Bí ẩn của trí nhớ
Máy tính điện tử - một kỳ quan của thế kỷ 20 - đã không thể đuổi kịp con người ! Sacuntalê Đêvi - người phụ nữ có tên như vậy - và máy tính điện tử đều được giao đồng thời các nhiệm vụ.
Khai căn bậc bảy của một số có ba mươi sáu chữ số;
Nhân hai con số có mười bảy chữ số, chia tích số đó cho một số có ba chữ số và cho biết số dư là bao nhiêu;
Giải phương trình ba ẩn số…
Sau một vài giây, trước cả máy tính, Đêvi đã thông báo kết quả. Vậy mà máy tính có thể sau một giờ thực hiện được những phép tính đòi hỏi hai năm trời làm việc của một kỹ sư tính toán…
Các thông báo về những người như thế xuất hiện trên báo chí thế giới không phải là ít. Suốt nhiều năm, nghệ sĩ tạp kỹ Aragô đã làm mọi người phải ngạc nhiên. Người ta kể rằng, một lần các điều kiện của bài tập đã bị làm sai lạc đi một cách cố ý trước khi giao cho Aragô để xem anh ta xử trí như thế nào. Việc này diễn ra ở Kiep với sự có mặt của một số nhà bác học. Một nhà bác học đề nghị Aragô khai căn bậc hai của 485 765 786 891. "Căn này sẽ được khai không có dư", - vị giáo sư nói tiếp.
Thường thường, một bài toán như vậy đối với Aragô không phải là to chuyện. Nhưng lần này, câu trả lời bị trì hoãn. "Thưa giáo sư, ông tin rằng đã nêu đúng con số đấy chứ?" - "Vâng, tất nhiên rồi". Aragô tiếp tục tính toán. Trán anh ta đã lấm tấm mồ hôi, anh đã mệt mỏi vì căng thẳng và rốt cuộc anh nói một cách bực tức: "Thưa giáo sư, ông lầm rồi! Thay cho ba con số suối cùng 891 phải là 961 mới đúng. Chỉ có thế mới không có dư".
Điều gì còn đang ẩn náu trong khả năng tính nhanh như chớp giật khác thường ấy? Cho đến nay, những người này vẫn là bí ẩn thật sự đối với khoa học. Vì sao người này trí nhớ rất tốt ở người kia trí nhớ lại tồi? Chỉ có thể giả định rằng ở đây chúng ta đang động chạm đến những cơ cấu nào đó làm nhiệm vụ bảo vệ cho não khỏi quá tải thông tin, khỏi những cứ liệu mà cơ thể không thật cần thiết. Những cơ cấu như thế có thể là "cảnh giác" hoặc ngược lại, "làm việc không ngơi". Trong trường hợp như sau, có thể chúng ta bắt gặp phải những người tính nhanh.
Khi nghiên cứu trí nhớ, các nhà khoa học đã phát hiện: thông thường ở người lớn tuổi, khối lượng trí nhớ có một ý nghĩa hoàn toàn xác định. Nếu nêu ra 7-9 âm tiết, chữ cái hoặc con số khác nhau, người ta có khả năng nhắc lại chúng không sai sót. Để ghi nhớ 12 âm tiết, cần 15-17 lần nhắc lại, còn để lưu giữ được trong trí nhớ 24 âm tiết, cần tới hơn bốn mươi lần nhắc lại.
Hình ảnh người bình thường là như vậy. Còn ở người "không bình thường" thì sao? Gọi là "không bình thường" chỉ trong ý nghĩa là người đó có trí nhớ khác thường. Tất nhiên, chúng ta không thể gọi người như thế là không trọn vẹn về tâm thần. Nghệ sĩ pianô Rakhmaninôp có một trí nhớ về âm nhạc phi thường. Nhà thám hiểm người Nga N. P. Prơgiêvanxki và nhà toán học Đức L. Ơle đều có trí nhớ siêu phàm. Rồi anh Aragô kia nữa - tất cả những ai đã từng biết anh đều nhớ rằng đó là một người hoàn toàn bình thường. Những nhà bác học đã từng kiểm tra anh nhiều lần. Các bác sĩ tâm thần đã không hề nhận thấy những sai lệch đặc biệt nào trong tâm lý. Anh là người "không bình thường" chỉ trong khả năng tính toán của anh.
Những khả năng tính nhẩm nhanh hiếm có không phải lúc nào cũng là bẩm sinh. Vài năm trước đây, báo chí có đưa tin: "Cả nước Tây Ban Nha xôn xao về một thanh niên Tây Ban Nha có trí nhớ phi thường. Đó là Đôn Lidardo Ôcampo, linh mục ở thành phố Xan Marinô de Bôrêla. Anh không chỉ giải nhẩm nhanh tức thời những bài toán số học khó nhất- các phương trình nhiều ẩn số, khai căn, tính lôgarit với 300 chữ số hoặc hơn nữa - mà còn có thể nhắc lại bất kỳ danh sách tên người tuỳ ý nào, bảng kê khai đầy đủ những giải trúng xổ số quốc gia Tây Ban Nha, tổng phổ nhạc phức tạp nhất, sau khi đã đọc chúng chỉ một lần. Đọc hết một cuốn sách, anh ta có thể nhắc lại thuộc lòng cuốn sách ấy".
Như người ta biết, đôn Lidardo có được tài nghệ đó sau khi anh ta bị ốm nặng.
Các nhà nghiên cứu trí nhớ còn biết những trường hợp khả năng tính toán tức thời bỗng nhiên biến mất. Một thần đồng tính nhanh xuất hiện, thời gian trôi qua và người ấy trở nên "như tất cả mọi người". Vì sao vậy?
Một trong những lời giải đáp có thể liên quan đến các giả thuyết về cơ chế bảo vệ có nhiệm vụ tránh cho não khỏi các thông tin dư thừa. Nếu có tồn tại một cơ chế như vậy thì bệnh tật hoặc một nguyên nhân nào khác có thể làm thay đổi tính chất hoạt động của nó, hoặc làm kích thích, hoặc làm giảm yếu trí nhớ đi.
Cuối cùng, cũng cần nhắc tới những người nắm vững một cách hoàn hảo nhiều ngoại ngữ. Người ta đã từng gọi một trong những "tạo vật hiếm hoi" như vậy, Giudepê Metxôphanti người Italia, là "hiện tượng kỳ diệu về ngôn ngữ". Và điều đó thật đúng. Ngoài những ngôn ngữ chủ yếu ở châu Âu, anh còn biết tiếng Extônia, tiếng Grudia và tiếng Armênia, tiếng Hylạp và tiếng Batư cùng nhiều thứ tiếng kkác.
Trí nhớ của con người này có khả năng thu nhận một số rất lớn những từ chưa biết. Có lần người ra hỏi anh: "Một người có thể biết bao nhiêu ngoại ngữ?" - anh đã trả lời: "Chúa trời có thể biết bao nhiêu thì con người có thể biết bấy nhiêu". Ngày nay, một câu trả lời như vậy có thể bị đánh giá như câu trả lời của một gã đạo đức giả sặc mùi tôn giáo, nhưng hồi đó, vào đầu thế kỷ 19, số phận của một sinh viên người Phần Lan còn tươi rói trong trí nhớ mọi người. Toà xử anh chỉ vì anh... "đã đọc các ngoại ngữ nhanh đến nỗi phải có sự trợ giúp của ma quỷ mới có thể làm được điều đó".
Dường như các nhà khoa học có tất cả mọi khả năng để nghiên cứu những con người như thế (nếu không tính đến những người điên). Đấy ngay bên cạnh bạn là một con người sống - một điều bí ẩn, bạn hãy nghiên cứu anh ta - hãy kiểm tra, căn vặn, thí nghiệm kết luận… Mặc dầu con người này sẵn sàng đồng ý cho nghiên cứu, đồng ý nói ra những điều nhất định nào đó về mình, song anh ta không thể giúp phát giác các cơ chế sản sinh ra tài nghệ hiếm hoi đó của anh ta. Không thể bởi vì chính anh ta cũng không biết điều đó được tạo ra như thế nào!
Một số thần đồng tính nhanh nói rằng lời giải bài toán hiện trong đầu họ như câu trả lời có sẵn vậy. Những người khác khẳng định dường như họ "nhìn thấy" trước mắt mình toàn bộ quá trình giải bài toán, vả lại, tất cả diễn ra rất nhanh, một phép tính này thay thế chớp nhoáng phép tính kia, rồi phép tính thứ ba, thứ tư, và qua một khoảng khắc ngắn ngủi, trước mắt anh ta nảy ra kết quả cuối cùng là lời giải.
Những người đó không thể nói được một điều gì khác hơn.
Rõ ràng, ở đây ta chạm trán với những quá trình diễn ra chủ yếu trong phạm vi của vô thức - ở những vùng trong não mà hoạt động của chúng không được chúng ta ý thức một cách trực tiếp.
Và ở đây chẳng có gì là "trò bịp bợm láu cá" cả. Vốn dĩ chúng ta còn hiểu biết rất kém không chỉ bản chất của trí nhớ, mà cả "kho chứa" nó trong não. Người ta biết rằng, chỉ có một phần hoàn toàn không đáng kể những thông tin từ bên ngoài đi vào não chúng ta là có thể đạt tới ý thức. Song tất cả phần còn lại không biến đi mà được lưu trữ đâu đó trong tiềm thức và ở những điều kiện nhất định, chúng có thể xuất hiện trong ý thức dưới dạng hồi ức, dưới dạng những hình ảnh thoáng qua lờ mờ hay rõ nét.
Nguồn: vnexpress.net 12/10/2005