Bốn nguyên tắc sử dụng công cụ kinh tế để bảo vệ môi trường ở Việt Nam
Thứ nhất, trên lý thuyết và thực tế, việc tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế để bảo vệ môi trường, về thực chất là việc thực hiện các khuyến khích và trừng phạt tài chính để tăng cường năng lực, động lực và sự tự nguyện, tự giác thực hiện các nghĩa vụ, các hoạt động có lợi hơn cho môi trường, cũng như bảo đảm phân phối công bằng các lợi ích thụ hưởng và các chi phí phải gánh chịu cho mục đích bảo vệ môi trường. Trước hết, cần bảo đảm yêu cầu: Người sản sinh ra phế thải và các tác nhân gây ô nhiễm môi trường sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm tài chính về hậu quả do mình gây ra, theo mức lũy tiến tương ứng với sự gia tăng các hậu quả đó; còn người được hưởng lợi từ việc sử dụng những sản phẩm và dịch vụ bảo vệ môi trường thì phải trả tiền, cũng với mức luỹ tiến theo mức thụ hưởng. Đồng thời các biện pháp tài chính đưa ra cũng phải hạn chế tiêu dùng tài nguyên không có khả năng tái tạo, tăng áp dụng công nghệ cao không có chất thải hoặc sử dụng nguyên liệu tái chế, nguyên nhiên liệu không gây ô nhiễm (chẳng hạn dùng xăng không chì thay cho xăng pha chì).
Thứ hai, mức độ của các chế tài tài chính phải mang tính cụ thể và thực tế cao, nằm trong sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp, đồng thời người dân và doanh nghiệp, đồng thời phải được cân nhắc giữa sức chịu đựng của môi trường với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; cũng như phải tính đến tác động qua lại giữa môi trường - tài nguyên thiên nhiên - kinh tế - dân số. Sẽ là không hợp lý khi mà các chi phí môi trường áp đặt cho doanh nghiệp khiến giá thành sản phẩm (không bị cấm hoặc hạn chế sản xuất - kinh doanh) của doanh nghiệp bị đội lên quá cao, doanh nghiệp không bán được hàng và bị phá sản. Cũng sẽ rất bất cập và không khả thi về môi trường (như việc đóng cửa rừng hoặc di dời những người dân khỏi chỗ ở cũ với nghề nghiệp quen thuộc trong khuôn khổ những dự án bảo vệ môi trường) cắt đứt nguồn sống tối thiểu, duy nhất của người dân, trong khi Nhà nước hoặc chủ đầu tư của dự án môi trường không mở lối thoát thích hợp cho họ về sinh thái… Điều cần lưu ý là các công cụ tài chính phải được sử dụng mềm dẻo, hợp lý nhằm hạn chế thấp nhất mặt trái của chúng đến kìm hãm phát triển kinh tế và cả đến mục tiêu bảo vệ môi trường (như nếu đánh thuế Gas quá cao sẽ khiến người tiêu dùng chuyển sang đun than, do đó làm tăng ô nhiễm môi trường).
Thứ ba, ngày càng đa dạng hóa và sử dụng đồng bộ, hài hoà và linh hoạt các công cụ kinh tế phù hợp đối tượng và mục tiêu cụ thể bảo vệ môi trường như đa dạng hóa các công cụ tài chính được sử dụng cho mục tiêu bảo vệ môi trường, bao gồm: Các định chế tài chính - tín dụng môi trường (quỹ môi trường, ngân hàng môi trường, các công ty đầu tư môi trường…), thuế, phí và lệ phí tài nguyên, môi trường.
Ngoài ra, cần không ngừng cập nhật và sử dụng thích hợp những công cụ mới, như tem, nhãn, chứng chỉ về môi trường để tạo lòng tin cho người tiêu dùng, làm tăng trách nhiệm của doanh nghiệp, cũng như sự hấp dẫn, cạnh tranh của thương hiệu, sản phẩm cả trên thị trường trong nước, lẫn quốc tế.
Chi phí của nhà nước và doanh nghiệp cho bảo vệ môi trường phải thường xuyên tăng (thực tế cho thấy, để phát triển bền vững, mức chi cho nghiên cứu khoa học - kỹ thuật - công nghệ, giáo dục và đào tạo, cải thiện môi trường của mỗi nước thường phải đạt tối thiểu 1,5 - 2% GDP hàng năm, riêng chi cho bảo vệ môi trường ở cả nước phát triển là 0,8-1,7% GDP). Nguồn vốn của các định chế tài chính - tín dụng môi trường này được hình thành từ các nguồn khác nhau: ngân sách nhà nước, quyên góp, ủng hộ tự nguyện, vốn viện trợ, vay thương mại, huy động từ xổ số, tín phiếu môi trường, đặc biệt là từ các loại thuế và lệ phí môi trường.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng các công cụ kinh tế với các công cụ khác nhằm đạt được những mục tiêu bảo vệ môi trường dài hạn, cũng như lựa chọn thích hợp cho từng thời kỳ cụ thể như sau:
Một mặt, cần coi trọng việc rà soát điều chỉnh, thay thế, nâng cấp, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường, cụ thể hóa cho từng nhóm tác nhân, hành vi gây ô nhiễm môi trường, cho từng loại ô nhiễm, cho từng đối tượng chấp hành cụ thể trong quá trình thực hiện các hoạt động gây ô nhiễm và giám sát, bảo vệ môi trường. Quy định rõ cả những tiêu thức, chỉ tiêu, định mức và định tính cho các vi phạm bảo vệ môi trường và mức xử phạt tương ứng. Mặt khác, cần lồng ghép, gắn kết các nhiệm vụ và mục tiêu môi trường trong các hoạt động xây dựng và triển khai quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế xã hội cả cấp quốc gia lẫn địa phương.
Tăng cường xã hội hoá các hoạt động cung cấp dịch vụ công ích đô thị, trước hết trong công tác vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch và thoát nước; xây dựng, khai thác, quản lý các công viên cây xanh, chợ, bến xe và các trung tâm dịch vụ khác… nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh, khắc phục sự quá tải, cải thiện dần chất lượng các dịch vụ đô thị, trực tiếp góp phần bảo vệ môi trường. Cần khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh và công khai hóa các quy định pháp lý cho sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vào các hoạt động trên, đồng thời từng bước thu hẹp và bãi bỏ sự độc quyền cung cấp các dịch vụ này từ các DNNN.
Tăng cường phân cấp và phối hợp, kiểm tra trong quản lý môi trường. Các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường cần được điều chỉnh theo hướng tăng cường phân cấp quản lý các hoạt động bảo vệ môi trường cho các quận, huyện, xã, phường và cơ sở trực tiếp hoạt động tại địa phương. Sự phân cấp trách nhiệm, yêu cầu bảo vệ môi trường trên từng địa bàn cần được khép kín, tập trung và bao quát, tạo thuận lợi cho sự chủ động của địa phương, cơ sở, cũng như phát huy sức mạnh, lợi thế, năng lực, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ sở được phân cấp trong tổng thể mạng lưới, guồng máy hoạt động bảo vệ môi trường; đồng thời, cần gắn với sự phân cấp đầy đủ, đồng bộ về kinh phí, về quyền hạn, quyền lợi (kể cả về thu và sử dụng phí môi trường) trong tổ chức triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường được phân cấp tương ứng. Ngoài ra, cần có những quy định cụ thể về yêu cầu, nội dung, phương thức, chế độ kiểm tra, giám sát, kế toán và kiểm toán thích hợp nhằm đảm bảo mục tiêu, yêu cầu và hiệu quả của các hoạt động quản lý môi trường, xã hội hóa và phân cấp bảo vệ môi trường.
Kiện toàn công tác tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả của các đơn vị, tập thể trực tiếp tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Trước hết, cần xây dựng những cơ quan chuyên trách về quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường theo hướng tập trung chức năng, định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cơ chế hoạt động cụ thể.
Đặc biệt, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông tin của cơ quan chức năng cho nhân dân biết để tiếp cận dễ dàng việc xử lý các tranh chấp, khiếu kiện và tố giác về các hành vi xâm hại môi trường diễn ra hàng ngày. Các cơ quan này phải có trách nhiệm và đủ quyền hạn tiếp nhận, giải quyết theo chế độ " một cửa". Thành lập các tổ thanh tra môi trường chuyên trách từ cấp Trung ương, tỉnh, thành phố xuống tới các quận, huyện, xã, phường với quyền hạn lớn, kèm theo các chế tài được quy định rõ ràng, cụ thể để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm các quy định về quản lý môi trường trên địa bàn. Dùng cơ chế thưởng tiền xứng đáng cho các tổ này theo phương châm "l ấy kinh phí hoạt động của tổ thanh tra chủ yếu từ nguồn thu tiền phạt mà tổ thu được, giảm thiểu bao cấp và ngăn ngừa lạm dụng, nhũng nhiễu".
Tăng cường công tác giáo dục, đào tạo về nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng và tôn vinh xứng đáng các cán bộ, nhân viên làm tốt công tác Bảo vệ môi trường cả về vật chất lẫn tinh thần cho từng người, từng chức danh cụ thể. Đặc biệt, cần ưu tiên bố trí những cán bộ được đạo tạo cơ bản, có bằng cấp chuyên sâu về môi trường và quản lý đô thị vào các vị trí then chốt, nhạy cảm trong guồng máy và mạng lưới bảo vệ môi trường các cấp. Tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế và thế giới để học tập, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm quản lý môi trường. Xây dựng hệ thống chức danh tiêu chuẩn chính thức và các giải thưởng, danh hiệu, chế độ khen thưởng, kỷ luật về môi trường để áp dụng thống nhất, có hiệu lực và hiệu quả trên toàn quốc, cũng như ở mỗi địa phương, nhằm phát huy sức mạnh đồng thuận toàn xã hội cho công tác quản lý môi trường.