Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ kinh thành Thăng Long đời Trần
Trong lịch sử, kể từ khi được nhà Lý chọn là kinh đô, sự nghiệp bảo vệ Thăng Long thực sự là tiêu biểu cho sự hình thành phương thức bảo vệ một quốc gia có chủ quyền, với các hoạt động quân sự - quốc phòng bước đầu phát triển khá hoàn chỉnh. Đặc biệt, đến đời nhà Trần chiến công oanh liệt trong ba lần đánh thắng giặc Mông – Nguyênlà nổi bật nhất. Sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long đời Trần đã phát triển theo khía cạnh kết hợp “bảo vệ Thăng Long” với “giải phóng Thăng Long” diễn ra nhuần nhuyễn và rất linh hoạt trong thế trận chiến tranh toàn dân,ở những thời điểm nhất định, có thể mất địa bàn kinh đô Thăng Long nhưng cuộc kháng chiến mới chỉ bắt đầu, thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ, giải phóng kinh đô Thăng Long luôn là đích đến cuối cùng, quyết định thành bại của sự nghiệp bảo vệ, giải phóng đất nước.
Ba cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên xâm lược.
Từ đầu thế kỷ XIII, triều Trần thay thế triều Lý đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta (1226 – 1400). Lúc đó, quân viễn chinh Mông Cổ khét tiếng tàn bạo đang thực hiện cuộc viễn chinh xâm lược tàn phá và gây ra vô vàn đau thương trên các lục địa Á – Âu. Chúng đã chiếm được Bắc Trung Quốc và âm mưu tiến xuống đánh chiếm Đại Việt để từ đó vu hồi đánh Nam Tống. Hốt Tất Liệt đã từng sai sứ sang dụ hàng, nhưng vua Trần Thái Tông đã tống giam sứ giặc và ra lệnh cả nước khẩn trương chuẩn bị kháng chiến. Vua đích thân cầm 3 vạn quân lên lập chiến tuyến ở Bình Lệ Nguyên.
Cuộc kháng chiến chống Mông lần thứ nhất diễn ranăm 1258. Ngày 17 tháng 1, khoảng ba vạn kỵ binh Mông Cổ vượt biên giới tiến xuống Bình Lệ Nguyên. Sau “trận đầu thất lợi”, quân ta rút về Phù Lỗ, Phá cầu và lập chiến tuyến tiếp tục chặn địch. Quân Mông dựa vào ưu thế binh lực đã đánh rất mạnh, buộc vua Trần phải rút về Thăng Long, rồi tiếp tục dời toàn bộ triều đình khỏi Thăng Long về Thiên Mạc. Tuy vậy, triều đình và quân dân không hề nao núng. Lúc đó thái sư Trần Thủ Độ tâu với vua: “Đầu tôi chưa rơi xuống dưới đất, xin bệ hạ đừng lo”. Quân và dân ta thực hiện kế hoạch “thanh dã” triệt để, nên dù quân giặc chiếm được Thăng Long nhưng không tìm được lương thực, tiến thoái lưỡng nan, phải án binh bất động. Ngày 29 tháng 1, vua Trần Thái Tông cùng các tướng chỉ huy binh thuyền ngược sông Hồng tiến về Thăng Long và lợi dụng đêm tối tập kích ở Đông Bộ Đầu. Bị đánh bất ngờ, giặc đại tháo chạy, đến trại Quy Hoá còn bị dân binh của Hà Bổng đón đánh. Ngột Lương Hợp Thai cùng tàn quân chạy về Vân Nam. Cuộc kháng chiến chống Mông lần thứ nhất đã giành được thắng lợi.
Cuộc kháng chiến chống Mông lần thứ haidiễn ra vào năm 1285. Sau khi thôn tính toàn Trung Quốc, Hốt Tất Liệt lập triều Nguyên và đã ép Đại Việt phải cung cấp lương thực, lấy cớ cho mượn đường đánh Chiêm. Nguy cơ chiến tranh đến gần, nhà Trần đã mở Hội nghị Bình Than (1282) và Hội nghị Diên Hồng (1285) để cùng các vương hầu, tướng lĩnh bàn kế đánh giặc. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được phong làm Quốc công tiết chế thống lĩnh quân đội, đã ban bố Hịch tướng sĩcổ vũ quyết tâm kháng chiến của quân và dân ta, đồng thời tổ chức nhiều cuộc tập trận và thao diễn quân đội.
Đầu năm 1285, quân Nguyên gồm 60 vạn từ ba hướng tiến công nước ta. Trên hướng Đông Bắc, trước thế giặc mạnh, quân Trần lui về Vạn Kiếp, sau đó tiếp tục rời khỏi Thăng Long về Trường Yên và Thiên Trường. Hướng thứ hai sau khi chặn đánh giặc ở Yên Bái, quân ta đã rút về Bạch Hạc rồi lui về hội quân ở hạ lưu sông Hồng. Hướng phía Nam cũng phải lui về chốt chặn ở Thanh Hoá, phương án rút quân chiến lượcđã làm thất bại kế hoạch hợp vây của địch, quân Nguyên không thực hiện được những đòn quyết chiến với chủ lực của ta, lại phải căng sức đối phó cuộc chiến tranh toàn dânnên bị tiêu hao, mệt mỏi, bệnh tật và bị thiếu thốn lương thực. Tháng 5, ta phản công bằng một loạt trận, Thoát Hoan thất bại liên tiếp, phải rút khỏi Thăng Long về Vạn Kiếp, bị quân ta chặn đánh và tiêu diệt lớn, chỉ còn tàn quân chạy về Lạng Sơn, gặp phục binh ta chặn đường, phải chui vào ống đồng mới thoát thân. Tàn quân Na – xi Rút – đin tháo chạy về Vân Nam cũng bị ta truy kích quyết liệt. Toa Đô từ Thanh Hoá ra Trường Yên bị chặn đánh ở Tây Kết phải tử trận. Cuối tháng 6 năm 1285, toàn bộ quân xâm lược đã bị quét sạch khỏi bờ cõi nước ta.
Cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ badiễn ra các năm 1287 – 1288. Sau hai lần thất bại, Hốt Tất Liệt tức tối ra lệnh bãi bỏ kế hoạch xâm lược Nhật Bản, tập trung lực lượng gần nửa triệu bộ binh, kỵ binh, thuỷ binh và đến tháng 12 năm 1287 chia thành ba đạo có cả thuyền chiến và thuyền lương tiến vào nước ta. Thoát Hoan tiến đến Vạn Kiếp, và tháng 2 năm 1288 đã vượt sông Hồng đánh Thăng Long. Triều đình và quân đội nhà Trần lại một lần nữa tạm rút khỏi kinh thành, lui về vùng hạ lưu. Ở Vân Đồn, Trần Khánh Dư chủ động tránh đội thuyền chiến của Ô Mã Nhi và mai phục tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền lươngTrương Văn hổ. Ba cánh quân địch tiến vào Thăng Long lại lâm vào tình trạng muốn đánh mà không được đánh, lương thực không có. Khắp nơi nhân dân ta thực hiện “vườn không nhà trống” và phối hợp với quân đội tập kích, phục kích địch. Thoát Hoan ra lệnh đốt phá kinh thành Thăng Long, rút về Vạn Kiếp rồi chia quân làm hai đạo thuỷ, bộ rút về nước. Thuỷ quân Ô Mã Nhi rút lui đã lọt vào trận địa mai phục của Trần Quốc Tuấn và bị tiêu diệt trên sông Bạch Đằng. Cánh quân bộ của Thoát Hoan cũng bị đánh liên tiếp, phải mở đường máu mới chạy thoát. Sau thất bại này, nhà Nguyên không còn đủ sức đánh Đại Việt và từ bỏ hoàn toàn mưu đồ tiến xuống phương Nam.
Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ kinh thành Thăng Long
Từ những chiến công tiêu biểu, sự đóng góp của các tài năng anh hùng và sự phát triển của tư tưởng quân sự đời Trần thế kỷ XIII, có thể đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báitrong sự nghiệp bảo vệ kính thành Thăng Long.
Một làn, thường xuyên xác định và nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng chiến lược của kinh đô Thăng Long trong sự nghiệp giải phóng, bảo vệ đất nước.
Xác định đúng đắn vị trí chiến lược và tầm quan trọng của sự nghiệp giải phóng, bảo vệ kinh đô Thăng Long là điều kiện tiên quyết để quy tụ tiềm lực quân sự của Thăng Long vả cả nước chuẩn bị toàn diện nhằm bảo vệ yếu địa này. Tuy đây là vấn đề khách quan, nhưng việc nhận thức đúng đắn và toàn diện về tầm quan trọng ấy lại phụ thuộc rất lớn vào khả năng trí tuệ, trình độ, kinh nghiệm của các chủ thể quân sự mà trực tiếp là triều đình nhà Trần và quân dân Thăng Long. Đây là một trong những bài học kinh nghiệm có giá trị xuyên suốt lịch sử.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, ngay từ thời tiền Thăng Long, vấn đề chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ vùng yếu địa Cổ Lao đã được nhà nước và quân dân Âu Lạc sớm nhận ra và gắng sức giải quyết thông qua xây dựng một kinh thành kiêm quân thành kiên cố, đủ sức tự bảo vệ. Tuy nhiên, nhà nước Âu lạc sau đó lại mất cảnh giác, để đến khi nhận ra địch chiếm được Cổ Loa cũng đồng nghĩa với chiếm cả đất nướcthì đã quá muộn. Đến sự định đô của nhà Lý tại Thăng Long, nơi không có thế giữ hiểm bằng cựu đô Hoa Lưnhưng lại có thế “rồng bay” để mở mang nền văn hiến, chứng tỏ Đại Việt đã đủ sức bảo vệ đất nước, bảo vệ kinh đô bằng phương thức mới, và vị trí chiến lược quân sự của Thăng Long đã được nhìn nhận toàn diện hơn nhiều. Triều đình tập trung xây dựng lực lượng vũ trang chủ lực mạnh nhất ở kinh đô, mở mang đường giao thông thuỷ bộ nối Thăng Long với cả nước để tiện cơ động lực lượng, bố trí quân ở các cửa ải hiểm yếu trên cả ngả đường tiến về Thăng Long, dựng phòng tuyến ngăn chặn giặc từ xa. Mặt khác, nhận rõ vị thế chiến lược quân sự cực kỳ quan trọng của Thăng Long không đồng nghĩa với việc coi đây là yếu địa duy nhất - mất nó là mất tất cả, nên văn hoá bảo vệ Thăng Longthời kỳ này thể hiện rất đa dạng. Nếu như thời Lý chủ động ra quân đập tan căn cứ xuất phát xâm lược của địch, rồi rút về dựng phòng tuyến sông Cầu, có hậu phương trực tiếp là kinh thành Thăng Long để đuổi giặc, thì thời Trần, cả ba lần đều chủ động rút khỏi kinh thànhđể bảo toàn lực lượng trước thế giặc mạnh, phát động chiến tranh toàn dân, chuyển hoá dần rồi thực hiện tiến công giải phóng kinh thành.
Hai là, phát huy ưu thế sự kết hợp trực tiếp giữa trung ương với địa phương sở tại và sự liên thông với cả nước để bảo vệ, giải phóng kinh thành.
Sự nghiệp bảo vệ, giải phóng kinh thành Thăng Long diễn ra ở bất cứ thời kỳ lịch sử nào, cho dù miền đất này có đang là quốc đô hay không, cũng đều thể hiện song hành hai hệ giá trị: một là trực tiếp bảo vệ, giải phóng địa bàn, cuộc sống lao động hoà bình của nhân dân, những giá trị vật chất và tinh thần của Thăng Long; hai là bảo vệ chế độ nhà nước, bảo vệ quốc hồn, quốc tuý dân tộc Việt Nam. Vì vậy, công cuộc bảo vệ, giải phóng Thăng Long không chỉ là trách nhiệm của quân và dân sở tại, mà còn là trách nhiệm chung của cả nước, và theo đó sự kết hợp giữa trung ương với Thăng Long trong sự nghiệp này là sự kết hợp trực tiếp. Việc bảo vệ, giải phóng Thăng Long không đơn thuần là vấn đề quân sự, mà là vấn đề chính trị trực tiếp của cả quốc gia dân tộc, quy tụ sức mạnh tổng hợp từ mọi phương diện đời sống xã hội, được kết nối với mọi miền đất nước, trước hết là sự kết hợp trực tiếp giữa trung ương với Thăng Long, sự liên thông với các địa bàn, tạo nên một ưu thế đặc biệt.
![]() |
Trong lịch sử, khi những nỗ lực của bộ máy nhà nước trung ương kết nối trực tiếp được với sức mạnh của quân, dân Thăng Long và cả nước thì sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn để vượt qua thử thách, và ngược lại. Trong thời tiền Thăng Long, bảo vệ thành Cổ Loa đồng nghĩa với bảo vệ đất nước, công việc đó do chính bộ máy nhà nước trung ương đảm nhiệm, hay có thể nói sự kết hợp giữa trung ương với địa phương sở tại trong bảo vệ quốc đô không những là trực tiếp mà còn là một. Các cuộc nổi dậy chống ách đô hộ tiếp đó đều diễn ra theo phương thức tương tự. Nhà Lý bảo vệ Thăng Long bằng cách lập phòng tuyến sông Cầu, do triều đình trực tiếp chỉ huy.
Đến đời Trần, sự phân công và phối kết hợp giữa trung ương với các lộ, phủ… thể hiện rất rõ trong sự nghiệp giữ nước. Mặt trận Thăng Long luôn tích hợp sự cộng hưởng trách nhiệm trực tiếp của triều đình với quân dân sở tại, giữa Thăng Long với các địa phương trong cả nước. Thăng Long là mục tiêu chủ yếu của quân Nguyên – Mông xâm lược. Nhưng chiếm được Thăng Long, quân xâm lược vẫn không thực hiện được chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, không tiêu diệt được đại quân ta, không bắt được triều đình kháng chiến. Thăng Long đã không trở thành một chiến trường của chiến tranh chính quy trong đó đội quân kỵ binh thiện chiến Mông – Nguyên có sức đột kích mạnh, cơ động nhanh có thể đánh tan đại quân của ta, mà ngược lại là một chiến trường của chiến tranh du kích địch có thể đánh xuyên qua, nhưng không tiêu diệt được lực lượng và phá được thế trận của ta. Khi chúng vượt qua kinh thành để đuổi theo triều đình thì Thăng Long trở thành một chiến trường địch hậu nguy hiểm,cùng với các vùng địch hậu khác liên tục đánh nhỏ lẻ tiến công địch ngày đêm làm cho chúng sa lầy, bị mất ổn định ở địa bàn đầu não, do vậy mà quân dân Thăng Long đã kìm hãm được sức tiến công của chúng, yểm hộ đắc lực cho triều đình và đại quân rút khỏi kinh thành. Với thế trận đó, khi quân địch bị suy yếu thì quân ta thực hành phản công chiến lược, Thăng Long trở thành chiến trường của những trận quyết chiến như Đông Bộ Đầu (năm 1285), trận tiến công giải phóng Thăng Long (năm 1285), hoặc chiến trường có sức ép quân sự mạnh mẽ buộc đại bản doanh của chúng phải rút chạy về phía bắc (năm 1285). Việc quân ta ba lần rút khỏi kinh thành mà Thăng Long vẫn bình tĩnh, đàng hoàng tiếp tục đánh địch, yểm hộ cho cuộc rút lui chiến lược của triều đình và đại quân, đã làm cho quân dân cả nước càng hướng về triều đình, giữ vững lòng tin vào thắng lợi, kiên trì bám trụ các địa bàn địch hậu để đánh địch cho đến thắng lợi cuối cùng.
Ba là, dựa vào truyền thống văn hiến và làm kế sâu rễ bền gốc ở trong dân để xây dựng và chuẩn bị sức mạnh bảo vệ, giải phóng kinh đô.
Thăng Long vốn có ưu thế là nơi “thượng đô kinh sư mãi muôn đời”, do vậy có thiên thời, địa lợi, nhân hoà.Từ thời tiền Thăng Long, vùng đất Đại La đã phát triển mạnh từ một làng nghề ven sông Tô thành trung tâm đô thị lớn, từng bước hình thành những nét bản sắc văn hoá, và chỉ riêng Thăng Long đã là một vùng văn hoá.Dưới thời Lý, việc thu hút nhân tài cả nước vào Thăng Long là đương nhiên bởi đây là vùng đất được đô thị hoá tương đối rõ nét, nhân tài có điều kiện phát triển, tinh thần thượng võ luôn có đất dụng võ do được cộng hưởng với chế độ thân dân, truyền thống coi trọng “hiền tài”, mở mang nền văn hiến để hình thành sức mạnh tổng hợp của các cuộc kháng chiến chống xâm lược.
Đến thời nhà Trần, những chiến công oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm từ đời Lý về trước đã kích lệ quân dân Thăng Long và cả nước bước vào giai đoạn mới, xây dựng đất nước trong thời bình. Việc bồi dưỡng sức dân, thực hiện các chính sách “khoan thư sức dân” sau chiến tranh đã được triều Trần chú trọng thực hiện một cách thiết thực và hợp lòng dân. Các biện pháp củng cố và tăng cường khả năng giữ nước trong thời bình, đồng thời chuẩn bị tiềm lực quân sự cho quân dân ta sẵn sàng đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược. Những chiến công lẫy lừng, sức mạnh kháng chiến to lớn của quân dân ta đời Trần đều kế thừa và phát huy kết quả xây dựng đất nước từ đời Lý. Từ kinh đô Thăng Long, triều đình nhà Trần đã thực hiện các biện pháp ngoại giao thích hợp sau mỗi lần chiến thắng, thể hiện chiều sâu văn hoá của một dân tộc tuy nhỏ nhưng đã chiến thắng các thế lực xâm lược to lớn, hung hãn. Triều đình đã chăm lo giữ vững mối quan hệ hoà bình, hoà hoãn, giữ vững tư thế của người thắng trận, lại không để phạm sai lầm trong ứng xử với nước lớn láng giềng, bảo đảm hoà bình lâu dài cho đất nước. Sức mạnh giải phóng, bảo vệ Thăng Long chính là sức mạnh tổng hợp được xây tạo bởi sự nghiệp chính nghĩa, nhân đạo, nhân văn, từ miền đất có truyền thống văn hiến.
Nhà Trần đã nhận thức được rằng trước một đạo quân xâm lược to lớn đến từ một đế quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn ta nhiều lần, triều đình không thể chỉ dựa vào quân đội để chống giặc mà phải tìm nguồn sức mạnh ở trong dân, động viên sức mạnh của cả dân tộc để đánh địch.
Trong di chúc của mình năm Canh Tý (1300), Trần Hưng Đạo đã chỉ rõ, “Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt vây đánh. Bên ta vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, nước nhà chung sức, địch tất phải bị bắt, đó là trời xui nên tất nhiên phải như vậy”. Ông còn chỉ rằng: “Khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước”. Điều đó lý giải vì sao quân dân ta vẫn đàng hoàng, bĩnh tĩnh qua ba lần rút khỏi kinh đô, vẫn chịu đựng được mức độ quyết liệt của các trận đánh ngày và đêm ở Thăng Long trong điều kiện đã bị giặc chiếm đóng. Đó là cội nguồn sức mạnh của những trận đánh làm cho kỵ binh tinh nhuệ của quân Nguyên hết sức hoảng sợ.
Bốn là, phát triển nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc, tiến hành “chiến tranh toàn dân” để giải phóng, bảo vệ đất nước.
Trong cả ba cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông, quân và dân ta dùng cách đánh đau, hiểm, rộng khắp trong thế trận chiến tranh toàn dân để giải phóng, bảo vệ kinh đô. Thắng lợi của quân dân Thăng Long gắn liền với tài thao lược ngày càng cao, vững chắc trong việc điều hành kháng chiến của triều đình Trần, mà tiêu biểulà nhà quân sự kiệt xuất Trần Quốc Tuấn. Rút lui chiến lược khỏi kinh thành Thăng Long, thực hiện “kế thanh dã” để tránh quyết chiến trong điều kiện không có lợi, bảo toàn được lực lượng của ta là cách tốt nhất để bảo vệ Thăng Long và đất nước. Hạ được quyết tâm đó chứng tỏ bộ thống soái đã giải quyết được mối quan hệ chiến lược giữa không gian và thời gian trong chiến tranh. Dùng không gian một cách chặt chẽ để đổi lấy thời gian, tạm rút lui chiến lược để đánh bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của địch. Sau khi có thời gian để làm yếu địch thì khôi phục lại không gian, khôi phục lại kinh đô và đất nước. Đó còn là nghệ thuật tạo sự chuyển hoá giữa chiến tranh bảo vệ và chiến tranh giải phóng.
Với ý chí kháng chiến kiên cường và trí thông minh, quân dân kinh thành đã sáng tạo ra cách đánh bám trụ tại chỗ, đánh liên tục dài ngày, đánh đau, đánh hiểm theo cách đánh của Yết Kiêu, Dã Tượng vào các mục tiêu quan trọng ở Thăng Long, tiêu hao sinh lực địch, triệt đường vận chuyển lương thảo từ hậu phương của chúng, đánh bại các cuộc hành quân cướp bóc lương thực trong dân, uy hiếp thường xuyên tinh thần của chúng, tạo nên thế địch – ta xen kẽ, kìm hãm những lực lượng quan trọng của địch tại các địa phương. Cách đánh đó thực hiện được nhờ “thế trận làng nước”, thế trận xen kẽ cài răng lược địch – ta đã được tạo nên, làm cho đại quân của địch bị sa lầy, mất sức chiến đấu và thất bại. Chính cách đánh đó, cùng với việc bảo toàn và củng cố khối đại quân chủ lực của triều đình đã góp phần to lớn vào việc tạo thời cơ và nắm thời cơ thực hành phản công chiến lược giải phóng Thăng Long. Trần Hưng Đạo đã tổng kết: “Địch cậy trường trận, ta cậy đoản binh. Lấy đoản chống trường là điều thường trong binh pháp”. Chính nhờ thế trận chiến tranh toàn dân và nghệ thuật quân sự “ lấy đoản binh chế thường trận” đó mà sức mạnh quân dân ta khắp các địa phương có thể phát huy tốt để đánh thắng quân địch.
Đế quốc Nguyên – Mông là kẻ thù xâm lược lớn nhất và tàn bạo nhất trong lịch sử nước ta cho đến lúc đó. Chúng kiên quyết đánh chiếm kinh đô Thăng Long, hy vọng đó là bước quyết định để đánh chiếm Đại Việt, lấy đó làm bàn đạp phát triển xâm lược các nước ở phương Nam. Nhưng quân dân Thăng Long và cả nước quyết không sợ kẻ địch mạnh, đã đứng lên kiên cường kháng chiến, cuối cùng đã đánh bại được ý chí xâm lược của chúng. Trong thế trận chiến tranh toàn dân, trăm họ là lính, cả nước đánh giặc, sức mạnh của địch không thi thố được mà chúng lại bị vô hiệu hoá dẫn đến tổn thất.
Như vậy, qua thực tiễn đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam, đến đời Trần, nghệ thuật quân sự đã được tổng kết trên những nét cơ bản, được phát triển một bước và ở Thăng Long một lý luận quân sự Việt Nam đã xuất hiện rõ nét.