Bí mật của nỗi khiếp sợ
Ở phần cuống não có một thùy mang tên Hạnh nhân (amygdala). Mặc dù các nhà khoa học đã sớm biết thùy hạnh nhân là “trung khu khiếp sợ” trong não, có tác dụng mấu chốt đối với việc phán đoán tín hiệu khiếp sợ, nhưng vẫn chưa rõ nó đóng vai trò ra sao trong quá trình phán đoán thể hiện này ở loài người. Gần đây, các nhà khoa học Mỹ cũng đã khám phá ra bí mật này.
Thực hiện nghiên cứu này là A-đơ-phi, giáo sư về tâm lý học và khoa học hệ thống thần kinh Mỹ. Ông đã quan sát suốt hơn 20 năm đối với một phụ nữ 38 tuổi bị mắc một loại bệnh về gien hiếm thấy khiến thùy hạnh nhân bị tổn hại, do đó mà không phân biệt được biểu hiện khiếp sợ ở người khác.
Ông cho người phụ nữ đó cùng những người tình nguyện khác xem qua lỗ nhỏ tấm ảnh thể hiện tình cảm khác nhau trên mặt người, trong đó có ảnh một bộ mặt người thể hiện nỗi khiếp sợ, một ảnh khác là bộ mặt người thể hiện niềm vui sướng. Kết quả là người có não bình thường thường trực tiếp nhìn vào mắt, nhất là khi đối diện với bộ mặt thể hiện nỗi sợ hãi. Nhưng người phụ nữ đó thì không thể có cái nhìn bản năng là vào mắt, mà cứ trân trân nhìn vào bức ảnh, cuối cùng phán đoán rằng mặt người trên ảnh chẳng có thể hiện gì đặc biệt.
Đáng chú ý là, nếu nhà khoa học nhắc nhở người phụ nữ đó chú ý nhiều vào mắt người trong các ảnh, thì bà ta cũng có thể phán đoán ra người nào ở tình trạng khiếp sợ. Nhưng khả năng đó chỉ duy trì rất ngắn, cần phải không ngừng nhắc nhở bà ta chú ý nhìn vào chỗ mắt của người trong ảnh.
Các nhà nghiên cứu từ đấy rút ra kết luận: Thùy hạnh nhân bị tổn hại tuy không thể chỉ đạo hệ thống thị giác để thu thập thông tin, nhưng khả năng xử lý tín hiệu thị giác của nó vẫn hoàn chỉnh. Nói khác đi, ngoài phân tích tín hiệu của mắt, thùy hạnh nhân còn biết báo cho bạn đầu tiên hãy chú ý tới mắt của người khác.
Lòng trắng mắt lộ ra càng lớn thì càng dễ bị dọa nạt
Các nhà khoa học ở Đại học Wisconsin (Mỹ) đã nghiên cứu sâu hơn một bước, phát hiện thấy ở trên mặt người bị dọa nạt, lòng trắng mắt (củng mạc) lộ ra nhiều.
Trong quá trình thực nghiệm, các nhân viên nghiên cứu đã cho những người tình nguyện xem một loạt bức ảnh biểu lộ tình cảm và dùng máy cộng hưởng từ để đo tình trạng hoạt động não của họ. Kết quả đã chứng tỏ, thùy hạnh nhân của những người tình nguyện chỉ có phản ứng với những con mắt mở to ra vì khiếp sợ, không có phản ứng với đồng tử và lòng đen con mắt. Mức độ phản ứng của thùy hạnh nhân có quan hệ tỷ lệ thuận với kích thước to nhỏ của lòng trắng mắt. Các nhân viên nghiên cứu suy đoán rằng sự biến hóa to nhỏ của lòng trắng mắt có thể là tín hiệu “khiếp sợ” duy nhất thùy hạnh nhân có thể tiếp thụ và phản ứng.
Đi tìm phương cách mới chữa trị chứng khiếp sợ
Sự sợ hãi thích đáng có thể giúp mọi người tránh được nguy hại, bảo vệ cho mình khỏi bị tổn thương. Nhưng nỗi sợ đối với những sự vật, người bình thường không sợ sẽ gây phiền phức, khó hiểu cho mọi người, thậm chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và công việc hằng ngày. Do đó,việc tìm ra cơ chế não nhận biết và tiêu trừ nỗi hoảng hốt có thể giúp giải thoát cho người bị nỗi khiếp sợ bao vây, ám ảnh.
Những nghiên cứu chụp ảnh thần kinh cho thấy, giả sử các bộ phận khác của não đang suy xét về một số sự tình nào đó, thậm chí không nhận ra là mình đang trong tình trạng chú ý tới một vật thể khủng khiếp, thì thùy hạnh nhân vẫn từng giờ, từng phút cảnh giác rằng tai nạn đang tới! Ví dụ, nếu tấm ảnh chụp một bộ mặt có biểu lộ tình cảm hiện ra trên màn ảnh một lúc rất ngắn rồi được thay thế bằng tấm ảnh chụp bộ mặt dửng dưng, người tham gia thí nghiệm sẽ nói là chỉ nhìn thấy một bộ mặt vô tình. Trong khi đó, thùy hạnh nhân lại cảm thấy nên tăng cường hoạt động khi tấm ảnh có tình cảm xuất hiện. Còn khi tấm ảnh có bộ mặt vô tình xuất hiện thì nó lại lập tức phục hồi như bình thường.
Thùy hạnh nhân có tác dụng mấu chốt trong quá trình nhận biết và tiêu trừ nỗi sợ hãi, nhất là ở thời kỳ ban đầu của quá trình. Nếu có một loại thuốc có thể tác động vào thùy hạnh nhân thì có thể cótác dụng trị liệu chứng khiếp sợ, hoảng hốt.
Nguồn: vnexpress.net 22/9/2005