Các dạng kết cấu của bài báo
Kết cấu kim tự tháp ngược được coi là kết cấu hiện đại và phù hợp với tin, điều đó khỏi phải bàn. Nhưng với các bài viết chuyên sâu - tạm gọi chung như thế cho các loại "feature" thay vì phải phân loại quá chi tiết như cách gọi trong báo chí Việt Nam - thì có nhiều cách để giải quyết vấn đề cho đúng cách nhằm đảm bảo sự hấp dẫn đối với độc giả trong khi vẫn tuân thủ những quy định cơ bản của báo chí.
Với các bài viết chuyên sâu, kể cả phóng sự, chuyện tả tình tả cảnh là thường tình. Nhưng cái dở của nhiều người viết là nhiều khi cứ như thể họ đang... viết văn. Tôi đã đọc không ít bài mà lối kể "con tằm nhả tơ" làm người ta đọc đến tận quá nửa vẫn không hiểu thông điệp chính là gì (xin được không nêu dẫn chứng cụ thể vì... nhiều quá).
Một khi đã xác định được góc độ bài báo, đã chọn lựa thông tin, đã tìm ra thông điệp cốt lõi, thì trước khi viết phải làm dàn ý. Trước một trang giấy dày đặc chữ, với những ý tưởng rối rắm, độc giả sẽ không biết sẽ đi đến đâu và sẽ nản. Vì vậy, lý lẽ của phóng viên phải được sắp xếp sao cho dễ đọc, để độc giả hiểu ngay phóng viên muốn nói gì.
Giảng viên Fabienne Gérault thuộc trường Đại học Báo chí Lille của Pháp nêu lên những cách kết cấu cho bài viết như sau:
Kết cấu kim tự tháp ngược
Việc đầu tiên là tập hợp thông tin. Sau đó, sắp xếp chúng. Cách đơn giản nhất là theo thứ tự quan trọng giảm dần. Thông điệp cốt lõi phải được nói ngay ở đoạn đầu. Các đoạn sau phát triển các thông tin bổ sung. Những độc giả không có nhiều thời gian có thể ngừng đọc sau khi đã nắm những thông tin chính. Nhưng cấu trúc này thường khiến kết luận của bài không được hay, vì phần này gồm những thông tin ít giá trị nhất.
Ba quy tắc: |
* Quên đi bài nghị luận: không làm dàn ý theo kiểu bao gồm mở đầu, thân bài, kết luận, mà bài báo phải đi ngay vào trọng tâm thông tin, cùng với thông điệp chính. Sau đó sẽ đến "như thế nào" và "tại sao". * Mỗi đoạn một ý: không gì gây bực tức cho độc giả hơn là tìm thấy ở dòng thứ 15 một thông tin bổ sung cho dòng thứ 3. Gần như có thể nói rằng mỗi đoạn phải phát triển một ý. * Liên kết giữa các đoạn: luôn thu hút độc giả từ đầu đến cuối. Tránh viết "dây cà ra dây muống", chuyển đoạn một cách chặt chẽ. Điều này giúp tránh đi lan man. |
Kết cấu thời gian
Sắp xếp bài viết theo trật tự thời gian là điều bình thường, nhưng nó làm cho những gì mới diễn ra trở nên xa xôi. Kết cấu này phản lại luật xa gần. Vì vậy, chúng ta có thể bắt đầu bằng tương lai, trong trường hợp này ta sẽ có kết cấu thời gian đảo ngược. Nhưng cách này khó đọc. Cách tốt nhất là trộn hai cách: bắt đầu bằng một dự án quan trọng trong tương lai, hiện tại hoặc quá khứ vừa diễn ra, sau đó quay trở lại kết cấu thời gian.
Kết cấu tổng hợp
Kết cấu này tương tự kết cấu một bài phát biểu về lịch sử. Chúng ta bắt đầu bằng sự việc hoặc tình trạng, sau đó nói đến nguyên nhân hoặc kết quả. Kết cấu này đơn giản và logic, cho phép đề cập kỹ một vấn đề mà không làm độc giả chán. Nhưng khó tìm được trình tự thông tin và kết nối các đoạn.
Kết cấu dạng chứng minh
Phù hợp với loại bài phân tích, điều tra, bình luận. Phải đề cập đến thông tin chính, sau đó chứng minh bằng một loạt lý lẽ dựa trên các sự việc. Điều quan trọng tìm ra được cấu trúc bài. Cần rút ra những khái niệm của mỗi một loại cấu trúc để tìm ra cấu trúc thích hợp cho bài báo. Cần nhớ là phải tìm ra một trật tự và logic khi kết nối các đoạn.
Mỗi loại kết cấu có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, người viết có thể lựa chọn cho phù hợp với thông tin mà mình muốn truyền tải. Không thể nói kiểu kết cấu nào hay hơn nhưng tất cả đều có điểm chung là theo một logic nhất định để nêu bật chủ đề. Mà ít nhất, nó cũng giúp cho bài viết mạch lạc và độc giả biết điều gì đang chờ họ ở phía trước./.
Nguồn: vietnamjournalism.com, 30/3/2006