BS Nguyễn Văn Quang: Giọt nắng cho đời
"Gãy cổ xương đùi ở người già rất đau. Đau lắm!" - ông nói. Năm 1983, lúc còn ở BV Bình Dân (TP.HCM), BS Văn Tần đề nghị ông "nên có đề tài gì cho Năm quốc tế người già”. Thế là ông hứa sẽ trình bày một phương pháp giảm đau bằng cách cố định tạm cho xương gãy chỉ với hai hoặc ba cây đinh mà không phải có đường mổ lớn.
Luôn nghĩ tới "người"
Từ đó, mỗi ngày có từ 1-4 ca được chữa bằng phương pháp xuyên đinh qua da, bệnh nhân có thể ngồi dậy ngay ngày hôm sau, có người ở tuổi 100... Tỉ lệ lành khoảng 60-85%. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi đã biến một phẫu thuật lớn mất nhiều máu thành một... tiểu phẫu, ít tốn kém, giúp người bệnh mau phục hồi, giảm chi phí điều trị còn khoảng 3-4 triệu đồng/ca, trong khi thay khớp tốn đến 15-25 triệu đồng/ca. Ở nước ngoài mỗi ca thay khớp, BS được khoảng 2.000 USD. Cho nên đây còn sự đấu tranh giữa lợi ích của người bệnh và lợi ích các hãng...".
11 giờ trưa, chúng tôi điện thoại xin ông một cái hẹn làm việc. Ông bảo: "Tôi đang dạy sinh viên. Vô đây đi, coi mấy em đang học, thảo luận vui lắm. Cứ vô BV Nhân Dân 115 tìm khoa chấn thương thể thao".
BS Nguyễn Văn Quang là người đầu tiên đặt nền móng xây dựng ngành y học thể thao tại phía Nam từ năm 1993. Ông nghiên cứu ảnh hưởng của thể dục thể thao trong sự hình thành thể chất, nhân cách, đến sự tổn thương sụn tăng trưởng ở trẻ em và chấn thương của người lớn trong thể dục thể thao; việc chữa trị, phục hồi chức năng, dinh dưỡng cho vận động viên...
Một đồng nghiệp nhận xét về ông: là người cuốn hút sinh viên qua các bài giảng sinh động từ lĩnh vực châm cứu, đông y, sang kỹ thuật bó bột rồi thay khớp... Học trò của ông đủ cả - từ những sinh viên y khoa, điều dưỡng, kỹ thuật viên, BS chuyên khoa cho đến các vận động viên, môn sinh võ thuật... Qua ông, cái xương vô hồn đã truyền tải bao kiến thức về sinh cơ học, cái tâm, cái đức của người thầy thuốc. Ông cưng học trò đến mức khi họ bí tài liệu thì ông tìm từng quyển sách, lên Internet hoặc xin tài liệu cho họ.Ông nói: "Nhiệm vụ của tôi là dạy để các em hiểu. Lòng mình phải rộng thì mới đủ chứa con người ta". Vì thế có nhiều người giỏi nhưng... trái chứng trái nết vẫn làm việc được với ông.
Con tằm nhả tơ
BS Nguyễn Văn Quang trong ngày được Hội CTCH TP.HCM tôn vinh là Nhân vật chấn thương chỉnh hình 2007 - Ảnh: Kim Sơn |
- Tôi suy nghĩ rất nhiều về sự khác biệt giữa sinh viên y khoa ngày xưa và ngày nay. Hồi đó, học không tốn cắc nào mà còn được cho tiền để đi học. Khi tôi học nội trú, có phòng riêng. Thứ bảy, chủ nhật ở luôn trong bệnh viện nên không xa rời người bệnh và nhờ đó mới giỏi được. Ra trường, lương BS và giảng dạy đã dư sống, nên không ai nghĩ cái gì khác. Còn bây giờ cái gì cũng phải đóng tiền. Đó là lý do tại sao sinh viên, BS trẻ tìm cách kiếm tiền, vì nếu không tự lo cho mình thì ai lo?
Những năm 1980, lương BS chỉ đủ ăn sáng nên có em ráng giữ, có em không giữ được do quá nhiều cái lôi kéo, dẫn tới thầy thuốc không thuần lo cho bệnh nhân. Tôi thường nói với các em đừng ham kiếm tiền sớm, nếu cái gì không phải của mình thì nó cũng... chạy mất!
Với sinh viên ngày nay, các bạn lo học là tôi mừng rồi. Có những em giữ được tâm huyết với nghề, lo cho người bệnh đến nơi đến chốn mà không để ý tới thù lao. Các em này đã làm được và rất khá trong các hội thảo quốc tế chứ không phải so với khu vực. Song cũng có những em chỉ cần lấy bằng chuyên môn là ra làm thẩm mỹ, giàu lắm.
Hồi đi học đông y, thầy tôi nói đa số thầy thuốc Đông phương là nhà sư, chữa bệnh không lấy tiền nên người ta gọi là thầy. Theo Đông phương, có ba vị thầy: cha mình, thầy giáo và thầy thuốc. Trong cái nghiệp thầy thuốc, không được nghĩ về mình mà phải nghĩ về người bệnh. Tùy mình thương người bệnh nhiều thì người bệnh thương mình nhiều.
Có lẽ vì vậy mà phòng mạch ông cũng khá đặc biệt: không lấy tiền khám mà còn cấp thuốc cho những người già, trẻ em, tu sĩ, bà mẹ VN anh hùng... Ông bảo: dân mình còn nhiều người thấy tội lắm, lấy tiền của người ta coi sao được.
Cả một đời ông như con tằm nhả tơ. Trong những năm tháng tận tụy truyền đạt cho sinh viên ông luôn nhắc nhở: "Thầy thuốc giỏi phải biết yêu thương bệnh nhân, tôn trọng họ, vì tất cả những gì người thầy thuốc có được là do người bệnh".
Một thầy thuốc, một nhà khoa họcBS Nguyễn Văn Quang sinh năm 1944 tại Long An. Học Đại học Y khoa Sài Gòn và tốt nghiệp tiến sĩ y khoa năm 1972 với đề tài "Kết hợp đông - tây y trong điều trị gãy xương". Từ 1972-1975 là giảng viên Đại học Y Sài Gòn và từ 1975 đến nay là giảng viên ĐH Y dược TP.HCM, chủ nhiệm bộ môn y học thể dục thể thao, phó chủ nhiệm bộ môn chấn thương chỉnh hình (CTCH) - Trung tâm Đào tạo - bồi dưỡng cán bộ y tế TP, trưởng khoa chi dưới BV CTCH TP (1985-2005). Tu nghiệp về CTCH tại Pháp, Thụỵ Sĩ, tu nghiệp về y học thể thao tại Hoa Kỳ, ông đã công bố 92 đề tài nghiên cứu có giá trị. Chỉ riêng với phương pháp xuyên đinh qua da để điều trị gãy cổ xương đùi đã áp dụng cho trên 3.000 ca, tiết kiệm trên 10 tỉ đồng cho người bệnh trong 20 năm qua. Ông được tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, Huân chương Lao động hạng 3 và được Hội CTCH TP.HCM bầu chọn là Nhân vật chấn thương chỉnh hình 2007. Cái đẹp qua mắt ôngĐã có lúc một số người chạy theo trào lưu: son môi sạm đen, tóc dựng đứng, quần hở rốn... Tôi viết vì muốn các bạn phải hiểu điều sâu xa khi nhìn một người: phải dựa trên quan niệm về y học, triết học trong cả nền văn hóa Đông phương của mình chứ không phải chạy theo trào lưu. Người xưa đã nói rằng phụ nữ đẹp có má hồng, môi son, lưng ong, gót sen - đó là phù hợp với cả đông y lẫn tây y. Môi son má hồng là tượng trưng cho bộ tiêu hóa tốt. Tiêu hóa xấu thì... môi thâm má hóp. Lưng ong gót sen là biểu hiện cho hoạt động của vùng dưới cơ thể - đặc biệt của thận và bộ phận sinh dục mạnh vững. Khi các cơ quan đó tốt thì gót chân đỏ hồng, không bị nứt, không bị móp, không bị xanh và hai chân linh hoạt, vững vàng. Vòng bụng là một biểu hiện của sự vững chắc cũng như chặt chẽ của các cơ quan nội tạng trong bụng, đặc biệt là thận, ruột, bao tử, bàng quang. Người có vòng bụng càng lớn thì sắc đẹp... càng xấu đi. Người có vòng bụng chắc vững, có eo là người có sức khỏe, mà sức khỏe là sắc đẹp. |
Nguồn: ykhoanet.com