Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 23/01/2007 15:02 (GMT+7)

Bài văn bia chùa Phúc Minh thời Trần ở Thái Bình

Văn bia này đã được Lê Quý Đôn nhắc tới ở mục "Thiên chương" trong Kiến văn tiểu lục(1), nhưng không ghi lại nội dung cơ bản. Vì thế hầu như không tìm thấy văn bản này trong các sách Hán Nôm và cả trong Thơ văn Lý-Trần (2), một sưu tập khá đầy đủ về văn bia thời Lý- Trần. Năm 1989, nhà sử học Tạ Ngọc Liễn công bố phát hiện bia này tại Hội nghị Những phát hiện mới Khảo cổ học hàng năm(3). Năm 1992, chúng tôi đến khảo sát di tích và in rập văn bia này. Bản rập văn bia hiện để tại kho bia Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu 29593. Nguyên bản chữ Hán và ảnh bản rập văn bia cũng vừa được công bố trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam(4). Tuy nhiên, đến nay văn bia chùa Phúc Minh vẫn chưa được dịch ra tiếng Việt để đông đảo người sử dụng. Vì vậy, chúng tôi giới thiệu bản dịch văn bia này.

Cũng cần nói đôi chút về văn bản và đặc trưng sử liệu của văn bia chùa Phúc Minh. Bia dẹt, khắc 1 mặt, có kích thước 1,20 x 0,80m. Văn bia do Đỗ Nguyên Chương, chức Triều thỉnh đại phu (tản quan với hàm chánh ngũ phẩm), Hàn lâm quyền học sĩ tri chế cáo, thượng kị đô uýthời Trần soạn năm Đại Trị 12 (1369). Bia được dựng khắc vào năm 1377, song do mờ mòn, nên đến thời Nguyễn, lại được khắc lại. Vì vậy phong cách trang trí hiện nay tuy trên cơ sở bố cục của trang trí bia thời Trần là trán bia có hai rồng chầu vào ô chữ tên bia ở giữa, nhưng rồng ở đây đã được khắc mới hình rồng thời Nguyễn cách điệu hoa văn chữ triện, diềm bia cũng khắc lại hoa văn thường gặp trên diềm bia Nguyễn là những cánh lá lớn nối tiếp nhau.

Chùa này do Linh Nhân Thái hậu đời Lý xây dựng, và được tu bổ vào thời Trần, song hầu như hiện tại không còn dấu tích gì của thời Lý, thời Trần, ngoài tấm bia đá này. Ngôi chùa Ông Lâu ngày nay có quy mô khá lớn, được trùng tu vào thời Nguyễn. Văn bia cho biết: nơi đây (nay là xã Hiệp Hoà, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) vào thời Trần là hương Mạn Đê thuộc châu Hoàng có chùa Ông Lâu, biển ghi là Minh Phúc. Năm Bính Ngọ (1336) người trong hương trùng tuPhật điện,sau đó mở rộng quy mô chùa, khởi công từ năm Mậu Dần (1338) đến năm Nhâm Ngọ (1342). Sau khi hoàn tất xây dựng, các tín đồ còn mua được một quả chuông của vị họ Trần ở Cổ Lũ về treo, rồi mời người về soạn văn bia. Như vậy, chúng ta được biết đến ngôi chùa Phúc Minh ở Thái Bình là một trong nhiều ngôi chùa được Linh Nhân Thái hậu, tức ỷ Lan Hoàng Thái hậu, vợ của Lý Thánh Tông xây dựng. Sang thời Trần, chùa được các vị Đô hỏa đầu, cấm quân trong triều đình nhà Trần, tham gia trùng tu, mở mang quy mô. Ngôi chùa này vào thời Trần gồm nhiều toà kiến trúc, cả thẩy đã có trên 50 gian nhà, lại có gác chuông, nhà bia; quy mô đồ sộ như những ngôi chùa lớn khác thời Trần và sau đó. Văn bia cũng cho biết vào thời Trần, ở đây ngoài ngôi chùa này ra, còn có một ngôi quán đạo. Ngôi quán đạo ở đây hiện nay không còn, bởi vốn dĩ nó cũng không được duy trì từ lâu, cũng có thể quán đạo này sau đó đã quy cả vào ngôi chùa Phật, như thường gặp ở nhiều ngôi chùa khác.

Bia chùa Phúc Minh là một trong di vật thời Trần hiếm hoi ở Thái Bình. Hiện tại bia dựng ở mé sân chùa, phải đội mưa nắng quanh năm ngày tháng đang có nguy cơ bị bào mòn nhanh chóng văn bản khắc trên bia. Vì vậy, chính quyền địa phương và ban quản lí di tích chùa Phúc Minh nên sớm di chuyển bia vào trong chùa, hoặc cho dựng nhà bia để bảo vệ di vật quý giá này.

Sau đây là phần phiên âm và dịch nghĩa nội dung văn bia chùa Phúc Minh.

Phiên âm: Ông Lâu Phúc Minh tự bi

Phúc Minh tự bi minh

Triều thỉnh đại phu Hàn lâm quyền học sĩ tri Chế cáo, Thượng kị đô uý Đỗ Thiên Chương soạn.

Đại Việt quốc, Hoàng châu, Mạn Đê hương hữu Ông Lâu tự, biển vị Phúc Minh giả. Tích truyền Linh Nhân Thái hậu chi sở sáng dã. Đông tắc gia thôn lân hoàng vi nhiễu hồi toàn, tây tắc đạo quán, hoang lâm trăn vô sá (?); nam hữu thông cù, khứ lai vô cùng vô tuyệt; bắc đái giang thuỷ, nguyên lưu bất càn bất tức. Cố lập kì cảnh dĩ thâm cửu, đa lịch xuân thu tuế nguyệt. Đãi vu Bính Tý niên trung, kì xã hương nhân cố Diên Hưng Đô hoả đầu Đào La đẳng thập dư trùng tu Phật điện, nhi kim cung hầu Thánh Từ dịch thư sử trực đầu trứ bang Lộ Đàm, cung hầu Thánh Từ dịch thị Đô hoả đầu Nguyễn (?), Diên Hưng Đô hoả đầu xuất thủ ban Lộ Thiêm, xá nhân Đỗ Dư đẳng tham phường, hựu tăng sách trai đường, quảng ngũ thập dư gian, dĩ thuật Thái hậu chi công, hưng doanh bất dĩ. Kì dịch khởi ư Khai Hựu thập niên Mậu Dần chính nguyệt, Nhâm Ngọ bát nguyệt nhi cáo sự thành dã. Hậu cấu đắc Cổ Lũ Trần công chi chung, huyền vu tự lâu, dĩ cảnh thần tịch, nhi vị lặc văn. Dĩ như nhiếp chức từ uyển, trạng thỉnh minh chí. Dư viết: "Bỉ tây phương Phật chi giáo, vị sinh nhị tác thiện, tử hữu phúc báo; sinh nhi tác ác, tắc tử hữu tội báo". Kì ngôn cam nhi thập nhân thâm, thị dĩ lạc tòng giả chúng, chí thí điền trạch, huy tán tài bảo, doanh sùng tự tháp, hi cầu lợi ích giả, lịch kiếp dĩ lai, tể bất khả giải. Tuy hữu hảo quân tử, dục dĩ từ tịch, diệc miệt như chi hà, huống Lộ, Nguyễn, Đỗ chư quân hồ. Tư khả phó chi nhất khái, nãi vi dã. Minh viết:

Hoàng chi Mạn Để,      Tự viết Phúc Minh

Linh Nhân sáng tạo,     Lộ, Nguyễn trợ thành

Chấn cảnh thần tịch,    Mại đắc chung thanh

Duy Phật chi giáo,        Dị lặc quần tình

Ngôn cam nhi nhập,     Vị phúc khả doanh

Tu sùng tự tháp,           Tư thảng giai khuynh

Dư nhiếp cấm uyển,     Chức chưởng văn hành

Kí sự chi tác,                 Vạn cổ lưu danh.

Thời, Đại Trị thập nhị niên tuế thứ Kỷ Dậu chính nguyệt thượng tuần soạn. Kim, Long Khánh ngũ niên tuế thứ Đinh Tị tam nguyệt thập ngũ nhật, thư sử Nguyễn Đa phụng (khắc).

Dịch nghĩa: Bia chùa Ông Lâu Phúc Minh

Bia minh chùa Phúc Minh

Đỗ Nguyên Chương chức Triều thỉnh đại phu Hàn lâm quyền học sĩ tri Chế cáo, Thượng Kỵ Đô uý (5)soạn văn bia.

Ở hương Mạn Để châu Hoàng nước Đại Việt có chùa Ông Lâu mà biển đề là Phúc Minh vậy. Xưa tương truyền chùa do bà Linh Nhân Thái hậu sáng lập ra. Phía đông chùa là dân thôn kề cận vây quanh, phía tây có quán đạo bên rừng cây âm u, phía nam có đường lớn thông các ngả, phía bắc có dòng nước chảy từ nguồn không lúc nào cạn. Vì vậy cảnh thế thâm nghiêm. Trải xuân sang thu, vào năm Bính Tý (1336) có vị Đô hoả đầu Đào La người Diên Hưng (6)trùng tu Phật điện, nay lại có Cung hầu Thánh Từ dịch thư sử trực đầu trứ bang Lộ Đàm, Cung hầu Thánh Từ dịch thị Đô hoả đầu họ Nguyễn, Diên Hưng đô hoả đầu xuất thủ ban Lộ Thiêm, xá nhân Đỗ Dư cùng làm thêm trai đường, xây hơn 50 gian nhà, tiếp nối công đức của Thái hậu mà xây dựng mãi. Công việc khởi công từ tháng Giêng năm Mậu Dần, niên hiệu Khai Hựu thứ 11 (1338), đến tháng 8 năm Nhâm Ngọ (1342) thì cáo thành. Sau đó mua được quả chuông của vị họ Trần ở hương Cổ Lũ (7)treo lên lầu chùa, để tiếng chuông thức tỉnh sớm tối. Mọi việc đều đã hoàn hảo, nhưng chưa có biaghi lại. Vìvậy đến nhờ ta, bởi ta vốn là người kiêm nhiệm chức từ uyển, để làm bài minh ghi lại.

Ta đáp rằng: "Tây phương Phật dạy rằng: lúc bình sinh mà làm điều thiện thì lúc chết sẽ được phúc báo; còn như lúc sống mà làm điều ác, thì khi chết sẽ bị tội báo". Lời dạy này thật ngọt ngào đi vào tâm khảm mọi người. Vì thế mà ai ai thảy đều đua làm điều thiện, từ việc cúng ruộng đất, đến phát tán của cải để xây dựng chùa tháp, ít người bon chen cầu lợi. Điều đó, xưa nay không gì đổi thay được. Tuy có kẻ cho là bậc hảo quân tử, nhưng lại chỉ biết phô ngôn, thật đáng xấu hổ sao? Còn như các vị họ Lộ, Nguyễn, Đỗ mở mang quy mô chùa, mới xứng danh bậc hảo quân tử vậy.

Bài minh rằng:

Mạn Để châu Hoàng,    Có chùa Phúc Minh

Linh Nhân khai sáng,     Lộ, Nguyễn trợ thành

Chuông vang sớm tối,    Nhờ công mua về

Lời dạy của Phật,           Thức tỉnh chúng sinh

Lời hay răn dạy,              Vì phúc mà làm

Xây dựng chùa tháp,      Gia sản tiêu khuynh

Ta quyền cấm uyển,      Chức quản văn hành

Ghi lại sự việc,                Muôn thủa lưu danh.

Ngày thượng tuần tháng giêng năm Kỷ Dậu niên hiệu Đại Trị thứ 12 (1369) soạn, nay ngày 15 tháng 3 năm Đinh Tị, niên hiệu Long Khánh thứ 5 (1377) Thư sử Nguyễn Đa chép lại./.

Đinh Khắc Thuân (*)

___________________________

*. TS., Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

1. Lê Quý Đôn. Kiến văn tiểu lục,sách Hán Nôm A. 32.

2.Thơ văn Lý- Trần, tập II, Nxb. KHXH, Hà Nội 1989.

3. Những phát hiện mới khảo cổ học năm 1989, Nxb. KHXH, Hà Nội 1990, tr. 340-341.

4. Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 2, quyển Hạ, Viện Hán Nôm và Đại học Trung Chính (Đài Loan) xuất bản, 2002, tr. 531 -536.

5. Đỗ Nguyên Chương, làm quan thời Trần Hiến Tông (1329-1341) và Trần Dụ Tông (1341-1369).

6. Tức Diên Hà, nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

7. Nay thuộc Trà Lũ, huyện Thái Thụy, Thái Bình.

Nguồn: hoidantochoc.org.vn (03/08/06)

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.