Bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái ở Việt Nam
Quá trình sản xuất và sinh sống của con người, đặc biệt là sản xuất công nghiệp đã tạo ra nhiều chất thải gây ô nhiễm bầu không khí. Người ta đã chứng kiến các trận mưa axit ngày càng tăng như ở Ấn Độ, Brasil và một số nước khác. Mưa axit đã giết chết nhiều sinh vật trong các hồ ao. Ở Việt Nam , trong phạm vi cả nước thì ô nhiễm không khí chưa đến mức nghiêm trọng, nhưng ở cả thành phố lớn và các khu công nghiệp thì đang bị ảnh hưởng đáng lo ngại, cần được nghiên cứu giải quyết.
Hoạt động của con người đã làm ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước. Gần ¾ vỏ trái đất được bao phủ bởi nước, nhưng chỉ có 6% là nước ngọt. Các chất thải do sản xuất công nghiệp và nông nghiệp tạo ra đã làm ô nhiễm 10% các sông ngòi trên thế giới.
Ở Việt Nam có khoảng 2.000 con sông lớn nhỏ, với tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 880 tỷ m 3. Tổng trữ lượng nước dưới đất toàn lãnh thổ (chưa kể các đảo) theo dự toán đạt khoảng 1.513m 3/gjây, xấp xỉ 15% tổng lượng nước mặt sinh ra trên lãnh thổ. Cả nước có khoảng 350 nguồn nước khoáng và nước nóng. Thế nhưng do mất rừng, nông nghiệp không kèm theo các biện pháp bảo vệ môi trường và do các hoạt động khác, nguồn nước của chúng ta đã bị suy giảm, gây nên nạn thiếu nước ở nhiều vùng. Hoạt động công nghiệp của nước ta hàng năm thải ra khoảng 290.000 tấn chất độc hại vào môi trường (đánh giá năm 1998). Nước sông Hồng đã nhiễm bẩn bởi các chất hữu cơ và một số kim loại nặng như Zn, Cu, As, NH 4-, PO 43-. Chất lượng và khối lượng nước ở Hà Nội và một số thành phố lớn đang giảm mạnh. Mực nước ngầm ở một số vùng Hà Nội đã tụt xuống 10 đến 20 mét, không những làm giảm lưu lượng nước mà còn gây ra hiện tượng sụt đất. Nước tại các nhà máy nước Hạ Đình, Tương Mai, Pháp Vân có hàm lượng NH 4-và PO 43-đều vượt tiêu chuẩn cho phép 8 đến 10 lần. Tại thị xã Trà Vinh các giếng nước khoan có hàm lượng Cl từ 270mg/l đến 1.000 mg/l. Điều đáng quan tâm là phần lớn nước thải ở các bệnh viện, các xưởng sản xuất chế biến, các nhà máy nhỏ ở địa phương đều không được xử lý xả thẳng vào ao, hồ, sông, biển. Đó là nguồn ô nhiễm lớn cần được giải quyết.
Tác động của con người là một trong các nhân tố chủ yếu gây nên thoái hoá đất. Thế giới có khoảng 13.000 triệu hécta đất không bị băng giá bao phủ, trong đó có 31% là đất có rừng hay thảm cây bụi che phủ. Thế nhưng chỉ trong 40 năm qua đã mất đi 1/5 lớp đất mùn ở các vùng nông nghiệp, trung bình mỗi năm có 6 đến 7 triệu hécta đất trồng trọt bị mất khả năng sản xuất do nạn xói mòn, rửa trôi và hóa đá.
Ở Việt Nam , do phá rừng đã làm cho đất bị thoái hoá nghiêm trọng. Gần 10 triệu hécta đất trồng đồi núi trọc hiện nay là mối quan tâm lớn, là vấn đề bức xúc cần được giải quyết.
Quá trình xói mòn, rửa trôi đất ở vùng gò đồi làm mất đi lớp đất mặt hàng năm chừng 200tấn/ha. Mỗi năm nước ta sử dụng khoảng 15.000-20.000 tấn thuốc trừ sâu. Bình quân lượng thuốc sử dụng trên một hécta gieo trồng là 0,4 - 0,5 kg, cá biệt như vùng Đà Lạt lên đến 5,1 - 13,5kg/ha. Đó là nguồn hoá học ô nhiễm lớn cho đất.
Sự suy thoái môi trường sinh thái gắn liền với sự suy kiệt nguồn tài nguyên và giảm tính đa dạng sinh học. Sự tàn phá rừng và gây ô nhiễm môi trường đã làm giảm tính đa dạng sinh học là nguyên nhân nguồn gen đến các loài và các hệ sinh thái suy giảm một cách nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Để cứu lấy trái đất, trước hết phải cứu các loài, các hệ sinh thái đang bị huỷ diệt. Ở Việt Nam hiện tại có khoảng 10% các loài chim, 25% các loài thú, 21% các loài lưỡng cư, bò sát và gần 400 loài thực vật đang đương đầu với nguy cơ diệt chủng. Sự biến đổi của môi trường sinh thái đã làm cho giá trị bị suy giảm đáng kể. Kết quả nghiên cứu tại vùng đồi khô hạn của các tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ ra rằng, đối với đồi trọc loại III (loại cằn cỗi nhất) thì không gặp giun đất sinh sống ở đó, nhóm vi sinh vật có vai trò quan trọng trong cải tạo đất, làm tăng độ phì của đất là Azotobacter đã không tìm thấy trong các mẫu phân tích. Việc phá rừng ngập mặn để cải tạo thành đất trồng trọt ở Nam Bộ trước đây không những đã làm mất đi nhiều loài thuỷ sinh vật quý như tôm, cua, cá và các loài phù du khác. Nhiều loài gỗ quý ở Trung Bộ như lim, sến, táu, gội, re hương, lát hoa, trầm hương, chò chỉ… cách đây không lâu rất phổ biến, nhưng giờ đây rất hiếm hoi. Các loài gỗ quý ở Tây Nguyên như trắc, cà chắc, cà te cũng ở tình trạng khan hiếm. Chỉ tính từ năm 1995 đến nay, các loài động vật có giá trị đều giảm số lượng xấp xỉ 50%.
Hiện nay trong phần lớn các tài liệu đều quy trách nhiệm dẫn đến biến đổi môi trường sống và giảm đa dạng sinh học là do hoạt động không hợp lý, thiếu khoa học của con người gây nên. Tôi cho rằng cách trình bày và kết luận như vậy là chưa toàn diện. Thực ra, có hai nhóm nguyên nhân dẫn đến suy thoái môi trường sinh thái và giảm đa dạng sinh học là nhóm nguyên nhân bắt nguồn từ bản thân tự nhiên gây ra và nhóm nguyên nhân do con người gây ra.
Nhóm nguyên nhân do những xung đột vốn có của tự nhiên như gió, bão, lũ lụt, núi lửa, động đất, quá trình chuyển động của không khí, sóng thần, sự va chạm của các thiên thể khác vào trái đất, tác động của quy luật cạnh tranh sinh tồn trong quá trình tiến hoá sinh vật.
Nhóm nguyên nhân do con người gây ra trong thời đại ngày nay mang tính rộng khắp và thường xuyên làm suy thoái môi trường và giảm đa dạng sinh học, bao gồm:
Phát triển kinh tế không tôn trọng quy luật tự nhiên, tàn phá thiên nhiên làm cho môi trường suy thoái, tài nguyên cạn kiệt, đa dạng sinh học giảm.
Do nạn nghèo đói và giảm tốc độ dân số tăng quá nhanh. Đây là hai vấn đề to lớn, mang tính đặc thù của các nước đang phát triển. "Có thực mới vực được đạo", đó là thực tế bắt buộc phải giải quyết trong chính sách phát triển và BVMT của mọi quốc gia. Dù biết phá rừng là thảm họa, là phá nơi sống của họ, săn bắt hết động vật quý hiếm là mất đi gia sản của thiên nhiên, nhưng người ta vẫn phải làm vì mưu sinh cuộc sống. Đói nghèo và tăng dân số quá nhanh là lực cản lớn nhất của sự phát triển và bảo vệ môi trường.
Do nhận thức không đầy đủ về quy luật tự nhiên và ý thức BVMT của người dân còn bị hạn chế. Hiện nay vẫn còn một số bộ phận không nhỏ nhân dân biết rõ về tai hoạ môi trường bởi những hành vi của họ gây ra, nhưng vẫn phá rừng bừa bãi, buôn bán đất hợp pháp động vật quý hiếm, thải các chất độc hại ra môi trường vì lợi ích riêng trước mắt.
Chế tài thực hiện và việc thực hiện chức năng BVMT của một số cơ quan liên quan còn nhiều bất cập.
Các văn bản pháp quy đã có, nhưng chế tài thực hiện và việc thực hiện của các cơ quan bảo vệ pháp luật liên quan đến môi trường chưa tốt, chưa nghiêm minh nên môi trường sinh thái của Việt Nam vẫn đang tiếp tục bị suy thoái, đa dạng sinh học giảm.
Để bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái ở Việt Nam, cần thực hiện một số biện pháp sau đây: Xây dựng các chế tài hữu hiệu để thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ rừng và các Quy định đã có của Chính phủ liên quan đến bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực, củng cố và nâng cao năng lực, trách nhiệm của cơ quan bảo vệ môi trường, đặc biệt là đạo đức của người thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường, tăng cường công tác giáo dục môi trường ở mọi cấp độ, mọi cộng đồng dân cư, làm cho họ có nhận thức đúng và tự nguyện thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường, bổ sung điều chỉnh các quy định về một số điều trong luật pháp cho phù hợp ngày càng cao với thực tế cuộc sống. Ngoài ra, Nhà nước có biện pháp hữu hiệu, giải pháp cụ thể trong chiến lược xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của mọi tầng lớp dân chúng và thực hiện đúng chính sách dân số, tăng cường hơn nữa và nâng cao chất lượng nghiên cứu, đánh giá tác động và dự báo biến động môi trường để có biện pháp phòng tránh hữu hiệu.