Bệnh thối nhũn bắp cải
Có hai loại bệnh thường gây thối bắp cải, một bênh do nấm và một bênh do vi khuẩn, trong đó bệnh hại do vi khuẩn gọi là bệnh thối nhũn phổ biến hơn. Qua mô tả của bạn chúng tôi cho rằng loại bệnh đang tấn công ruộng bắp cải của bạn là bệnh thối nhũn do vi khuẩn.
Bệnh thối nhũn bắp cải do vi khuẩn Erwinia carotovoragây ra. Bệnh phát sinh nhiều khi bắp đã cuốn. Vết bệnh từ đầu bắp lan dần xuống phía gốc và ăn sâu vào trong bắp làm thành các khoảng trống, các lá bị héo rũ và cụp xuống để lộ ra cả bắp bị thối. Ở chỗ mô cây bị thối chứa đầy một chất dính màu vàng, có mùi hôi nồng khó chịu. Trong điều kiện khô nắng, các vết bệnh phía ngoài đỉnh bắp bị khô tạo thành các màng mỏng và trong. Sau thu hoạch, trong quá trình bảo quản cất giữ, bệnh có thể tiếp tục lan sang các bắp lành, làm thối hàng loạt.
Bệnh thối nhũn vi khuẩn trên bắp cải phát sinh nhiều trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, từ 25-30 độ C, ẩm độ cao mưa nhiều. Ở Đồng bằng Bắc Bộ và Lâm Đồng bệnh phát sinh vào tháng 2, tháng 3 trên bắp cải trồng muộn. Đặc biệt, ở những ruộng thường xuyên ẩm ướt, bón nhiều đạm, thiếu kali hay bị bệnh nặng. Cây bị sâu hại cũng tạo điều kiện cho bệnh phát triển nhiều hơn. Để phòng trừ bệnh thối bắp cải do vi khuẩn, cần kết hợp các biện pháp sau đây:
- Cày bừa kỹ đất trồng, bón thêm vôi, lên luống cao để thoát nước.
- Không bón nhiều phân đạm hoá học, cần bón thêm kali. Hiện nay trên thị trường có loại phân đạm giàu kali, tên thương mại là MULTI-K, bà con có thể sử dụng để tưới bổ sung vào gốc hoặc phun lên lá vài lần từ khi cây bắp cải bắt đầu cuốn.
- Khi chăm sóc tránh làm cây bị sây sát, không để đọng nước ở gốc, diệt trừ các loại sâu ăn lá, nhất là sâu khoang.
- Thường xuyên nhặt bỏ các lá già úa phía gốc, nhổ bỏ các cây bị bệnh rồi rắc vôi bột vào gốc.
- Các loại thuốc có thể dùng để phòng trừ bệnh thối nhũn vi khuẩn bắp cải là Hoả Tiễn (hoạt chất là HypobromousAcid), SAIPAN(hoạt chất là Kasugamicin)… Tuy nhiên, để thuốc đạt hiệu quả như mong muốn, cần sử dụng sớm để phòng ngừa ngay từ khi bệnh chưa hoặc mới bắt đầu phát sinh, đồng thời cần chú ý kết hợp xử lý thuốc với những biện pháp canh tác nêu ở trên thì hiệu quả phòng trừ mới cao.
Nguồn: Kinh tế nông thôn, số 10 (496), 6/3/2006