Ca dao dân ca Thái về tình yêu và sự chia ly
Chia tay, dĩ nhiên điều đó chẳng dễ dàng gì. “ Em muốn bỏ anh, nhưng em còn nghĩ đến anh, khi nép bên cửa/ Em còn nhớ anh, mỗi lúc chiều về, em đổ cám cho lợn ăn, vãi thóc cho gà mổ/ Nhớ người yêu của em, khi trâu về chuồng/ Nhớ người tình của em, khi trâu về bản”. Cái điều không muốn ấy xảy ra, dĩ nhiên là sẽ chống vắng, hụt hẫng, chơi vơi. “ Bỏ nhau, hai ta như chim chích lìa tổ/ Anh bỏ em, như con chim sẻ lìa đàn”. Vì thế, thật không lạ, khi ta gặp rất nhiều câu mãnh liệt, như “ Em bỏ anh, hãy để con trâu đực mường anh hoá thành tổ mối/ Để con chim nộc khuộc mường em biết soi gương/ Khi nào con chim nộc phi mường anh biết ru con/ Con chồn nhỏ mường anh biết cõng con, đào hố/ Thì hãy bỏ, anh yêu”. Đến lượt chàng trai cũng bộc bạch nỗi lòng: “ Anh có bỏ em, hãy đẻ quả bưởi mường anh biết huýt sáo/ Khi nào quả quýt mường em biết nói/ Khi nào con ngoạng (ve sầu) trên ngọn cây biết thổi kèn môi và biết vẫy tay/ Thì hãy bỏ, người yêu ơi!”. Hình như càng nói những điều ngược đời, càng ví với những cái không bao giờ xảy ra, thì họ mới mong “cởi” được phần nào tấm lòng của mình? “ Hãy trồng gừng biến thành nứa/ Đuôi chồn thành đuôi rồng/ Mâm cơm thành tổ mối/ Chào mào biết chải tóc/ Khướu biết thổi lửa nấu ăn/ Cá xàm biết hái hoa/ Cá pộc biết đớp sao/ Chim cút biết hâm canh/ Bọ xít biết đan sọt, gánh/ Chim sáo biết mài dao, thái rau/ Con ruồi biết bổ củi/ Cá háo biết chào khách mường xa/ Cái chõ xôi biết ngồi dậy, đòi ăn cá xẹt/ Ngồi dậy, đòi phơi nắng nửa đêm/ Ngồi dậy, đòi bắc thang hái trăng/ Được như thế ta hãy quên nhau”. Có người, ngược lại, chọn cách nói giản dị, ngắn gọn, rõ rang hơn: “ Em bỏ anh, chẳng thà bỏ cá/ Nàng bỏ chàng, chẳng thà bỏ cơm/ Bỏ mất anh yêu, chẳng thà bỏ nhà”…
Thông điệp của ca dao, dân ca Thái về tình yêu và sự chia ly khiến người đọc, người nghe không thể không chạnh lòng!
Nguồn: Ngôn ngữ & đời sống 11-2006, tr21.