Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 30/07/2005 15:30 (GMT+7)

Các nhà khoa học tranh cãi về đền Cẩu Nhi

Đây không phải là lần đầu tiên ngôi Đền Cẩu Nhi gây nên sóng gió trong giới khoa học và cả những người quản lý. Năm 1987, với "Vụ án phá đền Cẩu Nhi", có vị quan chức đã mang tai vạ khi quyết định thay Cẩu Nhi đền bằng một Khách sạn. Từ sau sự việc này, gò đất để không giữa hồ cũng là nơi nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Trước tình hình đó, một công đôi việc, TP Hà Nội được sự đồng tình của một số nhà khoa học về truyền thuyết Thần Cẩu Nhi đã quyết định phục hồi lại ngôi đền này, vừa tạo ra một không gian văn hoá mới, lại vừa có ý nghĩa với dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ những bài viết này, chúng tôi không bàn đến việc nên xây cái gì trên cái gò này mà chỉ giới hạn ở cuộc tranh luận trong giới khoa học, đặc biệt là khía cạnh văn hoá học. Trước hết các nhà khoa học phải trả lời những câu hỏi sau: Đền Cẩu Nhi có từng tồn tại? việc thờ Thần Cẩu Nhi có còn dấu vết trong dân gian quanh vùng? Nếu có truyền thuyết về Cẩu Nhi thì liệu có thể coi nó có ý nghĩa đối với việc định đô Thăng Long? vv... Bởi vì, rõ ràng, cái mục tiêu dễ nhìn thấy nhất của dự án này chính là gắn cho ngôi đền sắp phục dựng một ý nghĩa đối với Thăng Long. Sau bài viếtĐền Cẩu Nhi là một sự bịa đặt lịch sử...?đề cập đến quan điểm của PGS.TS Đỗ Văn Ninh, nhiều nhà khoa học trong nước đã có những ý kiến khác nhau. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng một số ý kiến.

GS. Trần Lâm Biền:Đền Cẩu Nhi thờ cả cá lẫn chó!

Trên cái gò ở hồ Trúc Bạch vốn dĩ đã có một ngôi đền. Theo quan điểm của tôi, nó là ngôi đền thờ cả Thần Cá lẫn thần Cẩu Nhi cùng một lúc! Không có gì lạ khi có hai thần được thờ trong cùng một ngôi đền. Trong các kiến trúc cổ của Việt Nam có ngôi đình thờ đến 21 Thành Hoàng thì sao?

Ông Đỗ Văn Ninh không thích câu chuyện về Cẩu Nhi một phần có lẽ vì ông cho rằng chuyện đó hạ thấp uy tín của Nhà Lý và có phần không được... sạch sẽ nếu gắn với Thăng Long. Nhưng phải biết rằng có rất nhiều câu chuyện gắn liền với tổ tiên các tộc người thiểu số ở nước ta lấy con chó làm ông tổ. Người ta không làm tượng con chó đặt lên bàn thờ chính, nhưng làm bài vị thì có.

Từ xưa tôi đã thấy trong đền gò Trúc Bạch có cái bài vị bằng gỗ cổ, trên đó có những chữ đề nhắc đến Thần Cẩu Nhi. Phục hồi đền Cẩu Nhi có thể coi là để phục hồi một tín ngưỡng cổ của dân gian là tín ngưỡng thờ chó. Tất nhiên, nói như thế thì vừa phải hơn. Còn nói rằng Cẩu Nhi gắn với sự định đô Thăng Long thì cũng hơi quá.

Vả lại, hòn đảo trên hồ Trúc Bạch từ khi đền bị phá đã bị rêu rác bẩn thỉu; nếu nay có một công trình kiến trúc thì sẽ tạo nên một cảnh quan đẹp đẽ. Thêm vào đó, di tích ít nhất có từ thế kỷ XIX, vậy nó đã có niên đại tối thiểu là 150 năm và theo luật di sản nó đã xứng đáng trở thành di tích lịch sử văn hoá.

Tuy nhiên, nếu ông Đỗ Văn Ninh cứ đem những chứng cớ ngày tháng ra mà tính toán, thì ông sẽ bỏ cả thời đại Hùng Vương đi mất. Vì thời Hùng Vương mấy nghìn năm thế mà lại chỉ có 18 đời vua Hùng, thế ra mỗi vua sống trên một trăm năm cơ à, ai mà tin được!? Rõ ràng câu chuyện về Cẩu Nhi được phong thần và có đền thờ là câu chuyện không có trong sách sử, mà chỉ là truyền thuyết. Nhưng tôi gần 50 năm nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật, đi thực địa tìm thấy có nhiều điều hiển nhiên tồn tại sâu sắc, bén rễ trong dân gian nhưng hoàn toàn không được ghi trong chính sử. Ý niệm về Thần Cẩu Nhi rõ ràng tồn tại trong dân gian quanh vùng Tây Hồ và ta có thể gọi đền Cẩu Nhi là di tích lịch sử trong không gian của tín ngưỡng.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Trong truyền thuyến luôn có cốt lõi hiện thực!

Chuyện đó không ai bịa đặt ra cả vì nó đã được chép trong Tây Hồ chí.Tác phẩm này ra đời từ giữa thế kỷ XIX. Tây Hồ chíkhẳng định đúng là trên gò hồ Trúc Bạch có một đền gọi là đền Cẩu Nhi thờ Thần Chó con. Về sau, tín ngưỡng thờ chó của người Việt phai nhạt đi nên cái đền đó, hoặc một cái đền mới xây trên vị trí đó lại được dân đổi qua gọi là Thủy Trung Tiên tự, tức là thờ Mẫu.

Nếu người nào bác bỏ cả sách Tây Hồ chí thì những sách về truyền thuyết của VN như Việt Điện u linh, Lĩnh Nam chích quáicũng theo phong cách đó, chẳng lẽ cũng vứt đi hết!? Tây Hồ chísưu tầm các truyện dân gian, nó cũng giống như hai tác phẩm vừa nói đến, có những câu chuyện cổ có phần hoang đường nhưng phải hiểu là bên trong nó có cái cốt lõi hiện thực nào đó.

Ông Ninh bảo quốc sử Đại Việt sử ký toàn thưkhông ghi chuyện con chó từ Bắc Ninh đi sang Hà Nội, Cẩu Mẫu chết chôn trên núi Khán, Cẩu Nhi chết chôn trên gò hồ Trúc Bạch... nhưng đâu phải việc gì, nhất là những việc có tính truyền thuyết cuốn này cũng chép hết. Nếu mà tính thế thì có đến một nghìn chi tiết Đại Việt sử ký toàn thư không chép! Lại bảo rằng vì bản đồ thời Pháp vẽ năm 1873 không có đền Cẩu Nhi mà kết luận là đền Cẩu Nhi không tồn tại thì cũng sai lầm theo kiểu tương tự. Vì biết đâu cái đền này quá nhỏ tới nỗi chỉ là một cái chấm nên người ta không ghi vào, hay là anh làm bản đồ lại sai thì sao?

Nhà nghiên cứu Bùi Thiết: Xây đền Cẩu Nhi là vi phạm Luật DSVH!

Tôi đồng ý với quan điểm của ông Đỗ Văn Ninh là không có cái gì gọi là đền Cẩu Nhi trên gò hồ Trúc Bạch. Về mặt khoa học, những người có quan điểm về sự tồn tại của đền này không đưa ra được chứng cớ gì cả.

Trong khi đó, để một di tích được công nhận là di tích lịch sử thì cần phải có cả chục yếu tố như niên đại, các nhân vật được thờ phụng, sự công nhận (bằng sắc) của chính quyền nhà nước qua các thời, ghi nhận về ảnh hưởng của di tích trong lòng nhân dân...

Nhưng những năm 30 thế kỷ trước, khi Viện Viễn Đông bác cổ ra thông báo các làng kê khai các di tích trong địa bàn mình để làm tư liệu thì không hề có làng nào quanh khu vực Tây Hồ hiện nay kể tên đền Cẩu Nhi.

Tấm bản đồ Hà Nội do Pháp vẽ năm 1873 ghi đầy đủ các di tích quanh Hồ Tây cũng không thấy có một ghi chú nhỏ nào về đền Cẩu Nhi. Còn Thuỷ Trung Tiên tự là ngôi miếu mãi về sau mới được xây dựng, do một người Hoa bỏ tiền ra xây, và thờ Mẫu Thoải, chứ không liên quan gì đến Cẩu Nhi cả. Cái gọi là đền Cẩu Nhi đã gây nên một vụ án khoa học cách đây gần 20 năm, và gần đây nó lại dấy lên.

Tôi nghĩ rằng, cái sự "sống trong lòng dân" của Đền Cẩu Nhi chỉ bắt đầu hiện diện từ sau vụ án đó, tức là năm 1987, khi ngôi đền không có thật đó trở nên "nổi tiếng" và làm cho người ta... sợ mà nhớ! Tôi nhấn mạnh rằng người Việt không có tục thờ Chó, mà chỉ sử dụng chó hoặc tượng chó làm vật canh nhà, chứ không khi nào đưa con chó lên bàn thờ cả. Dựng một ngôi đền không hề tồn tại là Cẩu Nhi lên theo tôi là vi phạm Luật Di sản Văn hoá!
                                                  Nguồn: vnn.vn  27/7/2005

Soạn: AM 497489 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bia "Di tích Cẩu Nhi", nhưng không phải bia cổ, mà là bia mới có từ năm 1987
Soạn: AM 497487 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Nhà bia được xây dựng sau vụ án phá đền Cẩu Nhi năm 1987

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.