Biện pháp phòng chống rét cho trâu bò cày kéo
Dưới đây là một số biện pháp tổng hợp:
I. Nuôi dưỡng chăm sóc
1. Nguồn thức ăn
Trâu bò thường sử dụng thức ăn thô xanh là chủ yếu, nên rất đa dạng:
- Sản phẩm phụ nông nghiệp: rơm, thân cây ngô đã thu bắp, dây lang, dây lạc, ngọn và lá mía…
- Sản phẩm phụ từ chế biến từ nông sản, thủy sản: bã bia, bã dứa, bã mía, rỉ mật, khô dầu lạc, khô dầu đậu tương, bã sắn, bã cá mắm…
- Tận dụng đất: để trồng các loại cỏ, trồng cây lấy củ, quả (bí, dưa, khoai, sắn…).
- Cắt cỏ tự nhiên vào mùa cỏ phát triển. Tận dụng lá cây rừng và chăn thả ở bờ đê, dưới tán rừng (có cỏ), dọc đường đi, cỏ trên cánh đồng lúa sau thu hoạch mùa màng…
2. Chế biến, dự trữ thức ăn:
- Phôi khô: rơm, cỏ… đánh đống, bó thành bó để trên sàn, trên gác chuồng hoặc đóng bánh (nếu có)…
- Ủ xanh, ủ chua: các loại thức ăn thô xanh như: cỏ, dây lang, thân cây ngô non gieo dầy hoặc thân cây ngô đã thu bắp… Ủ chua, ủ xanh thức ăn thô xanh với ure và rỉ mật làm tăng giá trị dinh dưỡng, tăng tính ngon miệng và dễ tiêu hóa. Còn có giá trị dự trữ được lâu dài cho mùa đông giá rét.
Rơm khô để nguyên hoặc cắt thái được tưới thêm vôi, ure hòa tan trong nước, tưới vào rơm cho mềm dễ ăn và tăng thêm giá trị dinh dưỡng.
3. Sử dụng thức ăn:
- Tùy theo loại thức ăn được khai thác và sử dụng theo khẩu phần cho từng đối tượng trâu bò về: khối lượng cơ thể, về tính chất và khả năng lao tác, về tình trạng sinh lý và sức khỏe và thời tiết.
- Thức ăn loại dài và cũng có thể chặt ngắn hoặc cho máng thái (nếu có) để trâu bò dễ ăn. Có thể vẩy nước ure hoặc muối làm tăng tính ngon miệng và dễ tiêu hóa.
- Thức ăn phải sạch, không ôi thiu, không thối, không mốc… không để thức ăn bừa bãi, dính phân và đất, cát.
- Trâu bò lao tác nặng nhọc, cần bổ sung thêm thức ăn tinh vào ban đêm.
4. Nước uống:
- Hàng ngày cho uống đủ nước sạch sau bữa ăn. Nếu uống trong chuồng cần có máng hoặc xô, chậu sạch sẽ.
- Trời giá lạnh cần cho uống nước ấm, có thể pha thêm ít muối.
5. Chăm sóc
- Mặc dù trâu thích đầm tắm, khi thời tiết giá lạnh tuyệt đối không cho xuống sông, ngòi, ao, chuôm… để đầm tắm. Chỉ chải khô toàn thân và cậy bùn, đất ở bàn chân và kẽ móng cho sạch.
- Theo dõi sức khỏe qua ăn uống, làm việc và mọi trạng thái sinh lý không bình thường.
- Khi thời tiết rét buốt cần quấn bao tải hoặc chăn cũ rách trên toàn thân trâu bò.
II. Sử dụng làm việc
- Buổi sáng không nên đi làm quá sớm, nếu trời giá rét có sương muối khi tan sương mới cho đi làm.
- Buổi chiều phải đi làm nên cho trâu bò về nghỉ sớm để tránh giá lạnh.
- Những ngày gió bão, mưa phùn lạnh buốt nên cho trâu bò nghỉ tại chuồng, kể cả khi chăn thả ngoài trời.
- Trong thời gian lao tác cần có thời gian giải lao, tùy theo tính chất lao tác để dành thời gian giải lao thích hợp.
- Theo dõi sức khỏe bình thường mới sử dụng làm việc. Nếu thấy sức khỏe yếu hoặc có biểu hiện ốm cần cho nghỉ ngơi và bồi dưỡng.
III. Chuồng trại
- Chuồng theo hướng đông nam là thích hợp. Nền chuồng luôn sạch sẽ, khô ráo – mùa rét nên rải chất đệm trên nền chuồng (nếu không để lấy phân).
- Che kín hướng đông bắc, gió lùa. Kể cả cửa chuồng ra vào cũng cần có phên che chắn gió.
- Trong chuồng những ngày giá buốt có thể đốt đống dấm bằng trấu, mùn cưa hoặc đốt củi cho trâu bò sưởi ấm. Tránh để trâu bò tiếp cận chỗ sưởi ấm.
- Xung quanh chuồng trại cũng phải dọn quang đãng, không để cây cối um tùm, rậm rạp. Đó là nơi ẩn náu của chuột, bọ, ruồi, muỗi và các mầm bệnh khác. Định kỳ phun thuốc diệt ruồi, muỗi.
Tóm lại: một số điều cần lưu ý khi chăm sóc sức khỏe trâu bò cày kéo, nhất là mùa đông gió rét:
+ Cung cấp thức ăn đầy đủ cả về số lượng và chất lượng trong thời kỳ làm việc.
+ Chuồng trại có đủ diện tích và không nên nhốt quá nhiều trâu bò với các loại tuổi và các trạng thái sinh lý khác nhau trong một chuồng. Chuồng phải thoáng mát “ấm đông, mát hè”.
+ Tránh làm việc trong thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, hoặc mưa gió quá to.
+ Luôn cung cấp nước uống sạch đầy đủ. Đối với trâu khi trời ấm áp nên cho chúng đầm tắm.
+ KHông để trâu bò làm việc lâu, làm việc quá nặng hoặc kéo tải quá sức so với sức khỏe và trạng thái sinh lý của chúng.
+ Trong ngày làm việc, giữ giờ làm hợp lý và điều độ, tùy theo lao tác để định giờ giải lao thích hợp. Trong cả thời gian làm việc bố trí đủ thời gian để trâu bò nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe tốt nhất.
+ Thay đổi điều kiện làm việc, loại hình công việc phải thay đổi từ từ để trâu bò thích nghi dần, tránh gây sốc cho chúng.
+ Trâu bò bị bệnh hoặc đau ở vùng nào đó, phải cho nghỉ ngơi đến khi phục hồi. Điều trị các vết thương, bệnh ngoài da một cách nhanh chóng và chú ý tránh ruồi muỗi. Luôn kiểm soát động vật ký sinh để có biện pháp can thiệp kịp thời.
+ Trâu bò cày kéo phải được tiêm phòng vác xin các bệnh truyền nhiễm theo lịch tiêm phòng và tẩy giun sán đều đặn theo định kỳ. Khi xảy ra dịch bệnh phải kịp thời báo với thú y, thực hiện nghiêm túc những quy định phòng chống dịch bệnh.