Anh Hồng “mạ khay”
Anh cũng là người tiên phong đưa mô hình mạ khay vào sản xuất năm 1997. Từ đó, nghề trồng mạ khay không những được người dân trong huyện, tỉnh học theo mà còn “vang danh” khắp cả nước...
Suốt thời trai trẻ bôn ba kiếm sống ở nước ngoài, anh Hồng luôn trăn trở trước nỗi nhọc nhằn của bà con quê mình. Trong khi đó, tận mắt chứng kiến nông dân ở các nước phát triển sản xuất nông nghiệp bằng phương thức canh tác hiện đại, lòng anh không khỏi băn khoăn. Về nước với số vốn kha khá, anh quyết tâm tìm hướng đi cho nghề trồng lúa, cũng là cách anh đền đáp ân tình với quê hương, làng xóm. Trong quá trình tìm hiểu cây mạ, anh luôn trăn trở với câu hỏi : “Cây mạ như thế nào sẽ cho năng suất cao, làm sao để đưa kỹ thuật tiên tiến của nước bạn về với bà con...”.
Năm 1997, anh Hồng quyết định đưa vào thử nghiệm mô hình mạ khay với số vốn ban đầu 300 triệu đồng. Lứa mạ đầu chỉ đủ cung ứng cho 7.500 m 2ruộng của bà con chòm xóm. Sau một vụ, thấy mạ khay cho gạo chất lượng tốt, năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, bộ rễ khỏe, khả năng đẻ nhánh mạnh..., bà con bắt đầu quan tâm và tìm mua. Năm 2000, do nhu cầu mạ khay tăng mạnh, anh Hồng mở rộng sản xuất sang các xã như Dân Lực, Vân Sơn, Quảng Phúc (Quảng Xương); Minh Thọ, Hoàng Giang (Nông Cống). Bình quân mỗi năm, anh sản xuất trên 200.000 khay, đảm bảo mạ cấy cho 2.500 ha lúa lai và lúa thuần. Riêng cơ sở sản xuất “tại gia” đã cung cấp khoảng 7.000 khay mạ, với hệ số quay vòng 3 - 3,5 lần/khay, thời gian 5 - 7 ngày. Mạ cấy khi có 2 - 2,5 lá, bà con có thể bảo quản thêm 2 - 3 ngày nếu chưa làm đất kịp.
Ở mạ xúc cấy đại trà, cứ 100g lúa giống, hàm lượng protein chỉ chiếm 18%; với mạ khay, hàm lượng này lên tới 30%. Mỗi sào (360m 2) lúa thuần chỉ cấy khoảng 9 khay, lúa lai cấy 7 khay, kích thước mỗi khay 30 x 60 cm nên diện tích sản xuất mạ chỉ chiếm 1% diện tích gieo cấy. Năm 2007, giá giống lúa thuần 4.000 đồng/khay, lúa lai 7.000 đồng/khay, chi phí cấy 1 sào lúa thuần là 36.000 đồng, lúa lai 49.000 đồng. So với lúa giống bên ngoài, giá thành mạ khay tương đương nhưng bù lại, người dân không phải chuẩn bị đất và công gieo cấy mạ, hạn chế sâu bệnh, khâu vận chuyển đơn giản, tiện lợi. Mỗi năm, cơ sở sản xuất của anh Hồng thu lãi ròng hơn 100 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 15 lao động.
Mạ khay có nhiều ưu điểm so với mạ xúc cấy đại trà như: thích hợp gieo cấy các giống lúa ngắn ngày trên trà xuân muộn và sớm nên có thể chủ động được lịch thời vụ, mạ khỏe, năng suất cao...Đặc biệt, mạ khay có thể sản xuất tập trung hoặc sản xuất với quy mô hộ gia đình trong sân nhà hoặc góc vườn. Lượng thóc giống chỉ mất khoảng 0,8-1kg/sào đối với lúa lai; 1,6-2kg/sào lúa thuần; lại giảm được ngày công lao động, tiện lợi trong khâu vận chuyển.
Anh Hồng tâm sự: “Tôi sẽ cố gắng phát triển mô hình này để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân trong vùng. Hy vọng một ngày gần đây, bà con có thể tiếp thu tiến bộ kỹ thuật trong việc chọn lọc giống cây trồng để tăng năng suất, từ đó, nâng cao mức sống”. Dù đã thành công với mô hình mạ khay, anh Hồng vẫn đều đặn tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do huyện và tỉnh tổ chức. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm mạ khay để bà con có thể làm giàu từ cây lúa...