Albert Einstein và mối tình với nữ điệp viên Nga
Hẳn là Margarita Konenkova không hình dung được cuộc sống của mình sẽ ra sao khi nhận nhiệm vụ của cơ quan an ninh Liên Xô. Và hẳn cô cũng chẳng lường trước được cuộc gặp gỡ với Albert Einstein, một nhà bác học vĩ đại nhưng rất bình dị và si tình, có thể thay đổi cuộc đời mình đến mức nào. Nhưng số phận Margarita quả là đã xoay chuyển, đến mức chẳng còn đường lùi…
Kiệt tác trong mắt “Rodin nước Nga”
“Margarita đẹp đến nỗi tôi có cảm tưởng nàng là kiệt tác của một danh họa bí ẩn nào đó. Đôi bàn tay nàng – đôi bàn tay đẹp một cách kỳ lạ với những ngón thanh mảnh yêu kiều… Những ngón tay như thế tôi chưa thấy bao giờ!...” - Chồng Margarita, nhà điêu khắc Nga Sergei Konenkov đã viết trong nhật ký như vậy khi nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên với thiếu nữ sau này trở thành vợ mình.
Từ thị trấn nhỏ Sarapul, Margarita lên Moscow để học luật. Cô sống cùng với gia đình tiến sĩ Ivan Bunin, và ở đó cô đã quen với Konenkov, một nhà điêu khắc tài ba nhưng đã cứng tuổi. Konenkov yêu Margarita đến nỗi đã theo nàng về tận Sarapul, nơi nàng được chuyển đến để tách khỏi “gã si tình ương ngạnh”. Nhưng dường như số phận đã buộc họ với nhau. Chẳng bao lâu, Margarita lại xuất hiện trước ngưỡng cửa căn hộ của Konenkov ở Moscow để rồi ở lại đấy luôn bảy năm…
Margarita nhanh chóng hòa nhập với đời sống văn nghệ sĩ thủ đô. Cuộc hôn nhân của hai người có thể nói là tốt đẹp, nhưng chẳng vì thế mà người đẹp Margarita tránh được những cuộc phiêu lưu tình ái với các nhân vật nổi tiếng khác như nhạc sĩ Sergei Rachmaninov hay danh ca Fiodor Chaliapin… Chồng nàng tất nhiên là thấy hết. Nhưng Konenkov không chỉ là một nhà điêu khắc tài năng mà còn là một người đàn ông khôn ngoan biết làm ngơ trước những “đam mê” của người vợ trẻ.
Năm 1923, hai vợ chồng Konenkov sang Mỹ để dự triển lãm nghệ thuật Nga-Xô tại New York. Theo dự kiến, chuyến đi chỉ kéo dài vài tháng. Nhưng cuối cùng hơn 20 năm sau họ mới có cơ hội quay về tổ quốc...
Ở Mỹ, Margarita đã thay đổi rất nhiều. Trút bỏ những bộ trang phục xoàng xĩnh, buồn tẻ, phu nhân của “Rodin nước Nga” lột xác với những bộ váy áo sang trọng và những món trang sức tinh tế. Căn hộ của họ cũng trở thành một “Phòng khách thời thượng” với một quầy bar bằng gỗ do chính tay ông chủ chạm khắc. Margarita ngày càng tỏa sáng trong giới thượng lưu New York và nhờ người vợ khả ái này mà Konenkov đã nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ những nhân vật có ảnh hưởng nhất nước Mỹ.
Năm 1935, Đại học Princeton đặt Sergei Konenkov làm tượng bán thân của nhà bác học Albert Einstein…
Yêu nhà bác học đào hoa
Khi đó Einstein đã 56 tuổi. Ngoài tiếng tăm của một nhà khoa học lớn, Einstein còn nổi tiếng là người đàn ông được phụ nữ ái mộ.
Einstein đã kịp kết hôn lần thứ hai. Người vợ đầu tiên của ông, bà Mileva Maric, lớn hơn chồng 4 tuổi. Trong thư gửi cho con trai mình, Einstein viết: “Mẹ con là một phụ nữ Slavơ điển hình với cáchphản biện dữ dội và kiên định. Bà ấy không bao giờ tha thứ cho những sai lầm…” Tuy nhiên, Einstein cũng cư xử với vợ mình không được bao dung cho lắm. Khi mang thai lần đầu (lúc chưa kịp làm đámcưới), Mileva đã phải về nhà cha mẹ đẻ ở Serbia để sinh nở và sau đó cô cũng không được mang đứa con gái nhỏ về nuôi vì Einstein cho rằng một đứa trẻ ngoài giá thú có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp củaông. Và chuyện này đã khiến vợ chồng họ rất căng thẳng.
Einstein và người vợ đầu tiên, Mileva Maric |
Mặc dù sau đó vợ chồng Einstein còn sinh thêm hai người con trai nữa, nhưng quan hệ giữa họ khá lạnh lẽo. Mileva hay ghen với Albert vì ông rất đào hoa. Thi thoảng lại có một quý bà đánh ô tô đến chở ông đi cả ngày. Ngoài ra Mileva còn cho rằng chính Einstein đã làm hỏng sự nghiệp của bà. Mileva cũng là một nhà toán học giỏi giang, và trường đại học mà Albert phải thi hai lần mới đỗ thì bà đã đỗ ngay từ lần thi đầu. Tất cả những mâu thuẫn ấy khiến hai người không chịu đựng được nhau và cuối cùng đã chia tay sau nhiều năm ly thân.
Einstein và người vợ thứ hai, Elsa |
Tuy nhiên, trước khi ly hôn, Mileva đã toan tính khá kỹ: bà ra điều kiện rằng nếu Einstein giành giải Nobel thì giá trị vật chất từ giải thưởng sẽ thuộc về bà. Einstein đồng ý, và chỉ hai năm sau ôngđã có cơ hội thực thi lời hứa này (họ ly hôn năm 1919 thì năm 1921 Einstein đoạt giải Nobel Vật lý).
Vừa ly hôn xong Albert lập tức được cô em họ Elsa săn đón. Elsa là một người đàn bà xa xỉ và hời hợt. Cô mê của ngọt, quần áo đẹp, đồ trang sức quý, những chuyến du hí xa hoa… Elsa cũng mê cả AlbertEinstein nữa, nhưng tất nhiên là kèm với danh tiếng của ông và việc ông có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu vật chất.
Trong khi đó, bản thân Einstein lại rất thờ ơ với sự xa xỉ. Nhưng đó là thời điểm trước năm 1935, khi ông vẫn chưa bước qua ngưỡng cửa của nhà điêu khắc Xô Viết Sergei Konenkov và chưa làm quen với nàng Margarita kiêu sa và lộng lẫy như một đóa hoa mãn khai (lúc quen nhau, Margarita 39 tuổi, còn Einstein tròn 56 tuổi).
"Almar"
Nhiều mối tình lớn đã nảy sinh ngay sau tiếng sét đầu tiên. Nhưng với Albert và Margarita thì khác: tình yêu của họ đi những bước chầm chậm nhưng cuối cùng thì không thể dừng lại!
Sergei Konenkov chỉ đến chỗ Einstein ở Đại học Princeton một lần duy nhất còn sau đó ông tự làm việc với bức tượng bán thân của nhà bác học mà không cần “nguyên mẫu” nữa. Nhưng Margarita thì càng lúc càng năng ghé Princeton hơn. Sau năm 1936, khi người vợ thứ hai của Einstein qua đời, Margarita đã có một vị trí vững chãi trong tim nhà bác học.
Einstein thường tự trào rằng mình nổi tiếng nhờ cái đầu... bù xù này |
Tuy nhiên, suốt ba năm trời, đôi tình nhân này chỉ có thể tranh thủ hẹn hò trong bí mật. Tình cảnh ấy khiến Einstein phát khùng và ông đã quyết định thực thi một… cú lừa. Ông đã viết cho SergeiKonenkov một lá thư dài, “mật báo” rằng “bà nhà ông” đang bệnh nặng kèm theo đủ các loại giấy chứng nhận y khoa do các bác sĩ (đều là chỗ bạn bè Einstein) cung cấp cùng những lời khuyên khẩn thiếtrằng bà Konenkova cần thường xuyên đi tĩnh dưỡng ở nơi có khí hậu trong lành tại vùng hồ Saranac. Lo lắng cho sức khỏe của vợ, Konenkov đã để Margarita đến Saranac nghỉ mà không hề biết rằng ở đó cókhu điều dưỡng Einstein vẫn thường lui tới…
Saranac trở thành thiên đường tình yêu cho Albert và Margarita. Căn phòng mà hai người ở với nhau được họ đặt tên là “chiếc tổ nhỏ”. Những món đồ mà họ tặng nhau thì được mang tên chung là “Almar”(ghép bởi các chữ cái đầu tiên trong tên hai người: Albert và Margarita) như tấm chăn Almar, chiếc ghế bành Almar, cái tẩu Almar… Margarita còn hay giúp nhà bác học gội mái tóc bù xù trứ danh củaông. “Anh vừa mới tự gội đầu, nhưng không được thành công lắm. Anh không có được sự khéo léo, gọn ghẽ của em… Mọi thứ ở đây khiến anh nhớ em biết bao… Và “chiếc tổ nhỏ” của chúng ta cũng trở nênthật trống trải…”– ông đã viết như vậy cho Margarita sau khi nàng đã rời nước Mỹ để trở về tổ quốc.
Chẳng bao lâu chồng Margarita cũng biết rằng mối quan hệ giữa vợ mình với nhà bác học nổi tiếng đã vượt quá giới hạn bạn bè. Và, trái với thông lệ, lần này Sergei đã làm om cả lên. Có lẽ người đàn ông này hiểu rằng thứ tình cảm mà Margarita dành cho Einstein “rành mạch” hơn những niềm đam mê trước đây của nàng. Nhưng om sòm đã không ngăn cản nổi Margarita – nàng vẫn tiếp tục gặp gỡ Einstein cho đến lúc rời đất Mỹ và hồi hương vào năm 1945.
Trước khi chia tay, Einstein có tặng cho Margarita một chiếc đồng hồ vàng. Về sau, vào cuối thế kỷ XX, kỷ vật này cùng với một số bức thư của hai người đã được trưng bày tại một cuộc bán đấu giá. Và chính những bức thư ấy đã trở thành vật chứng cho mối tình dịu ngọt giữa Margarita và Albert. Trước khi phát hiện ra những bức thư này, người ta đã nghĩ hơi khác…
Einstein và Margarita lúc ở Mỹ |
Margarita từng làm việc cho cơ quan an ninh Liên Xô và người ta ngờ rằng nàng đã lợi dụng các mối quan hệ trong giới thượng lưu Mỹ để thu thập các bí mật liên quan đến hạt nhân (bằng cớ hùng hồn nhất cho “nghi án” này là trong vài bức ảnh Margarita đã xuất hiện ngay bên cạnh Robert Oppenheimer – “cha đẻ” của bom hạt nhân Mỹ).
Einstein biết điều này và rất thương Margarita. Ông vẫn gọi Liên Xô là “đất nước chai sạn của nàng”. Còn sau này, khi Margarita hồi hương, trong các bức thư ông đã hỏi nàng rằng liệu “các cựu thủ trưởng” có làm phiền nàng không. Nhưng việc các “thủ trưởng” ấy không có chuyện trở thành “cựu” đối với Margarita, nhà bác học này hẳn là không đoán được.
Ông cũng đã cố gắng trong khả năng của mình để giúp đỡ Margarita. Thậm chí ông còn đồng ý đến gặp cả Phó lãnh sự Liên Xô tại New York là Pavel Mikhailov, người chịu trách nhiệm giám sát các quan hệ khoa học. Tuy nhiên, cuộc gặp đã không mang lại kết quả nào - Einstein đã từ chối hợp tác với cơ quan an ninh Liên Xô.
… Khi vợ chồng Konenkov trở về Nga, theo chỉ thị riêng của Stalin, cả một chuyến tàu biển đã được thuê để chở toàn bộ tác phẩm của Sergei Konenkov về. Tại Moscow, nhà điêu khắc này đã được giao toàn quyền sử dụng một xưởng lớn nằm ngay trên đại lộ Gorky – đó là đặc ân mà chưa một nghệ sĩ nào ở Liên Xô dám mơ.
Nhưng sau đó, một làn sóng đố kỵ đã trút lên đầu vợ chồng Konenkov – vì rằng lúc bom rơi đạn nổ thì họ được yên ổn ở nước ngoài, vì rằng giờ đây họ lại nhận được quá nhiều đặc ân của nhà nước. Mệt mỏi vì những lời công kích, Margarita đã viết một lá thư gửi thẳng cho Bộ trưởng Nội vụ lúc bấy giờ là Beria với lời đề nghị “bảo vệ gia đình tôi khỏi những sự công kích vô căn cứ vì những cống hiến của tôi và của Sergei Konenkov đối với tổ quốc…”.Nếu như những cống hiến của Sergei mọi người ít nhiều đều biết thì những cống hiến của Margarita họ chỉ có thể phỏng đoán mà thôi. Đến tận bây giờ, việc vợ chồng Konenkov đã làm những gì trong hơn 20 năm ở Mỹ vẫn chưa được tiết lộ.
Em nói em yêu anh
Việc trao đổi thư từ vẫn được Einstein và Margarita duy trì thêm mười năm nữa, đến tận lúc ông từ trần vào năm 1955. Thư của Einstein thường đượm vẻ u hoài. “…Khác với anh, em vẫn còn, có lẽ là, vài chục năm nữa dành cho một cuộc sống năng động và sáng tạo. Anh nghĩ rất nhiều đến em và từ đáy lòng anh cầu chúc cho em luôn can đảm và lạc quan để bước vào cuộc sống mới…”
Einstein đâu biết rằng thời của những bộ trang phục lộng lẫy và những cuộc chiêu đãi sang trọng của Margarita đã lùi vào quá khứ. Cuộc sống mới của nàng giờ đây chỉ quẩn quanh với việc nội trợ. Vợ chồng nàng cũng không thể có con nữa – suốt thời trẻ nàng đã ngại có con vì sợ sẽ làm hỏng mất vóc dáng tuyệt mỹ của mình…
Sau khi Konenkov mất (năm 1971), Margarita chỉ còn lại một mình. Bà hầu như không đi đâu, thậm chí bạn bè và người thân bà cũng tránh. Nhiều khi bà nằm cả tuần trên giường và phát phì kinh khủng. Người quản gia còn công khai chế nhạo bà, chỉ cho bà ăn bánh mì đen với cá trích và luôn tìm cách “thó” đồ đạc của bà…
Năm 1980, Margarita Konenkova, người đẹp chói lòa một thuở, đã chết vì kiệt sức do bỏ ăn. Dường như Margarita muốn ra đi, bởi lẽ không còn điều gì níu giữ bà nữa, ngoài một chiếc hộp chạm trổ bên trong đựng tờ giấy có bài thơ mà Einstein viết tặng bà. Xin tạm dịch bài thơ đó như sau:
Vòng vây gia đình, em đâu thể thoát ra.
Nỗi bất hạnh của hai ta là thế
Làm sao xuyên thấu trời cao kia
Mà tương lai hai ta lại ẩn sâu trong đó.
Đầu anh cứ ong lên
Đôi tay và trái tim anh suy kiệt...
Em nói em yêu anh
Nhưng đâu phải vậy.
Anh đành gọi thần tình yêu xin cứu giúp
Để nài mong em hãy xót thương.
AE (Giáng sinh 1943)