Bệnh mắt - tuyến giáp
Dấu hiệu thường thấy ở bệnh mắt - tuyến giáp là lồi nhãn cầu do hiện tượng phù nề và các phản ứng viêm ở các mô quanh hốc mắt đã đẩy nhãn cầu ra phía trước. Phù nề cũng lan tràn và khu trú ở các mô quanh hốc mắt, nhất là ở mí mắt làm cho hai mí không khép kín lại được. Giác mạc (lớp màng cứng ở trước nhãn cầu) do không được mí mắt che kín để bảo vệ nên dễ bị viêm, loét, thậm chí thủng (do bụi, dị vật hoặc nhiễm khuẩn). Các cơ vận động nhãn cầu cũng bị phì đại (do viêm, phù nề) khiến chuyển động của nhãn cầu bị hạn chế. Ở các bệnh mắt - tuyến giáp nặng (thường gọi là ác tính) thần kinh thị giác vừa bị hiện tượng viêm và phù nề chèn ép, vừa bị nhãn cầu kéo căng ra phía trớc, nên bị tổn thương; thị lực của bệnh nhân bị giảm sút nhanh chóng, có trường hợp bị mù hẳn.
Những nguy cơ dẫn đến bệnh?
Bệnh nhân dễ bị các bệnh về mắt liên quan đến tuyến giáp nếu:
- Đã bị bệnh basedow: Trên 90% các trờng hợp bệnh basedow kết hợp với bệnh mắt – tuyến giáp.
- Đã có từ trước cơ địa di truyền: Thường bệnh nhân basedow dễ bị biến chứng về mắt (lồi nhãn cầu, hở mí mắt...) ở những người đã có cơ địa di truyền.
- Bị các nhân tố bên ngoài tác động: Các nhà nghiên cứu thường chú ý đến tác động của các stress, các chấn thương...Nhân tố này gây ra các tổn thương ban đầu ở tuyến giáp và khởi động hiện tượng rối loạn miễn dịch ở cả tuyến giáp và mắt.
- Thuốc điều trị basedow có thể là nguyên nhân làm xuất hiện các đợt phát triển của bệnh mắt – tuyến giáp, iot 131 dùng trong điều trị bệnh mắt nặng thêm.
Các giai đoạn phát triển của bệnh
Bệnh nhân có thể tự theo dõi các giai đoạn phát triển của bệnh mắt – tuyến giáp theo các phân loại sau:
Giai đoạn 1: Chỉ có dấu hiệu mí mắt co lại khiến hai mí mắt không khép kín lại được.
Giai đoạn 2: Có thêm hiện tượng phù nề ở hai mí mắt và các mô mềm ở quanh nhãn cầu (sưng, đỏ đau). Phù nề làm cho hai mí mắt không khép kín lại được, và tiến triển từ nhẹ đến nặng.
Giai đoạn 3: Có thêm dấu hiệu lồi nhãn cầu. Độ lồi ngày càng tăng.
Giai đoạn 4: Các cơ vận động nhãn cầu bị tổn thương (phù nề, phì đại) khiến độ di động của nhãn cầu trong hốc mắt bị hạn chế dần cho tới khi mất hẳn.
Giai đoạn 5: Giác mạc bị tổn thương (do hai mí mắt không khép kín được, màng này bị phơi nhiễm trước gió bụi, dị vật, vi khuẩn trong môi trường bên ngoài); từ mức độ nhẹ là viêm giác mạc đến loét và thủng.
Giai đoạn 6: Giảm thị lực (do thần kinh thị giác bị căng, kéo...) từ 7/10 xuống 3/10, có thể giảm tới 1/10 hoặc mù hẳn.
Diễn biến của bệnh trong thời gian dài hay ngắn không thể đoán trước được. Các quá trình viêm đột ngột mất hẳn trong khi các tổn thương khác (đã được hiện tượng xơ dính làm dịu đi hoặc cố định lại) vẫn còn nguyên.
Điều trị
Đối với các trường hợp nhẹ, mục tiêu điều trị là giúp bệnh nhân có thể đợi đến lúc các quá trình viêm tự mất đi mà không xảy ra một biến chứng nào, hoặc tốt hơn là để bệnh được cải thiện một phần. Ở các trường hợp này, bệnh nhân chỉ cần dùng các thuốc corticoid (vì thuốc này hay gây tác dụng phụ nặng nề như làm tăng áp lực ở mắt, đục thuỷ tinh thể, bội nhiễm), chỉ nên dùng các thuốc nhỏ mắt để chống viêm, kháng khuẩn thông thường, theo chỉ định của bác sỹ nhãn khoa.
Điều mà bệnh nhân cần chú ý là phải đi khám mắt định kỳ, thường xuyên tự theo dõi bệnh; khi có dấu hiệu nào nghi ngờ phải báo ngay cho bác sỹ để kịp thời điều trị bằng các biện pháp mạnh hơn. Cụ thể, cần theo dõi xem thị lực có bị giảm không, mức độ phù nề của mí mắt, độ lồi của nhãn cầu, có bị chảy nước mắt hoặc khô mắt... Cần chú ý đến các dấu hiệu chủ quan như sợ ánh sáng, đau ở phía sau nhãn cầu (do bị quá trình viêm chèn ép), cảm giác như có sạn ở mắt (liên quan đến những tổn thương ở giác mạc)... Một số biện pháp khác, hỗ trợ cho điều trị mà bệnh nhân cần thực hiện, đó là bỏ ngay hút thuốc lá, ban ngày luôn đeo kính, bên đêm băng kín mắt để bảo vệ giác mạc; kê cao đầu khi nằm ngủ.
Đối với trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân cần phải được điều trị sớm, bằng nhiều biện pháp như nội khoa, chiếu xạ, phẫu thuật. Sau khi khỏi, các bệnh mắt - tuyến giáp còn để lại một số di chứng như lác mắt, lồi nhãn cầu, các mí mắt lệch hoặc không khép chặt được...Các bác sỹ nhãn khoa sẽ sử dụng phẫu thuật thẩm mỹ để chữa các di chứng này.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 29 (1747), ngày 11/4/2005