Anh thợ cơ khí liều và dây chuyền bột cá siêu rẻ
Sửa… thử
Sông Đốc là một cửa biển lớn ở Cà Mau với gần 1.000 phương tiện đánh bắt thủy hải sản mang về đất liền không dưới 70 ngàn tấn tôm cá mỗi năm. Đó là chưa kể đến một lượng lớn cá vụn chở về nặng tàu nhưng không bán được mà ngư dân bỏ lại trên biển.
Tận dụng những nguồn phụ phẩm từ nghề đánh cá, khoảng mười năm trước tại cửa biển này đã mọc lên một nhà máy chế biến bột cá mang tên Sing Việt.
Chuyện bắt đầu từ khi Sing Việt nhập khẩu thiết bị từ Thái Lan về (dây chuyền chế biến bột cá lúc bấy giờ ở khu vực Đông Nam Á, không có nước nào sản xuất ngoài Thái Lan). Chính vì vậy, khi thiết bị về đến Sông Đốc, các kỹ sư nước bạn cũng đi theo để lắp ráp bởi chỉ có họ mới hiểu hết “ruột gan” của dây chuyền công nghệ được xem là “tối tân” ở thời điểm này. Lực lượng kỹ sư chỉ có vài người nên cần thợ cơ khí, cơ điện có tay nghề tại địa phương làm các việc phụ. Đặng Lợi được mời đến lắp ráp “râu ria” cho dây chuyền chế biến bột cá đầu tiên ở cửa biển này.
Ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), Đặng Lợi được mọi người đánh giá là một thợ cơ khí, sửa chữa máy tàu trẻ tuổi nhưng lại có tay nghề cao. Đối với những máy tàu “cổ lỗ sĩ”, không có phụ tùng thay thế mỗi khi hư hỏng, anh đều có thể “chế đồ món” lắp ráp vào, giúp máy chạy êm ru… Chính vì vậy, trước mỗi chuyến đi biển ngư dân Sông Đốc đều đưa tàu cho Lợi… “khám”.
Lợi nhớ lại: “Mình nghe các kỹ sư nói với nhau rằng dây chuyền này do Thái Lan và Đan Mạch liên kết nên nhóm thợ sang đây lắp ráp, mỗi người cũng chỉ biết một công đoạn; huống chi mình chỉ là một thợ cơ khí nhà quê. Tuy nhiên, khi nghe họ chê cười, mình tức lắm, nghĩ bụng sẽ quyết chế tạo một cái máy chế biến bột cá tốt hơn của nước ngoài nhập về”.
Bẵng đi vài năm, dây chuyền sản xuất bột cá của công ty Singapore đầu tư tại Sông Đốc gặp sự cố hư hỏng nặng. Liên hệ với nước ngoài thuê kỹ sư Thái Lan sang sửa chữa với giá cao nhưng vẫn không được. Nghe tin này, Đặng Lợi tìm đến Sing Việt “xin” được “khám” toàn bộ dây chuyền. Ban đầu, chủ nhà máy không cho, nhưng thuyết phục mãi, cuối cùng Lợi cũng được vào để “sửa thử” và anh đã nhanh chóng khắc phục được sự cố trong thời gian rất ngắn.
... Đến làm thật
Việc sửa thành công dây chuyền sản xuất bột cá đã giúp Đặng Lợi phấn chấn tinh thần bởi anh đã tiếp xúc được với hệ thống bơm dầu nhiệt, hộp số, lò nấu…của hệ thống máy móc đồ sộ. Cũng qua lần này anh thấy mình không còn “tự ái” nửa vì nhiều người đã nhìn anh với nét mặt thán phục.
Một ngày đầu năm 2003, Lợi bất ngờ bàn với vợ gom góp tiền của để tự tay làm ra một dây chuyền sản xuất bột cá cải tiến. Được vợ ủng hộ, ngay hôm sau Lợi đón tàu cao tốc ra Cà Mau mua về đủ loại sắt thép rồi cùng nhóm thợ của xưởng cơ khí mang tên anh lập bản vẽ, thiết kế dây chuyền sản xuất bột cá.
Trong thời gian nghiên cứu toàn bộ dây chuyền để tải tiến theo hướng giảm chi phí đầu tư, giảm chi phí đầu vào khi nạp nguyên liệu…, Lợi nhận một hợp đồng quan trọng là sửa ống dẫn dầu truyền nhiệt cho nhà máy bột cá Gành Hào (Bạc Liêu) với giá chỉ có 145 triệu đồng. Nhà máy này có giá trị đầu tư trên 7 tỷ đồng từ công nghệ hiện đại của Nhật Bản, nhưng ống dẫn nhiệt bị hư sau khi hết hạn bảo hành (trong nước không có thiết bị thay thế).
Trước khi ký hợp đồng với Đặng Lợi, giám đốc nhà máy đã liên hệ gần chục đơn vị có tiếng trong ngành cơ khí miền Nam nhưng chỉ có hai đơn vị trả lời, với giá lắp đặt cao gấp đôi so với hợp đồng của Lợi.
Nhận được hợp đồng, Đặng Lợi cùng các cộng sự phải “đấu” cả trí và lực với cái giàn lò xo khổng lồ dài 4m, đường kính gần 1m, được tạo bởi ống sắt tròn có đường kính 102mm, dày 4mm. Sau khi nghiên cứu kỹ, Đặng Lợi đã tự chế một giàn nhông để cuốn từng ống sắt thẳng thành những vòng tròn rồi hàn lại. Các khâu còn lại, Lợi làm nhanh như trở bàn tay; anh thành công tuyệt đối.
Với thành công này, Đặng Lợi được tiếp xúc nhiều hơn với dây chuyền sản xuất bột cá và trở nên nổi tiếng ở trong làng cơ khí ở Cà Mau. Từ đây, anh nghiệm ra nguyên tắc hoạt động của toàn bộ dây chuyền, đặc biệt là phương pháp giảm chi phí đầu tư máy móc và giảm chi phí sản xuất để lợi nhuận được tăng cao.
Đặng Lợi cho biết: “Mình xem công nghệ của họ rồi cải tiến lại để làm sao cho tiện lợi hơn mà sản xuất ra sản phẩm chất thật chất lượng chớ không thể “nhái nguyên con” được. Qua nghiên cứu, tôi thấy tại khâu giải nhiệt sản phẩm theo công nghệ Thái Lan là dùng môtơ bơm nước qua bồn giải nhiệt rồi dùng băng tải đưa qua bồn. Nếu đi vòng như vậy sẽ rất tốn kém, tôi bỏ luôn công đoạn đưa qua bồn nhưng thiết kế thêm một lớp bọc quanh vòng xoáy để giải nhiệt ngay trong quá trình băng tải”.
Với cách làm này, dây chuyền sản xuất bột cá của Đặng Lợi tiết kiệm được nhiên liệu trong bơm rửa, đồng thời tiết kiệm được điện năng vì không cần sử dụng môtơ điện.
Thành công "trên cả mong đợi"
Sau nhiều lần cải tiến, “cắt” bớt những thiết bị không cần thiết, cuối cùng chiếc máy “made in Sông Đốc” của Đặng Lợi cũng nên hình. Những ngày đầu nhìn thấy dây chuyền này mọi người đều cho rằng rất khác của máy móc nhập về từ Thái Lan, và giống… “con quái vật”.
Ngày khai trương nhà máy bột cá, nghe Lợi công bố chi phí đầu tư chỉ có 800 triệu đồng (thấp bằng 1/4 giá nhập thiết bị ngoài nước), mọi người vỗ tay rần rần. Toàn bộ dây chuyền vận hành êm ru, không thải ra mùi hôi (một nhược điểm khó khắc phục của các nhà máy khác).
Từ thành công này, hàng chục đối tác khắp mọi miền đất nước đã tìm đến với Đặng Lợi để hợp đồng lắp ráp dây chuyền sản xuất bột cá. Anh cho biết: “Ngoài những nhà máy ở Cà Mau, xưởng cơ khí nhỏ này đã xuất kho trên 10 dây chuyền sản xuất bột cá đưa đi lắp ráp ở các tỉnh như: Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Đà Nẵng… Hiện giá bình quân của một dây chuyền cải tiến có công suất 80 - 100 tấn/ngày khoảng 3,8 - 4 tỉ đồng, nếu nhập thiết bị ngoài nước, sẽ đội lên khoảng 9 - 10 tỉ đồng”.
Lợi còn cho biết ngoài dây chuyền sản xuất bột cá cải tiến, anh vừa “sáng chế” thành công dây chuyền sản xuất muối iốt chất lượng cao từ phương pháp… sản xuất đường cát chỉ tốn chi phí 250 triệu đồng. Dây chuyền này hiện đã được chuyển giao cho một công ty sản xuất muối iốt ở Bạc Liêu vận hành rất hiệu quả, muối sản xuất ra đạt chất lượng vượt trội so với các nhà máy trong khu vực.
Nguồn: vnn.vn 30/6/2008