2006: Chất lượng không khí sẽ được dự báo
" Taykhông bắt giặc"
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường (NCMT), Viện Khí tượng thủy văn cho biết, chủ trương xây dựng website về chất lượng không khí đã có từ hai năm trước.
Những thông tin dự báo chất lượng môi trường không khí sẽ được "ở nhờ" trên website của Viện Khí tượng thủy văn (KTTV).
Hiện Viện có năm trung tâm nghiên cứu, các trung tâm đều có phần tin của mình. Những thông tin dự báo thời tiết, về cơ cấu tổ chức của viện và nhiều thông tin chung chung như các số liệu về quan trắc môi trường đã được đưa lên.
Mục dự báo chất lượng không khí sẽ được thông tin theo năm cấp độ đánh giá: rất trong sạch, trong sạch; mức trung bình, ô nhiễm và rất ô nhiễm chứ không nêu cụ thể nồng độ hóa học theo kiểu "kinh viện".
Còn nếu các nhà khoa học muốn kiểm tra nồng độ bao nhiêu thì trung tâm NCMT sẽ cung cấp thêm. Website có hai mục: phân bố theo không gian về chất lượng không khí, từng tỉnh sẽ có bản đồ, cho vùng đồng bằng Bắc Bộ, trên bản đồ đó sẽ có bảng chất lượng không khí của từng tỉnh tại những thời điểm nhất định, ví dụ ở các điểm mà hoạt động dân cư xã hội nhiều nhất, như từ 7-8 giờ sáng và buổi trưa thì 5-6 giờ chiều.
Loại thứ hai là các bảng biểu hoặc những đồ thị chỉ sự biên đổi chất lượng không khí trong một hoặc ba ngày tại các thành phố lớn (biến đổi theo thời gian).
Những thông tin này do chính Trung tâm NCMT thực hiện. Đây là phần cơ bản, nhưng trong quá trình hoạt động nếu có yêu cầu của người xem thì có thể có thêm các phần mục khác.
Tất cả việc xây dựng khung chương trình hiện nay do 10 người đảm nhiệm, khi cập nhật hằng ngày sẽ có ba người chuyên trách. Các nhà khoa học ở Viện KTTV hy vọng Website này sẽ là bản tin cập nhật về chất lượng không khí như bản tin dự báo thời tiết.
Theo số liệu của Phòng quản lý môi trường, khí tượng và thủy văn - Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội, hiện thủ đô có hơn 300 cơ sở công nghiệp, trong đó 2/3 đóng ở nội thành, tính ra cứ 10.000 dân nội thành mỗi ngày phải hứng chịu lượng khí thải từ một nhà máy, 1.000 ô-tô và 500 xe máy.
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, giảm bụi, TP Hà Nội đã có một số quy định bảo vệ môi trường, đáng chú ý là việc cấm các xe chở vật liệu hở, mới đây là dựng trạm rửa xe trước khi vào thành phố...
Sắp tới, Hà Nội cũng sẽ lập năm bảng điện tử ở năm cửa ô thông báo tình hình không khí ở các khu vực của Hà Nội, song đó sẽ chỉ là thông tin trong ngày, chưa có tính dự báo. Website chất lượng không khí, vì vậy, có thể coi là kết quả của nghiên cứu khoa học cố gắng đi sát với thực tế.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dương Hồng Sơn, việc hình thành website này lại hoàn toàn do các nhà khoa học tự làm, do "ấm ức" khi thấy nhiều nước trên thế giới người ta lập website chất lượng không khí, thông báo về chất lượng không khí.
Nước láng giềng Trung Quốc, năm 2001 đã có thông báo - dự báo về chất lượng không khí cho tất cả các thành phố lớn, hoặc Hồng Công, Thái-lan đều có.
"Theo báo cáo của các nhà khoa học trên thế giới thì 50% lượng SO 2lắng đọng ở miền bắc Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc và Thái-lan, mà mình ở Việt Nam thì lại không biết thông tin này, thế nên chúng tôi quyết định mình cũng phải có website về lĩnh vực này" - ông Sơn nói.
Cũng chính vì không phải đơn đặt hàng của Nhà nước nên khởi đầu đề tài dự báo chất lượng không khí một số thành phố lớn ở đồng bằng Bắc Bộ được ghé vào website của viện KTTV để phổ biến thông tin chất lượng không khí miễn phí. Về lâu dài, để websile này sống được, nhóm nghiên cứu mong sẽ được tài trợ để phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng như mục dự báo thời tiết. Có như vậy thì thông tin dự báo mới có hiệu quả với công chúng vì không phải ai cũng có điều kiện truy cập internet.
Chất lượng thông tin dự báo, liệu có mỗi nhà một kiểu
Hiện có ba đơn vị đưa ra thông tin dự báo chất lượng không khí: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư (là đơn vị dự báo chính thống của Nhà nước), trường ĐHTH dự báo vì một quy trình công nghệ của họ đã được Bộ KH&CN phê duyệt, đã đưa vào dự báo thời tiết; Viện KTTV cũng đưa dự báo thời tiết, đề tài dự báo chất lượng không khí trên website này sử dụng thông tin của Viện KTTV.
Và, mỗi nơi đưa ra dự báo theo quan điểm và phương pháp của họ. Chắc chắn số liệu của các nguồn dự báo này không khớp nhau. Nhưng không thể nói cơ quan nào đúng, sai. Với ba nguồn thông tin, mà nguồn nào cũng có những căn cứ khoa học xác đáng thì người dân biết tin ai, tin ở mức độ nào?
Việt Nam đã có hàng loạt quy định, văn bản liên quan đến bảo vệ môi trường: Chúng ta cũng đã tham gia, ký kết Công ước Vienna năm 1994 về Bảo vệ tầng ozone; Công ước về biến đổi khí hậu năm 1994 của Liên hợp quốc; rồi Nghị định thư Kyoto năm 1998 về giảm phát thải khí nhà kính... song, công cuộc bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại do ô nhiễm môi trường ở ta vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa được bao nhiêu.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan quản lý chức năng cũng cần vào cuộc, trước là làm cầu nối giúp các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học gặp nhau, hỗ trợ thông tin, kết quả nghiên cứu với nhau. Hai là, giúp người dân có một nơi tin cậy để nghe và làm theo.
Nguồn: nhandan.com.vn 30/7/2005