/ha)

Châu Phi

7,0

147

1225

164

22

Châu Phi cận Xahara

3,8

128

986

128

9

Bắc Phi

28,7

128

1963

147

109

NamÁ

39,3

224

2308

121

109

Đông Á

31,9

336

4278

150

241

Mỹ Latinh

11,6

259

2795

198

85

Các nước thu nhập trung bình

19,9

339

2390

191

111

Các nước thu nhập cao

11,9

746

4002

248

125

Thế giới

20,0

349

2067

193

100

             Nguồn: Fao 2005.

Sản xuất nông nghiệp đình đốn khiến mất an ninh lương thực và tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng. Hiện nay có tới một nửa dân số châu Phi sống dưới 1 USD/ngày, và khoảng hơn 200 triệu người trong tổng số hơn 840 triệu dân châu Phi đang bị thiếu ăn do sản lượng lương thực tại 31 quốc gia giảm. Yếu tố địa lý và sự phát triển manh mún của nông nghiệp là một trong những nguyên nhân gây đói nghèo và mất an ninh lương thực ở châu Phi. Với đặc điểm phần lớn các nước châu Phi nằm sâu trong lục địa, giao thông kém phát triển, khí hậu khắc nghiệt, đất đai sa mạc hoá, châu Phi rất khó có thể phát triển nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực cho người dân. Là một châu lục sống nhờ vào nông nghiệp, nhưng hàng năm châu Phi phải tiếp nhận viện trợ lương thực khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu lương thực cho khoảng 38 triệu người dân mỗi năm.

Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), trong 4 thập kỷ qua, sản lượng ngũ cốc của châu Phi luôn thấp hơn mức trung bình của thế giới 66%. Hàng năm, viện trợ chính thức của thế giới dành riêng để cứu đói cho những người dân châu Phi trước mùa thu hoạch lên đến đến 1,4 tỷ USD. Khủng hoảng lương thực lan ra toàn lục địa đen, trong đó điển hình nhất là các vùng miền Nam châu Phi, vùng Sừng châu Phi, vùng Hồ lớn và vùng Tây Phi. Trong những năm gần đây, thiếu thốn lương thực đã khiến các nước như Malauy, Dimbabuê, Dămbia, Lêxôthô, XoaDilen, Môdămbich, Êritơria, Êthiôpla, Angôla, Xu Đăng... phải công bố đó là vấn nạn quốc gia và kêu gọi cứu trợ lương thực khẩn cấp từ thế giới bên ngoài. Từ một khu vực chuyên xuất khẩu hàng hoá nông nghiệp trong thập kỷ 1960- 1970, châu Phi đã trở thành một châu lục phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực từ bên ngoài và mất an ninh lương thực hiện đang tác động trực tiếp tới 28% dân số châu Phi. Trong số 38 triệu người dân cần cứu trợ khẩn cấp lương thực vào năm 2003, có tới 24.000 người bị chết đói mỗi ngày. Theo đánh giá của FAO, nhập khẩu lương thực của châu Phi đã tăng thêm 2,6 tỷ USD trong năm 2006-2007. Chi phí kinh tế, xã hội, chính trị phát sinh từ khủng hoảng lương thực vì thế cũng tăng lên và đe doạ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước châu Phi nhiều năm qua.

Bảng 2 cho thấy chỉ có duy nhất châuPhi đang có xu hướng gia tăng số người suy dinh dưỡng và đói nghèo từ nay đến năm 2015, trong khi các khu vực khác đều có sự cải thiện số người nghèo khổ và suy dinh dưỡng. Những dự báo từ bảng 2 cho thấy vào năm 2015 châu Phi sẽ là khu vực duy nhất không thực hiện được mục tiêu xoá đói giảm nghèo theo đúng cam kết thực hiện MDGs của Liên hợp quốc. Nạn đói lan rộng ở châu Phi khiến thế giới đưa ra những đánh giá bi quan về khả năng châu Phi tự cứu mình bằng con đường phát triển nông nghiệp.

Bảng 2: Suy dinh dưỡng và đói nghèo ở châu Phi và trên thế giới

Năm

Châu Phi cận Xahara

Bắc Phi

NamÁ

Đông Á

Mỹ Latinh

Các nước đang phát triển

Số người bị suy dinh dưỡng (triệu người)

1997/1999

194

32

303

193

54

776

2005

205

37

195

135

40

610

Số người nghèo (1 USD/ngày, triệu người)

1997/1999

300

7

490

260

77

1134

2015

345

6

279

59

60

749

Nguồn: FAO, 2005

III. Cách mạng Xanh lần hai – Tìm giải pháp cứu đói cho người dân

Tình hình phát triển nông nghiệp đình trệ và nạn đói lan rộng ở châu Phi buộc chính phủ các nước, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế phải nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Trong thập kỷ 1980-1990, có rất nhiều giải pháp được đề ra nhấn mạnh đến việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp. Tháng 12 năm 2002, một hội nghị quốc tế tổ chức tại Abuja (Nigiêria) đã bàn về an ninh lương thực ở châu Phi. Hội nghị này có sự tham dự của Tổ chức nông nghiệp và lương thực thế giới (FAO), Ngân hàng phát triển châu Phi (ADB), Ban điều hành của Chương trình Đối tác mới vì sự phát triển châu Phi (NEPAD). Kế hoạch hành động của Hội nghị là nhằm tìm giải pháp khắc phục khủng hoảng lương thực cho châu Phi. Tuy nhiên, các giải pháp đề ra từ hội nghị không mang lại hiệu quả, tình trạng mất an ninh lương thực vẫn xảy ra ngày càng trầm trọng ở châu Phi.

Vào ngày 12 tháng 9 năm 2006, Quỹ Rockefeller và Bia & Melinda Gates đã đưa ra một chiến lược với tên gọi Liên minh vì cuộc Cách mạng Xanh ở châu Phi (AGRA). AGRA thực hiện 2 chương trình trọng điểm là: Chương trình phát triển hạt giống cho châu Phi (PASS) và Chương trình cải tạo độ màu mỡ đất đai ở châu phi. Chương trình đầu tiên của AGRA là PASS, được áp dụng cho 20 nước châu Phi, trị giá 150 triệu USD và thực hiện trong vòng 5 năm (trong đó do triệu USD là từ Quỹ Rockefeller và 100 triệu USD lấy từ Quỹ Gates). PASS sẽ thực hiện 4 chương trình nhỏ, đó là: Phổ biến kiến thức cải tiến mùa vụ cho nông dân châu Phi (EACI); Quỹ cải tiến và thực hiện các mùa vụ ở châu Phi (FIAAC); Sản xuất hạt giống cho châu Phi (SEPA); Chương trình phát triển kinh doanh nông nghiệp (ADP) 150 tỷ USD ban đầu là nhằm mục tiêu chuyển giao công nghệ trọn gói cho việc cải tiến và chọn giống hạt cây trồng, cải thiện chất lượng phân bón, quản lý nguồn nước, cung cấp các dịch vụ nông nghiệp cho châu Phi. Mục tiêu của PASS là phát triển 1000 loại giống mới trong vòng 5 năm tại ít nhất 10 mùa vụ khác nhau, bao gồm ngô, sắn, lúa miến và kê nhằm tăng nhanh năng suất lao động trong các trang trại quy mô nhỏ ở châu Phi, góp phần giảm nghèo cho 30-40 triệu người dân. Chương trình EACI dự kiến sẽ đào tạo thêm 170 nhà khoa học nông nghiệp trình độ thạc sĩ, 80 tiến sĩ nông nghiệp trong vòng 5 năm đầu thực hiện PASS, đồng thời nâng cấp các cơ sở đào tạo, nghiên cứu hạt giống ở 10 trường đại học châu Phi. EACI dự kiến sẽ tập trung ở các nước như Tandania, Uganđa, Êthiôpia, Dămbia, Mali, Buôckina Pha xô, Kênia, Nigiêria, Ghana. FIAAC sẽ huy động nguồn vốn để cải thiện các mùa vụ ở châu Phi và giúp nông dân có trang trại quy mô nhỏ cải tiến và áp dụng các mùa vụ gieo trồng mới SEPA dự định hỗ trợ 40 công ty giống ở châu Phi trong vòng 10 năm. ADP sẽ cung cấp các chương trình đào tạo và tín dụng để thiết lập và hỗ trợ các nhà kinh doanh nông nghiệp nhỏ, những người chuyên cung cấp hạt giống, phân bón, kỹ năng cho nông dân.

Chương trình thứ hai của AGRA là cải tạo độ màu mỡ đất đai ở châu Phi. Chương trình này còn được gọi là Chương trình hợp tác quản lý độ phì nhiêu của đất (ISFM). Mục tiêu của chương trình là nhằm tăng sản lượng cây trồng, cải tạo đất đai, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Biện pháp cần thiết nhất của chương trình này là tăng lượng phân bón cho đất, áp dụng kỹ thuật cho việc quản lý rừng phục vụ nông nghiệp, kỹ thuật bảo vệ đất sau thu hoạch, kỹ thuật sử dụng vỏ ngũ cốc làm phân bón, kỹ thuật bảo quản đất lúc giao mùa... ISFM hy vọng sẽ quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên đất nông nghiệp, tạo thêm độ phì nhiêu cho đất thông qua việc phổ biến những kiến thức cho nông dân, đầu tư xây dựng năng lực quản lý và áp dụng kỹ thuật mới. Kế hoạch thực hiện ISFM là 10 năm.

Thông qua AGRA , 70 tổ chức từ 12 quốc gia châu Phi đang giúp châu Phi chuyển hướng phát triển nền nông nghiệp của mình sang hệ thống phát triển nông nghiệp độc lập dựa vào hoá chất đặc biệt, sử dụng hạt giống lai ghép. Cuộc Cách mạng Xanh lần này hy vọng sẽ tìm ra cách thức riêng để giải quyết nạn đói ở châu Phi. Các chương trình của AGRAđều do Chương trình Cách mạng Xanh ở châu Phi (ProGRA) quản lý, áp dụng cho các nước chọn lọc ở Đông Phi, NamPhi và Tây Phi.

Từ kinh nghiệm thực hiện Cách mạng Xanh ở châu Phi lần thứ nhất, có thể thấy công nghệ hoặc phân bón không phải là giải pháp duy nhất có đủ khả năng giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực như hiện nay của châu Phi. Thực tiễn phát triển nông nghiệp châu Phi vài thập kỷ qua cho thấy thách thức lớn nhất của Cách mạng Xanh lần hai chủ yếu thuộc về 3 vấn đề sau: +) Cuộc cách mạng về hạt giống đòi hỏi phải có tầm nhìn rộng cả về chủng loại giống, số lượng giống và số lượng mùa vụ trong năm. Điều này đang gây áp lực về việc đào tạo một đội ngũ đông đảo các cán bộ khoa học nông nghiệp cho châu Phi; +) Cuộc cách mạng cải cách độ phì nhiêu cho đất sẽ đem lại những phương pháp sản xuất mới cho người nông dân. Vì vậy, Cách mạng Xanh muốn thành công phải được sự ủng hộ rộng rãi của tầng lớp nông dân các nước châu Phi vốn đã quen phương thức canh tác tiểu nông và manh mún; +) Để Cách mạng Xanh thành công, điều tất yếu phải có sự phát triển mạnh mẽ hệ thống thị trường cho người nông dân, từ nhà kho đến vận chuyển, chế biến sản phẩm nông nghiệp và công đoạn cuối cùng là bán sản phẩm nông nghiệp ra thị trường. Cuộc Cách mạng Xanh lần thứ nhất của châu Phi thất bại cũng là do chính phủ các nước châu Phl chưa thực sự chú ý đến việc thúc đẩy nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp cho người dân. Để Cách mạng Xanh lần hai đem lại thành công, các nền kinh tế nông nghiệp châu Phi buộc phải có sự chuyển đổi căn bản sang kinh tế thị trường, giúp nông dân có thể gia tăng năng suất lao động và bán sản phẩm của mình ra thị trường một cách hiệu quả nhất. Nói tóm lại, châu Phi có thể học tập từ Cách mạng Xanh diễn ra ở châu Á và Mỹ La tinh trước đây, nhưng phải tìm ra được giải pháp hiệu quả cho riêng mình. Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng sống còn trong sản xuất lương thực, tạo việc làm, góp phần tìm kiếm kế sinh nhai của người dân và phát triển kinh tế. Hy vọng rằng Cách mạng Xanh lần hai, với mục đích đem lại sức sống mới cho nông nghiệp sẽ khiến châu Phi giải quyết thành công đói nghèo và phát triển ổn định.

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

VUSTA làm việc với tổ chức Korea CEO Summit
Hà Nội, ngày 3 tháng 2 năm 2025 – Tại trụ sở của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh đã có buổi làm việc với ông Park Bong Kyu, Tổng giám đốc của tổ chức Korea CEO Summit. Hai bên đã chia sẻ thông tin và trao đổi về khả năng hợp tác để tổ chức Diễn đàn Đô thị Văn hóa Công nghiệp Hội tụ 2025 (CICON 2025).
Vĩnh Phúc: Sáp nhập Hội Kiến trúc sư vào LHH tỉnh
Sáng ngày 07/02/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc (LHH) tổ chức Hội nghị thông qua đề án sáp nhập Hội Kiến trúc sư vào LHH tỉnh. Phó Chủ tịch phụ trách LHH Đỗ Trung Hiếu và Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Nguyễn Đạm đồng chủ trì hội nghị.
Tạp chí Việt Nam Hội nhập mở chuyên mục tuyên truyền về ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIV CỦA ĐẢNG
VNHN Ngay từ những ngày đầu Xuân Ất Tỵ, đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2025), thực hiện tinh thần chỉ đạo của Trung ương và cụ thể hóa từ Nghị quyết của Cấp ủy Viện chủ quản và Tạp chí Việt Nam Hội nhập – Ban Biên tập tạp chí Việt Nam Hội nhập đã chính thức xây dựng chuyên mục Tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.